22/02/2023 10:59 GMT+7

Hà Nội và TP.HCM sắp xếp lại trật tự vỉa hè

Đó là chủ trương của 2 thành phố lớn nhất nước. Trong đó Hà Nội sẽ quy trách nhiệm cán bộ nếu để xảy ra những tồn tại về trật tự đô thị.

Một đoạn vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM) bị chiếm dụng làm chỗ buôn bán, giữ xe - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Một đoạn vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM) bị chiếm dụng làm chỗ buôn bán, giữ xe - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm từ trước tới nay được xem là "điểm nóng" về vi phạm trật tự đô thị khi hầu hết các tuyến vỉa hè tại đây đều bị người dân "xẻ thịt" để làm nơi đỗ xe, kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt là tại các tuyến phố sầm uất như Hàng Bạc, lòng đường của phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến...

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 21-2, ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết kế hoạch của Ban chỉ đạo 197 Hà Nội được địa phương xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và thời gian tới "sẽ vào cuộc quyết liệt".

"Chúng tôi sẽ dẹp vi phạm trật tự vỉa hè, đô thị tại xung quanh khu vực hồ Tây trước, sau đó sẽ làm tới tới các khu vực khác" - ông Khuyến thông tin.

Chiều 21-2, lãnh đạo công an một phường tại quận Cầu Giấy cho biết đơn vị vừa nhận được kế hoạch từ TP và hiện đang tham mưu, xây dựng kế hoạch để thực hiện theo đúng chỉ đạo trong thời gian tới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Quân - phó chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết từ đầu năm 2023 quận đã ban hành kế hoạch và phát động năm trật tự an toàn giao thông, đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông. Theo ông Quân, tình hình trật tự đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bước đầu đã có những chuyển biến nhất định.

"Từ ngày 13-2-2023 đến nay, chúng tôi đã xử lý 482 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 566 triệu đồng. Trong đó, có 256 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, 196 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông và 30 trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường" - ông Quân thông tin.

Quận Hoàn Kiếm cũng sẽ giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các phường và trưởng các phòng, ban, ngành, các đơn vị liên quan. "Chúng tôi sẽ xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ được phân công phụ trách để xảy ra các tồn tại về trật tự đô thị. Đồng thời tổ chức họp giao ban hằng tháng để thực hiện kiểm đếm và đánh giá kết quả thực hiện về công tác này trên địa bàn các phường.

Xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch UBND phường buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, giao thông trên địa bàn" - vị lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nói.

Hà Nội: Làm đến đâu dứt điểm đến đó

Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng tại thủ đô.

Dọc tuyến phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phần lớn vỉa hè đều bị “xẻ thịt” làm nơi kinh doanh (ảnh chụp vào chiều 21-2) - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Dọc tuyến phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phần lớn vỉa hè đều bị “xẻ thịt” làm nơi kinh doanh (ảnh chụp vào chiều 21-2) - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Kế hoạch trên cũng nhằm quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, giữ xe; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".

Ban chỉ đạo 197 Hà Nội cũng thể hiện quyết tâm lớn trong đợt ra quân này với quan điểm "làm đến đâu dứt điểm đến đó trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng".

TP.HCM: Dùng camera giám sát vi phạm lòng đường, vỉa hè

Tại TP.HCM, tình trạng chiếm dụng lòng đường và vỉa hè để kinh doanh vẫn tồn tại ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị.

Mới đây, Thành ủy TP.HCM ra chỉ thị về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.HCM. Trong đó nhận định nguyên nhân của tình trạng trên là do chính quyền các cấp chưa quyết liệt. Công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa thống nhất, đồng bộ.

Do đó Thành ủy TP.HCM yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ngành chức năng, các địa phương tập trung xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý trật tự đô thị, tham mưu ban hành quy định mới về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè (thay thế quyết định số 74/2008).

Trong đó TP Thủ Đức và các quận huyện sẽ chủ động ban hành danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm thời vỉa hè (ngoài mục đích giao thông). Đồng thời, tiếp tục lắp đặt camera giám sát, quản lý và xử phạt ở một số điểm thường xuyên xảy ra vi phạm về trật tự lòng đường, vỉa hè.

Ngoài ra các đơn vị nghiên cứu lộ trình, quy định về chức năng ở kết hợp kinh doanh của hộ dân dọc những tuyến đường đủ điều kiện, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đề xuất quy định thí điểm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải để xảy ra tình trạng bến bãi, điểm đón trả khách không đúng quy định.

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh gắn với điều kiện về đảm bảo chỗ đậu xe nơi kinh doanh, không để ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

THU DUNG

TP.HCM sử dụng camera giám sát, xử lý trật tự lòng đường, vỉa hèTP.HCM sử dụng camera giám sát, xử lý trật tự lòng đường, vỉa hè

Tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.HCM, chỉ thị của Thành ủy TP.HCM chú trọng việc tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cản trở giao thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên