Biệt thự cũ nhếch nhác trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài |
Báo cáo kết quả giám sát do ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội ký nêu rõ: hiện nay nhiều biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954 bị các chủ sử dụng xây dựng cơi nới làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, không gian của biệt thự nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Đáng nói, theo Ban pháp chế, dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự song Sở Xây dựng, UBND một số quận vẫn cấp phép xây dựng, phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ.
Tương tự, công tác quản lý các biệt thự này cũng bị đánh giá là thiếu chặt chẽ. Hiện 63 biệt thự người dân tự phá dỡ, xây dựng mới nhưng cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng.
19 biệt thự được báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng.
48 biệt thự TP báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế thì 16 biệt thự vẫn còn, 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng. 45 biệt thự được báo cáo "không phải là biệt thự" nhưng thực tế có 8 nhà đúng là biệt thự.
Theo Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, sở, ngành chức năng đối với quỹ nhà biệt thự chưa chặt chẽ, chưa nghiêm túc dẫn đến vi phạm diễn ra trong một thời gian dài, không được ngăn chặn kịp thời.
Việc quản lý, khai thác sử dụng quỹ nhà biệt thự của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thiếu chặt chẽ, thậm chí buông lỏng, đã để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng - báo cáo giám sát nhận định.
Ban Pháp chế cũng cho rằng, tại thời điểm kết thúc giám sát, việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý biệt thự vẫn chưa có kết quả chính thức.
Trước thực trạng trên, Ban Pháp chế HĐND kiến nghị UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng, chính quyền các quận tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp tự phá dỡ, làm biến dạng, xây mới nhà biệt thự không đúng quy định.
Tiền phạt vi phạm xây dựng tăng 385%
Qua giám sát về quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ban Pháp chế cho biết trong năm 2015, số quyết định xử phạt hành chính do các cấp thẩm quyền ban hành đối với các công trình vi phạm xây dựng tăng 316% so với năm 2014, số tiền phạt vi phạm hành chính cũng tăng 385%.
Theo Ban Pháp chế, việc quản lý trật tự xây dựng cũng còn hạn chế, yếu kém.
Cao ốc 8B Lê Trực xây sai phép nghiêm trọng |
Ban dẫn chứng nhiều dự án có vi phạm về trật tự xây dựng như khu đô thị Mỗ Lao, khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, dự án Thăng Long Garden 250 Minh Khai, dự án tổ hợp công trình nhà ở, dịch vụ công cộng và văn phòng 88 Láng Hạ, dự án công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, công trình 8B Lê Trực… đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
Sự phối hợp giữa Thanh Tra xây dựng với chính quyền cấp huyện, xã trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng không kịp thời, để một số chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng dẫn đến khó xử lý.
Nhiều trường hợp vi phạm sau khi được báo chí nêu hoặc người dân có khiếu kiện thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mới kiểm tra xử lý như công trình 250 Minh Khai, 8B Lê Trực, 88 Láng Hạ.
Ban Pháp chế kiến nghị UBND TP nghiên cứu, thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra, tổng rà soát tất cả các dự án đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, tổng hợp phân loại vi phạm để có biện pháp xử lý vụ thể đối với từng dự án.
Ban Pháp chế cũng kiến nghị UBND chỉ đạo xem xét xử lý kiên quyết, dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng tại các dự án 8B Lê Trực, dự án công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, khu đô thị Mỗ Lao, Văn Quán - Yên Phúc, dự án 88 Láng Hạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận