Nhà văn Đỗ Phấn tặng chữ ký độc giả tại buổi ra mắt sách - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà văn Đỗ Phấn đã chia sẻ như vậy tại buổi ra mắt tủ sách Hà Nội trong mắt một người tại Hà Nội sáng 17-4.
Trả lời câu hỏi, Hà Nội từ xưa đến nay đã thay đổi thế nào? Nhà văn Đỗ Phấn nói rằng, đây là câu chuyện dài, ông không thể trả lời ngắn gọn trong một câu chuyện được. Ông cũng không phải là người theo chủ nghĩa nệ cổ, yêu quý bất cứ thứ gì của xưa cũ.
Nhưng có những thay đổi rất lớn trong đời sống mà mỗi người sống ở Hà Nội đều dễ dàng nhận thấy.
"Tôi chỉ cảm thấy nuối tiếc một điều là Hà Nội đứt gãy và mất đi một thứ mà khó lòng phục hồi được là cách ứng xử xưa không còn nữa. Cách ứng xử của người Hà Nội giờ lộn xộn, bát nháo.
Bây giờ chúng ta ra đường không còn có cảm giác người trẻ, người già, người trên, người dưới, người sang, người hèn... Chúng ta không còn có cảm giác gì nữa về phân tầng trong xã hội.
Nhiều sự kiện trong ngành giáo dục giữa thầy với trò, trò với thầy có những hành vi cư xử đến mức không tưởng tượng nổi. Trong nhiều ngành nghề khác cũng có biểu biện như thế. Nửa thế kỷ trước không có chuyện như vậy.
Trước đây, từ những người đạp xích lô chở mùn cưa đi bán cho các gia đình trong phố cũng rất có tự trọng, không bao giờ có lời ăn, tiếng nói, cử chỉ bất lịch sự. Cũng không có chuyện những người chủ nhà ở Hà Nội quát mắng người lao động.
Điều nguy hiểm nhất là Hà Nội bị mất đi lối ứng xử ấy. Nên cho dù có thêm bao nhiêu thứ nữa như hôm nay thì cũng không còn gì là Hà Nội nữa", nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ những lời xót xa.
Nói vậy, nhưng ông vẫn lạc quan: "Tôi không cảm thấy nghiêm trọng như Hà Nội sắp mất đến nơi. Hà Nội không bao giờ mất được mà chỉ có lúc này đậm đặc chất Hà Nội hơn và lúc khác bị pha loãng đi".
Nhà sưu tập Tạ Thu Phong lại nhìn nhận câu chuyện xâm lấn của thực dân Pháp không chỉ là bất hạnh mà còn là may mắn để các đô thị như Hà Nội được chuyển mình.
Những cuốn tản văn của Đỗ Phấn bao trùm là tâm trạng day dứt, đau đớn. Tôi cảm nhận được khi sự xâm thực của văn hoá ngoại lai làm mất dần đi lối sống của người thị thành Hà Nội. Tôi là dân ngoại tỉnh về Hà Nội, đọc văn của ông cũng có chút chạnh lòng, nhưng phải thừa nhận là ông nói rất đúng. Không chỉ người yêu Hà Nội mới cảm thấy đau đớn mà những người dù sống chưa lâu ở đây cũng cảm thấy thực sự đáng tiếc.
Nhà sưu tầm Tạ Thu Phong
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ, dù có nhiều người viết về Hà Nội thành danh, nhưng điều đặc biệt với Đỗ Phấn là ông có trí nhớ tuyệt vời về Hà Nội.
"Nhiều người thắc mắc Đỗ Phấn còn thiếu gì vật chất nữa mà cứ phải miệt mài viết như thế? Cố gắng tìm hiểu thì tôi biết rằng trong hình hài râu ria kia là một bầu máu nóng và tràn đầy nhựa sống", nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói về Đỗ Phấn.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tán dương, dù viết nhiều thể loại, nhiều cuốn sách, nhưng có thể nói Đỗ Phấn chỉ viết một cuốn sách, đó là cuốn sách về Hà Nội.
Nhân dịp này, ông Nguyên nhắc lại đề xuất mà ông từng nêu ra trước đây là thành phố Hà Nội nên có một giải thưởng cho các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm xuất sắc viết về thành phố.
Ý tưởng này được nhiều người tham dự buổi ra mắt sách ủng hộ nhiệt tình.
Tủ sách Hà Nội trong mắt một người do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành với mong muốn sẽ quy tụ nhiều cây bút viết với đa dạng những điểm nhìn, câu chuyện khác nhau về Hà Nội từ xưa đến nay.
Tủ sách không chỉ dành cho những ai sinh ra, lớn lên ở Hà Nội mà còn dành cho những người muốn biết về thành phố.
Bốn cuốn sách đầu tiên trong tủ sách này được giới thiệu đến độc giả là những cuốn tản văn của nhà văn - hoạ sĩ Đỗ Phấn: Bâng quơ một thời Hà Nội; Đi chơi Bờ Hồ; Ngẫm ngợi phố phường; Ngồi lê đôi mách với Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận