Nhiều người dân đã được hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm từ Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo nghị quyết này, mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của TP Hà Nội được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận với mức 1 triệu đồng/hộ.
Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội nhưng đang sống tại gia đình nhận mức 1 triệu đồng/người.
Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh ngừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo quyết định 23 của Thủ tướng) nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Lao động chấm dứt hợp đồng tại hộ kinh doanh dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo quyết định 23 của Thủ tướng) nhận mức tương tự.
Lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, GDNN có hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày trở lên từ 1-5 đến 31-12 và không thuộc đối tượng theo quyết định 23 thì nhận mức 1,5 triệu đồng/người.
Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng nhận mức hỗ trợ 1,5 tỉ đồng.
Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (trụ sở chính ở Hà Nội) phải dừng hoạt động 15 ngày liên tục trở lên từ 1-5 đến 31-12 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 nhận hỗ trợ 3 triệu đồng/chủ cơ sở.
Song song đó, người lao động mang thai nhận 1 triệu đồng/người. Người nuôi con đẻ, con nuôi, chăm sóc thay thế trẻ chưa đủ 6 tuổi nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ (hỗ trợ một người là mẹ/cha/người thay thế).
Nghị quyết lưu ý mỗi đối tượng chỉ hưởng chính sách mức cao nhất hoặc tự chọn một lần duy nhất, không hỗ trợ người tự nguyện không tham gia. Ai đã hưởng chính sách theo quyết định 3642 của UBND TP Hà Nội thì không được hưởng chính sách theo nghị quyết này.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 13-8-2021.
HĐND TP Hà Nội bổ sung 500 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố để cho người lao động vay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
UBND TP Hà Nội cũng xây dựng phương án đáp ứng oxy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn. Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn gồm giai đoạn đáp ứng tình huống 10.000 ca mắc COVID-19; giai đoạn tình huống 20.000 ca và giai đoạn đáp ứng tình huống 40.000 ca.
Việc phân loại người bệnh theo mức độ bệnh căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ (83,6%) và mức độ trung bình (7%). Bệnh nhân nặng cần thở oxy, oxy gọng kính (3,8%). Bệnh nhân rất nặng cần thở máy xâm nhập và không xâm nhập (3,6%). Bệnh nhân nguy kịch và can thiệp ECMO (2%).
Như vậy, trường hợp 40.000 người bệnh mắc COVID-19 sẽ có 3.120 người bệnh phải sử dụng oxy y tế (9,4%). Khâu phân phối oxy đến các cơ sở thu dung điều trị căn cứ thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận