04/02/2017 09:49 GMT+7

Hà Nội có thể phê bình người ăn mặc hở hang nơi công cộng

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Thành phố Hà Nội có thể nhắc nhở, phê bình công dân ăn mặc hở hang nơi công cộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử bản dự thảo quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội (http://sovhtt.hanoi.gov.vn) để xin ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận.

Bản dự thảo có 3 chương, 14 điều với những quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử tại một số nơi công cộng cụ thể.

Quy tắc ứng xử dự định sẽ được áp dụng cho các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong đó, phần quy tắc ứng xử chung khuyến khích 7 điều công dân nên làm: tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội quy, quy tắc nơi công cộng; tôn trọng không gian chung của cộng đồng; Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội; quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em; đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi sai trái; tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Bên cạnh đó là 12 điều Hà Nội khuyến cáo công dân không nên làm, trong đó có những điều như không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm; không thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng; không nói to, gây ồn ào, mất trật tự; không nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; không tự tiện sử dụng không gian, phương tiện, công trình công cộng vào mục đích cá nhân, không đúng quy định; không viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng…

Dự thảo Quy tắc ứng xử cũng nêu rõ, tại khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch, các công dân nên thể hiện tình cảm đúng mực đồng thời không chen lấn, xô đẩy, gây rối, không ăn uống, ngủ, nghỉ tùy tiện.

Dự thảo còn khuyến cáo thêm những điều nên làm và không nên làm tại một số nơi công cộng cụ thể ở Hà Nội như: vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, thuyền, sân bay; khi tham gia giao thông…

Các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội đều phải có trách nhiệm thực hiện quy tắc này.

Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy tắc sẽ được biểu dương, khen thưởng. Những ai vi phạm các quy định tại quy tắc ứng xử này, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội là cơ quan thường trực triển khai, tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử.

Thủ trưởng các cơ quan của thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử này tại cơ quan và trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên