07/12/2011 12:20 GMT+7

Hà Nội cân nhắc phương án điều chỉnh giờ học

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
XUÂN LONG - LÂM HOÀI

TTO - Sáng 7-12, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã trình bày tờ trình của UBND TP trình HĐND TP về việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, UBND đề xuất thực hiện phương án điều chỉnh trong phạm vi 10 quận nội thành và hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm.

Hà Nội trình Thủ tướng phương án thay đổi giờ làm, giờ học

f82EBHnB.jpgPhóng to
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu khai mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội sáng nay 7-12

Phương án cụ thể cho từng nhóm:

Nhóm 1: Sinh viên, học viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; học sinh các trường THPT (cấp III): thời gian bắt đầu học từ 6g30 và kết thúc sau 19g. Nhóm 2: học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS: thời gian bắt đầu học từ 7g30 và kết thúc vào 17g30.

Cán bộ công chức, viên chức (cả trung ương và Hà Nội): thời gian bắt đầu làm việc từ 8g và kết thúc vào 17g.

Nhóm 3: trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính): thời gian bắt đầu làm việc từ 9g và kết thúc sau 19g. Hai nhóm gồm các cơ quan, đơn vị quân đội và nhóm công nhân lao động tại các nhà máy, xí nghiệp theo ca đề xuất giữ nguyên không thay đổi.

Tuy nhiên, tại báo cáo tổng hợp thẩm tra chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012 của HĐND TP Hà Nội, Ban Pháp chế thống nhất và đề nghị HĐND TP thông qua đề án do UBND TP trình nhưng đề nghị bổ sung trong đề án tên 10 quận nội thành thực hiện điều chỉnh giờ và bổ sung huyện Gia Lâm vào phạm vi điều chỉnh của đề án.

EnXZOQlp.jpgPhóng to
Ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm tại Hà Nội

Ngoài ra, đối với nhóm 1, cân nhắc phương án phân biệt giờ mùa đông và giờ mùa hè để đảm bảo sức khỏe cho học sinh THPT (theo tờ trình của UBND TP, thời gian bắt đầu học của nhóm này từ 6g30 và kết thúc sau 19g). Đối tượng học sinh mầm non, tiểu học thuộc nhóm 2 cần cân nhắc thời gian làm việc từ 7g30 đến 17g30 vì thời gian làm việc của giáo viên là 10g/ngày, chưa đúng với quy định của Bộ Luật lao động.

Song song, UBND TP tiếp tục thực hiện các giải pháp: rà soát, kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện ôtô, xe máy trên lòng đường vỉa hè; giải tỏa vi phạm lấn; đầu tư các dự án cải tạo nút giao thông, xây dựng cầu đi bộ qua đường theo kết cấu lắp ghép, gọn nhẹ; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc, tai nạn...

UBND trình HĐND TP xem xét, thống nhất phương án đề xuất điều chỉnh giờ và đưa vào nghị quyết chung về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP. Sau khi HĐND cho ý kiến, UBND TP sẽ báo cáo Thủ tướng để tổ chức thực hiện từ ngày 1-1-2012.

Trước đó, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội, bà Ngô Thị Doãn Thanh, chủ tịch HĐND TP, nhận định năm 2011 tình hình lạm phát, lãi suất tiết kiệm tăng cao đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, đời sống người làm công ăn lương, cán bộ hưu trí... gặp khó khăn.

Theo bà Thanh, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP còn bộc lộ hạn chế, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2011 không đạt yêu cầu so với kế hoạch.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, công tác quản lý xây dựng nhà tái định cư, bán nhà cho người thu nhập thấp còn nhiều bất cập, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm còn chậm... Bà Thanh cũng cho rằng vẫn tồn tại tình trạng quá tải tại các bệnh viện, thiếu chỗ học mầm non, tình trạng sử dụng đất không đúng pháp luật...

Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết trong bối cảnh có nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển, kinh tế tăng trưởng khá.

Năm 2012, TP đặt chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 10-10,5% (trong đó dịch vụ 10,6-11,2%; công nghiệp - xây dựng 10,4-10,8%; nông nghiệp khoảng 2-2,5%).

Bể hàng loạt chỉ tiêu

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết trong bối cảnh khó khăn, kinh tế thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng 10,13%. Đây là mức tăng trưởng khá, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng của năm 2010 (11,4%). Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh chỉ rõ đây là chỉ tiêu không đạt so với nghị quyết của HĐND TP (đề ra là 12%).

Cũng liên quan đến một số chỉ tiêu không đạt, UBND TP Hà Nội cho biết tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội hóa đặt ra mức tăng là 20% nhưng thực hiện chỉ đạt 13,5%. Tương tự, chỉ tiêu sàn xây dựng nhà ở hoàn thành chỉ đạt 2,5 triệu m2 (kế hoạch cả năm là 3,5 triệu m2), tỉ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chỉ đạt 15% (kế hoạch là 31%), chỉ tiêu về tổng lượng khách du lịch thấp hơn so với kế hoạch 4,3 triệu lượt khách.

Theo ông Sửu, nguyên nhân không đạt là do tác động nặng nề, phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và do những yếu kém nội tại của nền kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, ông thừa nhận có nguyên nhân sự phối kết hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan còn hạn chế, hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đạt, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

“Nguyên nhân chủ quan chính là do yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý doanh nghiệp, quản lý tài nguyên và trong chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Khắc phục những yếu kém nêu trên đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong năm 2012 và những năm tiếp theo” - Phó chủ tịch TP Hà Nội cho biết.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa

Thảo luận chiều 7-12 về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 và nhiệm vụ năm 2012, đại biểu Nguyễn Đình Dương, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, nêu thực tế: “Bất cập chung trong phát triển kinh tế hiện nay là sự phân hóa giàu nghèo giữa khu vực nội thành và ngoại thành của Hà Nội ngày càng lớn”.

Ông Dương cho biết qua báo cáo về chương trình xây dựng nông thôn mới, điều đáng lưu ý nhất là thu nhập của người dân khu vực ngoại thành mới chỉ đạt 17-18 triệu đồng/người/năm. Mức thu nhập này thấp hơn chuẩn nghèo thế giới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thắng, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội, cảnh báo: “Với tình hình như hiện nay, không phải dự đoán mà khẳng định chắc chắn tình hình kinh tế năm 2012 sẽ khó khăn hơn nhiều”.

Dẫn chứng việc phân bổ chỉ tiêu ngân sách năm 2012 của Hà Nội chỉ dành 100 tỉ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ông Thắng cho rằng mức hỗ trợ này là quá ít so với số doanh nghiệp cần hỗ trợ của thủ đô.

XUÂN LONG - LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên