01/01/2025 12:16 GMT+7

Hà Lan hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam tăng tốc

Năng lực Việt Nam kết hợp cùng công nghệ Hà Lan hứa hẹn giúp ngành nông nghiệp Việt đạt vị thế mới trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.

Hà Lan hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam tăng tốc - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Hà Lan Daniel Stork (thứ tư từ phải sang) đến thăm trung tâm nghiên cứu và phát triển của một công ty Hà Lan chuyên về hạt giống tại tỉnh Lâm Đồng vào tháng 9-2024 - Ảnh: Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM

Nhiều doanh nghiệp Hà Lan đã chọn đến Việt Nam để đồng hành thúc đẩy sự đổi mới trong nông nghiệp. Họ tin tưởng mình sẽ cùng ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển lớn mạnh, bứt phá và thành công xâm nhập những thị trường khó tính trên toàn thế giới.

Chia sẻ chung giá trị nông nghiệp

Hà Lan và Việt Nam vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, nhưng Tổng lãnh sự Hà Lan Daniel Stork luôn nhấn mạnh hai quốc gia đã có những kết nối đầu tiên từ 400 năm trước.

Từ hình ảnh những thương nhân Hà Lan cập cảng Hội An vào thế kỷ 17, ông Stork khẳng định điểm chung giữa Hà Lan và Việt Nam luôn là vấn đề thương mại, hai nước đóng góp vào thương mại toàn cầu nhờ những tuyến đường giao thương quan trọng.

"Nếu Hà Lan có sông Rhine là tuyến đường thủy nội địa bận rộn nhất thế giới, Việt Nam cũng có các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng sông Sài Gòn, là những tuyến đường thủy cũng vào loại bận rộn hàng đầu của châu Á", ông Stork chia sẻ với Tuổi Trẻ nhân dịp Tết Ất Tỵ.

Những tuyến đường thủy nội địa này đổ ra biển, vận chuyển hàng hóa đặc trưng của cả hai quốc gia, như sản phẩm nông nghiệp. "Đây cũng là một điểm chung nữa giữa Hà Lan và Việt Nam, hai nước đều có thế mạnh về nông nghiệp", ông Stork nhận định.

Ông Stork tự hào Hà Lan là quốc gia xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ hai của thế giới, trong khi ngành nông nghiệp Việt Nam có sự bùng nổ trong 30 năm qua, và Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới.

"Tôi rất vui khi nhìn thấy những công ty chuyên về nông nghiệp của Hà Lan có thể đóng góp thúc đẩy sự bùng nổ của ngành nông nghiệp Việt Nam bằng thế mạnh công nghệ, chia sẻ thêm kiến thức và nhiều phát kiến đến từ Hà Lan", ông Stork nói thêm.

Có cùng nhận định với ông Stork về dư địa phát triển của ngành nông nghiệp Việt, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam Johan van den Ban nhận định riêng trong nước, Việt Nam đã là một thị trường lớn với 109 triệu dân.

De Heus Việt Nam thuộc Tập đoàn Hoàng gia De Heus chuyên cung cấp các giải pháp dinh dưỡng chăn nuôi, có vị thế hàng đầu tại Hà Lan cũng như trên toàn thế giới. Tập trung chính vào mảng thức ăn chăn nuôi, De Heus Việt Nam trong 15 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, như việc 25% sản lượng của De Heus trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Johan, bên cạnh thế mạnh nuôi trồng thủy sản với một số loại cá, tôm đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Việt Nam cũng có cơ hội trở thành quốc gia có ngành chế biến gia cầm hàng đầu nhờ việc xuất khẩu thịt gà và các loại thịt trắng khác, những loại đạm được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Hà Lan hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam tăng tốc - Ảnh 2.

Nông dân ở Cần Thơ đo lượng khí thải nhà kính trên ruộng lúa của mình với sự hỗ trợ của chuyên gia nông nghiệp địa phương - Ảnh: World Bank

Nông dân Việt sáng tạo

Dù đi đầu về công nghệ công nghiệp, chuyên gia trong ngành của Hà Lan vẫn phải dành sự công nhận cho "tri thức bản địa" của người nông dân Việt Nam, những người đã có nhiều đời làm nông với chính đôi tay và những công cụ sẵn có cạnh nhà.

"Là một công ty có hơn 110 năm lịch sử, nhưng cho đến ngày nay chúng tôi vẫn còn kinh ngạc trước tinh thần sáng tạo và phát minh của nông dân Việt Nam: Họ giải quyết vấn đề theo cách rất đơn giản, tiết kiệm chi phí nhưng lại rất hiệu quả", ông Johan chia sẻ về trải nghiệm của De Heus tại Việt Nam.

Ông Johan nhận xét người nông dân Việt Nam nói chung rất thông minh, rất thực tế, có giải pháp hiệu quả cho gần như mọi vấn đề. "Họ cực kỳ sáng tạo và có tinh thần phát minh, họ làm mọi việc một cách hiệu quả nhưng lại rất tiết kiệm chi phí" - ông Johan nêu.

Ông Johan cho biết De Heus hỗ trợ đào tạo thêm cho người nông dân các phương pháp chăn nuôi cập nhật, cùng các hỗ trợ về kỹ thuật và giống tốt. Doanh nghiệp này còn giúp nông dân Việt Nam kết nối với các thị trường là bước tiếp theo trong chuỗi giá trị.

Ông nói thêm nông dân Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, mặc dù vẫn cần được hỗ trợ nhằm nắm bắt được yêu cầu và tiêu chuẩn của những thị trường nhập khẩu lớn.

"Sự tài giỏi của người nông dân cũng là một trong những lý do khiến De Heus có niềm tin mãnh liệt vào ngành chăn nuôi và nông nghiệp ở Việt Nam", ông Johan khẳng định.

Đầu tư hơn cho giá trị bền vững

"Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế rất cởi mở, năng động trong cả hoạt động nhập và xuất khẩu, với nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khu vực. Kết hợp với dân số trẻ, nền kinh tế Việt Nam có cơ sở rất tốt để lớn mạnh hơn nữa", lãnh đạo của De Heus Việt Nam chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên, với nhiều hiệp định tự do và khả năng tiếp cận nhiều thị trường, các ngành công nghiệp của Việt Nam nói chung, và ngành nông nghiệp nói riêng cần phải cung cấp dịch vụ và sản phẩm của mình đáp ứng với yêu cầu chung của các hiệp định, hay các thị trường riêng, nổi bật là các tiêu chuẩn về bền vững.

Đối với sản phẩm của ngành nông nghiệp hay chăn nuôi, ông Johan lưu ý người tiêu dùng ngày nay đang kỳ vọng nhiều hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và cả về khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm mà họ mua.

"Mục đích của chúng tôi là giúp người nông dân đạt được sự phát triển bền vững về mặt kinh tế, nói đơn giản hơn là phải giúp họ có lãi. Cùng với nông dân Việt Nam, chúng tôi đóng góp phần mình vào việc giải quyết các thách thức của ngành chăn nuôi", ông Johan khẳng định.

Cần kiểm soát tốt dịch bệnh

Ông Johan cho biết Việt Nam hiện đang đối mặt với hầu hết các loại bệnh liên quan đến động vật trên toàn thế giới, do đó kiểm soát dịch bệnh là một trong những thách thức quan trọng cần được nghĩ đến đầu tiên cho ngành này.

Tránh cảnh "mất bò mới lo làm chuồng", ông Johan cho rằng biện pháp dễ và hiệu quả hơn cả là phải xây dựng cơ sở hạ tầng tốt từ cấp độ trang trại, nơi các loài động vật được nuôi nhốt.

Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển động vật từ trang trại đến khi những sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm đến được người tiêu dùng cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

- Bà Fleur Goote (giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam - DBAV):

Cùng xây dựng chuỗi cung ứng kiên cường

Hà Lan là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), với các khoản đầu tư trải dài trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hậu cần, quản lý nước và năng lượng tái tạo.

Đối với Hà Lan, Việt Nam nổi bật so với các quốc gia Đông Nam Á khác với vị trí chiến lược, các hiệp định thương mại tự do rộng lớn và một chính phủ chủ động ưu tiên tăng trưởng kinh tế và đổi mới. Việt Nam còn là một nhân tố quan trọng trong thương mại toàn cầu, đóng vai trò là trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng cho các ngành công nghiệp chính.

Bằng cách tận dụng những sức mạnh có được nhờ sự hiệp lực Hà Lan - Việt Nam, chúng ta có thể cùng nhau tạo ra các giải pháp không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, hai nước có thêm nhiều cơ hội để xây dựng chuỗi cung ứng.

Hà Lan hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam tăng tốc - Ảnh 3.Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan: Tìm giải pháp cho nông nghiệp xanh, quản lý nguồn nước

Ngày 21-3, doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan ký kết 18 thỏa thuận thuộc nhiều lĩnh vực với mục tiêu phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên