24/11/2012 04:16 GMT+7

Hạ hỏa cho con tuổi teen

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

TT - Thấy con gái 14 tuổi vừa đi học về nhưng quần áo lôi thôi, mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc rối bời, bước vào nhà không chào hỏi ai, chị Lệ Hoa (Biên Hòa, Đồng Nai) không khỏi bực bội.

Mới bị nhắc nhở mấy câu, con bé xị mặt ra, gắt gỏng câu gì không rõ rồi chạy lên phòng riêng đóng sầm cánh cửa, cố thủ trong đó cả buổi tối mặc kệ mẹ gọi ở bên ngoài. Tần suất con gái nóng nảy vô cớ ngày càng tăng lên khiến gia đình chị lo lắng, căng thẳng.

Nhưng với thái độ quan tâm cộng với cách biểu lộ nhẹ nhàng, chồng chị Lệ Hoa đã giải mã được cơn giận của con gái. Thì ra chị Lệ Hoa lúc nào cũng nhắc nhở con bé cắt tóc gọn gàng, không được để lòa xòa trước mặt khiến người khác trông vào khó chịu. Trong khi con bé lại giải thích đó là kiểu tóc đang thịnh hành và các bạn ai cũng để tóc như thế. Do đó, cứ mỗi lần mẹ nhắc chuyện tóc tai và ăn mặc của mình là cô bé lại phản ứng.

Không là trẻ con, chưa phải người lớn

Không chỉ có tuổi teen mới giận dỗi, nổi nóng để giải tỏa những khó chịu, ức chế tích tụ trong lòng. Tuy nhiên, ở lứa tuổi từ 10-19, đặc biệt giai đoạn dậy thì, mức độ bốc lửa, nóng giận xảy ra thường xuyên hơn vì tính kiềm chế của các em còn yếu, dễ bị kích động. Nguyên nhân sâu xa là do ở tuổi dậy thì có sự phát triển đột biến về cơ thể, quá nhiều năng lượng và cảm xúc mới trào dâng.

Tuổi teen thường chưa có khả năng kiểm soát hành vi, cảm xúc luôn thay đổi, biến động theo sự tác động của ngoại cảnh, đấy là căn nguyên của sự nóng giận bất chợt. Nhiều bậc phụ huynh cần nhận thức một trong những nguyên nhân khiến trẻ bốc hỏa chống đối là do sự ngăn cấm trực tiếp từ phía cha mẹ. Sự cấm đoán thiếu căn cứ của cha mẹ (theo cách nghĩ của trẻ) sẽ khiến trẻ rất bức xúc và phản ứng thái quá.

Ở lứa tuổi này trẻ không còn là trẻ con nhưng chưa phải người lớn. Trong cách cư xử, các teen luôn muốn được mọi người tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu. Nhất là nhu cầu muốn được đối xử công bằng như người lớn, được làm những việc theo mong muốn và khả năng của mình. Không thể đòi hỏi một đứa trẻ mới lớn một sự chín chắn, căn cơ, nhưng nếu cha mẹ kiên nhẫn cùng trẻ luyện tập thì trẻ sẽ bớt nóng nảy, bốc đồng.

Cha mẹ làm gì?

- Nhập vai: đặt mình vào vị trí của con, làm bạn với con nhằm giúp con hạ dần cơn nóng giận khi gặp tình huống không như mong muốn. Con sẽ rất tin tưởng khi bạn tâm sự rằng “ngày xưa còn bé mẹ/ cha cũng từng như thế...”. Sự gần gũi trong quan hệ tạo nên sự dễ chịu trong thái độ và hành vi ứng xử. Khi trẻ chia sẻ những dự định của mình, cha mẹ không nên vội vàng phủ nhận hay phản bác mà cần tế nhị đón nhận những thông tin với thái độ thật sự quan tâm, lắng nghe một cách chân thành.

- Hiểu để giúp con giải tỏa: biết kiềm chế khi gặp chuyện không vừa ý ở trường học, gia đình hay ngoài xã hội giúp trẻ vận hành tốt các mối quan hệ xã hội và không bị tổn hại đến sức khỏe, tinh thần cũng như thể chất. Tuy nhiên, tính nóng nảy không tự mất đi mà đòi hỏi phải có sự luyện tập và trải nghiệm để giảm dần. Do đó phụ huynh cần hướng dẫn trẻ những cách thức thư giãn để vượt qua cơn giận dữ, bực bội như nghe nhạc, xem phim hài hước, đi bơi... Nhưng các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý không được áp đặt hay ép buộc trẻ phải biết kiềm chế. Trẻ thuộc kiểu khí chất nóng không chịu được sự phê bình, giáo huấn không đúng nơi đúng lúc.

Nếu có vấn đề nào đó liên quan đến trẻ, cha mẹ nên công khai bàn bạc và cho trẻ đề xuất ý kiến. Cả gia đình suy xét kỹ càng, cẩn thận rồi mới đi đến quyết định cuối cùng. Việc làm đó dần dần hình thành cho trẻ tính kiên trì biết chờ đợi. Không có phương pháp giáo dục nào để hạ hỏa cho trẻ hiệu quả bằng những kinh nghiệm mà trẻ đã tự rút ra. Trong quá trình gia nhập với xã hội, trẻ sẽ nhận thức được những sai sót khi quá nóng vội và tự rút ra được bài học cho chính mình.

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên