Cảnh trong vở Vương quyền, vở mở màn sân khấu cải lương tại Nhà hát Thanh Niên - Ảnh: LINH ĐOAN
Nhà hát Thanh Niên (trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM) ra đời vào tháng 11-2022 lập tức gây chú ý khi vở mở màn là 12 bà mụ liên tục cháy vé. Trên đà thuận lợi, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tiếp tục triển khai sân khấu cải lương tại đây.
Vở cải lương sáng đèn đầu tiên là vở Vương quyền (tác giả: Bích Ngân, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt, huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu Thủ Đô tại Hà Nội) diễn hai suất ngày 1 và 2-12.
Điều đặc biệt, giá vé cao nhất chỉ 500.000 đồng/vé. Đây là điều khá lạ vì bấy lâu nay đa số các vở cải lương có diễn viên ngôi sao đều có giá vé khá cao, lên đến 1 triệu đồng (thậm chí 2 triệu đồng/vé).
Ông Tuấn lý giải từ lúc thành lập Nhà hát Thanh Niên, ông thống nhất với ban giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên rằng nơi đây không phải là địa điểm cho thuê mướn rạp mà mục tiêu hướng tới là phải xây dựng khán giả cho sân khấu.
Ông nói: "Vở nhạc kịch Tiên Nga chúng tôi đầu tư lớn như thế mà chỉ bán có 350.000 đồng/vé. Vé cải lương hiện nay quá cao khiến nhiều khán giả ngại không dám mua". Với việc hạ giá vé cải lương, ông muốn cải lương tới được nhiều người hơn, đặc biệt là khán giả trẻ.
Nhà hát Thanh Niên đã làm việc với sân khấu Sen Việt (đại diện là đạo diễn Lê Nguyên Đạt), sân khấu mới Đại Việt (đại diện là soạn giả Hoàng Song Việt), sân khấu Đồng ấu Bạch Long... và họ rất vui vì ai cũng mong muốn được nối dài suất diễn.
Theo ông Tuấn, phần lớn các nhóm xã hội hóa chỉ diễn một đêm nên họ phải đi thuê trang phục, cảnh trí giá cao dẫn đến chi phí cho một đêm diễn rất tốn. Vì vậy bên cạnh việc mời các đoàn hát xã hội hóa về diễn, ông cũng xây dựng thêm những vở riêng của Nhà hát Thanh Niên để chủ động và tính toán được kinh phí đầu tư cho hợp lý.
"Giá vé thấp, hy vọng khán giả mua sẽ đông hơn. Còn hơn vé cao mà người mua thì ít. Hiện chỉ mới là khởi đầu, nhưng tôi mong là chúng ta lấy được số đông bù lại, nếu full rạp sẽ có khả năng đủ thu chi" - ông Tuấn tính toán.
Ông còn cho biết sẵn lòng hợp tác với các nhóm hát trên tinh thần tình nguyện, chia sẻ, biết vì cái chung để phát triển khán giả cho sân khấu cải lương.
Sau Vương quyền, tối 7 và 8-1-2023, Nhà hát Thanh Niên tiếp tục giới thiệu chương trình cải lương tuồng cổ kỷ niệm 55 theo nghiệp hát của nghệ sĩ Bạch Long, có tên gọi "Ăn cơm Tổ, khổ vẫn cười".
Chương trình có sự góp mặt của nhiều học trò từ lò đào tạo Đồng ấu Bạch Long như Vũ Luân, Tú Sương, Tâm Tâm, Trinh Trinh, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Xuân Trúc... và nghệ sĩ Kim Tử Long, Võ Minh Lâm...
Rộn ràng cải lương cuối năm
Ngày 17-12, Nhà hát Trần Hữu Trang diễn vở Ngai vàng và tội ác với sự tham gia của các nghệ sĩ Lê Tứ, Minh Trường, Tấn Giao, Tú Sương, Nhã Thi, Trọng Nghĩa, Hà Như, Nguyễn Văn Hợp...
Cùng ngày, tại rạp Hồng Liên, nghệ sĩ Kim Tử Long giới thiệu đến khán giả vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài với sự góp mặt của nghệ sĩ Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Hữu Châu, Bạch Long, Trinh Trinh, Phượng Loan...
Ngày 23-12 tại Nhà hát Trần Hữu Trang, sân khấu mới Đại Việt giới thiệu đến khán giả vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc.
Vở diễn vừa đoạt huy chương vàng trong liên hoan cải lương toàn quốc tại Long An. Vở có các nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Tú Sương, Trọng Nghĩa, Phương Cẩm Ngọc, Tô Tiểu Long, Cao Thúy Vy...
Cũng tại Nhà hát Trần Hữu Trang, tối 7-1-2023, nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải tiếp tục ra mắt vở diễn Loạn thế anh hùng. Vở có sự góp mặt của Hoàng Hải và các nghệ sĩ Tú Sương, Hữu Quốc, Phương Cẩm Ngọc, Thy Trang, Nguyễn Văn Mẹo, Chi Bảo...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận