06/04/2013 08:14 GMT+7

H7N9: VN bàn ứng phó, kiểm tra thân nhiệt khách nước ngoài

LAN ANH
LAN ANH

TT - Ngày 5-4, tại cuộc họp của Sở Y tế Hà Nội về ngăn chặn dịch cúm gia cầm H7N9, các chuyên gia cảnh báo có nguy cơ cúm H7N9 bùng phát thành dịch ở VN.

Theo ông Trần Đắc Phu - phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, có một số lý do đánh giá dịch cúm H7N9 là loại bệnh nguy hiểm. Đó là số ca nhiễm bệnh tăng hằng ngày, tỉ lệ tử vong cao (6/14 người mắc bệnh), những người đang điều trị đều ở trong tình trạng nguy kịch. Căn nguyên của dịch còn rất mù mờ.

Theo giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính, các bác sĩ đang điều trị dịch H7N9 ở Trung Quốc cho biết bệnh cúm H7N9 rất giống với cúm H5N1, virút có độc lực cao làm bệnh rất nặng, hai phổi của người bệnh sũng nước, phù phổi. Với tình hình lây lan và tử vong ở Trung Quốc, ông Kính đánh giá đây là dịch cúm nguy hiểm.

Mặc dù dịch chưa đến VN nhưng nguy cơ lây lan dịch sang VN là hoàn toàn có thể. Ngoài giao lưu thông thương, việc gia cầm và phụ phẩm gia cầm nhập lậu vào VN từ Trung Quốc vẫn ngoài tầm kiểm soát. Theo ông Trần Đắc Phu, ngành thú y cần sớm phân tích, đánh giá xem virút H7N9 đã xuất hiện trên gia cầm ở VN hay chưa.

Hôm 4-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã dẫn đoàn chuyên gia đi kiểm tra công tác kiểm dịch tại sân bay Nội Bài. Theo đánh giá của ông Long, thiết bị kiểm dịch hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu. Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đề xuất các bệnh viện rà soát lại các thiết bị như máy thở, thiết bị cấp cứu, khu cách ly, thuốc để sẵn sàng chống dịch. Ông Khoa cũng đề nghị các địa phương có kế hoạch chống dịch H7N9 sớm để nhanh chóng ứng phó nếu dịch xuất hiện.

Ông Nguyễn Văn Kính cho biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã có đủ mồi thử để phát hiện virút cúm H7N9... Trước mắt, để ngăn chặn lây lan, VN đã bắt đầu áp dụng trở lại tờ khai sức khỏe với người nhập cảnh từ vùng có dịch. Người trở về từ vùng dịch cũng phải khai báo với cơ quan y tế địa phương để được theo dõi và giám sát sức khỏe. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc.

Ngày 5-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN thông báo đến nay chưa có bằng chứng về việc virút H7N9 có thể lây lan từ người sang người. WHO cũng cho biết đang điều tra khả năng dịch cúm H7N9 có liên quan tới vụ 16.000 xác heo chết trôi trên sông ở Thượng Hải.

Kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh

Chiều 5-4, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị trực thuộc triển khai ngay công tác phòng chống dịch cúm H7N9 trên người. Sáng nay 6-4, giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm H7N9 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Sở Y tế TP yêu cầu thực hiện kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa đối với tất cả hành khách nhập cảnh TP.HCM tại các cửa khẩu. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, cần tiến hành khám sàng lọc, cách ly để hạn chế bệnh lây lan. Các đơn vị phải lấy mẫu bệnh phẩm những người bị nghi ngờ viêm phổi nặng do virút - đặc biệt nếu là người đi từ vùng dịch về hay từng tiếp xúc với gia cầm ốm, chết - gửi về Viện Pasteur TP để xác định.

Sở cũng đề nghị các đơn vị này phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để tăng cường kiểm tra, giám sát người, phương tiện vận tải và hàng hóa nhập khẩu qua các cửa khẩu, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm. Các đơn vị phải xây dựng ngay kế hoạch phòng chống dịch cúm H7N9 ở người, chủ động dự trữ thuốc, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch, không để lây lan vào cộng đồng.

Các bệnh viện cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, cách ly, điều trị tích cực các trường hợp suy hô hấp cấp, khai thác thật kỹ các yếu tố dịch tễ và báo cáo khẩn cho Trung tâm Y tế dự phòng TP để kịp thời xử lý...

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên