Các chuyên gia cho rằng nên áp dụng lãi suất bậc thang theo thời gian thực gửi để khuyến khích người dân mạnh dạn gửi kỳ hạn dài - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo thông tư 04 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-8, khách hàng được rút một phần tiền trước hạn. Phần rút trước hạn sẽ chịu lãi suất không kỳ hạn, phần tiền gửi còn lại sẽ được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.
Các ngân hàng kỳ vọng quy định này sẽ khuyến khích người dân chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài hơn. Tuy nhiên, với việc lãi suất huy động liên tục tăng thời gian gần đây, liệu người gửi tiền có chọn gửi dài hạn?
Lãi suất huy động liên tục tăng
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng liên tục tăng thời gian qua. Từ giữa tháng 8, lãi suất huy động của OCB bắt đầu tăng 0,3%/năm với kỳ hạn 24 và 36 tháng, lên lần lượt là 6,9%/năm và 7%/năm. Kỳ hạn 6 và 12 tháng lãi suất cũng tăng 0,2%/năm, lên lần lượt là 6%/năm và 6,7%/năm.
VPBank tăng lãi suất huy động thêm 0,4%/năm ở kỳ hạn 6 tháng, lên 5,2%/năm. Techcombank cũng đồng loạt tăng lãi suất các kỳ hạn 3, 6, 12, 24 tháng thêm 0,1 - 0,5%/năm. Trong đó, mức tăng 0,5% được áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng, lên 5,25%.
MB đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,43%, lên 4,87%/năm. ACB, Sacombank và ABBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất 0,5% ở một số kỳ hạn. Tại một số ngân hàng quy mô nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn từ 24 tháng trở lên đang dao động từ 7 - 7,5%/năm.
Cuối tháng 7, Vietcombank - một trong những ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động ở mức thấp nhất thị trường - cũng đã tăng lãi suất huy động lần đầu tiên kể từ tháng 7-2021, với mức tăng ở cả 2 hình thức gửi tại quầy và online thêm 0,1 - 0,2%/năm.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8-2022 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay lãi suất huy động từ đầu năm tới nay tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,8 - 1%/năm và dự báo xu hướng này vẫn tiếp diễn. Mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1 - 1,5%/năm cho cả năm nay.
Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất huy động tăng cao do nhiều lý do. Ngoài áp lực lạm phát, nhiều ngân hàng đang trong tình trạng tín dụng tăng nhanh hơn huy động. Chưa kể tỉ lệ huy động ngắn hạn lại cao, nên ngân hàng gặp áp lực kép khi tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn buộc phải giảm xuống theo lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó.
"Có thể thấy ở những lần điều chỉnh lãi suất gần đây, các ngân hàng tập trung tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài, các kỳ hạn ngắn tăng ít hoặc không tăng. Nhưng liệu người dân có thích gửi dài, nhất là khi lãi suất huy động đang nhích lên còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu sử dụng vốn của người gửi tiền", một chuyên gia nói.
Gửi tiết kiệm dài hạn có thực lợi hơn?
Chị Hoài Phương (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay đang có một khoản tiền gửi tiết kiệm trong thời gian chờ tìm được căn nhà ưng ý.
Dù gửi kỳ hạn dài có lợi hơn vì lãi suất cao hơn gần gấp đôi, nhưng chị Phương cũng rất cân nhắc vì có khi cần phải rút bớt tiền tiết kiệm, phần tiền rút trước hạn sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn (thường là 0,1%/năm) bất kể chị đã gửi bao lâu. "Nếu áp dụng lãi suất bậc thang, tôi sẽ mạnh dạn gửi dài hơn", chị Phương nói.
Một số người gửi tiết kiệm khác cho biết do xu hướng lãi suất huy động đang nhích lên nên gửi kỳ hạn ngắn sẽ giúp hưởng được mức lãi cao hơn sau khi đáo hạn, trong khi gửi dài hạn có lãi suất cao nhưng về lâu dài chưa biết ra sao.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho rằng việc áp dụng quy định mới sẽ tác động có lợi cho khách hàng khi cần một số tiền đột xuất trong sổ tiết kiệm đang gửi có thể rút mà không phải tất toán trước hạn như trước đây cũng không cần phải vay lại và chịu thêm lãi suất tiền vay cầm cố sổ.
Trả lời câu hỏi "Liệu quy định mới này có khuyến khích khách hàng gửi dài hạn không?", tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng để người dân yên tâm gửi dài hạn còn một số yếu tố khác. Chẳng hạn, nếu các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... có tỉ suất sinh lời cao hơn thì người gửi tiền cũng cân nhắc và không gửi dài.
"Khi các thị trường có tính chất ổn định hơn, việc rót vốn vào các kênh khác không sinh lời nhiều như bây giờ, người dân sẽ có so sánh để có chọn lựa cho mình. Còn chỉ đơn thuần một sản phẩm tiền gửi sẽ không cách nào tạo ra sự thay đổi ngay lập tức" - vị này nói và cho biết nhiều khách hàng chỉ gửi ngắn, 6 tháng hoặc 9 tháng, nhưng khi đáo hạn lại gửi tiếp, có khi kéo dài đến nhiều năm.
"Với lãi suất trong xu thế tăng như hiện nay, người dân sẽ không chọn gửi dài. Mặt khác, tiền gửi tiết kiệm chỉ là khoản có tính chất nhàn rỗi và suy cho cùng cũng không nên khuyến khích người dân chăm chăm bỏ vốn vào ngân hàng mà cần khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh, tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế phát triển", một chuyên gia ngân hàng nói.
Phải công bằng với người gửi tiền
Theo chuyên gia Ngô Minh Sang, lâu nay người dân chỉ quen gửi tiết kiệm ngắn hạn, không muốn gửi trung dài hạn. Gửi kỳ hạn dài thường là những người tích lũy, tiết kiệm, hưu trí..., khoản tiết kiệm là một phần thu nhập chính của họ.
"Tuy nhiên sau một thời gian thực gửi khá dài, vì bất khả kháng hoặc vì khó khăn phát sinh mới buộc phải rút trước hạn mà áp lãi suất chỉ 0,1%/năm, trong khi ngân hàng đã dùng nguồn vốn này để kinh doanh một thời gian dài.
Điều này là không công bằng, sẽ khó khuyến khích người dân gửi tiết kiệm dài hạn", ông Sang nói. Để khuyến khích người dân gửi dài hạn hơn, ngoài việc cho rút trước hạn, theo ông Sang, các ngân hàng nên áp dụng lãi suất bậc thang theo thời hạn đã gửi thực tế với các bậc đủ dài.
Theo đó, nếu gửi kỳ hạn 2 năm lãnh lãi cuối kỳ nhưng sau 12 tháng người gửi tiền cần vốn và rút ra một phần, phần rút trước hạn đó phải được tính theo thời gian thực gửi, phần còn lại vẫn duy trì mức lãi suất như khi mở sổ.
Với hình thức này, ngân hàng sẽ vừa giảm thiệt thòi cho người gửi tiền vừa kích thích họ gửi ổn định hơn ở các kỳ hạn dài thay vì cứ phải dự phòng với các kỳ hạn ngắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận