28/03/2018 16:43 GMT+7

Grab thâu tóm Uber, Go-Jek sẽ thừa cơ thế chỗ?

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Trong khi Grab công bố Uber sẽ rút khỏi Đông Nam Á thì một cái tên được nhắc đến trong thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam thời gian tới là Go-Jek.

Grab thâu tóm Uber, Go-Jek sẽ thừa cơ thế chỗ? - Ảnh 1.

GrabBike và Mai Linh Bike sắp tới sẽ có đối thủ lớn là Go-Jek từ Indonesia - Ảnh: GO-JEK

Âm ỉ từ năm ngoái, và bắt đầu từ tháng 3-2018, thông tin hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Go-Jek của Indonesia tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam, chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường 93 triệu dân, gây xôn xao trong giới công nghệ.

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ Online, hiện hãng công nghệ này đã chọn được CEO cho Go-Jek Việt Nam, một gương mặt từng làm trong mảng tài chính - công nghệ ở một ngân hàng Việt Nam.

Với khoảng 45 triệu xe gắn máy trên một thị trường hơn 90 triệu dân, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các dịch vụ gọi xe và Go-Jek từ Indonesia không phải ngoại lệ.

Được thành lập vào năm 2010, Go-Jek trở thành niềm tự hào của giới startup ở Indonesia khi phát triển nhanh chóng từ một ứng dụng kết nối xe gắn máy thành nền tảng cung cấp nhiều dịch vụ gồm vận chuyển, hậu cần, thanh toán di động, giao nhận thức ăn… và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.

Ngoài các dịch vụ xe ôm công nghệ Go-Ride, hãng này còn có dịch vụ gọi xe hơi kiểu Uber-Grab là Go-Car hay giao nhận đồ ăn là Go-Food...

Go-Jek hiện đã có mặt trên 50 thành phố khắp thế giới bằng slogan "Một ứng dụng cho tất cả nhu cầu" trong đó hãng cũng đồng sở hữu nhiều ứng dụng gọi xe khác.

Gần đây, Go-Jek đã gọi vốn được hơn 1 tỉ USD tài trợ từ quỹ KKR của Mỹ và Tencent của Trung Quốc và trở thành một đối thủ đáng gờm của cả Uber và Grab.

Trên thực tế, tại Indonesia, cả Uber và Grab cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với Go-Jek trong lĩnh vực xe ôm.

Vào năm ngoái, trong một lần trò chuyện, lãnh đạo của Grab Việt Nam là Trần Tuấn Anh đã đề cập đến chuyện "có thể có gương mặt mới tham gia vào thị trường dụng công nghệ gọi xe tại Việt Nam".

Trong đề án "Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng" của Bộ Giao thông - Vận tải, ngoài hai ứng dụng của Uber và Grab còn có 8 đơn vị khác tham gia như S.Car, Vic.Car, V.Car, Home Car, Mai Linh Car...

Trong thời gian gần đây hãng taxi Mai Linh cũng cho ra đời dịch vụ xe ôm Mai Linh Bike để cạnh tranh cùng với UberMoto và GrabBike.

Tuy vậy, các ứng dụng gọi xe trong nước lại không được đánh giá cao khi nguồn lực hạn chế và kinh nghiệm chinh chiến.

Grab cuối cùng đã chiến thắng ở Việt Nam trước Uber khi đã đẩy gã khổng lồ có trụ sở tại Mỹ ra khỏi thị trường Đông Nam Á.

Đến nay, Grab đã tiêu tốn hơn 50 triệu USD cho thị trường Việt Nam trong khi đó đang đối mặt với các cáo buộc về thuế cũng như cạnh tranh không lành mạnh.

Các lo ngại càng gia tăng khi Grab thâu tóm Uber để trở thành ông lớn duy nhất tại thị trường này.

Chính vì thế, thông tin về startup "kỳ lần", thuật ngữ chỉ các công ty khởi nghiệp có giá trị tỉ USD như Go-Jek thâm nhập Việt Nam đang được chờ đợi sẽ mang lại cạnh tranh trên thị trường.

Nỗi lo độc quyền khi Grab thâu tóm Uber Nỗi lo độc quyền khi Grab thâu tóm Uber

TTO - Sự cạnh tranh của Uber và Grab được cho là khách hàng hưởng lợi, tuy nhiên khi hai bên cùng về một nhà, thị trường taxi khốc liệt hơn hay độc quyền hơn?

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên