Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2022 - Ảnh: VGP
Ngày 6-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2022.
Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà, 2% lãi suất đạt thấp
Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Dũng cho biết sau gần 8 tháng thực hiện đến ngày 2-9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình sơ bộ đạt 55.500 tỉ đồng.
Gồm các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỉ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỉ đồng cho gần 4,54 triệu lao động. Hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỉ đồng.
Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 34.970 tỉ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6-2022 là 7.400 tỉ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng đánh giá việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…
Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31-8 là hơn 212.227 tỉ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tính về số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỉ đồng.
Cương quyết cắt giảm thủ tục còn rườm rà
Dự báo thời gian tới, ông Dũng cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, sức ép lạm phát rất cao. Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện, đây là vấn đề kéo dài nhiều năm, nguyên nhân cơ bản dàn trải, manh mún, chia cắt, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung chỉ đạo, thủ tục hành chính còn rườm rà.
Tuy vậy, có những điểm sáng như việc làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh giúp kinh tế phục hồi, phát triển, các cân đối lớn được đảm bảo. Các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150.000 doanh nghiệp.
Với yêu cầu tiếp tục thực hiện "4 ổn định", "3 tăng cường", "2 đẩy mạnh", "1 tiết giảm" và "1 kiên quyết không", Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt công tác phòng, chống dịch, giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Theo đó, cần tập trung chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cương quyết cắt giảm các thủ tục rườm rà, các dự án dàn trải, điều chuyển vốn từ những dự án chậm, kém hiệu quả sang các dự án bảo đảm tiến độ.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
"4 ổn định": Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
"3 tăng cường": Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vắc xin COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước.
"2 đẩy mạnh": Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch.
"1 tiết giảm": Tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.
"1 kiên quyết không": Không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột, mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận