04/11/2021 13:07 GMT+7

Gói hỗ trợ 'phát nhầm': Có người nhận hai nơi, người có lương cũng nhận

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Gói hỗ trợ đợt 3 tại TP.HCM dành cho người không có thu nhập có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Vì nhiều lý do, có người nhận hai nơi, có người đang có lương... cũng đã nhận được tiền.

Gói hỗ trợ phát nhầm: Có người nhận hai nơi, người có lương cũng nhận - Ảnh 1.

Người dân phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức) nhận tiền hỗ trợ đợt 3 tại địa phương - Ảnh: HOÀNG AN

Và họ sẵn sàng trả lại số tiền đã nhận.

Có hộ khẩu là đăng ký nhận hỗ trợ

Gia đình anh H.H.T. (ngụ quận 3) đã nhận được 5 suất hỗ trợ, tổng cộng 5 triệu đồng trong gói hỗ trợ đợt 3. "Tôi làm trong ngành công an, đợt dịch vừa rồi tôi vắng nhà do đi làm nhiệm vụ tuyến đầu. 

Mẹ tôi nói lúc tổ trưởng đến đưa phiếu đăng ký cũng chỉ yêu cầu khai hết những người hiện đang sống ở địa chỉ này, phường sẽ thẩm định nên mẹ tôi ghi hết tên mọi người trong nhà. Khi nhận tiền cũng là mẹ mang hộ khẩu theo nhận cho tôi" - anh T. cho biết. 

Ba anh đang hưởng lương hưu cũng được phường xét duyệt hỗ trợ. "Nhưng người đi phát hỗ trợ biết rõ ba tôi đang nhận lương nên họ đã giải thích và ba tôi không nhận. Tôi cũng nộp lại số tiền" - anh T. chia sẻ.

Còn chị Thanh Nhàn (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12) đã được vợ chồng chị gái đăng ký trong danh sách nhận tiền hỗ trợ vì có tên trong hộ khẩu. Trong khi chị đang sống ở nơi khác và tự đăng ký nhận ở nơi chị đang ở trọ. Chị nhận được tiền hỗ trợ ở cả hai nơi. 

"Anh tôi không nói cho tôi biết anh đã đăng ký cho tôi nhận hỗ trợ. Khi phát tiền, phường chỉ yêu cầu mang CMND theo để ký nhận. Khi phường đến thông báo thu lại số tiền, anh rể tôi đã đồng ý thay tôi trả lại số tiền sau khi nghe phường giải thích không được nhận ở hai nơi".

Khi đọc thông tin báo đài biết những người có lương không được nhận hỗ trợ, vợ chồng chị Bắc (ngụ quận Tân Phú) đã tự đến phường trả lại. 

"Vợ chồng tôi làm nhân viên nhà văn hóa, lương nhân viên chỉ có 2,7 triệu thôi, cũng ở trọ khó khăn, nhưng thấy báo viết người vẫn còn đang nhận lương và có tên đóng BHXH thì không nhận. Tôi thấy mình không thuộc diện được hỗ trợ nên đi trả lại, chẳng tham gì và trả trước khi có yêu cầu hoàn trả".

Trăm dâu đổ đầu tổ trưởng

Theo ý kiến của một số tổ trưởng, thời điểm mới phát hỗ trợ đợt 3, do có trục trặc trong khi lọc danh sách nên nhiều người có lương hưu, có lương tháng 8 vẫn nhận được hỗ trợ. Đồng thời, để tránh trường hợp bỏ sót nên TP cũng yêu cầu các phường, xã vừa chi hỗ trợ vừa lập danh sách bổ sung.

"Người nọ truyền tai người kia là người này ở quận này, quận kia cũng giống như họ nhưng vẫn được hỗ trợ. Vì thế nhiều người dù đang có lương hưu, đang đi làm cũng đòi được bổ sung vào danh sách. Họ nói với tôi đó là hỗ trợ của Nhà nước, họ phải được nhận. 

Trong khi tôi chỉ làm theo quy định, lập danh sách những người mất việc làm hoặc không có lương hưu và người phụ thuộc của họ. Tôi giải thích nhưng nhiều người vẫn không đồng ý, phải nhờ phường xuống giải thích" - ông Vòng A Lộc, một tổ trưởng, chia sẻ. 

Theo ông Lộc, cũng không ít trường hợp mấy tháng dịch nhiều người chuyển đến nơi khác, khi tổ trưởng đi lập danh sách thì họ không có mặt nên không ghi tên. 

Ai đang ở đâu thì địa phương ở đó lập danh sách. Nhưng đến khi TP mở cửa, họ quay lại và yêu cầu ghi danh sách nhận hỗ trợ và phản ảnh lên phường. Tôi phải làm giải trình đầy đủ để giải thích" - ông Lộc nói thêm.

Bà Minh Nhơn - tổ trưởng tại phường 4, quận 8 - cho biết có nhiều trường hợp người dân "đấu lý", phải giải thích rất nhiều mới xuôi. 

Có những trường hợp họ ghi danh sách 8 người theo hộ khẩu. Đến khi đi chi hỗ trợ, phường chỉ phát cho 6 người có mặt thì họ cự cãi, nói con cái họ vẫn thường qua lại và yêu cầu phát hết.

Cứu trợ "khẩn cấp" trong hoàn cảnh giãn cách

Bà Đào Thị My Thư - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết phần lớn các trường hợp phát hiện "chi nhầm" là nhờ vào việc công khai danh sách. 

"Tại Gò Vấp, danh sách người nhận công khai trên các trang tin của phường để người dân biết. Nếu người dân phản ảnh trường hợp này có lương hưu, đang hưởng lương, đang có trợ cấp thì phường sẽ kiểm tra lại. 

Nếu người dân báo không chính xác, khi có kết quả sẽ trao đổi lại với người dân rõ" - bà Thư cho biết. Nhiều người dân lầm tưởng ai cũng được nhận hỗ trợ, từ đó gây áp lực cho địa phương.

Về việc sàng lọc danh sách bằng phần mềm, danh sách không chỉ được quận, huyện gửi Công ty TNHH MTV phát triển công viên phần mềm Quang Trung đối chiếu với dữ liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM mà còn có hỗ trợ sàng lọc từ BHXH quận, huyện. 

Việc đối chiếu này sẽ giúp sàng lọc những người có lương hưu, có lương tháng 8... là nhóm không được nhận gói hỗ trợ. 

Tuy nhiên, các quận huyện đều vướng phải tình trạng danh sách không lọc được hết do không đồng nhất giữa căn cước công dân mà người dân khai báo với CMND trên hệ thống BHXH, người dân khai chưa chính xác, dùng cùng một CMND khai cho những thành viên khác trong gia đình...

Gói hỗ trợ được triển khai gấp rút giữa tình hình giãn cách. "Phường, xã phải lập danh sách trước một thời gian, sau đó mới có văn bản triển khai chính thức của UBND TP. Tinh thần của TP là người dân khó khăn quá, muốn nỗ lực làm nhanh, làm sớm. 

Nhưng kế hoạch chính thức khi ban hành có những điều chỉnh, quy định cụ thể, rõ ràng hơn nên có độ chênh giữa lúc các tổ trưởng đi lập danh sách với thời điểm chi thực tế" - bà Thư nhận định.

"Chúng tôi cũng không thể đổ hết lỗi cho người dân. Có người khi chi thì phát hiện đã kê khai chỗ khác rồi (kê khai hai nơi). 

Có người cố tình nhưng cũng nhiều người không biết quy định, tổ trưởng cho tôi kê khai thì kê khai. Phường không gây áp lực, chỉ trao đổi nhẹ nhàng để thu hồi khoản tiền chi sai" - bà Thư chia sẻ.

Để chuyện khó nói thành đơn giản hơn

tra lai tien

Nhân viên y tế phường 12, quận 3 (TP.HCM) phụ trách trao tiền gói hỗ trợ đợt 3 cho người nghèo, đồng thời nhập dữ liệu người nhận hỗ trợ lên cổng thông tin 1022 để tránh trường hợp trao nhiều lần hoặc chưa được nhận hỗ trợ - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây là câu chuyện của một đồng nghiệp tôi. Buổi trưa đầu tháng 10, anh đi làm về, nghe vợ khoe: "Sáng nay em được khu phố gọi điện mời nhận 3 triệu đồng, suất cứu trợ đợt 3 cho ba mẹ con".

Sau một chút ngạc nhiên, anh nhẹ nhàng giải thích với bà xã: "Em được nghỉ việc mùa dịch nhưng vẫn nhận lương đủ. Vợ chồng mình không bị giảm thu nhập lúc giãn cách. Vậy nên trước hết cảm ơn khu phố và xin được trả lại nha em".

Số tiền đã được hoàn trả ngay chiều hôm ấy. Việc nhận nhầm này do tổ trưởng dân phố thấy vợ anh không đi làm mùa dịch, con cái đều đang tuổi đi học, hai đợt đầu tiên nhà anh chưa có ai nhận cứu trợ nên chủ động đưa vào danh sách lần này.

Cháu gái tôi làm bảo mẫu cho một trường mầm non tư thục, xứng đáng nằm trong diện được nhận hỗ trợ đợt này. Nhưng năm tháng liền trường nghỉ học, mỗi nhân viên vẫn đều đặn được chủ cơ sở hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng, nên cháu đã tình nguyện từ chối nhận.

Cô gái trẻ giải thích ngắn gọn: "Cháu chưa lập gia đình, cảm thấy mình vẫn "ráng" được, còn nhiều người nuôi con nhỏ vất vả hơn nên rất cần giúp đỡ". Một số nhân viên văn phòng đang ở trọ cũng làm theo.

Dịch bệnh càng kéo dài, áp lực công việc và cả tâm lý càng đè nặng lên những người "ăn cơm nhà vác ngà voi". Đợt 1 và 2, nhiều trường hợp sót lọt, phải bổ sung. Người được nhận thì vui, còn người chưa được nhận lại lời ra tiếng vào. Một số tổ trưởng dân phố không chịu đựng nổi đã làm đơn xin nghỉ từ khi chưa "nới lỏng" giãn cách.

Có lẽ vì vậy trong lúc chuẩn bị cho công tác hỗ trợ đợt 3, một số cán bộ tổ làm theo cách "thà lập nhầm hơn bỏ sót".

Mẫu danh sách đăng ký được tổ trưởng gửi cho tất cả các hộ gia đình, người dân cứ "vô tư" điền vào và gửi trở lại. Danh sách được chuyển lên khu phố, phường. Các cán bộ của phường rà soát lần nữa cũng không thể bao quát hết.

Tại phường Hiệp Phú, Phước Long A (TP Thủ Đức), cán bộ được phân công chi trả tiền đã phát hiện và chủ động giải thích với những người có tên trong danh sách nhưng nằm ngoài diện được hỗ trợ. Sự khéo léo, tế nhị của cán bộ địa phương đã mang đến kết quả: hơn 30 người vui vẻ từ chối nhận tiền.

Của cho và cách cho là cả một câu chuyện dài trong dịch giã. Dẫu vậy, khi chính quyền chủ động và người dân thấu hiểu thì việc "khó nói" cũng trở nên đơn giản.

Bạn đọc HOÀI ÂN

TP.HCM kiểm tra gói hỗ trợ: Người dân TP.HCM kiểm tra gói hỗ trợ: Người dân 'ngộ nhận' ai cũng được nhận, đăng ký tràn lan

TTO - Mở đầu đợt tổng kiểm tra các gói hỗ trợ tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức, ngày 2-11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì buổi kiểm tra đầu tiên tại quận Phú Nhuận.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên