04/05/2011 04:16 GMT+7

Gói ghém

DUYÊN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)
DUYÊN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)

TT - Mấy chị tiểu thương ở chợ cứ than ngắn thở dài vì dạo này bán không được như lúc trước, ế ẩm, hàng hóa tồn nhiều quá. Đồng nghiệp tôi dạy tiểu học, nhận học trò nuôi cơm, giờ thức ăn lên vùn vụt không biết tính sao. Phụ huynh cũng lao đao vì bữa ăn hằng ngày, nói đâu đến chuyện họ chia sẻ đây. Vậy là liệu cơm gắp mắm thôi.

Vợ tôi cứ đi chợ về lại than thở: “Mang tiền đi như lúc trước mà không mua đủ cho một ngày ăn chứ nói gì đến hai ngày”. Thịt heo giờ đã hơn 100.000 đồng, cá 60.000 đồng, thịt bò 180.000 đồng, rau củ quả cũng lên gấp rưỡi, gấp đôi... Giỏ đi chợ đầy hơn trước kia vì rau, củ, quả nhiều hơn thịt, cá. Cả nửa tháng, các bữa ăn của gia đình tôi toàn là rau nhiều hơn thịt, cá và chất đạm...

Vợ chồng nói vui rằng ăn để giảm cân. Nói rồi bỗng giật mình, con cái đang tuổi ăn tuổi lớn sao bắt chúng ăn thiếu chất được. Con cái ăn uống kham khổ, suy dinh dưỡng, học không vô thì hối hận lắm. Vậy nên sau nhiều lần suy tính chi li, một bữa ăn phải đủ chất cho con trẻ là việc phải làm. Nói thì nói thế thôi tôi vẫn thấy vợ buồn. Hơn ai hết, người phụ nữ phải lo nhiều thứ khác nữa chứ đâu chỉ ba bữa ăn hằng ngày.

Nhà tôi hai vợ chồng lãnh lương giáo viên gần 20 năm trong nghề mỗi tháng được khoảng 7,5 triệu đồng. Lương chúng tôi thuộc tốp đầu của trường mà chẳng thấm thía vào đâu so với những con tính hằng ngày cho năm người.

Chi tiền mua thức ăn, dầu mỡ, mắm muối...: 3,4 triệu đồng, gạo: 500.000 đồng, chất đốt: 300.000 đồng, điện nước: 300.000 đồng, điện thoại: 400.000 đồng, tiền xăng xe: 600.000 đồng, tiền học và tiền sữa cho hai con nhỏ: 1,5 triệu đồng. Cân nhắc kỹ lưỡng, chi tiêu tiết kiệm lắm tiền lương mới đủ sống trong 30 ngày.

Hết 7 triệu đồng gói ghém cho cuộc sống tối thiểu của gia đình, còn vài trăm ngàn chúng tôi đau đầu vì các khoản bắt buộc và phát sinh khác: con cái bệnh, thăm bệnh, đám cưới, đám này đám khác... Cả vài chục loại phải chi ngoài dự kiến mà ở tuổi chúng tôi thì có nhiều mối quan hệ. Tỉ lệ thuận với các mối quan hệ là số tiền ơn nghĩa.

Thế là lại phải mở lớp dạy thêm, đi dạy thỉnh giảng, viết báo... mới mong đủ cho cuộc sống đạm bạc. Tối ngày quần quật với giờ dạy trên lớp, thời gian cho các công việc chuyên môn, tôi phải vất vả ngược xuôi chạy đi làm thêm.

Đó là chúng tôi còn có chỗ này chỗ khác mà làm chứ bạn bè công chức nhà nước kiếm đâu ra việc làm thêm. Bình thường họ đã sống chật vật, nói chi đến thời kỳ giá cả tăng cao này. Nhìn mâm cơm của họ mà nhói lòng. Đi đám cưới, vắng người này, người kia thấy buồn làm sao. Gửi thiệp là phương án tối ưu nhất bạn bè tôi làm hiện nay vì đỡ tốn và không bị trách.

Tội nhất là học trò công nhân lớp bổ túc tôi dạy thỉnh giảng, các em vừa đi học, vừa đi làm lương chỉ hơn 2 triệu mà đủ thứ phải chi phí. Thương các em ăn uống kham khổ không có sức để đi làm, đi học...

Điệp khúc “bao giờ cho đến tháng 5” để được tăng lương cứ ngân hoài trong mỗi chúng tôi. Và giật mình lương tăng có đáng là bao, đâu có sống được bằng lương? Thôi thì cứ “thắt lưng buộc bụng” vậy.

DUYÊN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên