27/11/2017 10:17 GMT+7

Giúp việc nhà, cần chuyên nghiệp

BẢO THOA (Hà Nội)
BẢO THOA (Hà Nội)

TTO - Trong hơn 100 ý kiến phản hồi của bạn đọc về câu chuyện “Bắt khẩn cấp người giúp việc bạo hành bé gái 1 tháng tuổi”, bên cạnh sự phẫn nộ còn có nỗi lo về chất lượng của người giúp việc nhà.

Giúp việc nhà, cần chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Người giúp việc liên tục có hành vi hành hạ cháu bé - Ảnh cắt từ clip

Khi những hình ảnh một bà giúp việc hành hạ đứa trẻ mới hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam được đưa lên mạng xã hội, đã có rất nhiều lời chỉ trích, nhiều câu hỏi được đặt ra và cũng có rất nhiều nỗi lo từ các ông bố, bà mẹ trẻ như chúng tôi.

"Chúng tôi mong Nhà nước có những biện pháp xử lý nhanh việc thiếu hụt nguồn cung người giúp việc đã qua đào tạo bài bản về kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần quy định đơn vị cung cấp dịch vụ giúp việc phải chịu một phần trách nhiệm khi đưa ra thị trường những "sản phẩm lỗi".

Bảo Thoa

Không lo sao được khi hiện nay không ít gia đình sống ở thành phố quá bận rộn và luôn căng thẳng trong "cuộc chiến" trông con. 

Không thể vừa hoàn thành tốt công việc cơ quan vừa có thể ổn thỏa trong chăm trẻ, nhiều gia đình trẻ đành giao phó con mình cho người xa lạ trông nom, chăm sóc. Trong khi đó, chúng tôi lại rất bối rối trước câu hỏi làm sao để lựa chọn được người giúp việc ưng ý, có thể yên tâm để giao phó con mình?

Khi thi thoảng lại có vụ ngược đãi trẻ nhỏ từ phía người giúp việc xảy ra, những ông bố, bà mẹ chúng tôi lại hoang mang, lo lắng. Chúng tôi lại đặt nghi vấn còn bao nhiêu vụ hành hạ trẻ vẫn còn trong bóng tối? Chúng tôi lại tự hỏi nếu không có camera thì làm sao biết được con mình có bị người giúp việc hành hạ hay không và hành hạ ra sao?...

Những nỗi lo lắng, những câu hỏi như vậy xuất phát từ thực tế ở nước ta dịch vụ cung cấp người giúp việc, nhất là những người giữ trẻ, vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Khâu đào tạo còn yếu trong khi nhu cầu lại nhiều đã dẫn đến những người giúp việc không đủ độ tin cậy được cung cấp tràn lan ra thị trường, đi vào các gia đình, khiến cho những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến những người giúp việc có tay nghề và có đạo đức.

Sau những thông tin về người giúp việc không chăm sóc tốt cho trẻ, thậm chí còn hành hạ các bé, mỗi phụ huynh chúng tôi chắc chắn sẽ nhắc nhở mình cẩn trọng hơn trong việc tìm người giữ trẻ. Chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc, tính cách, nhân thân của người đó. 

Thế nhưng, chúng tôi tự hỏi làm sao có thể biết thực hư về lý lịch người giúp việc khi mà các nhà cung cấp dịch vụ này thường chỉ đưa ra những thông tin tốt đẹp mà chúng tôi lại không tìm được nơi để kiểm chứng?

Chúng tôi mong Nhà nước có những biện pháp xử lý nhanh việc thiếu hụt nguồn cung người giúp việc đã qua đào tạo bài bản về kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần quy định đơn vị cung cấp dịch vụ giúp việc phải chịu một phần trách nhiệm khi đưa ra thị trường những "sản phẩm lỗi". 

Khi cả người lao động và bên cung ứng lao động trở nên chuyên nghiệp hơn, lúc đó, những thấp thỏm, bất an về người giúp việc trong cộng đồng mới giảm đi.

Mong chỉ là cá biệt

Trong khi dư luận vẫn chưa hết "nóng" vì vụ người giúp việc bạo hành trẻ hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam thì hình ảnh một bé học lớp 2 ở huyện Châu Thành, Kiên Giang bị hành hạ với vết bỏng khá sâu trên mặt đã một lần nữa khiến mọi người bức xúc. Mới đây lại thêm câu chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ ở một cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn Q.12 (TP.HCM) làm đau lòng nhiều người.

Cái ác và sự dã man vẫn tồn tại đâu đó quanh ta, có thể ở ngay trong nhà bạn (với người giúp việc mà bạn tin tưởng giao cho họ chăm sóc con mình), ở trường con bạn học và có thể đau đớn hơn là những người thân thuộc đối xử với nhau.

Bạo hành dù là thể xác hay tâm hồn đều để lại những vết thương khó mờ phai không chỉ đối với nạn nhân mà còn gây ra những tổn thương cho những ai biết đến vụ việc - sự tổn thương lòng tin.

Rồi đây, người ta sẽ lo sợ không chỉ bảo mẫu ở trường có thể bạo hành với con mình mà không còn dám tin người giúp việc nhà vì đây cũng là đối tượng có thể tạo ra đau đớn cho con cái, cha mẹ họ (trong trường hợp cao tuổi, bệnh, phải nhờ người chăm sóc). Tất nhiên, không phải người giúp việc, bảo mẫu nào cũng tệ, cũng ác, nhưng nỗi lo và ám ảnh là có thật.

Hậu quả là cũng chỉ vì một số bảo mẫu, cô giáo đối xử không tốt với học trò mà phụ huynh nơm nớp lo, dặn dò con mình nhiều lưu ý, khiến trẻ được nhét vào đầu bao nhiêu suy nghĩ đề phòng, không còn dám tin ai.

Cũng vì đã có người giúp việc ngược đãi trẻ con, người già, người bệnh mà nhiều người luôn có cái nhìn không thiện cảm với người giúp việc. Sự cảnh giác là cần thiết, nhưng khi "quơ đũa cả nắm" sẽ tội lắm cho những người hiền lành, lương thiện muốn đi làm để trang trải cuộc sống ở quê nghèo.

Vậy nên, phải làm cho những câu chuyện đau lòng như vậy không xảy ra nữa. Điều này tùy thuộc nhiều vào sự giám sát mạnh mẽ hơn từ phía Nhà nước và cộng đồng đối với hoạt động của mỗi người. Đừng im lặng, thờ ơ để cái ác và sự dã man có đất tồn tại và phát triển.

TẤN KHÔI


BẢO THOA (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên