Kiều được trợ cấp học phí trong cả năm cuối với khoảng 40 triệu đồng. Đây là một niềm vui lớn của Kiều vì trước đó Kiều phải mượn tiền từ hai nhà hảo tâm để đóng học phí.
10 năm sống trong mái ấm
Khi Kiều được 7 tuổi, gia đình Kiều khó khăn, mẹ đau ốm liên miên, ba làm nghề thợ mộc mà nuôi tới năm người con nên đã gửi Kiều vào một mái ấm ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
"Ngày đó trong nhà ai cũng sợ đến ở trong mái ấm. Ba mẹ hỏi Kiều, Kiều thấy anh chị em ai cũng sợ đi. Biết một người trong nhà sẽ phải đi nên Kiều đồng ý", Kiều rưng rưng kể lại.
Một vài ngày đầu khi phải xa cha mẹ và anh chị em Kiều buồn lắm, nhưng chỉ một thời gian ngắn Kiều đã hòa nhập cùng mọi người.
Ở trong mái ấm, Kiều được các sơ cho đi học tại một trường tiểu học gần đó. Từ nhỏ Kiều đã luôn tự giác làm mọi việc một cách tốt nhất để các sơ đỡ phải lo cho mình.
Nhìn các sơ vất vả lo cho từng đứa, Kiều và nhiều chị trong mái ấm muốn giúp các sơ. Có chị chọn trồng cây, chị chọn nấu ăn... cùng các sơ, riêng Kiều từ cấp II đã chọn dạy học cho các em nhỏ.
Kiều được khen có khiếu dạy học, được các em nhỏ khen dạy dễ hiểu. Các sơ cứ tưởng sau này lớn lên Kiều sẽ chọn làm nghề cô giáo nhưng Kiều nói nhận thấy mình thích môn sinh học, thích tìm hiểu về con người, thích được chăm sóc người khác nên cuối cùng đã quyết định chọn nghề y.
Và Kiều đã chọn ngành điều dưỡng với lời giải thích "ngành này chỉ học 4 năm, ra trường có thể đi làm luôn, phù hợp với hoàn cảnh của em".
Sống tại mái ấm nhiều năm, nơi có nhiều trẻ mồ côi thiếu tình yêu thương của cha mẹ, Kiều hiểu những trẻ em mồ côi cần được chăm sóc, nuôi nấng. Và điều các em cũng rất cần là được nâng đỡ về tâm lý.
Trước lúc Kiều chuẩn bị thi đại học, một nhà hảo tâm đã gặp Kiều nói chuyện và hứa khi Kiều thi đậu Trường đại học Y Dược TP.HCM thì cô ấy và một người bạn sẽ cho Kiều mượn tiền để đóng học phí, thuê nhà, ăn uống...
Kiều kể cô ấy và một người bạn từ nhiều năm trước vẫn thường đến mái ấm để thăm nom và giúp đỡ. Hai người là bạn học đại học, đến nay đều có công ty riêng, có gia đình riêng nhưng vẫn lặng lẽ đi làm từ thiện, giúp bao đứa trẻ như Kiều được lớn lên, trưởng thành.
Dù có cô chú là hai nhà hảo tâm giúp đỡ nhưng ngay từ lúc học năm thứ nhất Kiều đã tranh thủ tìm công việc để làm thêm vào buổi sáng trước khi đến trường.
Trước giờ học, Kiều dậy sớm nhận bán đồ ăn sáng cho một công ty tại các trường tiểu học. Biết chú là nhà hảo tâm có công ty, Kiều đã xin đến lau dọn ở công ty của chú để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống...
Kiều cũng đã chăm chỉ, cố gắng học tập để năm nào cũng là 10% số sinh viên trong lớp đạt học bổng của nhà trường với mức học bổng 20 triệu đồng/năm.
Dù phải đi làm thêm, học tập bận rộn nhưng Kiều vẫn sắp xếp hai ngày nghỉ cuối tuần về mái ấm ở Củ Chi để dạy học cho các em nhỏ.
"Những chị ở mái ấm trước đó nếu học xong hết cấp III, sau đó cũng không ai học đại học. Các chị học xong sẽ xin vào công ty đi bán hàng hoặc buôn bán lặt vặt. Còn em luôn muốn được học tiếp.
Em nghĩ có nhiều con đường cho mỗi người đi vào đời nhưng con đường học đại học vẫn là con đường ngắn nhất để đi đến thành công. Và qua những gì em lựa chọn, em muốn cho các em nhỏ ở mái ấm thấy trẻ em trong mái ấm vẫn có thể học đại học, vẫn có thể ước mơ và thực hiện ước mơ của mình", Kiều chia sẻ.
Kiều hiểu mình được như ngày hôm nay là nhờ sự nuôi nấng, giúp đỡ của các sơ, của các nhà hảo tâm... Dù Kiều trải qua nhiều khó khăn nhưng khi nói chuyện ánh mắt Kiều vẫn lấp lánh niềm vui và nụ cười luôn nở trên môi.
Nỗ lực của cô gái lớn lên từ làng phong
Bạn Phạm Thị Thu Hiền, 22 tuổi, là con cháu của làng phong Quy Hòa, Bình Định. Từ nhỏ, Hiền đã sống trong làng phong, nơi có rất nhiều người bị mắc bệnh phong, trong đó có ông bà nội và ba mẹ Hiền.
Ba mẹ Hiền may mắn chỉ bị mắc bệnh phong nhẹ. Vì vậy ba Hiền vẫn có thể đi thả lưới bắt cá, còn mẹ Hiền vẫn hái rau ra chợ bán để kiếm sống.
Hiền đang học năm thứ 5 khoa y Trường đại học Nguyễn Tất Thành và cũng mới nhận được học bổng từ Quỹ Bông hồng nhỏ.
Cả gia đình Hiền đều rất mừng khi biết tin này vì sẽ bớt đi gánh nặng cho gia đình. Hai năm cuối học phí của Hiền mỗi năm sẽ phải đóng khoảng 90 triệu đồng. Hiền được nhận học bổng này ở mức tối đa 50 triệu đồng/năm và gia đình chỉ phải lo khoảng 40 triệu đồng/năm.
Những năm trước đó, khi chưa nhận được học bổng, ba mẹ Hiền phải dành dụm để gửi cho Hiền. Từ khi vào TP.HCM học đại học, Hiền cũng được các sơ ở quận Bình Thạnh cho ăn ở miễn phí.
"Làng em ở có rất nhiều người bị bệnh phong. Em chọn nghề y vì muốn sau này học xong sẽ trở về giúp đỡ những người bệnh, giúp đỡ các sơ chăm sóc bệnh nhân phong", Hiền chia sẻ. Hiền cho rằng "nghề y cần những người có chuyên môn giỏi nhưng làm nghề y cũng phải đặt mình vào tâm thế của bệnh nhân để hiểu được bệnh nhân.
Em chọn quay về làng phong chăm sóc, điều trị cho người bệnh vì em hiểu được những nỗi đau bệnh tật và nỗi mặc cảm khi bị bệnh phong của người bệnh".
Vì hiểu nỗi đau về thể xác và tâm hồn của người bệnh nên Hiền đã sẵn sàng nỗ lực hết mình để sau này sẽ chăm sóc người bệnh một cách chu đáo nhất.
Hiền sẽ dành thời gian chia sẻ với người bệnh để họ có thể vơi được nỗi đau mặc cảm mắc bệnh phong. Hiền mong muốn sau này không chỉ chữa bệnh về thể xác cho người bệnh trong làng mà còn chữa được cả bệnh trong tâm hồn người bệnh.
Trong làng phong của Hiền, Hiền là người thứ tư đi học nghề y. Hiền cố gắng học, theo đuổi ngành y vì còn muốn cho các em nhỏ trong làng có niềm tin rằng con em của những người bị bệnh phong vẫn có thể học đại học, thậm chí làm bác sĩ và sẽ có một tương lai tốt đẹp.
Hướng tới hàng chục ngàn học trò cần được giúp đỡ
Ông Đỗ Mạnh Cường, phó chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Bông hồng nhỏ, cho biết quỹ có phạm vi hoạt động trên cả nước và đã được Bộ Nội vụ cấp phép.
Một năm qua, quỹ đã đồng hành ba chương trình khám chữa bệnh miễn phí cho 4.635 trẻ mồ côi, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn, tám chương trình bác ái xã hội trao tặng nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, các hỗ trợ trực tiếp tới người ở vùng thiên tai, người mắc bệnh hiểm nghèo... với 1.110 mảnh đời kém may mắn ở những vùng miền còn nhiều khó khăn, ở những nơi ít ai biết đến.
33 suất học bổng 4 năm đại học trao tặng cho sinh viên có tinh thần dấn thân, phục vụ cộng đồng không vụ lợi cho nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, người sống chung với AIDS, bệnh nhân phong... Mỗi suất học bổng trị giá 200 triệu đồng, tổng giá trị học bổng hơn 6,6 tỉ đồng.
Ngoài ra, quỹ này còn tặng 1.600 suất ăn yêu thương cho nhiều bệnh nhân và các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận