22/11/2015 07:55 GMT+7

Giúp người bệnh ung thư sống khỏe

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Điều trị bằng thuốc, nâng đỡ tâm lý và dinh dưỡng hợp lý được các bác sĩ điều trị, chuyên viên tâm lý và chuyên gia dinh dưỡng xem là “ba mũi giáp công” giúp người bệnh ung thư dù ở giai đoạn nào cũng có thể sống khỏe.

Nghe đọc báo tin bài này
Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý tại buổi giao lưu trực tuyến về bệnh ung thư tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 21- 11 - Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định

Đã có hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gửi về buổi giao lưu trực tuyến “Hiểu về bệnh ung thư” do báo Tuổi Trẻ và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 21-11.

Những câu hỏi này được bác sĩ Quách Thanh Khánh đánh giá là “thú vị, phổ biến và sát sườn với công tác hằng ngày của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý”.

Không có thực phẩm nào là xấu hoặc tốt hoàn toàn cho sức khỏe, quan trọng là liều lượng và cách chế biến

Bác sĩ TRẦN THỊ ANH TƯỜNG

“Tôi không đủ can đảm”

Trong đó, có nhiều câu hỏi liên quan đến tâm lý bệnh nhân, thể hiện mong muốn cuộc sống của người bệnh được kéo dài hơn, lạc quan hơn.

Bạn đọc Long Nguyễn (47 tuổi) hỏi: “Bạn tôi đang đối diện với cơn khủng hoảng khi chồng của bạn bị ung thư phổi. Cả gia đình bấn loạn và mất cân bằng cuộc sống khi trụ cột gia đình trong cảnh sống nay chết mai. Có cách nào giúp bạn tôi vượt cơn khó khăn này?”.

Bạn đọc Nam Sơn (45 tuổi) hỏi: “Con trẻ rất hồn nhiên, 5 tuổi con chưa biết rằng căn bệnh ung thư máu có thể cướp đi mạng sống của mình bất kỳ lúc nào... Tôi không đủ can đảm để nói với con về căn bệnh này. Tôi phải làm sao?”...

Nhiều bạn đọc không biết nên cho người thân đang bị bệnh ung thư ăn uống thế nào, như bạn Huỳnh Kim Quyên (27 tuổi): “Mẹ tôi bị ung thư vú, đã phẫu thuật và hóa trị liệu tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Xin các bác sĩ cho biết chế độ ăn uống đối với bệnh nhân sau khi quá trình điều trị ung thư kết thúc?”. Bạn đọc La Hồng Sơn (41 tuổi) bị ung thư vú cũng đề nghị tư vấn: “Thực đơn cần kiêng cữ những thực phẩm nào?”...

Tâm lý giúp vượt qua khó khăn

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Uyên Phượng phân tích tâm lý người bệnh diễn tiến theo năm giai đoạn: sốc và phủ định, tức giận, thương lượng, u sầu và trầm cảm, hi vọng và chấp nhận. Các giai đoạn này không diễn tiến theo trình tự và không phải tất cả bệnh nhân đều trải qua hết năm giai đoạn này. Không chỉ người bệnh ung thư mà thân nhân của họ cũng trải qua các giai đoạn này và thân nhân cũng có thể có những phản ứng tâm lý đau buồn giống bệnh nhân.

Ngoài ra, tâm lý bệnh nhân cũng tùy thuộc vào các yếu tố: lứa tuổi, cấu trúc nhân cách, loại bệnh và giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, hoàn cảnh lâm vào căn bệnh (đang mang thai, vừa ly hôn, có con nhỏ, gia đình khó khăn), đời sống tâm linh, nguồn lực hỗ trợ (gia đình, xã hội)...

Vai trò của thân nhân trong việc nâng đỡ và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh rất quan trọng vì là người gần gũi nhất và hiểu được những khó khăn mà bệnh nhân đang gặp phải... Khi thân nhân biết hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, họ sẽ dễ dàng vượt qua được những khó khăn liên quan đến mất mát về sức khỏe, bệnh tật và các mối quan hệ. Việc được hỗ trợ tâm lý và tinh thần cũng góp phần rất nhiều trong quá trình điều trị.

Với bệnh nhân là trẻ em, thạc sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ nói khi trẻ đang ở giai đoạn điều trị thường có cảm giác buồn chán, mệt mỏi, cảm giác thiệt thòi so với các bạn cùng lứa; trẻ cảm thấy tù túng, không được thoải mái vui đùa, không được tự do bay nhảy theo ý thích và phải theo sự sắp đặt của bác sĩ, sự can ngăn của người thân.

Với bệnh nhi ung thư, chơi một loại nhạc cụ, vẽ tranh, hát... giúp trẻ lạc quan hơn, quên đi được cảm giác đau đớn của bệnh tật. Khi vẽ tranh trẻ sẽ bộc lộ được những suy nghĩ và cảm xúc của mình, trẻ tập trung vào những ý tưởng và hình ảnh, màu sắc.Trẻ sẽ quên đi những cảm giác khó chịu trong quá trình điều trị. Những bức tranh của trẻ sẽ giúp mọi người hiểu tâm lý của trẻ và là động lực giúp trẻ vượt qua những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật, hướng trẻ tới những suy nghĩ tích cực trong tương lai.

Không kiêng khem quá mức

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường khẳng định dinh dưỡng giúp bệnh nhân có sức khỏe tốt để theo đuổi liệu trình điều trị thường kéo dài vài tháng. Hiện bệnh nhân còn kiêng khem quá mức những thực phẩm chưa có chứng cứ khoa học chứng minh có ảnh hưởng tới bệnh ung thư, như đường, thịt đỏ, sữa.

Theo bác sĩ Anh Tường, chế độ dinh dưỡng tốt nhất là phải đầy đủ, cân bằng và đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều rau và trái cây, đủ chất đạm, ít chất béo động vật. Không nên ăn quá nhiều một thức ăn nào đó được cho là tốt và cũng không nên kiêng khem, không sử dụng loại thức ăn nào đó được cho là xấu. Không có thực phẩm nào là xấu hoặc tốt hoàn toàn cho sức khỏe, quan trọng là liều lượng và cách chế biến.

Ví dụ, trong thịt đỏ có những chất được cho là chất tiền ung (có thể gây ung thư) nhưng giới chuyên môn chỉ khuyến cáo là không nên quá lạm dụng (ăn hơn 300 gam/tuần), còn người bệnh nghĩ rằng không ăn thì tốt hơn. Trong khi thịt đỏ có những chất mà thịt khác không có, đặc biệt nếu bệnh nhân đang hóa trị, bị thiếu máu thì thịt đỏ là nguồn cung cấp máu tốt nhất cho bệnh nhân. Do vậy tốt nhất là người bệnh ăn uống theo hướng dẫn của chuyên khoa dinh dưỡng hoặc từ bác sĩ điều trị.

Người bệnh còn thói quen là lấy kiêng khem của người bệnh khác làm kiêng khem cho mình. Ví dụ, với bệnh nhân ung thư gan khi bị suy chức năng gan, bác sĩ khuyên không nên ăn trứng thế là bệnh nhân khác nghe nói vậy cũng không ăn trứng luôn.

“Điều đó là sai vì mỗi loại ung thư có chế độ ăn khác nhau và mỗi giai đoạn bệnh có chế độ ăn cũng khác nhau. Với ung thư ở giai đoạn có thể trị khỏi thì chế độ ăn mang tính tích cực, với ung thư ở giai đoạn không thể trị khỏi thì chế độ ăn phải mang tính chất thỏa mãn sự thích thú và chất lượng sống của bệnh nhân. Ngoài ra, kết hợp ăn uống và vận động thể dục là cách tốt nhất để kiểm soát cân nặng, không để béo phì vì béo phì sẽ tăng nguy cơ tái phát. Cũng không nên kiêng ăn quá mức sẽ làm thiếu chất, không tốt cho sức khỏe” - bác sĩ Anh Tường khuyên.

7 người trả lời trực tuyến

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Hiểu về bệnh ung thư” có các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là: TS.BS Trần Đặng Ngọc Linh - trưởng khoa y học hạt nhân, bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy - trưởng khoa nội 3, ThS-BS CK2 Quách Thanh Khánh - trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ và bác sĩ Trần Thị Anh Tường - phó trưởng khoa dinh dưỡng; bác sĩ Lê Thị Thu Sương - phó khoa ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngoài ra, tham gia giao lưu còn có thạc sĩ tâm lý Trần Thị Uyên Phượng - giảng viên khoa y đức và khoa học hành vi - tâm lý ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch, và chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên