21/11/2015 10:03 GMT+7

Bệnh nhân ung thư đừng vội tuyệt vọng

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - Chương trình giao lưu trực tuyến giải đáp về bệnh ung thư do báo Tuổi Trẻ và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 21-11 đã mang đến nhiều kiến thức hữu ích cũng như tránh những ngộ nhận trong điều trị và chăm sóc.

Tham dự giao lưu trực tuyến “Hiểu về bệnh ung thư” có 7 bác sĩ và chuyên gia:

- Tiến sĩ bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - trưởng khoa y học hạt nhân - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

- Bác sĩ CK2 Ngô Thị Thanh Thủy - trưởng khoa nội 3 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

- Thạc sĩ bác sĩ CK2 Quách Thanh Khánh - trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

- Bác sĩ CK2 Trần Thị Anh Tường - phó trưởng khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. 

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương - phó khoa ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy

- Thạc sĩ tâm lý lâm sàng và tâm lý y khoa Trần Thị Uyên Phượng

- Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Đây là một trong những hoạt động của Ngày hội Hoa hướng dương lần thứ 8 do báo Tuổi Trẻ, Hội LHTN VN TP.HCM và Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra từ 6g ngày 22-11 tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM, khu vực cầu Ánh Sao) và từ 7g ngày 22-11 tại công viên Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội).

NỘI DUNG GIAO LƯU: 

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 21- 11 - Ảnh: Quang Định
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 21- 11 - Ảnh: Quang Định
Chị Trương Bảo Châu - thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ Online - tặng hoa cho các khách mời giao lưu trực tuyến - Ảnh: Quang Định

*Cắt khối u trong gan vậy có phải là ung thư gan không? (nguyễn thanh tùng, 61 tuổi, tungduyson@)

- BS Quách Thanh Khánh: Để chẩn đoán ung thư nói chung cũng như ung thư gan nói riêng, thì kết quả giải phẫu bệnh sau khi cắt khối u là chính xác nhất Trường hợp một khối u trong gan không phải lúc nào cũng là ung thư. Ví dụ như u gan lành tính, u mạch máu gan, u tế bào gan lành, áp xe gan... Nếu sau khi mổ, bác sĩ sẽ thử giải phẫu bệnh khối u để chẩn đoán chính xác đó là ung thư gan nguyên phát hay ung thư ở nơi khác di căn đến gan. Đây mới là kết luận chính xác nhất.

*Chồng em bị ung thư phổi giai đoạn cuối, BS cho biết ung thư tế bào tuyến, xin hỏi dùng thuốc đặc trị có hết không? i(trinh thi kim bang, 51 tuổi, kimbangp4@)

Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương - phó khoa ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Quang Định
Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương - phó khoa ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Quang Định

- BS Lê Thị Thu Sương -BS CK1 - Phó khoa Ung Bướu BV Chợ Rẫy

Cám ơn câu hỏi của bạn

Theo như thông tin bạn đưa, bệnh nhân được chẩn đoán giai đoạn IV với giải phẫu bệnh là ung thư tế bào tuyến và đang uống thuốc.

Với những tiến bộ y học ngày nay và những thành công trên những nghiên cứu lâm sàng lớn đã chứng minh, theo điều kiện tại Việt nam  thì bệnh nhân được xét nghiệm đột biến gen để chỉ định đối tượng thích hợp với bệnh nhân có đột biến dương tính. theo như bạn thông tin thì có lẽ bệnh nhân đang uống Tarceva hoặc Iressa và uống lâu dài cho đến khi bệnh tiến triển và tiên lượng có đáp ứng khoảng 60-70%, điều này có nghĩa bệnh nhân cũng sẽ có một tỉ lệ tái phát trở lại, và tùy theo kiểu tái phát sẽ có hướng điều trị thích hợp tiếp theo.

Thông thường trung bình bệnh nhân được đánh giá lại bệnh mỗi 3 tháng bằng khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh như CT scan hoặc MRI.

* Những bệnh viện nào có thể khám để phát hiện ung thư cho người dân (khám tổng quát các loại bệnh ung thư hiện nay)? (Trần Thanh Tùng, 31 tuổi, nangha@)

- BS Lê Thị Thu Sương: Cám ơn câu hỏi của bạn.

Khám tầm soát ung thư có thể thực hiện dưới nhiều hình thức:

- Tự khám tại nhà: ví dụ tự khám vú, kiểm tra hạch ngoại biên, khám kiểm tra những yếu tố nguy cơ như hẹp da qui đầu của trẻ nhỏ (nguy cơ ung thư dương vật), sờ không thấy tinh hoàn ở bìu để phát hiện khả năng tinh hoàn ẩn (nguy cơ ung thư tinh hoàn), nốt ruồi phát triển bất thường (nguy cơ ung thư hắc tố), loét da lâu lành....

- Khám tại các cơ sở y tế địa phương: tầm soát cổ tử cung, khám tai mũi họng, phát hiện u bướu trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thường qui như siêu âm và X - Quang.

- Khám tại các trung tâm lớn: gần như tất cả các bệnh viện lớn đều có thể tầm soát tùy theo đối tượng, lứa tuổi và sau khi có định hướng chẩn đoán sẽ điều trị hoặc chuyển bệnh nhân theo hướng chuyên khoa.

* Khoảng 3 tháng nay trên mặt của em xuất hiện những quầng màu đỏ (em có sử dụng kem thoa mặt và dưỡng da từ lúc nổi, em đã ngưng sử dụng) và em cũng có uống thuốc chống dị ứng và thuốc giải độc gan nhưng không thấy giảm. Em bị bệnh gì và đi khám ở đâu? Em xin cảm ơn(Nguyen song nguyen, 31 tuổi, Vitamincngaymoi@gmail.com)

Tiến sĩ bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - trưởng khoa y học hạt nhân - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Tiến sĩ bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - trưởng khoa y học hạt nhân - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quang Định

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng Khoa Y học hạt nhân, Bv Ung Bướu TPHCM- Phó Trưởng Bộ môn Ung thư học, Đại học Y Dược TPHCM.

Theo Cô mô tả thì rất nhiều khả năng bệnh liên quan đến dị ứng da do kem hay mỹ phẩm. Đây là vấn đề khá thường gặp nhưng không thể tự điều trị ở nhà mà cần đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa Da Liễu để có chẩn đoán và xử trí thích hợp. Cô có thể liên hệ khoa Da Liễu tại các bệnh viện địa phương hay bệnh viện Da Liễu TPHCM để khám bệnh.

* Thưa bác sĩ, để phát hiện sớm bệnh ung thư thì có nhiều lời khuyên đưa ra về việc đi khám sức khỏe định kỳ. Cho tôi hỏi cụ thể là tôi cần đi khám những gì? (xét nghiệm máu, đo lượng đường huyết,..), đối với phụ nữ thì nên kiểm tra những gì để sớm phát hiện các bệnh như ung thư vú, ung thư tử cung? Liệu việc tiêm vắcxin có giúp ngừa ung thư không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Trang Dang, 23 tuổi, trangdang@)

- Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy: Để phát hiện sớm ung thư, mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng một lần.

Các xét nghiệm như xét nghiệm máu và đường huyết chỉ giúp phát hiện các bệnh lý thông thường chứ chưa chắc đã phát hiện được bệnh ung thư. Có rất nhiều xét nghiệm có thể gợi ý đến một số loại ung thư nhưng chúng ta không thể thử làm xét nghiệm tất cả các loại đó. Vì giá cả đắt đỏ và cũng không có thời gian để làm hết. Khi có những dấu hiệu gợi ý tới loại ung thư nào, các bác sĩ sẽ cho thử các xét nghiệm đặc trưng của loại đó.

Đối với phụ nữ, nên đi khám phụ khoa và khám vú định kỳ 6 tháng một lần ở những cơ sở uy tín, chuyên về ung thư như Bệnh viện Ung bướu.

Có một loại vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, chỉ với những người chưa bị nhiễm vi rút HPV thì mới có tác dụng ngừa một số chủng HPV. Do đó có thể giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung chứ không ngừa hoàn toàn. 

* Tôi có người thân bị ung thư vú giai đoạn 3, đã giải phẫu, hóa trị và xạ trị được 11 tháng. Xin hỏi: Trên cánh tay phải (phía ngực bị ung thư và đã nạo hạch nách) có được đeo nhẫn hay trang sức không? Có được cạo gió lên cánh tay này không? Nên hạn chế, kiêng những loại thực phẩm nào? Có được tập thể dục thẩm mỹ như bình thường không? Cần hạn chế những động tác cụ thể nào? Xin cảm ơn. Levy (Huynh Ngoc Anh, 50 tuổi, levycullenbio@)

- BS Trần Thị Anh Tường: Tuyệt đối không nên để sang chấn hay cơ hội tổn thương tay bên đoạn nhũ. Vì bên đó bác sĩ đã nạo hạch nách, khả năng nhiễm trùng hay chậm lành vết thương sẽ rất cao nếu để bị tổn thương da. Do vậy không nên đeo nhẫn trang sức hay cạo gió như em đã hỏi.

Dĩ nhiên khi đi tiệc, cần làm đẹp cho mình người bệnh cũng có thể mang đồ trang sức nhưng về nên tháo ra ngay và cẩn thận không nên chọn đồ trang sức sắc bén.

Trong giai đoạn hồi phục này nên có chế độ ăn cân bằng giữa các chất, ăn nhiều rau và trái cây, đủ chất đạm, ít chất béo động vật. Nên kiểm soát cân nặng không để béo phì vì béo phì sẽ tăng nguy cơ tái phát. Kết hợp ăn uống và vận động thể dục là cách tốt nhất để kiểm soát cân nặng chứ không nên qua kiêng cữ trong ăn uống sẽ làm thiếu chất, cũng không tốt cho sức khỏe.

Thịt bò hay các loại thịt đỏ thường bị cho là kiêng ăn nhưng thực chất là chỉ hạn chế ở mức 300g/tuần vì thịt bò cung cấp nhiều chất mà trong các thực phẩm khác ít có.

Hơn nữa, điều trị bệnh để có thể sống nhưng sống mà không được ăn phở bò, hay bò bít tết.. thì sống chán lắm!!

Như đã nói vận động thể lực rất rất cần thiết cho bệnh nhân ung thư vú sau điều trị do vậy theo khuyến cáo của hiệp hội ung thư Hoa Kỳ không giới hạn loại hình nào trong tập luyện. Tuy nhiên khi mang nặng ở tay cùng bên phẫu thuật có thể làm khó chịu. Những môn thể thao ưu tiên chọn lựa: đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội,  yoga, và thẫm mỹ.

Nếu gặp phải khó khăn trong chế độ ăn uống em có thể dẫn bệnh nhân đến khoa dinh dưỡng BVUB, bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết hơn.

* Gia đình bạn tôi đang đối diện với cơn khủng hoảng khi chồng của bạn bị ung thư phổi. Cả gia đình bấn loạn và mất cân bằng cuộc sống khi trụ cột gia đình trong cảnh sống nay chết mai, vì ung thư phổi rất dễ di căn qua tim. Một người bạn nhưng tôi muốn giúp bạn mình qua cơn khó khăn này bằng cách nào? (Long Nguyễn, 47 tuổi, nghlong@)

Thạc sĩ bác sĩ CK2 Quách Thanh Khánh - trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Thạc sĩ bác sĩ CK2 Quách Thanh Khánh - trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quang Định

- BS Quách Thanh Khánh: Ung thư phổi thường di căn ở các vị trí: gan, phổi đối bên, xương, não. Tim là một vị trí rất hiếm gặp di căn.

Trường hợp bạn nêu ra có thể ung thư phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim. Bác sĩ cảm nhận được sự khó khăn và đau khổ của bạn cũng như gia đình bạn của bạn.

Bạn có thể liên hệ khoa chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện Ung bướu TP.HCM để có thể tư vấn điều trị giảm nhẹ các triệu chứng cho người bệnh.

Hy vọng sẽ nâng chất lượng sống của người bệnh cũng như giảm bớt lo âu cho gia đình của người bệnh.

* Thưa chuyên gia, theo đuổi một bộ môn nghệ thuật nào đấy trong quá trình điều trị ung thư có thể giúp trẻ cải thiện tinh thần tốt hơn không? Những bộ môn nào cần lưu ý để được hỗ trợ tốt nhất? (Lam Hồng, 27 tuổi, lamhongng@)

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ - Ảnh: Quang Định
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ - Ảnh: Quang Định

- Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ: Đối với bệnh nhi bị ung thư, thì giai đoạn điều trị thường có cảm giác buồn chán, mệt mỏi, cảm giác thiệt thòi so với các bạn cùng lứa, cảm thấy tù túng, không được thoải mái vui đùa, không được tự do bay nhảy theo ý thích... và phải theo sự sắp đặt của bác sĩ, sự can ngăn của người thân.

Vậy nên, những bộ môn nghệ thuật sẽ giúp đứa trẻ lạc quan hơn, quên đi được cảm giác đau đớn của bệnh tật. Đặc biệt, trẻ có thể chơi một loại nhạc cụ, vẽ tranh, hát...

Ví dụ, khi vẽ tranh trẻ sẽ bộc lộ được những suy nghĩ và cảm xúc của mình, trẻ tập trung vào những ý tưởng và hình ảnh, màu sắc. Trẻ sẽ quên đi những cảm giác khó chịu trong quá trình điều trị. Những bức tranh của trẻ sẽ giúp mọi người hiểu tâm lý của trẻ và là động lực giúp trẻ vượt qua những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật, hướng trẻ tới những suy nghĩ tích cực trong tương lai.

* Cánh phát hiện ung thư vòm họng. Tôi bị sâu răng (răng cấm). Đến nay các răng này đã bể, không còn gốc (dù chưa đi nhổ những chiếc răng này,đã chụp xquang cũng không thấy). Liệu có dẫn đến căn bệnh trên không. (Trần Thanh Tùng, 31 tuổi, nangha@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Cách phát hiện ung thư vòm họng: Cần chú ý các biểu hiện như sổ mũi kéo dài, chảy mủ, chảy máu mũi, nghẹt mũi,... Nếu có những biểu hiện như thế này thì nên đi khám tại chuyên khoa.

Để phát hiện ung thư vòm họng, cần phải được soi tai mũi họng trực tiếp tại bệnh viện.

Răng cấm bị sâu thì bạn nên đến nha khoa để được điều trị. Không nên để viêm đi viêm lại ảnh hưởng đến sức khỏe chung của bạn.

Chưa có dữ liệu nào chứng minh sâu răng có thể đưa đến ung thư vòm họng. 

* Kính thưa các bác sĩ, Tôi bị ung thư thanh quản đã cắt thanh quản bảo tồn cách đây 3 năm. Mỗi lần tái khám tôi đến trung tâm Hòa Hảo nội soi thanh quản theo chỉ định. Xin cho tôi hỏi có cần phải làm thêm gì nữa không để phát hiện trường hợp tái phát. Xin cảm ơn và chúc các bác sĩ sức khỏe dồi dào để cứu bệnh nhân. (Lê Thiện Quang, 55 tuổi, hienle.tm03.k35@)

- BS Quách Thanh Khánh: Chào bác,

Bệnh của bác ở giai đoạn sớm và đã được cắt thanh quản bảo tồn cách đây 3 năm nên tỉ lệ tái phát rất thấp.

Ngoài nội soi, bác có thể chụp thêm CT-scan cản quang để phát hiện bệnh tái phát.

Chúc bác vui khỏe.

* Hiện theo em biết, có một số dạng ung thư có thể tầm soát được như ung thư vú, ung thư cổ tử cung... Vậy các bệnh ung thư khác (ung thư gan, dạ dày..) có tầm soát được không? Chi phí bao nhiêu? Nơi nào thực hiện? (Huỳnh Minh Nhật, 25 tuổi, huynhminhnhat2410@)

- Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, chuyên khoa cấp 2: Tầm soát là một chương trình lớn thực hiện trên nhiều người, qua đó phát hiện sớm một số loại ung thư.

Hiện chỉ có chương trình tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung vì phương tiện tầm soát đơn giản, dễ thực hiện, chi phí không cao và có hiệu quả. Đối với những loại ung thư khác như gan và dạ dày, chưa có chương trình tầm soát hiệu quả.

Tại bệnh viện Ung bướu có khám và phát hiện sớm các loại bệnh ung thư. 

Ở Nhật, do tỉ lệ mắc ung thư dạ dày rất cao và nếu phát hiện sớm thì tỉ lệ điều trị khỏi cao nên ở Nhật có chương trình tầm soát ung thư dạ dày.

Tại VN, từng cá nhân có tiền căn trong gia đình bị bệnh ung thư dạ dày, ung thư gan hay bị viêm gan siêu vi B, siêu vi C thì nên đi khám sức khỏe định kỳ tại chuyên khoa Ung bướu để được phát hiện bệnh sớm nếu có.

Giá cả và chi phí thì tùy loại xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nội soi,...

Bác sĩ CK2 Ngô Thị Thanh Thủy - trưởng khoa nội 3 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Bác sĩ CK2 Ngô Thị Thanh Thủy - trưởng khoa nội 3 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quang Định

* Con trẻ rất hồn nhiên, 5 tuổi con chưa biết rằng căn bệnh ung thư máu có thể cướp đi mạng sống của mình bất kỳ lúc nào. Con vẫn hồn nhiên, bệnh chỉ là bệnh, rồi cũng sẽ hết. Tôi không đủ can đảm để nói với con về căn bệnh này. Tôi phải làm sao? (Nam Sơn, 45 tuổi, ngnamson@)

- Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ: Chào bạn, với một đứa trẻ 5 tuổi có thể chưa hiểu hết về sự sống và cái chết. Nhiều đứa trẻ ở tuổi này nghĩ rằng mọi bệnh tật đều có thể là tạm thời và đều được chữa khỏi.

Tôi nghĩ bạn có thể không cần nói với con về cái chết, hãy để cho con của mình sống hồn nhiên và lạc quan. Tinh thần lạc quan và sự vui vẻ sẽ giúp đứa trẻ vượt qua những cơn đau của bệnh tật một cách dễ dàng hơn.

Bạn hãy cho con được duy trì những hoạt động yêu thích của mình để con không cảm thấy bệnh tật làm xáo trộn cuộc sống của con.

Bạn có thể cùng con và cho con đọc sách, vẽ tranh, học hát, học đàn. Bạn có thể nói với con về những điều mà con cần làm trong quá trình điều trị, luôn khích lệ con vượt qua những cảm giác khó chịu, đau đớn của bệnh tật.

Bạn cũng có thể bộc lộ một phần cảm xúc của mình với con để bạn thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng bạn cố gắng đừng để con biết về những suy nghĩ tiêu cực của mình.

Chúng ta đang chờ một phép màu kì diệu, hãy giúp con sống trọn vẹn mỗi ngày của con.

Hãy can đảm vững vàng bạn nhé.

* Mẹ tôi bị ung thư vú, đã tiến hành phẫu thuật và hóa trị liệu tại BV Ung Bướu TP.HCM, xin các bác sĩ cho biết chế độ ăn uống đối với bệnh nhân sau khi quá trình điều trị ung thư kết thúc?(Huỳnh Kim Quyên, 27 tuổi, kim_quyen0805@)

Bác sĩ CK2 Trần Thị Anh Tường - phó trưởng khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Bác sĩ CK2 Trần Thị Anh Tường - phó trưởng khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Quang Định

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Dinh dưỡng trong ung thư rất quan trọng, thay đổi tùy theo thời điểm điều trị.

Trong trường hợp mẹ em đã kết thúc quá trình điều trị, dinh dưỡng bây giờ đóng vai trò phục hồi sức khỏe và ngăn ngừa tái phát và phòng ngừa những biến chứng do điều trị mang lại.

Để hướng dẫn cụ thể trên từng người bệnh, em có thể dẫn mẹ đến khoa dinh dưỡng BVUB vào sáng thứ 2 để được tư vấn chi tiết. Nếu chưa có thời gian mẹ em nên theo những nguyên tắc chung sau đây:

1. Kiểm soát cân nặng không để béo phì, hay suy dinh dưỡng. BMI chuẩn nên duy trì 19-23

2. Ăn nhiều rau, trái cây với nhiều màu sắc và cách chế biến khác nhau, trung bình 500g/ ngày

3. Tập thể dục tối thiểu 30phút/ngày, cường độ vừa như đi bộ nhanh, đạp xe đạp, chạy bộ, bơi lội, yoga

4. Giữ tinh thần lạc quan yêu đời. ít stress

5. Uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa mỗi ngày để đảm bảo nạp đủ 1000mg canxi/ ngày. Nếu mẹ đang bị béo phì nên chọn sữa ít đường và ít béo

6. Không kiêng cử thái quá những gì đến nay chưa có chứng cứ khoa học.

Mong gặp lại em và mẹ ở khoa dinh dưỡng BVUB.

* Em là Cẩm Tú. Em mong chờ có chương trình hỗ trợ tâm lý cho thân nhân và thân nhân mắc bệnh ung thư đã lâu. Vì em có biết rất nhiều hoàn cảnh cần hỗ trợ nhưng em không biết nơi nào vì bệnh viện Ung bướu hay Chợ Rẫy em không thấy có chuyên viên tâm lý. Chương trình có thể chỉ cho em địa chỉ nào có thể hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân không ạ? Đặc biệt là lúc họ nghe tin xấu, người mới mắc bệnh hay tiên lượng bệnh thấp, họ đối mặt với cái chết,...Em cảm thấy rất thương họ. Mong chương trình có thể giúp. Em cảm ơn chương trình ạ! (Bùi Cẩm Tú, 21 tuổi tuổi, giotsuong_hattieu44@)

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng và tâm lý y khoa Trần Thị Uyên Phượng - Ảnh: Quang Định
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng và tâm lý y khoa Trần Thị Uyên Phượng - Ảnh: Quang Định

- Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Uyên Phượng: Chào Cẩm Tú,

Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM có chuyên viên tâm lý từ năm 2007 - 2012 tại khoa Nhi vào các sáng thứ 2 và chiều chủ nhật hàng tuần, và từ 2011 - nay thì có chuyên viên tâm lý làm việc tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ vào sáng thứ 4 và sáng thứ 6 hàng tuần.

Có thể bạn không biết là bệnh viện có chuyên viên tâm lý vì hiện bệnh viện chưa có chuyên viên tâm lý làm việc toàn thời gian. 

Tôi là chuyên viên tâm lý làm việc tình nguyện bán thời gian tại bệnh viện Ung Bướu từ 2007 đến nay (khoảng 2-3 buổi/tuần) vì vậy không thường xuyên ở bệnh viện, khi bệnh nhân và thân nhân ở khoa Nhi hoặc khoa Chăm sóc nhẹ cần được hỗ trợ hay kể cả các khoa khác trong bệnh viện thì nhân viên ở khoa sẽ liên hệ với tôi và tôi sẽ sắp xếp để đến hỗ trợ và can thiệp sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, hiện nay ở Bệnh viện Ung bướu cũng có các bạn chuyên viên tâm lý và sinh viên tâm lý đang học năm cuối tại các trường đại học đến hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân theo Dự án "Nâng cao sức mạnh tinh thần" do Chi hội Khoa học Tâm lý - Giáo Dục Nụ Cười Trái Tim tổ chức.

Dự án này hướng tới các bệnh nhân mắc bệnh nan y, mạn tính và thân nhân của họ, và không chỉ làm ở bệnh viện Ung bướu TP.HCM mà bất cứ bệnh nhân nào đang cần được hỗ trợ tâm lý khi đang điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM khi liên hệ đều có chuyên viên tâm lý đến hỗ trợ tại bệnh viện hoặc tại nhà.

Hiện tại theo tôi được biết thì bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác có điều trị bệnh ung thư chưa có chuyên viên tâm lý hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư và thân nhân. 

Khi bệnh nhân mắc bệnh nan y, mạn tính và thân nhân cần được hỗ trợ tâm lý thì có thể liên hệ Văn phòng Tham vấn và Trị liệu tâm lý Nụ Cười Trái Tim, địa chỉ 854/43 Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM (www.nucuoitraitim.com) - là nơi có 2 chương trình sau:

- chương trình Tham vấn và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân ung thư và thân nhân trong quá trình bệnh nhân đang được điều trị;

- chương trình giúp thân nhân vượt qua nỗi đau khi đối diện với sự mất mát người thân và tang chế.

Bên cạnh đó, khi bệnh nhân đang đứng trước cú sốc và khủng hoảng tâm lý khi nghe tin xấu về việc mắc bệnh và đau khổ trong quá trình điều trị bệnh và đối diện với mất mát thì cũng có thể đến các trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý ở gần nơi mình sinh sống nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Nếu Cẩm Tú quan tâm đến lĩnh vực hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân ung thư thì có thể liên hệ Văn phòng Nụ Cười Trái Tim để xét tuyển làm tình nguyện viên của dự án.

Chúc em có nhiều niềm vui trong cuộc sống!

* Dạ xin chào bác sĩ. Cô em bị K vú, đã phẫu thuật và hóa trị cách nay 12 năm. Đến 2014, cô đi khám và chụp CT phát hiện khối u phổi gần 10cm, tràn dịch phổi. Sau đó bác sĩ chẩn đoán là K phổi do K vú di căn. Vì di căn nên người nhà tự ý đưa về mà không nói bác sĩ. Hiện nay cô em đau rất nhiều, sưng mặt sưng nách, phù người, mắt hơi nhỏ. Vậy xin hỏi là cô em còn sống được bao lâu, cách nào giảm đau mà không đến bệnh viện hay không? (Đinh Bảo Châu, 28 tuổi, baochau.dinh@)

- Bác sĩ Quách Thanh Khánh: Bác sĩ cũng mong có thể đưa ra câu trả lời chính xác thời gian còn lại để gia đình có thể chuẩn bị. Tuy nhiên điều quan trọng hiện tại là kiểm soát đau và các triệu chứng khác cho cô.

Em có thể liên hệ khoa chăm sóc giảm nhẹ bệnh viện Ung bướu, số điện thoại của khoa: 3.8418469 để tìm hiểu thêm chương trình chăm sóc tại nhà. Cô của bạn sẽ được điều trị tại nhà cũng như được tư vấn các vấn đề khác liên quan đến tình trạng bệnh của cô.

* Bác sĩ có thể cho biết sự sống của bệnh K vòm hầu ngắn nhất là bao lâu dài nhất là bao lâu. Xin cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thành Hưng, 1957 tuổi, thanhhungag_pt@)

- BS Trần Thị Anh Tường: Sống còn của bệnh nhân ung thư tùy thuộc vào nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, loại tế bào ung thư, khả năng đáp ứng điều trị của bướu, tuổi tác, bệnh lý nội khoa khác và chế đệ ăn uống luyện tập sau điều trị.

Trong y khoa không có khái niệm sống ít nhất bao lâu và lâu nhất bao lâu mà người ta tính từng thời điểm 3 năm, 5 năm , 10 năm hay 20 năm, theo đó tỉ lệ bệnh nhân sống ở từng thời điểm đó là bao nhiêu. Nếu tỉ lệ cao thì xác suất sống của bản thân mình sẽ cao.

Trường hợp của bạn thí nếu K vòm hầu giai đoạn sớm tỉ lệ sống 5 năm 80-90%, giai đoạn muộn tỉ lệ sống 2 năm 60-70%. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ chết trong năm sau đó.

Tôi có anh bệnh nhân K vòm, khi mới ra trường tôi đã theo dõi điều trị và kết bạn, nay thấm thoát gần 20 năm người bạn tôi vẫn ổn, lập gia đình và có 2 con kháu khỉnh.

Mong bạn đừng tuyệt vọng!

* Em chào các bác sĩ. Vui lòng tư cấn giúp em: Anh trai em năm nay 42 tuổi, hiện đang làm nhân viên kinh doanh nước sơn và đồ trang trí nội thất. Thời gian gần đây, sau khi uống rượu bia và nói chuyện lớn tiếng là anh bị đau họng và khan tiếng. Có phải anh ấy có triệu chứng của ung thư vòm họng? Em cảm ơn.(Nguyễn Thị Lan, 30 tuổi, Huynhbaoyen@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy trả lời: Nghề nghiệp của anh bạn liên quan đến các chất hóa học nguy hiểm, dễ ảnh hưởng đến đường hô hấp. Với biểu hiện đau họng và khan tiếng như vậy, có thể do viêm hay cũng có thể là biểu hiện của bệnh ung thư. Bạn nên khuyên anh bạn đi khám. 

* Kính thưa các bác sĩ! "Kỷ nguyên điều trị ung thư nhắm trúng đích" là nhắm vào đâu? Điều trị ung thư hiện nay trong các bệnh viện tuyến trung ương theo tôi là quá phức tạp, thời gian quá dài đã cướp đi cơ hội vàng của bệnh nhân có đúng không? (Nguyễn Đắc Thắng, 1960 tuổi, ythuanviet@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Điều trị nhắm trúng đích trong ung thư là nhắm vào những đích phân tử trong tế bào. Một số tế bào có những biểu hiện sinh học đặc biệt (ví dụ có đột biến một gen đặc biệt) thì nhạy với một số thuốc nhắm trúng đích tương ứng.

Tại các bệnh viện tuyến trung ương do số bệnh nhân quá đông, quá tải kéo dài nên thường bệnh nhân phải có thời gian chờ đợi nhất định. Tuy nhiên, bệnh ung thư không cần phải điều trị thật gấp. Điều quan trọng nhất là phải tính toán thật kĩ để có một chẩn đoán thật đúng và kế hoạch phối hợp điều trị toàn diện cho bệnh nhân.

Các bệnh viện tuyến trung ương dù có chờ đợi nhưng cũng cân nhắc tùy trường hợp ,những bệnh nào cần phải điều trị sớm hơn thì ưu tiên sớm hơn để không ảnh hưởng đến cơ hội điều trị khỏi của bệnh nhân.

* Thưa chuyên gia tâm lý, em nghe nói tác động tâm lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến triển của bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Có nhiều người khi không biết bệnh thì còn sống tốt, khi biết mình bị ung thư thì mất rất nhanh sau đó. Có phải di ảnh hưởng tâm lý không ạ? (Nguyen Xuan Tuyen, 20 tuổi, nguyenxuantuyen97@)

- Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Uyên Phượng: Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy khi bệnh nhân biết rõ về tình trạng bệnh thì bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn.

Tâm lý bệnh nhân có ảnh hưởng đến việc điều trị, tuy nhiên, bệnh nhân mất sớm hay muộn, phụ thuộc phần lớn vào diễn tiến của bệnh ung thư hơn là tâm lý lo âu khi biết bệnh.

Tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ và chuyên gia tâm lý sẽ biết cách tốt nhất để thông báo, thông tin bệnh cho người bệnh và tránh những thông tin gây sốc cho người bệnh cũng như tránh che giấu, lừa dối người bệnh.

Bên cạnh đó, nếu sau quá trình được thông báo tin xấu về bệnh mà bệnh nhân được người nhà quan tâm, hiểu về bệnh tình của mình, được hỗ trợ tâm lý-xã hội,...thì sẽ đối diện và vượt qua nỗi đau khổ khi đối diện với bệnh tật tốt hơn và nâng cao được chất lượng cuộc sống trong quá trình điều trị.

* Dinh dưỡng cho người K giáp để phục hồi suy nhược cơ thể sút cân? Bác sĩ tư vấn truyền đạm thì nên có lộ trình thế nào? Hải sản, nước yến kiêng như thế nào? Khi uống I 131 bị giật lưỡi không nuốt được trong khi nhiều người không bị là do đâu, cách khắc phục? (BN khoa YHHN BVUB) (Huỳnh Lam, 23 tuổi, lehuynhlam91@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Thông thường K giáp ít làm người bệnh sụt cân, thậm chí khi ngưng thuốc nội tiết trước khi uống I 131 có thể sẽ làm người bệnh tăng cân nhanh. Do vậy, chị muốn em nên tìm gặp chị ở khoa dinh dưỡng BVUB sát bên khoa YHHN em đang điều trị để có thể nói chuyện vói em nhiều hơn.

Truyền đạm không làm cho em tăng cân, và khi thiếu năng lượng đạm sẽ được dùng để tạo năng lượng. Em vừa tốn kém, vừa có nguy cơ bị sốc lại không cho em hiệu quả gì. Nếu em truyền quá nhiều đạm có thể có những hậu quả khác không lường trước được.

Việc giật lưỡi của em chị cần phải khám nên tốt nhất em nên đến khoa dinh dưỡng.

Mong gặp em ở khoa dinh dưỡng sáng thứ 2,3  hằng tuần.

* Cháu tôi bị bệnh K cuống họng. Do ăn uống không được nên đã tử vong lúc 12 giờ. Đến 21 giờ thì máu từ trong miệng trào ra. Vậy Xin hỏi bác sĩ đó là hiện tượng gi? Xin chân thành cám ơn. (Đỗ Thuấn, 59 tuổi, dothuan34@)

- BS Quách Thanh Khánh: Tình huống này có thể giải thích như sau: Một con người khi mất thường các cơ vòng co thắt sẽ dãn, trong đó có cơ thắt tâm vị dạ dày. Một số bệnh nhân có thể có xuất huyết và nuốt vào trong dạ dày, khi mất lượng máu và dịch trong dạ dày còn có thể được lưu lại và đã phân hủy. Máu này là máu không đông nên khi thay đổi tư thế hoặc có những cử động làm tăng áp lực vùng bụng thì dịch và máu cũ trong dạ dày có thể trào ra ngoài. 

* Trong tỏi có chất S-allyl-L-cysteine ngừa ung thư. Hiện nay trên thị trường đang xuất hiện sản phẩm tỏi đen. Hỏi sử dụng thế nào là hợp lý? (Trần Minh Đức, 47 tuổi, minhduc.amori@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Đúng là tỏi có chất ngừa ung thư. Tỏi đen cũng không khác tỏi thường, cũng là chất giúp ngăn ngừa ung thư. Nhưng ăn bao nhiêu là hợp lý cho đến nay vẫn chưa được khuyến cáo.

Những khuyến cáo ngăn ngừa ung thư của Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ là:

1. Kiểm soát cân nặng tối ưu (BMI 19-23)

2. Chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe:

- Chọn chất béo không bão hòa ( dầu oliu, dầu cải) thay cho mỡ động vật

- Hạn chế thịt đỏ (<500g/ tuần) và các thịt chế biến sẵn (<3 lần / tuần). Nên ăn cá, gia cầm không da

- Ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc đã tinh luyện (gạo nâu thay cho gạo trắng )

- Uống sữa hay ăn các chế phẩm từ sữa

- Rau và trái cây 500g/ ngày, với nhiều màu sắc, loại, cách chế biến

- Uống đủ nước

3. Tập thể dục: tối thiểu  người lớn 150 phút / tuần , cường độ vừa, thanh thiếu niên 1giờ/ tuần

4. Bữa ăn nên cân bằng các thành phần, không nên khu trú một nhóm thực phẩm nào

Ung thư là một bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra. Việc ăn một thức phẩm nào để không bị ung thư là một chuyện không hợp lý. Dinh dưỡng đúng cách, tập luyện thể dục hằng ngày, có tinh thần lạc quan yêu đời, ít stress sẽ giúp cho hạn chế không chỉ bệnh ung thư, mà còn bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì.

Vài hàng cho bạn rõ.

* Xin hỏi: Khi nào thì nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư, các phương pháp tầm soát nào cho kết quả chính xác nhất cho từng loại ung thư và sau bao lâu lại tầm soát tiếp? (Hồ Ngọc Sơn, 42 tuổi, vinhtelecom@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cám ơn câu hỏi của bạn.

Bệnh ung thư có thể gặp mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo những thống kê cho thấy tỉ lệ ung thư tăng dần theo tuổi.

Khám tầm soát là để phát hiện sớm và tùy độ tuổi sẽ có nhóm bệnh lý thường gặp và thời gian để tầm soát.

Mỗi phương pháp tầm soát có một hạn chế nhất định và thường các phương pháp sẽ được kết hợp nhau để cho gợi ý chẩn đoán. Tiêu chuẩn vàng vẫn là kết quả giải phẫu bệnh.

* Xin hỏi: Khi nào thì nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư, các phương pháp tầm soát nào cho kết quả chính xác nhất cho từng loại ung thư và sau bao lâu lại tầm soát tiếp? (Hồ Ngọc Sơn, 42 tuổi, vinhtelecom@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cám ơn câu hỏi của bạn.

Bệnh ung thư có thể gặp mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo những thống kê cho thấy tỉ lệ ung thư tăng dần theo tuổi.

Khám tầm soát là để phát hiện sớm và tùy độ tuổi sẽ có nhóm bệnh lý thường gặp và thời gian để tầm soát.

Mỗi phương pháp tầm soát có một hạn chế nhất định và thường các phương pháp sẽ được kết hợp nhau để cho gợi ý chẩn đoán. Tiêu chuẩn vàng vẫn là kết quả giải phẫu bệnh.

* Làm sao để dễ dàng nhận biết các triệu chứng của bệnh ung thư? (Cao Mạnh Hồng, 44 tuổi tuổi, hongtuyengiao71@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: 7 dấu hiệu ung thư được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo là:

- C (Change in bowel or bladder habits) - Thay đổi thói quen đi tiêu, tiểu tiện: Có thể hiểu rộng rằng, bạn thay đổi về số lần đi tiêu tiểu như đi cầu bón, tiêu chảy, tiêu chảy kèm táo bón xen kẽ, tiểu nhiều lần…

- A (A sore that does not heal) - Đau nhức kéo dài không khỏi: Bất kỳ cơn đau nào mang tính mạn tính, tức kéo dài, hay không rõ nguyên nhân đều là dấu hiệu một tình trạng sức khỏe cần quan tâm.

- U (Unusual bleeding or discharge) - Chảy máu bất thường : Từ bất cứ đường nào như mũi, miệng (ho hay khạc ra máu), đường tiêu tiểu, âm đạo…

- T (Thickening or lump in the breast, testicles, or elsewhere) - Khối u ở bất cứ vị trí nào: Vú, tinh hoàn, bụng, các nhóm hạch…

- I (Indigestion or difficulty swallowing): Ăn khó tiêu hay khó nuốt.

- O (Obvious change in the size, color, shape, or thickness of a wart, mole, or mouth sore) - Thay đổi rõ ràng trong kích thước, màu sắc, hình dạng, hay độ dày của một mụn cóc, nốt ruồi, vết thương hay lở loét trong khoang miệng.

- N (Nagging cough or hoarseness) - Ho dai dẳng hay khan tiếng kéo dài.

* Thưa bác sĩ, bố của em hiện nay 59 tuổi, đi khám bệnh ở nhiều bệnh viện thì đều có chung một kết luận: Ung thư vòm họng di căn hạch cổ giai đoạn cuối. Hiện tại, bố em về nhà nghỉ ngơi và uống thuốc nam. Bản thân bố không muốn mổ, xạ trị hay sự can thiệp của y khoa. Bác sĩ bệnh viện bảo bố không đủ sức khỏe để chống đỡ cho việc điều trị, khuyên tư tưởng nên thoải mái. Sức khỏe yếu dần, ăn uống không biết ngon, thời gian ngủ được cũng kém. Em muốn hỏi bác sĩ rõ thông tin về căn bệnh này, hướng điều trị tại nhà cả về thuốc cả về tâm lý,... và thời gian kéo dài sự sống là bao lâu? Em cảm ơn bác sĩ ạ! (Nguyễn Thị Hương, 24 tuổi, huongthuan5791@)

- BS Quách Thanh Khánh: Ung thư vòm họng (vòm hầu) là một loại ung thư điều trị khá tốt trong các vị trí ung thư vùng tai mũi họng. Có nhiều phương cách để điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh kể cả giai đoạn trễ để giảm khó chịu và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Hiện chưa có nghiên cứu nào được công bố là thuốc nam giúp giảm tiến triển và điều trị bệnh. Bạn nên đưa bố đến bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khoa Chăm sóc, giảm nhẹ, để các bác sĩ điều trị giảm các triệu chứng khó chịu của ba bạn, nâng sức khỏe và cân nhắc cách điều trị đặc hiệu thêm cho ung thư, cũng như những tư vấn chăm sóc tại nhà.

* Bác sĩ có thể hướng dẫn cho bệnh nhân bệnh K vòm hầu cách phòng như thế nào để tế bào ung thư không quay lại được? Xin cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thành Hưng, 1957 tuổi, thanhhungag_pt@)

- TS.Trần Đặng Ngọc Linh: Bệnh nhân ung thư vòm hầu sau khi đã được điều trị triệt để đúng mức thì việc quan trọng nhất là tái khám định kì theo dõi sau điều trị để kịp thời phát hiện những tái phát hay biến chứng của điều trị.

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị hỗ trợ nào giúp cải thiện thêm kết quả điều trị.

* Nếu bị ung thư giai đoạn đầu, có thể thông qua liệu pháp ăn uống, tập thể dục để chữa bệnh được không? (Nguyen Nhu Duyen, 28 tuổi, nhuduyen609@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Câu trả lời dứt khoát là KHÔNG.

Liệu pháp ăn uống, tập thể dục rất tốt cho người bệnh để có một sức khỏe tốt, một tinh thần phấn chấn để theo đuổi điều trị đặc hiệu.

Điều trị đặc hiệu ung thư giai đoạn đầu tương đối đơn giản, mang lại hiệu quả điều trị cao cho mọi loại ung thư, biến chứng, di chứng và chi phí theo đó cũng ít hơn. hãy tự tin điều trị để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

* Ngày 12-11-2015, tôi chụp cắt lớp vi tính tại viện K phố  Quán Sứ Hà Nội. Kết luận: hình ảnh u phế quan phổi trái, tổn thương gan phải chưa loại trừ tổn thương thứ phát. Siêu âm màu ổ bụng kết luận bình thường. Viện K chuyển Y tế địa phương điều trị. Tôi ở Hưng Yên đã về nhà uống thuốc nam có được không? (Duong Van Soi, 70 tuổi, duonvanxoi2015@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh:  Các dữ liệu ông nêu giúp nghĩ tới tình trạng ung thư phổi có di căn gan. Cần làm thêm xét nghiệm để có chẩn đoán chính xác.

Nếu đúng tình trạng bệnh này, điều trị chủ yếu là chăm sóc nâng đỡ, có thể cân nhắc hóa trị.

Bệnh viện tuyến tỉnh có thể làm được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị này thì bệnh viện K chuyển về địa phương.

Riêng về thuốc nam thì chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy giúp ích trong điều trị ung thư phổi.

Tốt nhất ông nên đến Y tế địa phương để có được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

* Tôi bị viêm gan B thể không hoạt động. Bác sĩ chỉ định chưa cần điều trị. Vậy cho tôi hỏi bênh viêm gan B có dẫn tới ung thư gan không và cách điều trị bệnh viêm gan B (thể không hoạt động). (Nguyễn Từ Liêm, 30 tuổi, ducthinh62co@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Bệnh lý viêm gan B là dạng viêm nhiễm mãn tính thường được can thiệp điều trị khi viêm gan ở thể hoạt động.

Viêm gan B có thể dẫn đến viêm gan mãn, xơ gan, ung thư gan vì thế việc theo dõi định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để can thiệp kịp thời sẽ giảm nguy cơ.

Cách điều trị viêm gan siêu vi B sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cụ thề khi cần thiết!

* Em ở Tiền Giang. Nhà em có ba bị ung thư gan, mẹ ung thư cổ tử cung. Em cảm thấy mình có nốt rùi ở đùi to lên là ngứa.  Vậy em có bị ung thư không, đi khám ở đâu? (Nguyễn Minh Cang, 36 tuổi, nguyenminh.cangmt@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Nốt ruồi bản thân là một tổn thương tiền ung thư. Tuy nhiên, không phải nốt ruồi nào cũng diễn tiến thành ung thư. 

Một trong những dấu hiệu gợi ý ung thư là phát hiện nốt ruồi thay đổi bất thường như: thay đổi màu sắc, kích thước, kèm cảm giác đau rát hoặc ngứa. Vì thế bạn nên đến cơ sở y tế để khám và cắt trọn sinh thiết khi cần.

Ba bạn bị ung thư gan thì trong gia đình cùng huyết thống nên kiểm tra thêm xét nghiệm về viêm gan siêu vi để phát hiện yếu tố nguy cơ.

Mẹ bị ung thư cổ tử cung thường không liên quan đến yếu tố di truyền.

Nốt ruồi của bạn và bệnh lý ung thư gan và cổ tử cung của cha và mẹ bạn không có mối liên hệ về bệnh lý cũng như yếu tố nguy cơ.

* Nguyên nhân tại sao bị bịnh ung thư xương? Cách điều trị và ăng uống như thế nào? (Trịnh Văn Thích, 52 tuổi, ntkkhanh@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Không chỉ ung thư xương mà tất cả loại ung thư người ta không thể chỉ ra nguyên nhân đích xác. Người ta chỉ biết được các yếu tố nguy cơ và yếu tố cộng hưởng. Đó là chưa biết ung thư xương nguyên phát hay di căn từ nơi khác.

Việc điều trị cần phải thăm khám và xét nghiệm mới điều trị đúng được. Bạn có thể tư vấn điều trị trực tiếp từ bác sĩ điều trị.

Chuyện ăn uống sẽ thay đổi tùy theo phương pháp điều trị, bạn có thể đến khoa dinh dưỡng BVUB để được tư vấn chi tiết sau khi đã có kế hoạch điều trị của BS

* Thưa bác sĩ, tôi năm nay 28 tuổi, có hút thuốc đã 10 năm nay. Thời gian gần đây tôi cảm thấy khó thở, thở nặng nhọc, đôi lúc cảm thấy hơi tức ngực. Tôi không ho, đã đi chụp X Quang phổi thẳng 2 lần gần đây. Bác sĩ bảo phổi tôi vẫn bình thường nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy thở khó khăn hơn. Mong bác sĩ cho tôi biết tình trạng sức khỏe tôi đang mắc phải, có phải tôi đã bị ung thư phổi không?(Nguyễn Đức vọng, 28 tuổi, ducvong@)

- Bác sĩ Ngô thị thanh Thủy: Lời khuyên của bác sĩ là bạn nên ngừng hút thuốc. Các dấu hiệu khó thở, thở nặng nhọc, tức ngực như trên có thể là triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Bạn nên đến các bệnh viện có chuyên khoa về hô hấp để kiểm tra và được điều trị kịp thời. Chụp phim phổi chưa chắc đã phát hiện được bệnh.

Sau khi tới bệnh viện chuyên khoa phổi nhưng chưa hết bệnh, bạn nên đến Bệnh viện Ung bướu để được khám và chẩn đoán.

* Thưa các bác sĩ. Hiện nay tại Việt Nam chúng ta ngày càng có rất nhiều người bệnh ung thư. Xin bác sĩ tư vấn làm cách nào để tầm soát các loại ung thư? Người dân nên đi khám bệnh tổng quát 1 năm 1 lần hoặc 6 tháng một lần và khám các chuyên khoa nào? Xin cảm ơn các bác sĩ (Cao Thi Hồng, 38 tuổi, caothihong@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Người dân nên đi khám tổng quát 6 tháng một lần. Nên đi khám ở các chuyên khoa khi có các biểu hiện liên quan đến chuyên khoa đó.

Hiện nay chỉ có chương trình tầm soát ung thư vú và phụ khoa ở bệnh viện Ung bướu. Còn các loại ung thư khác thì chưa có chương trình tầm soát. 

Bạn nên theo dõi các biểu hiện bất thường của cơ thể. Nếu phát hiện các bất thường thì nên đi khám.

* Xin bác sĩ cho biết: 1. Các phương pháp chẩn đoán sớm ung bướu. 2. Phương pháp nào có kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao nhất. 3. Lời đề nghị của bác sĩ về phòng ngừa, chẩn đoán sớm tốt nhất. Trân trọng cám ơn. (Ngọc Viễu, 49 tuổi, Ngocvieu@)

- BS Quách Thanh Khánh: Tùy loại ung thư các bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh để phát hiện sớm ung thư. Hiện không có một xét nghiệm nào để chẩn đoán sớm tất cả các loại ung thư.

Ví dụ, ở nữ trên 45 tuổi, bạn có thể tầm soát ung thư vú với nhũ ảnh và siêu âm, sau khi lập gia đình và có con bạn có thể tầm soát ung thư cổ tử cung hàng năm bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung - PAP's...

Phương pháp để chẩn đoán chính xác nhất ung thư hiện vẫn là giải phẫu bệnh của khối u, có thể qua sinh thiết khối u bằng dao hoặc bằng lõi kim hoặc sau mổ cắt khối u.

Để phòng ngừa, chẩn đoán sớm ung thư, nhìn chung cần tránh các thói quen có hại như uống rượu, bia, hút thuốc lá, ăn trầu, tránh béo phì, ăn nhiều rau tươi trái cây, tập thể dục thường xuyên và duy trì một lối sống lành mạnh.

Có thể xem xét tiêm ngừa các virus có thể gây ung thư như viêm gang siêu vi B, HPV...  Bên cạnh đó, cần khám tầm soát ung thư ở từng lứa tuổi và nguy cơ của từng loại ung thư.

Cảm ơn và chúc bạn vui khỏe.

* Xin nhờ bác sĩ tư vấn: Tôi có người nhà bị viêm loét dạ dầy (người loét hang vị, người viêm bờ cong). Hiện tại đi kiểm tra không có vi khuẩn HP, liệu sau này có bị nhiễm vi khuẩn HP không. Xin cảm ơn bác sĩ(Nguyễn Thị Thuân, 56 tuổi, bichthuanlkmii@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Tình trạng nhiễm HP dạ dày chiếm tỉ lệ cao trong cộng đồng (60 - 70%). Không phải ai nhiễm HP cũng đều chuyển ung thư. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm loét kéo dài là 1 yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nội khoa để điều trị thích hợp. 

* Ai cũng khuyên rằng vững tâm lý để vượt qua bệnh, nhưng khi thật sự gia đình có người thân mắc bệnh thì mới thấu hiểu sự đau khổ, dằn vặt nội tâm cùng những cơn đau sống qua ngày nó kinh khủng đến mức nào. Chuyên gia có thể chia sẻ để người nhà và người bệnh biết cách cùng nhau vượt qua khủng hoảng. Thật sự người bệnh hoảng loạn, người bệnh cũng rất hoang mang. (Nguyen Ngoc Thạch, 25 tuổi, thach.mr.thach@)

Ngoài việc tham gia giao lưu trực tuyến "Hiểu về bệnh ung thư", chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ đã vẽ và bán đấu giá bức tranh của mình với giá 1 triệu đồng để tặng cho quỹ. Chị chia sẻ, tôi bán bức tranh này để gây quỹ, không hy vọng người mua nó là vì bức tranh đẹp mà vì nghĩa cử đẹp.

- Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ:  Chào cả nhà, tôi biết rằng lúc này gia đình mình đang rất bối rối, lo lắng và khổ tâm khi có một người thân bị bệnh nan y. Việc một thành viên trong gia đình bị lâm bệnh sẽ xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của mọi người. Nhưng lúc này chúng ta cần bình tĩnh để cùng nhau vượt qua thử thách này.

Diễn biến tâm lý của mỗi người khi đón nhận một tin dữ sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn đầu tiên, bạn có thể bị sốc và cố tình phủ nhận điều này. Bạn muốn né tránh những cảm xúc thất vọng khi nhận được chuẩn đoán về bệnh. Nhưng khi bạn đã biết chắc rằng kết quả khám và xét nghiệm về bệnh của mình, bạn không thể né tránh được nữa.

Bạn sẽ có những cảm giác tức giận, bức xúc, khó chịu, bạn muốn làm một điều gì đó để thay đổi kết quả này. Bạn không muốn chấp nhận sự thật. Trong sự khủng hoảng tinh thần bạn có thể có suy nghĩ tiêu cực về nguyên nhân gây ra bệnh tật cho mình và người thân. Thậm chí nhiều người tìm kiếm những phương pháp chữa trị không có cơ sở khoa học, mê tín dị đoan. Thời gian trải qua giai đoạn này của mỗi người sẽ khác nhau, điều này tùy thuộc vào tính cách và sức khỏe tinh thần, ý chí của người bệnh và sự hỗ trợ của các thành viên khác trong gia đình. Thời gian này là thời điểm mà mọi người rất cần sự chia sẻ cảm thông, và bình tĩnh để tìm hiểu về căn bệnh.

Khi hiểu về bệnh, người bệnh và gia đình sẽ bắt đầu từ từ chấp nhận tình trạng sức khỏe và bình tâm hơn. Các thành viên gia đình hãy cởi mở, chia sẻ những cảm xúc của mình. Điều này sẽ giúp cho các thành viên giảm bớt lo lắng, hoảng loạn. Mọi người bộc lộ sự quan tâm, tình yêu thương dễ dàng hơn.

Điều trị bệnh nan y là một quá trình kéo dài, vì thế các thành viên trong gia đình cần có kế hoạch sắp xếp thời gian để hỗ trợ cho người bệnh. Cố gắng để giữ những sinh hoạt ổn định trong gia đình. Tinh thần lạc quan của các thành viên rất quan trọng, vì vậy chúng ta cố gắng giữ bình tĩnh để giúp người bệnh yên tâm điều trị.

Trong thử thách này, gia đình sẽ cảm nhận được tình cảm của mọi người dành cho nhau hơn.

Chúc cả nhà bình tâm vượt qua thử thách này.

* Mẹ em năm nay 46 tuổi, xét nghiệm ở bệnh viện ung bướu kết quả ung thư vú nhưng hiện chưa biết thuộc giai đoạn nào chỉ biết có khối u đã có hạch tại nách không đau. Xin hỏi bác sĩ nếu sau khi mổ đối với khối u đã có hạch có phải làm xạ trị sau khi mổ không? Và sau khi mổ có cần uống thuốc gì không? Cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Ngọc Hân, 22 tuổi, ngochan180893@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Điều trị ung thư vú là phối hợp đa mô thức phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết. Tùy từng bệnh nhân các bác sỹ sẽ có những cách phối hợp điều trị tối ưu.

Bạn nên hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị để biết tình trạng cụ thể của mẹ bạn.

* Mẹ em bị ung thư vú có hạch không đau nhưng chưa biết thuộc giai đoạn nào. Xin hỏi bác sĩ nếu xạ trị thì khoảng bao lâu có thể ngưng xạ trị và sau xạ trị tế bào ung thư có còn tái lại không? Có thế hết bệnh hoàn toàn không còn ung thư trong giai đoạn này không? Cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Ngọc hân, 22 tuổi, ngochan180893@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Tùy giai đoạn khác nhau, điều trị và tiên lượng ung thư vú rất khác nhau.

Tình trạng của mẹ bạn nếu muốn biết cụ thể thì nên hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị.

Nhìn chung thì ung thư vú là bệnh có thể điều trị tốt, rất nhiều bệnh nhân có thể khỏi bệnh đặc biệt là giai đoạn sớm.

Riêng về xạ trị thường tùy theo phác đồ sẽ kéo dài từ 3-5 tuần nhưng điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức gồm phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của từng bệnh nhân để quyết định cách phối hợp điều trị tốt nhất.

* Tôi bị bệnh ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật cách đây 13 tháng và 4 lần phóng xạ I131 (3 liều 30 và 1 liều 0,2). Nay tôi phát hiện thêm mình đang bị tiểu đường tuyp 2, sỏi thận 4mm; sỏi mật 7mm. Vậy bệnh này có ảnh hưởng đến căn bệnh ung thư của tôi không? Và tôi phải điều trị như thế nào? Rất mong các bac sĩ giải đáp tôi xinh chân thành cảm ơn. (Đặng Thị Thu Diêu, 34 tuổi, dangthithudieu@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy trả lời: Bệnh tiểu đường và sỏi thận, sỏi mật không ảnh hưởng gì đến ung thư tuyến giáp. Các bệnh này có thể điều trị khỏi bằng nội khoa.

Bạn nên đến bệnh viện nội khoa để được điều trị. 

* Ngoài viêm loét dạ dày, có chứng ợ hơi bất thường thì còn triệu chứng nào có thể cho nhận định hoặc nguy cơ ung thư dạ dày cao hay không? Hiện em không đau bao tử nhưng hay bỏ buổi trưa vì công việc, vậy rủi ro ung thư dạ dày có cao không? (Huỳnh Minh Nhật, 25 tuổi, huynhminhnhat2410@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cám ơn câu hỏi của bạn.

Bệnh ung thư dạ dày nói riêng và hầu hết các bệnh ung thư đều có diễn tiến âm thầm, không đặc hiệu, đa số nhầm lẫn với triệu chứng nội ngoại khoa khác vì thế khó phát hiện sớm.

Những yếu tố gây ung thư dạ dày rất nhiều trong đó có viêm loét dạ dày mãn tính và nhiễm H. Pylori cũng là thủ phạm chính gây viêm nhiễm niêm mạc kéo dài.

Theo như thông tin của bạn hay bỏ bữa trưa vì công việc dễ gây viêm loét dạ dày, nếu diễn tiến lâu dài mãn tính sẽ là một yếu tố nguy cơ, vì vậy một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp bạn hạn chế nhiều rủi ro.

Cảm ơn và chúc bạn và gia đình cuối tuần vui vẻ

* Kính thưa bác sĩ, có phải bất kì loại ung thư nào mà di căn đến gan thì đều tiên lượng rất xấu đúng không bác sĩ? Vậy bác sĩ cho tôi hỏi nếu sử dụng thuốc Sorafenib (Nexavar) để chữa trị cho bênh nhân ung thư gan thứ phát và nguyên phát thì có hiệu quả cao không bác sĩ? Xin cảm ơn bác sĩ (Huy Lộc, 24 tuổi, kenkio90@)

- TS.Trần Đặng Ngọc Linh: Nhìn chung, ung thư di căn gan có tiên lượng rất xấu. Tuy nhiên, với những tiến bộ hiện nay, một số ung thư dù đã di căn gan nhưng vẫn có thể điều trị tương đối hiệu quả như một số trường hợp ung thư đại trực tràng, ung thư vú...

Sorafenib chỉ được dùng cho ung thư gan nguyên phát chứ không dùng cho ung thư di căn gan (ung thư gan thứ phát).

Đối với ung thư gan nguyên phát,Sorafenib được chỉ định trong những trường hợp không can thiệp ngoại khoa được, có hiệu quả nhưng hạn chế, trung bình kéo dài thời gian sống thêm khoảng 3 tháng so với những ca không điều trị thuốc này.

* Chào bác sĩ. Tôi ở Quảng Nam. Cách đây 2 năm tôi đi đại tiện có dấu hiệu phân đen, đường kính phân to, khi bị táo bón thì có máu trong phân, có khi phun thành tia. Từ đó đến nay thỉnh thoảng tôi bị như vậy. Cách đây vài tuần đến nay tôi thấy một số biểu hiện tương tự nhưng đường kính phân nhỏ hơn hẳn. Vậy cho tôi hỏi khả năng tôi bị trĩ hay là u đại tràng không? Hiện tại sức khỏe tôi bình thường, ăn uống ngon miệng, không giảm cân. (Trương Tấn Thanh, 31 tuổi, thanhdom@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cám ơn câu hỏi của bạn,

Theo triệu chứng bạn mô tả khả năng bạn bị trĩ gây tiêu máu do tổn thương niêm mạc trực tràng. Tuy nhiên để xác định rõ hơn đề nghị bạn đến khám tại một cơ sở có nội soi để kiểm tra thêm.

* Cho tôi xin phép được hỏi: Viêm nhiễm nhiều lần tại một bộ phận trên cơ thể thường dẫn đến bị ung thư có đúng không thưa bác sĩ? (ví dụ hay viêm họng)(Tuan Dung, 25 tuổi, hvtuan02@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Viêm nhiễm nhiều lần tại một một bộ phận cơ thể có thể là yếu tố thuận lợi đưa đến ung thư. Cho tới hiện nay, viêm nhiễm nhiều lần chưa được chứng minh là nguyên nhân gây ung thư. 

* Tôi bị ung thư gan phân thùy II do siêu vi B, đã được phẫu thuật cắt bỏ ngày 9-6-2015 tại BV Chợ Rẫy. Hiện sức khỏe tôi rất tốt, thực hiện tái khám, uống thuốc đều theo phác đồ của bác sĩ. Xin hỏi: ngoài chế độ ăn kiêng dầu mỡ, đồ nướng, rượu bia thì có được ăn các loại thịt đỏ như bò, heo, gà, vịt không; chơi môn tennis được không; khả năng bênh có tái phát lại không và hiện nay đã có thuốc đặc trị ngăn ko cho bệnh tái phát không? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thanh Sơn, 52 tuổi, thanhson1964@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Rất mừng vì anh đã điều trị thành công và khỏi bệnh.

Anh nên có chế độ ăn uống và luyện tập như tôi đã trình bày ở những câu hỏi trên.

Đánh tennis là môn thể thao tốt cho sức khỏe và tinh thần anh nên tiếp tục.

Thực ra ăn không phải kiêng hoàn toàn thịt đỏ, theo gà vịt không phải là thịt đỏ.

Câu hỏi thịt đỏ có gây ung thư không cho đến nay vẫn chưa có kết luận.

Cách chế biến mới ảnh hưởng nhiều đến yếu tố sinh ung có trong thịt đỏ. Ướp thịt với dầu oliu, chế biến vói nhiệt độ không quá 250 độ C, ăn thịt đỏ với nhiều rau và trái cây sẽ hạn chế tác hại của thịt đó. Rượu và thuốc lá góp phần làm tăng nguy hại của thịt đỏ.

Theo khuyến cáo được phép ăn thịt đỏ 300g/ tuần. Bia được phép 1 lon, hay 1 ly rượu vang, 1 shot rượu mạnh / ngày.

* Xin bác sĩ cho tôi được biết hiện nay tỷ lệ thành công trong điều trị ung thư chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm? Và điều đó phụ thuộc vào những yếu tố nào? Và cách tốt nhất để phòng bệnh là gì? Xin cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Thị Khánh Hòa, 30 tuổi, Carotyeuthuong@)

- BS Quách Thanh Khánh: Theo các chuyên gia về ung thư, 1/3 bệnh nhân ung thư có thể phòng ngừa được, 1/3 bệnh nhân ung thư có thể điều trị khỏi, 1/3 bệnh nhân ung thư có thể tiếp tục được chăm sóc giảm nhẹ những nổi đau khổ do bệnh mang lại.

Điều trị khỏi ung thư hay không tùy thuộc vào đặc tính của từng loại ung thư, phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, nhìn chung 70-80% bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm có thể trị khỏi bệnh.

Cách phòng bệnh ung thư đã được các bác sĩ trả lời ở các câu hỏi trước.

Chúc bạn vui khỏe.

* 1. Bệnh ung thư có sinh ra vi rút lây truyền từ cơ quan này sang cơ quan khác trong cơ thể mà ta vẫn gọi là "di căn" không? Nêu không thì sao có "di căn"? (Phạm Tiến dũng, 65 tuổi, nilsaigon@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Bệnh ung thư không sinh ra vi rút. Ngược lại một số vi rút có thể gây ung thư như vi rút viêm gan B,C,vi rút gây u nhú ở người (HPV). Vi rút có thể lây truyền nhưng không phải là di căn.

Tình trạng di căn trong ung thư là do tế bào ung thư tách khỏi bướu ban đầu (bướu nguyên phát) đi theo đường bạch huyết đến phát triển tại hạch (di căn hạch) hay theo máu đến các cơ quan xa và phát triển ở đó (di căn xa).

* Chào bác sĩ. Bác sĩ cho cháu hỏi: cháu bị ung thư u nang buồng trứng giai đoạn trên hai rồi. Đã lây lan qua buồng khác rồi và đã dính liền với tử cung. Vậy cháu phẫu thuật và cắt bỏ một bên u còn một bên cháu muốn giữ lại để sinh con được không ạ? Và khi cháu phẩu thuật rồi hóa trị xạ trị thì cháu có kéo dài sự sống bao lâu? Bác sĩ giúp cháu với ạ (Võ Thị Lâm, 30 tuổi tuổi, quangnghia778899@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Ung thư buồng trứng là loại bệnh lý liên quan tới nội tiết và thời gian tái phát thường trong hai năm đầu. Vì thế, sau khi đã điều trị bạn cần nên bàn luận thêm với bác sĩ điều trị về mong muốn có con khi bệnh đã thật sự kiểm soát tốt.

* Thưa bác sĩ, tuyến tiền liệt có nốt vôi hóa đ=10mm có phải là tiền căn của bệnh ung thư không? (Le Ngoc My, 59 tuổi, lengocmy.1956@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Có thể gợi ý bệnh ung thư tiền liệt tuyến nếu có nốt vôi hóa. Bạn nên đi khám tại bệnh viện Bình Dân để được chẩn đoán.

* Tôi đi xét nghiệm dấu ấn ung thư thì bác sĩ nói phổi có vấn đề, nhưng chụp XQ và chụp CT thì phổi không bị gì cả. Bác sĩ nói không sao và dặn 6 tháng kiểm tra lại. Tôi cần phải làm gì để hạn chế khả năng phát triển thành ung thư phổi? (Nguyen Hong Bup, 52 tuổi, dltd_bup@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Xét nghiệm dấu ấn ung thư không đặc hiệu cho bệnh ung thư, có thể tăng trong nhiều tình trạng khác nhau ngay cả bệnh lành tính. Các xét nghiệm hình ảnh như CT đặc hiệu hơn.

Tình trạng của bác hiện tại theo dõi định kì là hợp lý. Để tránh ung thư phổi, cách tốt nhất là ngưng hút thuốc (nếu bác có hút thuốc).

* Cách phòng tránh ung thư đại trực tràng? (Tống Văn Hiếu, 33 tuổi, hieu.tongvan@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư thường gặp, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể phòng được.

- Rượu bia thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều loại ung thư trong đó có ung thư đại trực tràng.

- Chế độ ăn phù hợp: không ăn quá nhiều thịt mỡ đạm và tăng cường chất xơ như rau cải trái cây, bổ sung các vitamin C, E, A.

- Tránh táo bón kéo dài.

- Tránh béo phì, hoạt động thể lực, tập thể dục.

- Tầm soát định kỳ hàng năm nhất là những đối tượng có yếu tố nguy cơ: gia đình có người bệnh ung thư đại trực tràng, bản thân có bệnh lý viêm nhiễm kéo dài, bệnh lý polyp, có những triệu chứng bất thường như; rối loạn tiêu hóa, tiêu máu kéo dài.

* Vừa qua mẹ tôi 76 tuổi, có mổ ung thư dạ dày ở BV Chợ Rẫy và đã cắt 2/3 dạ dày. Cuộc phẫu thuật đã hơn 1 năm, đã qua các lần hóa trị (đợt cuối là ngày 14-2-2015). Mẹ tôi tái khám theo lịch hẹn bác sĩ được 3 lần. Lần gần nhất là ngày 5-8-2015 và bác sĩ hẹn đợt tới là ngày 5-12-2015. Mẹ tôi ăn ít và chia làm nhiều bữa nhỏ khoảng 2-3h ăn 1 lần.

Mẹ tôi thường hay bị khó tiêu, đau ê trong bụng và thường phải uống thuốc Multilium-M để dễ tiêu. Vậy cho tôi hỏi, uống thuốc đó lâu dài có sao không, hiện tượng khó tiêu và hay ê vùng bụng như vậy có sao không? Có nên tái khám trước lịch hẹn không? Xin các bác sĩ cho em ý kiến. Cảm ơn các bác sĩ rất nhiều! (Nguyễn Thảo Nguyên, 37 tuổi tuổi, tnguyen286@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Tình trạng của mẹ bạn liên quan đến điều trị phẫu thuật. Thuốc Motilium-M giúp giảm đầy bụng có thể dùng lâu dài trong trường hợp này. Nếu tình trạng khó chịu nhiều thì bạn nên cho mẹ đi khám sớm trước lịch hẹn.

* Tôi bị K khẩu cái mềm năm 2008 tái phát 2010. Xạ gia tốc 2 lần 65 tia. Hiện tại xương hàm trên hoại tử 2 vị trí đã 4 năm, răng tự rụng 2 cái. Từ 1-2 tháng bị viêm đau. Bệnh viện cho uống giảm đau và kháng sinh thì đỡ sau vài tháng bị lại. Xương hàm dưới đã cắt 1/2 bên phai, 1 vị trí trái mới bị hoại tử, Hiện tại tôi bị khít hàm rất nặng ăn uống bằng cháo xay, vệ sinh miệng bằng betadine và nước muối 0.9%. Cho hỏi hướng điều trị hoại tử xương. Ghi ơn (Huỳnh văn Chí, 56 tuổi, chi1959@)

- BS Quách Thanh Khánh: Hoại tử xương hàm là một biến chứng gây khổ sở cho người bệnh ung thư sau điều trị xạ trị và cũng là một thách thức cho nhân viên y tế trong chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Bác đã được phẫu thuật cắt phần xương hoại tử. Hiện nếu có vị trí mới hoại tử và nếu gây đau, nhiễm trùng, tái phát nhiều lần, bác nên đến bệnh viện để cân nhắc phẫu thuật và tái tạo xương hàm dưới.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng có thể đặt ống vào trong dạ dày để nâng đỡ thêm vấn đề dinh dưỡng của bác.

Oxy cao áp cũng là một biện pháp có vai trò hỗ trợ chăm sóc hoại tử xương hàm.

Chúc bác vui khỏe.

* Tôi bị K khẩu cái mềm năm 2008 tái phát 2010. Xạ gia tốc 2 lần 65 tia. Hiện tại xương hàm trên hoại tử 2 vị trí đã 4 năm, răng tự rụng 2 cái. Từ 1-2 tháng bị viêm đau. Bệnh viện cho uống giảm đau và kháng sinh thì đỡ sau vài tháng bị lại. Xương hàm dưới đã cắt 1/2 bên phai, 1 vị trí trái mới bị hoại tử, Hiện tại tôi bị khít hàm rất nặng ăn uống bằng cháo xay, vệ sinh miệng bằng betadine và nước muối 0.9%. Cho hỏi hướng điều trị hoại tử xương. Ghi ơn (Huỳnh văn Chí, 56 tuổi, chi1959@)

- BS Quách Thanh Khánh: Hoại tử xương hàm là một biến chứng gây khổ sở cho người bệnh ung thư sau điều trị xạ trị và cũng là một thách thức cho nhân viên y tế trong chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Bác đã được phẫu thuật cắt phần xương hoại tử. Hiện nếu có vị trí mới hoại tử và nếu gây đau, nhiễm trùng, tái phát nhiều lần, bác nên đến bệnh viện để cân nhắc phẫu thuật và tái tạo xương hàm dưới.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng có thể đặt ống vào trong dạ dày để nâng đỡ thêm vấn đề dinh dưỡng của bác.

Oxy cao áp cũng là một biện pháp có vai trò hỗ trợ chăm sóc hoại tử xương hàm.

Chúc bác vui khỏe.

* Xin chào chương trình và các bác sĩ. Tôi năm nay 27tuổi bị bệnh ung thư tuyến giáp dạng nhú biến thể nang. Tôi đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và chuẩn bị được điều trị bằng phóng xạ iot 131 tại bv 108. Xin hỏi là sau khi điều trị có ảnh hưởng gì đến việc sinh con hay không? Tuổi thọ trung bình của bệnh nhân phải cắt bỏ tuyến giáp khoảng được bao nhiêu năm? Có thể điều trị bằng phương pháp khác thay thế việc sử dụng iot 131 hay không? (Bùi xuân thắng, 27 tuổi, Xuanthangc47@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Sau khi điều trị iot 131 vẫn có thể sinh con được. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn thì thời gian từ lúc điều trị iot 131 đến lúc có con ít nhất là 6 tháng.

Ung thư tuyến giáp dạng nhú có tiên lượng rất tốt. Đối với người trẻ và không có di căn xa như anh thì khả năng điều trị khỏi lâu dài là trên 90%.

Hiện iot 131 là phương tiện điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật hiệu quả nhất đối với bệnh này.

* Trong bệnh viện ung bướu hiện giờ có những công tác hay những chường trình, phòng ban, bộ phận hay nhưng giai đoạn chuẩn bị tâm lí cho bệnh nhân khi đến khám và chữa trị bệnh không? Bởi theo em được biết các nước lớn có những nhà chuẩn bị tâm lí cho các bệnh nhân, nên thiết nghĩ là bệnh nhân ung thư là những bệnh nhân không may măn nhất thì không biết bệnh viện có những sự giúp đỡ gì cho bệnh nhân?(Đỗ Văn Quốc, 23 tuổi, dragonfly.songngu@)

- BS Quách Thanh Khánh: Tại BV Ung bướu TP.HCM, vấn đề tâm lý cho bệnh nhân ung thư luôn được xem là quan trọng. Hiện khoa Chăm sóc - giảm nhẹ của bệnh viện có liên kết với các chuyên gia tâm lý đến từ trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và gia đình người bệnh trong bệnh viện.

Các nhân viên y tế của bệnh viện cũng được tập huấn để có cách tốt nhất để thông tin tình trạng bệnh cho bệnh nhân ung thư cũng như người nhà của người bệnh.

Hy vọng trong tương lai vấn đề hỗ trợ tâm lý tinh thần của người bệnh sẽ được chú trọng và phát triển hơn nữa bởi chúng ta hiểu phần lớn người bệnh chịu đựng nỗi đau về thể xác và khổ về tinh thần.

* Con có đọc trên mạng và thấy vầy: ung thư là do nhiều tác nhân gây ra. Xin hỏi bác sĩ là cách sống lành mạnh như thế nào thì có thể tránh đuoc hầu hết những tác nhân đó ạ? (Nguyễn Minh Tiến, 17 tuổi, minhtien_deptrai_7198@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Cách sống lành mạnh phòng tránh ung thư:

Thứ nhất, môi trường sống xanh sạch đẹp, không ô nhiễm.

Thứ hai, ăn những thực phẩm sạch, tươi, không có chất bảo quản, không có dư lượng chất bảo vệ thực vật. Không nên ăn những thực thực phẩm dự trữ: cá khô, dưa muối,... Không ăn lương thực thực phẩm mốc, quá hạn sử dụng.

Thứ ba, có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, không uống rượu bia,...

Thứ tư, chích ngừa các bệnh như viêm gan siêu vi, ung thư cổ tử cung,...

Thứ năm, nên thường xuyên tập thể dục rèn luyện sức khỏe. 

* Tôi bị ung thư vú, đã điều trị. Hiện nay không dùng thuốc nữa. Vậy có thể kéo dài sự sống được bao lâu? (Nguyễn Thị Mai, 65 tuổi, Q Tân Phú)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Ung thư vú là một trong những ung thư điều trị tốt với khả năng điều trị khỏi rất cao nếu bạn tuân thủ điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, tùy theo giai đoạn bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ mà có tiên lượng khác nhau.

Với những tiến bộ của khoa học chúng ta có rất nhiều phương pháp điều trị. Vì thế bạn nên yên tâm và nên theo dõi định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

* Tôi bị ung thư vú, đã điều trị. Hiện nay không dùng thuốc nữa. Vậy có thể kéo dài sự sống được bao lâu? (Nguyễn Thị Mai, 65 tuổi, Q Tân Phú)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Ung thư vú là một trong những ung thư điều trị tốt với khả năng điều trị khỏi rất cao nếu bạn tuân thủ điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, tùy theo giai đoạn bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ mà có tiên lượng khác nhau.

Với những tiến bộ của khoa học chúng ta có rất nhiều phương pháp điều trị. Vì thế bạn nên yên tâm và nên theo dõi định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

* Xin chào bác sĩ. Tôi năm nay 42 tuổi, cao 1,65m, nặng 62kg (trước đây 68kg). Tôi khám và được chẩn đoán và viêm niêm mạc dạ dày mãn và teo nhẹ. Tôi xin hỏi: 1. Bệnh này có điều trị khỏi không, và trị ở đâu. 2. Bệnh có khả năng thành ung thư không? Tỷ lệ bao nhiêu %? 3. Làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng. 4. Bao lâu đi tầm soát 1 lần, khám ở đâu là tốt nhất? Xin cảm ơn quý bác sĩ. (Huỳnh Văn Lành, 42 tuổi, ketoan_vietwoodvn@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Viêm niêm mạc dạ dày nhìn chung là có thể điều trị khỏi. Viêm niêm mạc dạ dày mãn tính có một số ít liên quan đến ung thư nên cần được phát hiện và điều trị đúng mức.

Phương tiện tốt nhất để phát hiện sớm ung thư dạ dày là nội soi.

Anh nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị chính xác, ngăn ngừa biến chứng.

* Nếu thực hiện đầy đủ các phương pháp phòng ngừa ung thư thì có cần tầm soát ung thư không? Xét nghiệm các dấu ấn bướu để tầm soát ung thư nào? Xin cảm ơn. (Trần văn Hoàng, 57 tuổi, trvhoang@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Phòng ngừa ung thư để hạn chế tối đa nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ung thư đến nay vẫn chưa được hiểu hết vì thế việc tầm soát vẫn cần thiết.

Xét nghiệm dấu ấn bướu để tầm soát ung thư chỉ có giá trị ở một số bệnh. Ví dụ trong ung thư gan, ung thư tuyền liệt tuyến... Vì thế việc làm tất cả các dấu ấn ung thư để tầm soát là không cần thiết.

Bạn nên đến cơ sở y tế để có tư vấn cụ thể.

* Tôi mắc bệnh, đã đoản nhũ 6 tháng nhưng sao tay vẫn còn ê, thường đau nhức ngực. Bác sĩ định kỳ tái khám 6 tháng/lần và uống thuốc hàng ngày. Hiện tôi rất khó ngủ. Xin hỏi tôi có cần tập luyện hằng ngày không, cách tập luyện ra sao để bớt bị đau nhức? Thực đơn cần kiêng cữ những thực phẩm nào? Tại sao phải uống thuốc trường kỳ vì theo tôi do thuốc nên gây khó ngủ? (La Hồng Sơn, 41 tuổi, tubinh17cm@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Thường sau bất kỳ phẫu thuật nào, bệnh nhân cũng có cảm giác bất thường được gọi là dị cảm quanh vùng phẫu thuật. Phẫu thuật đoạn nhũ và nạo hạch do không thể bảo tồn được một số thần kinh liên sườn có thể làm cho bạn cảm giác này.

Thông thường những dị cảm này sẽ thuyên giảm sau thời gian và bệnh nhân có thể dung nạp được.

Nếu vấn đề này làm cho chị khó ngủ thì chị nên đến BS khám để cho thuốc thích hợp.

Bắt buộc chị phải có chế độ tập thể dục hằng ngày ít nhất 30 phút. Nếu chị đang dư cân thì phải tập 60 phút/ ngày.

Yoga là một cách tập luyện tốt vừa cho thể lực vừa giúp bạn dễ ngủ hơn.

Tập luyện nào cũng không hạn chế ngoại trừ đừng mang nặng quá 5kg tay bên phẫu thuật. 

* Tâm lý của người mắc bệnh ung thư có diễn tiến theo từng giai đoạn nào không? Và ứng với từng với từng giai đoạn đó người thân nên làm gì cho người bệnh? Xin cám ơn chuyên gia. (Lam Hồng, 27 tuổi, lamhongng@)

- Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Uyên Phượng: Hồng mến,

Tâm lý người bệnh ung thư có diễn tiến theo từng giai đoạn.

Theo lý thuyết về các giai đoạn của sự đau buồn khi đối diện với đau khổ và mất mát (do mắc bệnh nặng-trong đó có ung thư, do ly hôn, bị bỏ rơi, chia tay người thân yêu,...) được đề cập trong quyển sách On Death and Dying (1969) của bác sĩ Elizabeth Kubler-Ross sau khi bà thực hiện khảo sát và phỏng vấn hơn 500 bệnh nhân đang hấp hối.

Diễn tiến đó gồm 5 giai đoạn: sốc và phủ định, tức giận, thương lượng, u sầu và trầm cảm, hy vọng và chấp nhận. 

Các giai đoạn này không diễn tiến theo trình tự và không phải tất cả các bệnh nhân đều trải qua hết 5 giai đoạn này, mà có thể có sự thay đổi khác nhau tùy vào bệnh nhân. Có người sẽ có sự lặp lại giữa hai hay nhiều giai đoạn, có người thì bị mắc kẹt tại một giai đoạn mà thôi.

Và, thân nhân của bệnh nhân cũng trải qua các giai đoạn này và thân nhân cũng có thể có những phản ứng tâm lý đau buồn giống bệnh nhân.

Ngoài ra, tâm lý bệnh nhân cũng tùy thuộc vào các yếu tố: lứa tuổi của bệnh nhân, cấu trúc nhân cách, loại bệnh mắc phải (tùy vào loại bệnh ung thư và giai đoạn bệnh mà tâm lý bệnh nhân sẽ khác nhau), phương pháp điều trị bệnh (phẫu trị, xạ trị, hóa trị,...), hoàn cảnh và bối cảnh mà bệnh nhân lâm vào căn bệnh (đang mang thai, vừa ly hôn, có con nhỏ, gia đình khó khăn về kinh tế,...), chất lượng các mối quan hệ (mối quan hệ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, mối quan hệ giữa bệnh nhân và thân nhân, mối quan hệ bạn bè và tương quan xã hội,...), đời sống tâm linh, nguồn lực hỗ trợ (gia đình, xã hội,...), điều kiện và cơ sở vật chất nơi điều trị,...

Trong quá trình phát hiện bệnh và điều trị bệnh của bệnh nhân thì vai trò của thân nhân bệnh nhân rất quan trọng trong việc nâng đỡ và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh vì thân nhân bệnh nhân là người gần gũi nhất với bệnh nhân và hiểu được những khó khăn mà bệnh nhân đang có...

Đôi khi, thân nhân bệnh nhân cũng cảm thấy khó khăn trong quá trình chăm sóc vì tâm lý của bệnh nhân thường có sự thay đổi khác hơn so với trước. Bên cạnh đó, chính thân nhân cũng đang phải trải qua những cảm xúc đau buồn liên quan đến tình trạng bệnh của bệnh nhân. Người thân của bệnh nhân sẽ không ít lần cảm thấy khó khăn nhiều và bối rối khi đối diện với cảm xúc và sự thay đổi tâm lý của bệnh nhân, đôi lúc không biết phải làm gì, nói gì để giúp bệnh nhân cảm thấy tốt lên và lạc quan hơn,...

Về cơ bản, việc có người thân ở bên cạnh chia sẻ, chăm sóc, động viên đã góp phần rất lớn trong việc đồng hành cùng bệnh nhân trước những đau khổ liên quan đến bệnh tật.

Ở giai đoạn khi bệnh nhân đang bị sốc và phủ định bệnh, thân nhân cần luôn ở cạnh để hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân kịp thời tránh việc bệnh nhân bi quan hay phải đối diện với đau khổ một mình. Tìm hiểu thêm thông tin về bệnh, tìm thêm sự tư vấn về y khoa từ bác sĩ điều trị,...để giúp bệnh nhân không quá hoang mang và sợ hãi.

Trong giai đoạn bệnh nhân tức giận, khó kiểm soát hành vi, lo âu hay trầm cảm hay khi thân nhân cảm thấy quá khó khăn để đối diện với tâm lý của bệnh nhân hay chăm sóc bệnh nhân thì người nhà nên liên hệ với chuyên gia tâm lý để tham vấn và trị liệu cho bệnh nhân, hoặc chuyên gia tâm lý sẽ tham vấn cho thân nhân cách hỗ trợ cho người bệnh-vì tùy mỗi bệnh nhân thì phương cách hỗ trợ sẽ khác nhau.

* Được biết dấu hiệu bệnh lý phì đại tuyền tiền liệt (TTL) và ung thư TTL khá giống nhau. Xin hỏi: người đang trị liệu phì đại TTL có thể nhận biết triệu chứng riêng biệt nào có liên quan đến ung thư TTL? Thành thật cảm ơn! (Văn Ngọc Sương, 61 tuổi, vankhaminh@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Các triệu chứng của phì đại và ung thư tuyến tiền liệt khá giống nhau. Khi ung thư xâm lấn nhiều mới có những triệu chứng khác như đau xương do di căn xương, tiểu máu nhiều do xâm lấn bọng đái...Các xét nghiệm máu, siêu âm MRI ... cũng có thể gợi ý ung thư.

Để chẩn đoán chắc chắn ung thư cần phải sinh thiết tuyến tiền liệt thực hiện ở các cơ sở chuyên khoa.

Tốt nhất là bác nên điều trị và theo dõi chuyên khoa để được theo dõi sát và chỉ định làm các xét nghiệm khi cần thiết.

* Tôi bị siêu vi B và chuyển qua ung thư gan trái, đã được mổ cắt bỏ khối u với đường kính 5cm. Hiện vẫn tái khám và điều trị theo BS. Xin một lời hướng dẫn để có sức khỏe tốt và kéo dài sự sống (theo các thông tin thì người măc bệnh này chỉ kéo dài 5 năm sau mổ khoảng 50%)? Xin cảm ơn! (Trần Xuân Tân, 51 tuổi, Qkanh99@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Rất vui vì khối u của anh đã được phẫu thuật.

Thông tin người mắc bệnh này chỉ kéo dài 5 năm sau mổ khoảng 50% là anh đã hiểu sai vì theo y khoa, chúng tôi thống kê tại thời điểm 5 năm sau điều trị tỉ lệ sống còn 50% có nghĩa là có 50% tử vong và 50% vẫn tiếp tục sống.

Bản thân anh nằm trong nhóm nào, thực sự không thể biết trước được. Nếu anh nằm trong nhóm sống hơn 5 năm, anh có thể sống 10 năm hay hơn nữa.

Việc duy trì một sức khỏe tốt bằng chế độ ăn hợp lý, ít chất sinh ung, chế độ tập luyện đúng mức sẽ giúp anh duy trì được một cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài nhất có thể.

Anh có thể tham khảo hướng dẫn một chế độ ăn tốt cho sức khỏe ở những câu trả lời trên. 

* Thưa các bác sĩ, cho cháu hỏi bệnh nhân ung thư phổi có kiêng ăn thực phẩm nào không ạ? Xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Nhật Lệ, 20 tuổi, viemlaloaihoadai@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Đối với ung thư phổi hay đối với bất kỳ loại ung thư nào khác, việc kiêng ăn thực phẩm chưa được khoa học chứng minh. Thông thường bệnh nhân thường kiêng khem một cách quá mức.

Nếu bệnh nhân đang điều trị cần phải ăn uống nhiều hơn để có một sức khỏe tốt, có thể theo đuổi điều trị một cách lâu dài.

Nếu đã điều trị khỏi bệnh, người bệnh cần có một chế độ ăn phòng ngừa ung thư như bao nhiêu người bình thường khác.

Để tư vấn cụ thể trường hợp bạn hỏi, bạn có thể liên hệ khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Ung bướu TP.HCM vào sáng thứ 2.

Mong gặp bạn!

* Kính gửi các bác sĩ. Tôi mới phát hiện bệnh ung thư gan được 5 ngày. Kết luận của bệnh viện K3 Tân Triều Hà Nội như sau: U gan trái 9 x 12cm. HCC nguyên phát, đa ổ. Có huyết khối tĩnh mạch cửa. Do bị virút viêm gan B. Bệnh viện K từ chối điều trị. Tôi có sang bệnh viện Bạch Mai để chữa theo phương pháp Nút mạch gan nhưng viện cũng từ chối thực hiện. Vậy có cách nào để điều trị bệnh của tôi? Xin cảm ơn sự tư vấn của bác sĩ. (Nguyễn Quang, 40 tuổi, lamvancao@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Theo như thông tin bạn đưa có thể đây là giai đoạn không thể kiểm soát bệnh tại chỗ được bằng các phương pháp như phẫu thuật, TACE, RFA. Vì vậy, nếu các tiêu chuẩn khác phù hợp với điều trị thuốc nhắm trúng đích như là Nexavar (sorafenib) có thể cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên, thuốc này khá đắt.

Chăm sóc nâng đỡ tổng trạng là điều cần thiết.

* Anh tôi năm ngoái bị vết loét ở lưỡi và BS đã cắt phần đó, sinh thiết thì u lành. Sau 1 năm nổi hạch dưới cổ, vào bệnh viện mổ u xong và xạ trị 30 tia. Sau khi xạ trị vẫn nổi 1 u đường kính 3-4 cm chảy nước vàng, trắng. BS cho mổ cắt u đó và không khuyến khích xạ trị nữa vì sẽ có biến chứng nặng. Cho về nhà theo dõi. Vậy là bệnh anh tôi không thể chữa được nữa phải không ạ? Mong BS tư vấn kỹ giúp. (Jeny Pham, 44 tuổi, jenypham73@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Trường hợp anh của anh theo suy đoán có thể là ung thư lưỡi tiến triển tại chỗ.

Tuy không thể phẫu thuật hay xạ trị được nữa nhưng bệnh nhân vẫn có thể được điều trị bằng những phương pháp được gọi là chăm sóc giảm nhẹ bao gồm: giảm đau, dinh dưỡng hợp lý, điều trị triệu chứng, chăm sóc tâm lý để có chất lượng sống tốt hơn cho dù bệnh không trị khỏi.

Tuy nhiên, anh cần đưa người nhà đến khám để đánh gía chính xác hơn.

Mong bạn lạc quan hơn!

* Chồng tôi bị ung thu gan, xơ gan, khối u 2,5cm đã đốt 6/3015. Hàng ngày vẫn uống Tenofovir 300mg. Xin hỏi chế độ ăn uống sinh hoạt cần kiêng cữ, nên ăn những gì? Có thể uống thuốc nam thêm được không?(Thu Hà, 50 tuổi, a_zlogic@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Chế độ ăn uống và sinh hoạt không cần kiêng cữ gì nếu chức năng gan còn tốt và không mắc phải những bệnh lý phối hợp khác như tiểu đường, suy thận.

Nguyên tắc chung vẫn là một chế độ ăn cân bằng giữa các chất, sử dụng nguồn đạm từ thực vật ưu thế hơn nguồn đạm từ động vật, nhiều rau và trái cây, hạn chế mỡ động vật, sử dụng dầu cá dầu ô liu.

Hạn chế những thức ăn lên men, muối chua, ngũ cốc để lâu ngày.  

* Thưa bác sĩ, mẹ tôi bị K cổ tử cung giai đoạn 2B. Sau khi xạ trị trong, ngoài, thì không thấy. Các bác sĩ cho uống thuốc để hỗ trợ thải độc xạ. Tôi xin hỏi: 1) Giải độc sau xạ trị cần uống thuốc hay dùng liệu pháp gì?! 2) Thuốc hay bất kỳ liệu pháp gì để chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh ung thư tái phát sau khi đã được điều trị bệnh bằng xạ? Xin cám ơn bác sĩ! (Hà Thị Mỹ Lệ, 36 tuổi tuổi, hathimyle@)

- TS. Trần Đặng Ngọc Linh: Các tia xạ dùng trong xạ trị không lưu lại trong cơ thể người bệnh nên không cần thuốc hay liệu pháp gì để giải độc sau xạ.

Tuy nhiên, xạ trị vẫn có tác dụng phụ hay biến chứng muộn sau xạ là do ảnh hưởng chủ yếu đến các mạch máu nhỏ.

Hiện sau điều trị triệt để ung thư cổ tử cung không có liệu pháp gì giúp tăng hiệu quả điều trị.

Tốt nhất là sinh hoạt chế độ bình thường, tái khám định kì đúng hẹn để kịp thời phát hiện tái phát và biến chứng nếu có của điều trị.

* Chào bác sĩ. Cháu trai nhà em 2 tuổi cháu bị u nguyên bào gan. Xin hỏi bác sĩ, bệnh của cháu có chưã khỏi đựơc không? Cảm ơn bác sĩ. (Trịnh xuân trung, 30 tuổi, thuytrung601@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Bệnh này có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách.

Bướu nguyên bào gan nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì tỉ lệ sống còn 5 năm trên 90%. 

* Mẹ em bị bị ung thư phổi vừa cắt bỏ khối u và được xác định giai đoạn 3A. BS cho em hỏi chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân như thế nào là tốt. Em có tìm hiểu đến phương pháp điều trị đích. Vậy ở TP.HCM, bệnh viện nào áp dụng điều trị phương pháp này. Ở giai đoạn 3A thì việc áp dụng hoá trị, xạ trị kéo dài tuổi thọ bệnh nhân được bao lâu? Về thực thẩm Fucoidan có tác dụng hỗ trợ đúng như quảng cáo không ạ? Cuối cùng là em có thể kiểm tra mình có bị bệnh di truyền ung thư hay không ở đâu? (Nguyễn Thị Minh Ngọc, 33 tuổi, Ngocsxd@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Điều trị nhắm trúng đích cho bệnh ung thư phổi phải có chỉ định, không phải ung thư phổi nào cũng có thể áp dụng phương pháp này.

Hiện tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM hay các khoa ung bướu của các bệnh viện Chợ Rẫy, Pháp Việt, Đại học Y dược cũng có thể điều trị phương pháp này nếu có chỉ định.

Việc điều trị bệnh kéo dài tuổi thọ bệnh nhân bao lâu không bác sĩ nào có thể tiên đoán trước được. Nó tùy thuộc vào đáp ứng điều trị, tình trạng sức khỏe chung, tuổi tác của mỗi bệnh nhân.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi không khác nhiều so với các loại ung thư khác. Khi đang điều trị cần tích cực ăn uống, ăn nhiều lần trong ngày, chọn thức ăn giàu năng lượng, giàu đạm, uống đủ nước, sữa và nước trái cây. Tranh thủ ăn mọi lúc mọi nơi và những món mình thích để đạt đủ nhu cầu năng lượng và các chất hàng ngày.

Về thực phẩm Fucoidan có tác dụng hỗ trợ nhưng không kỳ diệu như quảng cáo. Bạn có thể sử dụng nếu kinh tế gia đình cho phép.

Cho đến nay, chưa có khuyến cáo nào cho rằng một thực phẩm nào có thể loại bỏ ung thư một khi đã xảy ra. 

* Do đặc thù công việc, tôi hay uống rượu. Dạo gần đây tôi hay đau tức vùng hạ sườn phải. Xin hỏi bác sĩ như vậy có nguy cơ ung thư gan không ạ? (Nhân, 30 tuổi, sungnhe1985@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Biểu hiện này có thể liên quan đến ung thư gan. Bạn nên đến bệnh viện Ung bướu TP.HCM để được chẩn đoán. 

* Gia đình có cha mẹ qua đời vì ung thư. Tỉ lệ mắc bệnh này của những người con như thế nào khi đã từng cùng sống trong cùng môi trường? (Huỳnh trí Dũng, 57 tuổi, Huynhtridung3411@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Gia đình có cha mẹ qua đời vì ung thư thì tỉ lệ mắc bệnh này của những người con có thể có nhiều nguy cơ hơn những người bình thường tùy loại ung thư mà cha mẹ mắc phải.

Những loại ung thư như ung thư đại tràng có liên quan nhiều đến yếu tố di truyền. Còn các loại ung thư khác nhưng ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày thì liên quan nhiều đến yếu tố môi trường: chế độ ăn, hút thuốc lá nhiều, ăn các thực phẩm bảo quản như dưa muối, cá muối, cá khô,...

Ung thư gan liên quan đến viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, nếu gia đình có tiền sử bệnh này thì dễ lây cho nhau chứ không liên quan đến yếu tố di truyền. 

* Chào bác sĩ, người thân em hiện vừa phát hiện ung thư ruột giai đoạn 3, vừa phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột có khối u và sắp tới sẽ vào hóa trị. Em được biết nghệ giúp kìm hãm được quá trình phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, em có thắc mắc việc sử dụng nghệ sao cho phù hợp sau khi hóa trị và liều lượng bao nhiêu mỗi ngày cũng như cách chế biến để cơ thể có thể hấp thụ tối đa.

Ngoài ra, thời điểm sử dụng trước hoặc sau khi ăn hoặc uống thuốc cũng là vấn đề em thắc mắc hiện giờ. Xin bác sĩ cho em thêm một số lời khuyên. Em xin cảm ơn bác sĩ. (Võ Anh Khoa, 23 tuổi, anhkhoavo1210@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường:

Những thông tin em tìm hiểu thật là không sai. Nghệ chứa nhiều chất giúp ngăn ngừa ung thư, ngăn ngừa tế bào ung thu vào chu trình phân chia, và nhanh chóng đưa tế bào ung thư vào chu trình chết tự nhiên. Tuy nhiên, để có thể chỉ định uống liều lượng bao nhiêu như thuốc vẫn chua được nghiên cứu vì như vậy cần phải có những nghiên cứu thực nghiệm từ nước ngoài.

Do vậy, tôi không khuyên bạn nên uống liều lượng bao nhiêu, mà có thể sử dụng nghê thêm vào thực phẩm mình dùng như một số loại sữa có bổ sung nghệ , kho cá với nghệ...)Theo những khuyến cáo dinh dưỡng có uy tín trên thế giới, khi bước vào hóa trị người bệnh cần biết những nguyên tắc sau:

1. Ăn nhiều lần/ ngày, tranh thủ ăn mọi lúc mọi nơi

2. Chọn thức ăn giàu năng lượng, giàu chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu)

3. Uống đủ nước (2l/ ngày)

4. Đi siêu thị mua sẵn và trữ sẵn những thức ăn để người bệnh có thể ăn bất cứ lúc nào (yaourt, phô mai, bơ đậu phộng, trái cây khô, chocolate, bánh tây, trái cây,cereal...)

5. Sữa là thực phẩm không thể thiếu

6. khi bị giảm bạch cầu do hóa trị cần rửa tay sạch trước khi chế biến, ăn ngay sau khi chế biến, hạn chế ăn ngoài, rửa sạch gọt vỏ trái cây, không ăn đề sống

Theo tôi, em nên dẫn người thân đến khoa dinh dưỡng BVUB để đăng ký khám bệnh để được tư vấn cụ thể vì nên can thiệp sớm trước điều trị vẫn tốt hơn khi đã có vấn đề dinh dưỡng xảy ra.

* Xin hãy cho biết bài thuốc nam hoặc thuốc bắc để hỗ trợ điều trị ung thư có hiệu quả, được Bộ Y tế Việt Nam hoặc nước ngoài cho phép sử dụng. (nguyễn hoàng, 52 tuổi, hoangsix6@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Anh có thể liên hệ Viện Y học dân tộc (273-275 Nguyễn Văn Trỗi p.10 Q.Phú Nhuận TP.HCM) để có bài thuốc nam hoặc thuốc bắc hỗ trợ điều trị ung thư.

Điều trị Đông y cũng có vai trò riêng của nó trong điều trị ung thư. Bạn có thể phối hợp nếu phương pháp đó được kê ra từ các bác sĩ Viện này.  

* Người nhà tôi năm nay 72 tuổi. Kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Hòa Hảo như sau: CARCINÔM TUYẾN, GLEASON 7 (4 3), CỦA TUYẾN TIỀN LIỆT (PROSTATIC ADENOCARCINOMA, GLEASON SCORE 7 (4 3)). Xét nghiệm máu lần đầu: PSA: 9,03. Sau đó 3 ngày xét nghiệm lại PSA còn 6,15. Kết quả chụp MRI chưa bị di căn.

Xin hỏi bác sĩ trường hợp này có thể sử dụng phương pháp nào để kìm hãm sự phát triển của bệnh? Có 1 số lời khuyên không cần can thiệp mà chỉ cần theo dõi định kỳ vì mức độ nhẹ, bệnh tiến triển chậm và đã lớn tuổi, vậy có nên không? Tôi cũng nghe nói có loại máy đốt bằng tia sóng siêu âm HIFU, cách này có trị dứt điểm không và có thể thực hiện đốt ở bệnh viện nào. Xin cảm ơn bác sĩ. (Đặng Phương Chi, 50 tuổi, dangphuongchi123@)

- Bác sĩ CK1 Lê Thị Thu Sương: Cảm ơn câu hỏi của bạn,

Bệnh nhân có các vấn đề như sau:

- Bệnh nhân lớn tuổi (72 tuổi)

- Đã có giải phẫu bệnh CARCINÔM TUYẾN, GLEASON 7 (4 3), CỦA TUYẾN TIỀN LIỆT (PROSTATIC ADENOCARCINOMA, GLEASON SCORE 7 (4 3)), PSA: 9,03

- Chưa di căn.

Các phương pháp có thể lựa chọn:

- Theo dõi sát  định kỳ nếu tổng trạng không cho phép can thiệp hoặc

- Phẫu thuật hoặc thay thế bằng xạ trị

- Tham khảo điều trị nội tiết nếu bệnh nhân từ chối các phương pháp điều trị khác.

Tuy nhiên bạn có thể đến khoa Ung bướu hoặc khoa Ngoại niệu bệnh viện Chợ Rẩy để được tư vấn cụ thể hơn.

* Xin hỏi: Người mắc bệnh ung thư phần lớn có huyết áp tâm thu/tâm trương dưới 100/60 phải không? Nếu để tình trạng huyết áp thấp kéo dài (thí dụ 10 năm) mà không chữa trị hoặc chữa trị không khỏi sẽ dẫn đến thiếu máu và bệnh ung thư phải không ạ? (Nguyễn Hoàng, 52 tuổi, hoangsix6@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Không phải người nào mắc bệnh ung thư cũng có huyết áp tâm thu/tâm trương dưới 100/60.

Huyết áp thấp kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân, không thể đưa đến thiếu máu và ung thư.

Huyết áp thấp có thể là biểu hiện của thiếu máu và ung thư.

Bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị cụ thể.  

* Hiện tại người nhà bệnh ung thư răng sau xa bị nhiệt miệng, hiện tại chưa ăn cơm, khi uống nước trái cây thì miệng rất đau. Chế độ ăn uống bệnh nhân ung thư răng sau khi xạ trị? Xin cám ơn. (tran thi xuan thao, 37 tuổi, xuanthaoqa@)

- Bác sĩ Trần Thị Anh Tường: Khi xạ trị, niêm mạc vùng miệng và hầu họng sẽ bị viêm loét là chuyện thường gặp không chỉ riêng người nhà của em bị nên đừng quá hoang mang và lo lắng.

Những biến chứng này chỉ trải qua một thời gian ngắn. Sau khi chấm dứt xạ trị 6 tuần, những biến chứng này có thể sẽ hồi phục.

Chế độ ăn cho những bệnh nhân xạ trị đã có sẵn tại khoa Dinh dưỡng bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Em có thể liên hệ để mang về hoặc liên hệ email anhtuongtran22@yahoo.com để bác sĩ gởi đến cho em tham khảo.

Về nguyên tắc chung, em nên chọn những thực phẩm mềm, mướt, lạnh thay cho những thực phẩm cay, nóng, rắn, dai, hột cho bệnh nhân. Lúc này, sữa, súp giữ vai trò chủ đạo. Nước trái cây ép có thể sử dụng nếu em chọn những trái không có vị chua như dưa hấu, cà rốt, ổi,...

Nếu mọi cố gắng không thực hiện được, bệnh nhân tiếp tục sụt cân, mệt mỏi (ăn ít hơn 50% nhu cầu), em nên đề nghị bác sĩ điều trị đặt ống thông mũi dạ dày để chủ động nuôi ăn tốt nhất. Đây là một biện pháp hiệu quả, không quá khó chịu đối với bệnh nhân.  

* Tôi bị bệnh viêm bao tử khoảng 7 năm, có chữa ở bệnh viện mà không khỏi, thời gian gần đây tôi bị táo bón. Cho hỏi đó có phải triệu chứng của ung thư không? (Nguyễn Văn Tùng, 45 tuổi, nhinhinhi10092003@)

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thị Thanh Thủy: Bệnh viêm dạ dày kéo dài có thể đưa đến bệnh ung thư. Còn táo bón thì không liên quan gì đến ung thư bao tử.

Nếu bạn bị táo bón và tiêu chảy luân phiên thì đó có thể liên quan đến ung thư đại tràng. 

- Thưa chuyên gia, có nên trao đổi thẳng thắn với con cái rằng mình đang mắc bệnh ung thư và những khó khăn mà con cái phải đối diện phía trước hay không? Xin cám ơn (Nguyen Ngoc Thạch, 25 tuổi, thach.mr.thach@gmail.com)

- Thạc sĩ tâm lý lâm sàng và tâm lý y khoa Trần Thị Uyên Phượng - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Chào bạn,

Từ lúc còn rất nhỏ thì trẻ em đã có thể cảm nhận được những điều đang xảy ra trong gia đình của mình, đặc biệt là thông qua biểu hiện và cảm xúc của ba mẹ. 

Trong trường hợp của em thì có thể việc người lớn không nói với trẻ thì trẻ không biết chính xác điều gì đang xảy ra đối với mẹ của mình, nhưng trẻ có thể cảm nhận được và có những lo lắng của riêng mình hoặc tưởng tượng ra những điều đôi khi không liên quan đến thực tế. Trong trường hợp trong gia đình có người bị bệnh nặng thì cần cho trẻ biết để tránh sự hoang mang và lo âu ở trẻ, điều cần lưu ý là tùy vào lứa tuổi của trẻ mà có cách trao đổi cho phù hợp theo tâm lý, ngôn ngữ và cách hiểu của trẻ, tránh giấu hay nói dối trẻ.

Ví dụ: giải thích cho trẻ hiểu vì sao mẹ lại vào bệnh viện và xa con một vài ngày trong tuần, vì sao có những lúc mẹ lại nằm trên giường và vì mẹ đau nên khó có thể chăm sóc cho con được như trước đây (đưa con đi chơi...) vì sao thời gian gần đây ba mẹ lại có vẻ buồn nhiều, vì sao nhà mình lại có thêm người (người chăm sóc mẹ, cô dì, bà ngoại, người giúp việc...).

Đặc biệt, bạn cần nói với trẻ bạn suy nghĩ gì và lo lắng gì cho trẻ, hỏi trẻ xem trẻ nghĩ gì và cảm thấy như thế nào khi nghe mẹ nói về tình trạng sức khỏe của mẹ, nói cho trẻ biết những gì có thể xảy ra trong tương lai (mẹ phải nhập viện, mẹ phải phẫu thuật, sau khi vào hóa chất tóc mẹ sẽ rụng...). Khi trẻ được biết và hiểu thì trẻ sẽ cảm thấy đỡ lo lắng hơn.

Chúc em bình an tâm trí!

- Có phải vỏ măng cụt có khả năng khống chế khối u ung thư? Tôi dùng hơn 10 năm qua thấy rất có kết quả, xin cho biết thêm.(Nguyễn Văn Thước, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Cà Mau, sinh năm 1955 tuổi, mucdong55@yahoo.com.vn)

- BS Trần Thị Anh Tường: Vỏ măng cụt có nhiều chất xanthone, là một chất chống oxy hóa có tác dụng chống lão hóa, tăng cường miễn dịch, giảm quá trình viêm cũng giống như các loại thực phẩm có vị đắng khác như rau đắng, khổ qua, dầu cá... Việc sử dụng vỏ măng cụt để phòng ngừa ung thư có thể được nhưng để khống chế khối u ung thư chắc là không.

Việc sử dụng 10 năm qua của anh có kết quả có thể do những nguyên nhân khác kèm theo chứ không hẳn là do dùng vỏ măng cụt. Về mặt dinh dưỡng không có một thực phẩm nào được cho là tốt hay là xấu, quan trọng là liều lượng và cách sử dụng. Nếu anh chỉ có ăn vỏ măng cụt thì trước hết về mặt dinh dưỡng là không hợp lý. Hơn nữa, măng cụt không thú vị chút nào nếu ăn vỏ mà bỏ phần thịt bên trong. Do đó, nếu anh nhất định ăn vỏ măng cụt thì nên ăn cả phần bên trong của nó nhé. 

- Chào các bác sĩ, em hiện là sinh viên kiến trúc năm cuối đang chuẩn bị làm đồ án tôt nghiệp về bệnh viện Ung bướu, nên em muốn hỏi thêm về bệnh nhân ung bướu để có những chuyển bị tốt về đồ án, bác sĩ cho em hỏi, quá trình tâm lí bệnh nhân ung thư như thế nào, theo bác sĩ bệnh nhân cần có chuẩn bị tâm lí gì, trong mối quan hệ bệnh nhân, bác sĩ, người thân và môi trường bệnh viện cũng như những điều kiện xung quanh thì đâu là đối tượng quan trọng trong giai đoạn trị bệnh của bệnh nhân. Trong giai đoạn trị bệnh ở bệnh viện - nội trú, thì chúng ta cần làm gì để giúp đỡ bệnh nhân, điều kiện ở bv ung bướu TP. HCM có giúp được bệnh nhân không.(Đỗ Văn Quốc, 23 tuổi, dragonfly.songngu@)

- BS Quách Thanh Khánh: Chắc chắn rằng môi trường xung quanh có ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quá trình điều trị, chăm sóc người bệnh. Ví dụ ở khoa nhi, môi trường được tạo ra càng giống vườn trẻ cho các bé càng tốt. Em có thể liên hệ kỹ sư Võ Duy Thức, phó trưởng phòng Hành chánh - quản trị của bệnh viện Ung Bướu TP HCM để tìm hiểu thêm về môi trường xây dựng của bệnh viện.

Buổi giao lưu đã kết thúc, Tuổi Trẻ Online chân thành bạn đọc đã quan tâm theo dõi.

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên