PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp (thứ hai từ trái sang) chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ ngành y” - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Vận hành phân loại
Ra trường từ năm 2013, BS Lê Nguyễn Hoàng về làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Q.11, TP.HCM đến nay.
Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân của khoa cấp cứu Bệnh viện Q.11 tăng đột biến. Một tình huống được đặt ra là nếu có thảm họa xảy ra, bệnh nhân vào khoa cấp cứu hàng loạt, khoa sẽ cấp cứu cho bệnh nhân như thế nào?
Chỉ có một cách là sẽ phải phân loại để cấp cứu cho bệnh nhân. Vậy là BS CKI Lê Nguyễn Hoàng (30 tuổi, làm việc ở khoa cấp cứu) đã đề xuất với ban giám đốc quy trình cải tiến này.
Sau khi được lãnh đạo bệnh viện ủng hộ, BS Hoàng cùng một số đồng nghiệp nghiên cứu thực tế, đưa ra hệ thống tiêu chuẩn phân loại trong cấp cứu và giải pháp thực tế. Bệnh nhân nào cần ưu tiên số 1, số 2...
Nghe nói phân loại thì ai cũng hình dung ra được nhưng thực tế khoa phòng, trang thiết bị, lực lượng nhân viên y tế như thế nào để sắp xếp cho phù hợp là cả một câu chuyện...
Sau mấy tháng vận hành theo tiêu chuẩn phân loại, bệnh nhân hài lòng vì họ được giải thích bệnh của mình, biết mình bị bệnh nặng ở độ nào.
Theo hệ thống tiêu chuẩn phân loại này, trong khoa luôn có 1-2 giường bệnh ưu tiên cho những trường hợp nguy kịch, cần báo động đỏ.
Do vậy, khi một bệnh nhân thủng tim đến cấp cứu, trong khoa có sẵn giường bệnh với đầy đủ các trang thiết bị để cấp cứu, hồi sức... cho bệnh nhân, thuận lợi cho cấp cứu ban đầu, chuyển bệnh nhân sang phòng mổ rất nhanh để cứu sống được bệnh nhân.
Cải tiến quy trình
Cử nhân điều dưỡng Biện Huỳnh San Đan - 32 tuổi, quyền điều hành phòng quản lý chất lượng Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, TP.HCM - về công tác tại bệnh viện này đã được 11 năm.
Khi từng ngày đến bệnh viện làm việc, Đan càng yêu nghề, hiểu công việc hằng ngày không chỉ đơn thuần là chăm sóc bệnh nhân, chích thuốc, truyền thuốc cho bệnh nhân mỗi ngày mà bệnh nhân rất cần có sự an ủi, chia sẻ, động viên từ đội ngũ nhân viên y tế.
Từ khi chuyển sang điều hành phòng quản lý chất lượng của bệnh viện, chị Đan nhận thấy mỗi ngày có 2.500-3.000 bệnh nhân đến khám trong khi công nghệ thông tin của bệnh viện còn quá chậm nên có ngày đã gây ra ùn tắc bệnh nhân, không thể giải quyết được hết số bệnh nhân trong ngày nên bắt buộc phải đẩy nhanh quy trình.
Chị Đan và các bạn đồng nghiệp đã viết một quy trình mới, trình với ban giám đốc. Khi quy trình chưa được cải tiến, trung bình một bệnh nhân mất hơn 4 giờ mới khám bệnh xong thì sau hơn một năm thực hiện cải tiến quy trình (thay đổi từ cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, nhân viên chủ động hơn), bệnh nhân đã giảm được hơn một giờ trong quy trình khám bệnh.
Trong năm 2019, khi bệnh án điện tử của Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi hoàn thành, bệnh nhân sẽ được nhận kết quả xét nghiệm ngay trong điện thoại của mình.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, 43 tuổi, hiệu phó Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, chọn nghề y vì hình ảnh những thiên thần áo trắng luôn đẹp.
Là sinh viên y khoa của trường đại học này, sau đó được đi Pháp du học rồi lại trở về làm thầy giảng dạy cho các sinh viên y khoa trong trường, PGS Hiệp luôn muốn truyền lửa nghề cho các sinh viên.
PGS Hiệp, BS Hoàng, điều dưỡng Đan đã chia sẻ công việc, suy nghĩ về ngành nghề của mình cho các sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào ngày 24-2 để thắp sáng ước mơ cho tuổi trẻ ngành y.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận