07/08/2020 10:26 GMT+7

Giúp 'đại bàng, chim sẻ' cùng đi 'cao tốc' EVFTA

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp sẽ tạo thuận lợi để "đại bàng hay chim sẻ" cùng "bay" trên tuyến "cao tốc" Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) trên cơ sở chú trọng đào tạo nhân lực, cải cách thể chế...

Giúp đại bàng, chim sẻ cùng đi cao tốc EVFTA - Ảnh 1.

Thanh long là một trong các mặt hàng trái cây có lượng xuất khẩu lớn thời gian qua và kỳ vọng có tăng trưởng nhờ EVFTA - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Sáng 6-8, tại hội nghị trực tuyến về triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do VN - Liên minh châu Âu (EVFTA), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những lợi ích mà EVFTA mang lại như có thể giúp tăng 42% xuất khẩu vào năm 2025, có thể giúp 1 triệu người thoát nghèo... 

Ông cũng hỏi: Tại sao hoạt động truyền thông và tận dụng FTA chưa hiệu quả? Làm thế nào để sản phẩm VN cạnh tranh được với EU?

Tại sao xuất khẩu vào EU còn khiêm tốn?

EU được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng tỉ trọng xuất khẩu còn khiêm tốn. Đơn cử với dệt may, nếu như VN xuất khẩu ra toàn thế giới chiếm 6% thị phần thì tại EU chỉ chiếm 2,2%. 

Ông Lê Tiến Trường, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), lý giải hai nguyên nhân khiến dệt may thua các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh là thời gian và giá cả. Vì vậy, việc giảm thuế theo EVFTA được kỳ vọng giúp ngành vươn lên tương xứng với thị phần thế giới là 6-7%, tức tăng thêm trên 10 tỉ USD.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là yêu cầu đáp ứng quy tắc xuất xứ nên nếu thủ tục không nhanh chóng, kịp thời có thể lỡ thời cơ. Trước khi có hiệp định, doanh nghiệp đã chuyển hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản giúp tăng thêm 25% nguồn cung, cộng với 20% nguyên liệu đã tự chủ sẽ được hưởng ưu đãi. 

Vì vậy, ông Trường cho rằng cùng với việc sớm ban hành quy định về cộng gộp xuất xứ, cần có định hướng phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Cùng nỗi lo trên, bà Nguyễn Thị Nga - chủ tịch BRG, sở hữu Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - cho biết doanh thu mỗi năm từ xuất khẩu là 100 triệu USD với các mặt hàng gạo, hạt tiêu, hạt điều, gốm Chu Đậu... Tuy nhiên, doanh thu mới chỉ đạt 20 triệu USD sang EU, mà khó khăn là phát triển vùng nguyên liệu với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. 

Bà Nga kiến nghị cần có chương trình động viên, khuyến khích lãi suất vay vốn cũng như đào tạo nhân lực về kiến thức, kỹ năng trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuyên truyền còn chung chung

Lý giải cho câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra là tại sao truyền thông và tận dụng FTA chưa hiệu quả, ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết trước khi EVFTA có hiệu lực, các cơ quan cùng VASEP bóc tách được danh mục 212 mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế 0% ngay từ ngày 1-8. 

Theo ông, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc ngành hàng mình được hưởng ưu đãi thế nào nên việc thông tin, tuyên truyền cụ thể từng ngành hàng, lĩnh vực mới có ý nghĩa thiết thực.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hưng, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, cho rằng thời gian qua Bộ Công thương và nhiều bộ ngành đã làm khá tốt truyền thông phổ cập. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lĩnh vực của mình nên khi tham gia hội nghị, hội thảo rất "hoành tráng, rất lớn, nghe rất là mệt", bởi "nghe thì hay nhưng không biết nên triển khai gì". 

Do đó, ông cho rằng tới đây hoạt động thông tin, truyền thông phổ biến kiến thức hiệp định cần đi vào chiều sâu hơn, gắn với từng ngành hàng, địa phương và doanh nghiệp.

Chủ trương 1, biện pháp phải 10

Ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương, cho rằng các bộ ngành và địa phương càng sớm ban hành chương trình hành động cụ thể, đúng trọng tâm thì thực thi hiệp định càng hiệu quả. 

Ông cũng nhấn mạnh đến việc xóa bỏ những rào cản với hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, không có sự phân biêt đối xử với doanh nghiệp. Trọng tâm là cần thay đổi tư duy về hành chính, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Các giải pháp cần cụ thể, như công nghiệp cần khuyến khích đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, tăng quảng bá, xúc tiến thương mại.

Chính phủ đã ban hành chương trình hành động, giao việc cụ thể với yêu cầu "chủ trương 1, biện pháp thực hiện phải 10" - Thủ tướng nhấn mạnh các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai thực thi hiệu quả, tránh "quyền anh, quyền tôi" và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất.

"Chúng ta nên suy nghĩ có cần xây dựng đường dây nóng, trang web hỏi đáp, tư vấn nhanh cho doanh nghiệp?" - Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội cần có sự hợp tác, phải liên kết chuỗi.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải thay đổi tư duy là doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất kinh doanh nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Thay vào đó, ông yêu cầu doanh nghiệp phải cân bằng giữa lợi ích kinh doanh, các nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn khi tham gia vào luật chơi của toàn cầu.

* Ông Dương Anh Đức (phó chủ tịch UBND TP.HCM):

Giúp đưa hàng vào châu Âu với chi phí thấp hơn

TP.HCM xác định sản phẩm có tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang châu Âu là nông nghiệp gồm cà phê, hồ tiêu, thủy hải sản (tôm, cá) và rau củ quả, trái cây nhiệt đới; sản phẩm công nghiệp gồm dệt may, da giày; sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số.

Do đó, TP sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về EVFTA nhưng không dàn trải mà chỉ tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp cần. Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh là giải pháp chiến lược, phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu, phát triển về hạ tầng logistics để cùng với các tỉnh đưa hàng hóa vào châu Âu nhanh hơn với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường từng nước thành viên EU để hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Xuất khẩu rau quả sáng hơn nhờ EVFTA

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,79 tỉ USD - giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Rau quả VN, dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng tình hình xuất khẩu rau quả VN 6 tháng cuối năm vẫn sáng bởi trừ thị trường Trung Quốc, hầu hết giá trị xuất khẩu đi các thị trường khác đều tăng so với cùng kỳ như Thái Lan 68 triệu USD (tăng 233,4%), Hàn Quốc 67,4 triệu USD (tăng 21,9%).

Đặc biệt, EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8-2020 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành rau quả VN mở rộng thị trường xuất khẩu tại châu Âu (cụ thể xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả tại thị trường này).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: EVFTA không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định châu Âu là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, có tiêu chuẩn cao nên sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng...

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên