05/12/2015 08:07 GMT+7

Giúp con ứng xử 
khi bị ức hiếp

THs Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
THs Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

TT - Bé Tuấn Kiệt mới lên học lớp 3 đã bị nhóm bạn ức hiếp, hành hung. Cu cậu vốn rất hiền lành nên càng sợ hãi không dám đến trường.

Chị Hải (Q.2, TP.HCM) - mẹ Kiệt - xót con nên đã gặp mắng vốn một số đứa trong nhóm kia, nhưng hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Kiệt càng bị quấy nhiễu, khiến em thêm sợ sệt.

Chỉ cho trẻ cách đối mặt

Chúng ta thường dạy bảo trẻ không được gây sự, đánh nhau với các bạn mà không suy nghĩ thấu đáo những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra ở trường như bạo lực học đường. Do đó, những đứa bé thật thà nghĩ rằng “cứ đánh nhau là hư hỏng, là xấu, là không vâng lời cha mẹ”.

Cho nên khi bị nhóm bạn bắt nạt, hành hung, bé luôn tìm cách né tránh các cuộc gây gổ. Vì thế, cha mẹ nên dạy trẻ hiểu rằng “khi bị ăn hiếp cần biết tự bảo vệ mình”. Bé không đánh lại bạn xấu kia chưa hẳn là do nhút nhát, mà có thể do bé e ngại những xung đột không đáng có hoặc bé thiếu kỹ năng xử lý. Song, hiện tượng này kéo dài sẽ khiến bé khó thích ứng với những mặt trái của xã hội.

Như vậy, các bậc cha mẹ cần giúp con trẻ hình thành những hiểu biết cần thiết để giải quyết các va chạm, xung đột con trẻ gặp phải. Nhất là khi dạy con thái độ e dè trong ứng xử với mọi người.

Những phẩm chất như ngoan ngoãn, thật thà là tốt nhưng cần thể hiện đúng lúc, đúng cách, phù hợp với đối tượng, theo kiểu “hiền lành, khoan nhượng với bầy sói là có tội với đàn cừu”. Trước tình huống bị người khác bắt nạt, dọa dẫm, trẻ cần phải mạnh mẽ, bản lĩnh để kẻ gây sự phải tránh xa và không gây tổn thương cho mình.

Giúp con tự tin sẽ chiến thắng

Hằng ngày cha mẹ cần giao cho con những việc làm phù hợp với năng lực và lứa tuổi. Đồng thời, cha mẹ nên động viên, khen ngợi kịp thời khi con hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng những lời lẽ cụ thể.

Chẳng hạn như “Con thật dũng cảm khi thực hiện công việc đó!” hay “Con thật bản lĩnh!”. Bạn cũng giúp con nhận thấy khi con tự tin thì những đứa trẻ thích gây sự phải “do dự” trước khi giơ nắm đấm lên dọa. Khuyến khích con chủ động chống lại những gì đáng chống, biết đứng lên sau vấp ngã, không nhụt chí.

Trang bị cho con những cử chỉ cương quyết, dứt khoát để đối phó với bọn trẻ chuyên đi ức hiếp. Thuyết phục con rằng những trẻ biết cương quyết và tỏ ra tự tin sẽ ít trở thành mục tiêu của những đứa trẻ hay đi kiếm chuyện ức kiếp. Để cảnh cáo bọn gây rối trẻ cần học tạo tư thế chủ động, tự tin hơn như đứng thẳng, ngẩng cao đầu. Nhìn thẳng vào đứa ức hiếp, dùng cái nhìn đanh thép, trả lời dứt khoát mạnh mẽ những lời ngắn gọn.

Dạy con lưu ý với nhóm đi ức hiếp chúng rất thích trêu đùa những ai hay khóc nhè, nhưng đừng bao giờ đe dọa đứa ức hiếp. Tốt nhất là khi bị trêu chọc, bị ức hiếp, trẻ nên ngẩng cao đầu đi thẳng về hướng có đông trẻ khác hoặc có người lớn. Nếu thấy nguy hại đến thân thể, trẻ có thể la lớn đánh động để bọn xấu e ngại mà “bỏ qua”. Đánh nhau là phương thức cuối cùng nếu bé buộc phải tự vệ.

Nên cho trẻ học võ, biết ra tay đúng lúc để tự vệ chính đáng. Nhưng dù gì đi nữa cũng phải giáo dục trẻ nhẫn nhịn, không nên “động thủ” gây thù hằn và thương tích cho đối thủ.

THs Tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên