Các phạm nhân này sắp hoàn thành cải tạo tại trại giam An Phước (Phú Giáo, Bình Dương).
Phóng to |
Các phạm nhân tham gia chương trình “Hành trình của niềm tin” trong hai ngày 9 và 10-6 tại trại giam An Phước (Bình Dương) - Ảnh: K.ANH |
Đây là một trong những cách tổ chức Đoàn - Hội giúp các bạn trẻ từng là phạm nhân trang bị thêm hành trang để ngày trở về bớt chông chênh.
Học luật tại trại giam
Họ xếp hàng ngay ngắn trong màu áo tù nhân, nhưng khác với mọi hôm thay vì đi lao động hay cạo mủ cao su, hôm nay họ đến với khóa học tìm hiểu về pháp luật, nghề nghiệp. Mỗi phạm nhân được phát cuốn tập, cây viết để chuẩn bị vào lớp. Không chỉ phạm nhân hồi hộp mà những thành viên trong ban tổ chức cũng nôn nao, vì lần đầu tiên chương trình tư vấn pháp luật, nghề nghiệp được tổ chức tại trại giam. “Mỗi học viên mỗi trình độ, có người chỉ biết chữ bập bẹ, nhưng chúng tôi cố gắng mang những kiến thức pháp luật thật căn bản, giúp các phạm nhân sau khi trở về địa phương sẽ ứng dụng được” - anh Đặng Tất Dũng, phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, đào tạo ngắn hạn Trường ĐH Luật TP.HCM, bày tỏ.
Các giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã phổ biến những kiến thức căn bản về luật hình sự, dân sự, hành chính, lao động... với các học viên đặc biệt của lớp. Nhiều phạm nhân ghi chép rất cẩn thận những bài giảng của lớp học. “Tôi nghe các thầy giảng mới thấy được nhiều điều mình không biết gì. Tôi sẽ ghi nhớ những điều được học hôm nay để không vi phạm pháp luật nữa” - phạm nhân Nguyễn Văn T. cho biết.
Chị Trần Hoàng Khánh Vân, phó Ban An ninh quốc phòng địa bàn dân cư (Thành đoàn TP.HCM), chia sẻ: “Chương trình muốn góp thêm niềm tin để các phạm nhân trẻ có thêm sự tự tin, xóa bỏ mặc cảm khi tái hòa nhập với cuộc sống. Chương trình cũng sẽ kết nối và tiếp tục trợ sức sau khi các bạn trở về địa phương”.
Hành trang ngày trở về
Phạm nhân Trần Thị H. băn khoăn: “Mình từng ở tù ra làm sao xin được việc làm? Vay vốn ai dám cho”. Có lẽ đó cũng là nỗi niềm chung của những phạm nhân trước ngày hoàn thành thời gian cải tạo, trở về nhà. Để xóa đi những suy nghĩ tiêu cực ấy, anh Nguyễn Văn Sang - phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm (trực thuộc Thành đoàn TP.HCM) - đã tư vấn giúp các bạn kỹ năng tìm việc. “Trung tâm có những suất học nghề miễn phí hoặc giảm học phí. Nếu các bạn thấy phù hợp với nghề nào thì sẽ được tư vấn để chọn học nghề. Sau đó chúng tôi sẽ giới thiệu việc làm cho các bạn”- anh Sang cho biết.
Dù chỉ mới lần đầu tiếp cận các phạm nhân, nhưng trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn sau khi trở về địa phương. “Mong các bạn sẽ tìm đến chúng tôi để được hỗ trợ”- anh Sang chia sẻ. Tương tự, đại diện Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng tư vấn phương thức giúp các dự án kinh tế của thanh niên được tiếp cận vốn vay - kể cả với các bạn từng là phạm nhân, miễn dự án của các bạn khả thi.
Sau hai ngày tham gia lớp học, phạm nhân Nguyễn Mai Th. bộc bạch: “Chỉ còn khoảng ba tháng nữa là tôi hết thời gian cải tạo. Tôi sẽ về và cố gắng sống tốt. Việc đầu tiên là sẽ quyết tâm không để dính lại ma túy nữa, sau đó tôi sẽ học nghề trang điểm để đi làm lo cho con”.
Chương trình khép lại, những phạm nhân của lớp học được nhận chứng chỉ của ban tổ chức. “Đấy như là điểm cộng để giúp các bạn khi trở về hòa nhập cộng đồng”- anh Đặng Tất Dũng bày tỏ.
- Ban tổ chức đã thăm dò ý kiến của các học viên sau khóa học. Đa số (78,8%) cho rằng lớp học rất cần thiết cho những phạm nhân sắp ra trại, hơn 80% cho biết kiến thức pháp luật trong khóa học sẽ giúp họ trong tương lai... - Anh Phạm Hồng Sơn, phó chủ tịch thường trực Hội LHTN TP.HCM, cho biết: chương trình sẽ được thực hiện tiếp tục tại một số trại giam thuộc Tổng cục Cảnh sát hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an (Tổng cục VIII). Các chương trình sau sẽ lồng ghép thêm chương trình “Ước mơ của Thúy” (do báo Tuổi Trẻ thực hiện) hoặc sẽ có thêm các chương trình kỹ năng sống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận