28/01/2022 10:48 GMT+7

Giữ sức khỏe cho người cao tuổi an toàn đón Tết

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Đại dịch COVID-19 vừa tạm thời lắng xuống cũng là lúc dịp Tết cận kề. Những xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống hay sự thay đổi thời tiết trong ngày Tết sẽ gia tăng các nguy cơ về sức khỏe cho người cao tuổi.

Giữ sức khỏe cho người cao tuổi an toàn đón Tết - Ảnh 1.

Sức khỏe người cao tuổi dịp Tết đến cần đặc biệt quan tâm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Người cao tuổi là đối tượng thuộc nhóm nguy cơ trong cuộc chiến với COVID-19, ngoài ra họ vẫn có khả năng gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác, nhất là dịp lễ Tết. 

Thận trọng trong sinh hoạt, chú ý giữ ấm

Sức khỏe của người cao tuổi hầu như đều bị ảnh hưởng theo các yếu tố thời tiết trong năm. Theo bác sĩ Lương Văn Đến (khoa lão, chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), việc giữ ấm cho người cao tuổi rất quan trọng, bởi sức đề kháng của họ đã yếu dần theo tuổi tác. 

"Người lớn tuổi cần mặc đủ ấm khi đi ra ngoài, chú ý giữ ấm cổ, ngực, bàn tay, bàn chân, bởi họ rất dễ bị nhiễm lạnh và gây viêm phổi, nhất là với những người có bệnh tim mạch, hô hấp", bác sĩ Đến chia sẻ.

Đồng thời, Tết cũng là thời điểm vui chơi, thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau, bác sĩ Đến nhắc nhở người nhà cần lưu ý không nên để người cao tuổi ở một mình do hệ cơ, xương khớp đã kém, trong lúc di chuyển, vận động dễ xảy ra té ngã, đột quỵ.

Ngoài ra, người cao tuổi vẫn nên giữ thói quen tập thể dục trong dịp Tết giúp cho cơ thể lưu thông khí huyết, tăng cường đề kháng. Mức độ luyện tập nên tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nếu cơ xương đã yếu có thể tập những bài vận động nhẹ nhàng. Buổi sáng không tập quá sớm, không nên đi tập thể dục lúc thời tiết còn quá lạnh, mỗi ngày nên luyện tập duy trì khoảng 15-30 phút.

Bên cạnh đó, với những người cao tuổi mắc bệnh nền, bác sĩ Đến nhấn mạnh phải đảm bảo ổn định bệnh trong thời gian ăn Tết. “Các bệnh mãn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... phải duy trì sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ, mua thuốc đủ dùng trong Tết. Nên thực hiện tái khám, kiểm tra sức khỏe trước Tết để đề phòng các trường hợp bệnh bộc phát đột ngột”, bác sĩ Đến nhắc nhở.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cùng với sự xuất hiện của biến chủng mới, bác sĩ Lương Văn Đến khuyến cáo mỗi gia đình nên giữ liên hệ với các trạm y tế phường, xã; số điện thoại dịch vụ cấp cứu; các nhà thuốc hoạt động 24/7 phòng khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.

Cân bằng dinh dưỡng bữa ăn

Cơ thể khỏe mạnh là khi được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, tuy nhiên theo ThS.BS Trần Lệ Linh (chuyên khoa cơ xương khớp, lão khoa, Đại học Y dược TP.HCM), tùy vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý nền mà mỗi người sẽ có những chế độ ăn uống khác nhau.

“Thực đơn ngày Tết đa phần là những thực phẩm giàu chất đạm, béo như bánh tét, thịt kho, chả giò, canh hầm,... sẽ khiến người cao tuổi dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, với những người đang mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Bác sĩ Linh cho biết đối với người cao tuổi, các cơ quan trong cơ thể đã dần lão hóa, giảm sức nhai hoặc sử dụng răng giả, nên việc chế biến thức ăn cần rất kỹ, ưu tiên chế biến thực phẩm dễ thái nhỏ, nấu mềm. Dạ dày, ruột hoạt động kém, sự bài tiết các men tiêu hóa giảm theo, nên quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn kém hơn.

Chế độ ăn cho người cao tuổi cần cân đối giữa chất đạm, chất béo, bổ sung nhiều vitamin trong trái cây. Ăn nhiều rau xanh hơn vì rau có chứa nhiều chất xơ giúp việc tiêu hóa thức ăn được tốt hơn.

Với những người có tiền sử cao huyết áp, bác sĩ Linh khuyến cáo không nên ăn các loại đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, các loại chè. Không nên ăn nhiều các món chiên xào, dầu mỡ, chua cay dễ gây đầy bụng, khó tiêu hóa. Không bỏ bữa, cũng không nên ăn nhiều bữa trong ngày gây béo phì, dễ mắc các bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa.

Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, với những người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, người bệnh gan… uống rượu bia nhiều làm bệnh nặng lên, thậm chí gây đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong.

Thay vào đó, cần bổ sung đủ lượng nước đưa vào cơ thể để bù đủ cho lượng nước đã bị mất đi như mồ hôi, nước tiểu. Cơ thể thiếu nước sẽ gây khô da, táo bón, các chất cặn bã đào thải qua thận không được thông thoát sẽ bị đọng lại. Nên uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày.

Có nên dùng thực phẩm chức năng?

Nhiều gia đình thắc mắc việc có nên mua thực phẩm chức năng để bổ sung dưỡng chất cho người cao tuổi trong gia đình, theo bác sĩ Trần Lệ Linh, việc sử dụng phải tham khảo ý kiến bác sĩ, người thân không nên tự ý mua dùng. Bởi người cao tuổi hay có bệnh nền, các cơ quan chức năng bị lão hóa, chức năng thận cũng suy giảm hơn người trẻ. Việc sử dụng thêm thực phẩm chức năng cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tương tác cũng như các tác dụng không mong muốn.

“Đến giờ vẫn chưa có bằng chứng gì về sự cần thiết của thực phẩm chức năng, tùy vào đối tượng sử dụng có bệnh gì hay không, việc để người già sử dụng trong thời gian dài sẽ không tốt, lạm dụng quá cũng gây ảnh hưởng sức khỏe”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.

Dinh dưỡng cho người cao tuổi sau khi mắc COVID-19 Dinh dưỡng cho người cao tuổi sau khi mắc COVID-19

TTO - Theo các chuyên gia, người cao tuổi là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19 nặng và xuất hiện hội chứng hậu nhiễm COVID-19 cao hơn người trẻ tuổi.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên