08/02/2019 07:06 GMT+7

Giữ lấy những bản sắc đang bị xoá nhoà

PHAN XUÂN LOAN
PHAN XUÂN LOAN

TTO - Chỉ vài năm trước đây thôi, ai có thể nghĩ là có ngày một tổng thống hoa kỳ cương quyết xây tường để cách ngăn láng giềng Mexico?

Giữ lấy những bản sắc đang bị xoá nhoà - Ảnh 1.

Ảnh: nashideti.site

Ai ngờ được Anh quốc sẽ phải chấp nhận mất ít nhất 1.000 tỉ đôla cho cuộc Brexit khỏi EU? Những lời kêu gọi thế giới phẳng, toàn cầu hóa mà nhân loại còn hừng hào vài thập niên trước, giờ đã lạc hậu trước thực tế mới.

Với Tổng thống Donald Trump, thực tế đó là làn sóng nhập cư lậu từ Trung Mỹ, là những đường dây buôn lậu ma túy vượt biên giới Mexico - Mỹ đang làm ảnh hưởng tới sự thịnh vượng và bình an của xứ sở cờ hoa, khiến ông đòi Quốc hội chi ngân sách 5 tỉ USD để xây tường. 

Với bà Theresa May, bỏ qua những trò chơi chính trị của các đảng phái, về bề nổi thì đó là ý nguyện người dân sau cuộc trưng cầu ý dân mà giờ đây không ít người tiếc rẻ cho kết cục bất ngờ, muốn trưng cầu lại… Dù gì đi nữa, đó là thực tế của thế giới ta đang sống.

Và sự chia cắt không chỉ ở phương Tây. Ở các nước khối Liên Xô cũ, những bức tường đang đe dọa mọc lên. Như chuyện giữa Nga và Litva. Ngày 8-1- 2019, Nga đưa vào vận hành kho chứa khí đốt ở vùng lãnh thổ tách rời của họ tại châu Âu Kaliningrad và ngưng hẳn việc chuyển khí đốt cho Kaliningrad trước nay vốn đi qua các láng giềng Belarus rồi Litva. 

Từ nay, khí đốt sẽ được chuyển bằng tàu ở dạng hóa lỏng đến Kaliningrad. Nga thay đổi là bởi quan hệ giữa Nga với Litva hậu Xô viết không còn tốt đẹp Người ta chưa quên hai năm trước, hồi tháng 1-2017, Thủ tướng Litva Saulius Skvernelis từng tuyên bố kế hoạch xây tường trị giá 3,6 triệu euro để cách ngăn Litva với Kaliningrad. 

Đấu khẩu đã diễn ra, khi thống đốc Kaliningrad Anton Alikhanov thách thức là Kaliningrad sẽ cấp gạch cho Litva xây tường. Những tường rào thậm chí cũng không phải là thực tế mới với Matxcơva. Tại vùng Perekop của bán đảo Crimea, Nga đã cho dựng một kiểu rào chắn điện tử gồm các cảm biến chuyển động, camera quan sát có khả năng nhìn xuyên đêm để báo động những mưu toan xâm nhập Crimea từ phía Ukraine.

Một thế giới không mang chiều kích con người

Giữa những “ngôi làng toàn cầu” nhân loại từng rất tự hào giờ đây đang mọc lên biết bao chướng ngại bởi những nền chính trị vẫn đang vận hành theo phương châm xưa như Trái đất: “không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. 

Thế nhưng không phải con người lúc nào cũng kịp xoay xở với những biến động địa chính trị này. Chỉ khác là, ngày nay, nếu chiến tranh có nổ ra sẽ không phải như xưa. Nhiều lý thuyết chiến tranh mới đã được xây dựng, thậm chí một số nhà chiến lược còn khẳng định thế chiến thứ ba đã bắt đầu, qua những hình thức chiến tranh lai (hybrid warfare), chiến tranh mạng lưới…

Trong bối cảnh đó, những “rường cột” tương lai nói riêng, và nhân loại nói chung, đang phát triển ra sao? Tờ báo Đức Stern vừa công bố một kết quả nghiên cứu thú vị của tạp chí khoa học Journal of Hand Therapy. 

Theo đó, những người trẻ hiện được các nhà nghiên cứu gọi là “thế hệ những người ẻo lả”: sức mạnh cơ bắp bàn tay nam thanh niên khoảng 30 tuổi hiện nay đã giảm trung bình 20% trong những thập niên qua. 

Đo bằng lực kế trên 237 đối tượng 20-34 tuổi, rồi đo các chỉ số so với dữ liệu năm 1985, kết quả là lực tay của nam thanh niên hiện đại ước khoảng 49kg, so với 58,5kg của năm 1985. Nguyên nhân dễ hiểu: thời thập niên 1980, nghề nghiệp của nam giới cần nhiều sức mạnh cơ bắp hơn so với hiện nay. Kết quả này cũng tương ứng với một số nghiên cứu khác. 

Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2013 cho thấy để chạy 1,6km, trẻ em hiện nay cần thời gian nhiều hơn 90 giây (5%) so với thời gian cần của những bạn bè đồng trang lứa với chúng năm 1975. Thử tưởng tượng những thập niên tới, thời của công nghệ 4.0 khi máy móc, robot giải phóng loài người khỏi phần lớn hoạt động thể chất, thì những chàng trai tương lai của chúng ta sẽ ra sao?

Và đâu chỉ hoạt động thể chất. Tiến sĩ sinh học, chuyên gia về khoa học thần kinh và ngôn ngữ tâm lý nổi tiếng người Nga, bà Tatiana Chernigovskaya, trong một bài giảng cuối năm 2018 đã khẳng định nhân loại đang bước vào một giai đoạn mà “trong khi họ vẫn còn tranh cãi nhau về khái niệm “ý thức”, thì hỡi ôi, trí tuệ nhân tạo bắt đầu có ý thức. 

Và khi nó quyết định mình là một cá thể thì loài người sẽ mất khả năng kiểm soát thế giới!”. Theo bà, nghịch lý của thế giới hiện nay là ở chỗ, cùng lúc với việc có nhiều khả năng hơn, thế giới đang trở nên ngày càng nguy hiểm hơn, và nhân loại đang trả giá cho những khả năng này bằng “tính trong suốt tuyệt đối” của mình, khi họ bị nhìn thấu suốt bởi công nghệ, máy móc và không còn gì là riêng tư. 

Con người đang sống trong “một thế giới không ổn định, lao cực nhanh, thậm chí là nhấp nháy, thế giới không mang chiều kích con người, không còn dành cho họ nữa”. 

Để sống trong thế giới đó, “giới trẻ hiện nay cần học hiểu biết (chứ không phải học thuộc lòng), xây dựng thái độ bình tĩnh trước sự thay đổi liên tục, hình thành những kỹ năng xác minh thông tin, kỹ năng học hỏi, chịu đựng sự căng thẳng, kỹ năng bảo tồn loài người trong thời đại số” - Chernigovskaya kết luận.

Chậm lại để hiểu chính mình

Những nhà nghiên cứu Đức hay nữ khoa học gia Chernigovskaya không phải là những nhà văn viết truyện viễn tưởng. Từ những cơ sở khoa học, họ đã phác ra cho chúng ta một thế giới phần nào đáng sợ, trong đó cuộc đối đầu giữa robot với loài người không còn là chuyện xa vời. Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa quên bộ phim từ năm 1995 The Net mà nữ diễn viên gạo cội Sandra Bullock đóng vai một người bị cướp mất danh tính. 

Là một chuyên gia phân tích phần mềm chuyên làm việc và giao dịch online, một ngày nọ Angela Bennett phát hiện tên cô, tất cả dữ liệu cá nhân - từ thẻ an sinh xã hội đến việc làm, nhà ở… của cô đang được một người máy sử dụng. Còn cô, vất vưởng trên thế giới này, bị cưỡng ép mang một danh tính của người khác. 

 Từ bộ phim 1995 đó tới những kịch bản mà các khoa học gia cảnh báo là một bước rất gần… Bởi chúng ta không chỉ sống trong một thế giới vật chất, mà cả trong thế giới biểu tượng, thế giới ảo, do chính mình tạo ra. Một thế giới mà những ranh giới địa lý biến mất. Thời gian không còn là trở ngại. Bản sắc cũng xóa nhòa.

Trong những ngày tháng đang lao đi vun vút này, rất cần chúng ta chậm lại. Chậm lại để kịp nhìn và hiểu chính mình. Định hình được không chỉ danh tính, mà bản sắc của mình thì mới có thể “bảo tồn” được chính mình. 

 Chernigovskaya khuyên: “Tôi hay bảo các học trò của mình: trước nhất hãy làm quen với chính mình, như tôi đã nói với các nữ sinh viên: hãy vào nhà tắm, rửa mặt cho hết lớp kem trang điểm, nhìn vào mình trong gương và tự trả lời với chính mình: mình có thông minh không? Có đẹp không? Có nhu nhược không? 

Mình sửa soạn ngồi nhà đan tất hay tỏa sáng trên sân khấu? Phải trả lời được điều đó cho chính mình. Nếu như nhiều năm trước tôi biết mình chỉ là loài cú, tôi đã không mất cả đống thời gian cho những nỗ lực vô nghĩa viết ra được gì đó hay ho vào mỗi sáng sớm”. Chỉ khi nhận diện được chính mình, con người mới có thể giữ gìn và phát huy được chính mình. Bằng không thì, Chernigovskaya khẳng định, “không có gì cam kết là sự tiến hóa sẽ kết thúc ở con người”.

Lớn như ngọn cõ, lá rơi…

Giữa vun vút đổi thay này, trong những khoảnh khắc cuối cùng của năm Mậu Tuất, tôi muốn sẻ chia cùng bạn đọc những lời tâm tình của một bà mẹ trẻ đọc được trên trang “Trẻ con của chúng ta” (www.nashideti.site).

Svetlana Papina viết: “Rock-n-roll đã chết, nhưng tôi vẫn còn đó. Khi sinh đứa con gái đầu tiên, tôi hiểu ra mình sẽ không kịp sống nhanh, chết trẻ và để lại một thi hài đẹp. Đứa bé đã làm chậm nhịp sống của tôi xuống bằng tốc độ một ngọn cỏ đang mọc. Bằng âm vang của một chiếc lá rơi. Làm sao có thể sống nhanh, khi con bé nhìn con bò bằng đôi mắt to thán phục và không chịu rời đi cho đến khi ghi nhớ hết cả bức tranh, đến từng con muỗi mắt đáng ghét trên chiếc đuôi bò? Tôi rất muốn chạy khỏi đó, kéo tay đứa con bất tuân: Sao nào, chưa thấy bò bao giờ hả con? Chạy, chúng ta cần chạy, con mới một tuổi thôi, mà chúng ta đã muộn rồi. Con mới biết từ “con bò” bằng tiếng mẹ đẻ, mà ở tuổi con, bọn trẻ đã biết nói từ “con bò” bằng ba thứ tiếng đấy!

Không thể sống chậm khi bạn có con, bạn còn chưa kịp làm gì cả. Thời gian mất đi một cách ngu ngốc - trung học, đại học, công việc, bất ngờ mang thai và giờ là đứa con gánh nặng này, đang đứng mải miết nhìn bò. Mà trong đầu bạn là cả một mớ hổ lốn, tôi là ai? Tôi đã sống chưa? Tôi đã sống cuộc đời của ai? Vì vậy mà tôi luôn muốn chạy, chạy, chạy, chứ không phải nhìn con bò to kềnh, khoan thai này và nghĩ những ý nghĩ quen thuộc những tháng gần đây: “Đây là con bò cái. Bò cái có con bê. Con bê kêu “Muh!””. Kinh khủng, tôi có trình độ đại học, mà lại tư duy bằng những cụm từ năm chữ. Tôi thoái hóa rồi. Dừng lại là chết. Con bò - muh!

Lớn lên đi, con gái ơi, nhanh lên. Đôi chân bé của con không chạy theo mẹ kịp. Mẹ chạy khỏi con mỗi sáng đến chỗ làm, chạy khỏi chỗ làm để còn đi học, rồi chạy từ nơi học về chỗ con, để kịp bắt được cái nhìn của con trước khi con ngủ và biết rằng những từ mới của con, con đã nói ra không phải là với mẹ. Con còn lớn và sẽ bắt đầu chạy nhanh, nhanh hơn mẹ tới lớp tiếng Anh, tới lớp nhảy, chúng ta sẽ kịp. Hôm qua cạnh rạp xiếc con bắt gặp một chú voi. Và con không tin voi là con thú đứng cạnh rạp xiếc, to đến thế, kềnh càng đến thế. Chúng ta phải rời khỏi đó, để nó nhỏ lại, bé bằng trong cuốn sách, to không hơn lòng bàn tay. Và khi con kêu lên: “Mẹ ơi, con voi, mẹ thấy không?” Tôi thấy không à? Làm sao thấy được con voi khi chạy, lần đầu tiên tôi nhận ra điều đó…”.

Thành phố có bản sắc mới là thành phố hấp dẫn Thành phố có bản sắc mới là thành phố hấp dẫn

TTO - Trước sự quan tâm của nhiều người Sài Gòn về số phận của dinh Thượng Thơ, nhân hội thảo về giá trị kiến trúc và giải pháp bảo tồn tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) vừa diễn ra, Tuổi Trẻ trích giới thiệu một tham luận tại hội thảo.

PHAN XUÂN LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên