06/07/2018 14:45 GMT+7

Giữ đất ven biển: Những giải pháp từ thực tế

TS TRẦN VĂN THÁI
TS TRẦN VĂN THÁI

TTO - Phản hồi bài viết về thực trạng người dân đồng bằng sông Cửu Long "Trắng tay chạy biển", Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết về vấn đề chống sạt lở đất của TS Trần Văn Thái, phó viện trưởng Viện Thủy công - Viện khoa học Thủy


Giữ đất ven biển: Những giải pháp từ thực tế - Ảnh 1.

Rừng ven Biển Tây đoạn qua xã Khánh Tiến (huyện U Minh, Cà Mau) bị sạt lở đánh mất gần hết. Theo UBND tỉnh Cà Mau, 11 năm qua tỉnh này đã mất hơn 8.800ha đất rừng ven biển - Ảnh: CHÍ QUỐC

Để bảo vệ triệt để bờ biển đồng bằng sông Cửu Long cần nguồn lực 300-400 triệu USD, trong đó những đoạn cấp bách khoảng 200 triệu USD. Nếu ứng phó chậm mỗi năm chúng ta cứ tiếp tục mất thêm hàng trăm hecta nữa.

Lượng phù sa về ĐBSCL ngày càng giảm, tình trạng sạt lở đất cướp đi đất sản xuất và nơi sinh sống của người dân ven sông, biển ở ĐBSCL. Để bảo vệ được vùng giàu có ĐBSCL, đặc biệt là Đất Mũi Cà Mau, nhiều giải pháp chống sạt lở đã được thực hiện trên thực tế. Và cần nhân rộng, làm nhanh hơn nữa...

Từ chuyện "ngân hàng đất"

Giải pháp được nhắc đến nhiều nhất là: hạn chế khai thác cát sỏi lòng sông, thúc đẩy việc nghiên cứu các loại vật liệu thay thế cát san lấp mặt bằng, đắp đê, làm nền đường. Ví dụ như: có thể nghiên cứu biến vật liệu phế thải từ nhiệt điện (xỉ than, tro bay) thành vật liệu thay thế, hoặc cứng hóa bùn nạo vét để thay thế. Có thể thay thế cát nghiền từ đá sử dụng cho bêtông.

Việc nghiên cứu vật liệu thay thế này rất cần thiết, trước sau gì cũng phải làm (vì cát ngày càng ít). Hiện tại, các loại vật liệu mới chưa được quan tâm, chưa thể phát triển vì giá cát vẫn còn rẻ hơn các vật liệu có thể thay thế. Khai thác cát là nguyên nhân gây sạt lở. Theo tôi, giá cát cần cộng thêm cả giá chống sạt lở thì sẽ thúc đẩy công nghệ thay thế.

Cũng có thể tận dụng bùn đất nạo vét, có giải pháp "cứng hóa" để đắp đường, đê, san lấp mặt bằng thay cho cát lấp. Hiện ở miền Tây, Nhà nước đang cho thử nghiệm mô hình ngân hàng đất, nhiều tư nhân cũng xin lập "ngân hàng đất": họ tập trung nguồn đất từ việc nạo vét lòng kênh... (những loại đất để lâu ngày có thể cứng lại) để dành sau này có thể sử dụng để san lấp mặt bằng thay cát.

Giải pháp đê kè tiêu giảm sóng (đê trụ rỗng, đê cọc rỗng, kè hai hàng cọc ly tâm...) để bảo vệ các đoạn xung yếu có tốc độ sạt lở lớn cũng đã làm. Hiện tại, tỉnh Cà Mau đã có 20km đê kè bảo vệ bờ biển theo cách này. Trồng rừng ở vị trí thuận lợi điều kiện cho phép, bảo vệ rừng mắm, đước, bần... hiện có cũng là giải pháp để giảm tốc độ sạt lở đất.

Ủy hội sông Mekong quốc tế cho biết: 75% tổng lượng phù sa của sông Mekong sẽ bị giữ lại trong các hồ chứa. Đi qua nhiều quốc gia, phần còn lại đến khu vực ĐBSCL chỉ còn khoảng 3-4%. Giải pháp ngoại giao với các nước thượng nguồn để họ xây dựng các công trình xả cát (Chính phủ ta đã làm) cũng là cách hạn chế sạt lở miền Tây.

Có thể mất thêm 500ha đất mỗi năm

Bờ Biển Tây của tỉnh Cà Mau từ Mũi Cà Mau đến Tiểu Dừa (giáp ranh tỉnh Kiên Giang) dài 127km, trong đó có 70km bị xói lở, nhiều đoạn xói lở sâu, gây ra nguy cơ vỡ đê biển. Từ cửa Cái Cám đến sông Đốc khoảng 14km trước đây xu thế bồi là chính, từ năm 1995-2017 bờ biển đã chuyển xu thế thoái lui 170-200m. Từ cửa sông Đốc đến Đá Bạc dài 16km, từ năm 1995 bờ biển thoái lui đến 350m. Bờ biển từ Đá Bạc đến Tiểu Dừa dài 40km, từ năm 1988-2017 bờ biển đã thoái lui lớn nhất 530m tiến sát đê Biển Tây.

Xu thế bờ biển thoái lui đó đặc biệt nghiêm trọng với tốc độ lớn từ năm 2001 đến nay trùng với giai đoạn kinh tế các nước trong lưu vực sông Mekong phát triển nhanh đã khai thác nhiều cát lòng sông, kết hợp làm các đập thủy điện thượng nguồn giữ lại nhiều bùn cát nên tốc độ xói lở ngày càng gia tăng, nhất là tại khu vực Tam Giang Đông - Cà Mau.

Với tình hình diễn biến bất lợi như vậy, nếu không có biện pháp bảo vệ thì dải đất ven biển rộng hàng kilômet khó được khai thác bền vững, rủi ro cho các nhà đầu tư và các công trình hạ tầng ven biển, một số khu dân cư ven biển có nguy cơ bị xóa sổ.

Trong mấy năm nay, các tổ chức nước ngoài như GIZ, AFD, Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Khoa học và công nghệ cũng đã đầu tư cho việc khảo sát, đánh giá đường bờ biển. Riêng GIZ đã xây dựng nên bản đồ diễn biến đường bờ biển từ năm 1904 đến nay. Trên thế giới việc nghiên cứu và bảo vệ bờ biển, chỉnh trị cửa sông cũng phải mất nhiều năm cho đến khi nó ổn định.

Cùng với việc nghiên cứu ta vẫn cần triển khai ngay một số giải pháp công trình để bảo vệ đất sản xuất, bảo vệ hạ tầng ven biển. Xu thế chính hiện nay đã rõ, đó là xói là chính và nguyên nhân là do thiếu hụt phù sa và xu thế đó ngày càng nghiêm trọng hơn. Vậy chỗ nào cần bảo vệ thì vẫn phải bảo vệ ngay không hối tiếc. Mỗi năm chậm trễ chúng ta mất khoảng 500ha.

Biển xâm thực dữ đội, đề xuất khẩn cấp cứu đê biển Tây Biển xâm thực dữ đội, đề xuất khẩn cấp cứu đê biển Tây

TTO - Báo cáo mới nhất về tình hình sạt lở bờ biển, đê biển Đông và biển Tây của hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang gửi Thủ tướng và Bộ NN&PTNT đề xuất ứng cứu khẩn cấp cho thấy mức độ biển xâm thực rất nghiêm trọng.

TS TRẦN VĂN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên