23/08/2011 08:36 GMT+7

Giữ chặt mối liên hệ với cử tri

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Sáng 22-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp để đánh giá kết quả kỳ họp QH thứ nhất, cho ý kiến vào chương trình kỳ họp thứ hai và cho chủ trương xây dựng đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH”.

MVIKJtUg.jpgPhóng to
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong buổi họp báo - Ảnh: V.DŨNG

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định kỳ họp thứ nhất vừa qua đã hoàn thành chương trình và chất lượng nội dung tốt. “Tôi chỉ xin nhắc các đồng chí là nhớ giữ mối liên hệ với cử tri cho chặt, ngoài tiếp xúc cử tri như thường lệ thì phải xuống thăm dân và sát dân hơn. Các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ QH nên sắp xếp lịch xuống địa phương, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ở từng lĩnh vực, các khu vực khác nhau. Tôi đã thay mặt các đồng chí hứa trước QH là gần dân hơn. Đã hứa thì phải làm. Không chỉ gần gũi với cử tri những địa phương bầu các đồng chí mà phải tính đến việc gần dân ở những khu vực khác, tỉnh khác” - ông Hùng nói.

Liên quan việc QH không bầu được nhân sự là ủy viên Ủy ban Thường vụ QH làm trưởng Ban Dân nguyện, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng đây là điểm cần rút kinh nghiệm. Ông Ksor Phước nói “trước hết do công tác phân tích, đánh giá tình hình chưa thấu đáo”, còn ông Phan Trung Lý đề nghị đưa rõ vào bản báo cáo rằng “việc chuẩn bị nhân sự để bầu ủy viên Ủy ban Thường vụ QH làm trưởng Ban Dân nguyện còn lúng túng, kết quả chưa đạt được như mong muốn”.

Đề nghị Chính phủ chú ý chuẩn bị dự án luật

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai (khai mạc vào hạ tuần tháng 10), theo tờ trình của Văn phòng QH, kỳ họp này sẽ diễn ra trong 31 ngày: thông qua sáu dự án luật, một nghị quyết và cho ý kiến 13 dự án luật khác... Tuy nhiên, cả Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đều than phiền tiến độ chuẩn bị các dự án luật ở các bộ, ngành, Chính phủ rất chậm. “Ngày 20-10 QH khai mạc nhưng nhiều dự án luật chúng tôi biết là cuối tháng 9 Chính phủ mới cho ý kiến” - ông Lý cho hay.

Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng “đề nghị Chính phủ đặc biệt chú ý việc chuẩn bị các văn bản luật. Luật quy định là phải gửi trước kỳ họp 40 ngày, gửi chậm sẽ rất khó khăn cho đại biểu”. Ông Hùng nói để đến phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 9 mới xem xét các dự luật trình QH thì không kịp, đề nghị Chính phủ xem xét có thể tổ chức phiên họp bất thường để làm luật. “Các dự án luật đưa ra QH thông qua phải được chuẩn bị rất kỹ, chỉ còn lại những vấn đề lớn đưa ra xin chủ trương và thảo luận ở QH, tránh tình trạng để đến đầu tháng 10 Chính phủ mới gửi văn bản sang nói là chưa chuẩn bị kịp nên xin rút” - ông Hùng yêu cầu.

Chủ tịch QH đồng tình với chủ trương thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. “Chúng ta đổi mới cách làm để vừa tiết kiệm được thời gian nhưng hiệu quả phải cao hơn. Đổi mới để tập hợp ý chí của tất cả đại biểu QH, của cử tri. Một đại biểu, một ủy ban, một thường vụ không làm nên QH, 500 đại biểu mới thành được QH” - Chủ tịch QH nói.

Thừa nhận “khiếu nại đông người”

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến lần cuối các dự án Luật lưu trữ và Luật khiếu nại trước khi trình QH thông qua vào kỳ họp tới.

Về dự án Luật lưu trữ, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH đồng tình với quy định về thời gian giải mật: sau 40 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu mật; sau 60 năm đối với các tài liệu đóng dấu tối mật, tuyệt mật; tài liệu liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân được sử dụng rộng rãi sau 40 năm kể từ khi cá nhân qua đời. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng nhiều văn bản ở VN rất dễ được đóng dấu mật, nhưng một thời gian ngắn sau đó là lạc hậu và không còn mật nữa, nên cân nhắc phân loại ra, cái nào cũng 40 năm hoặc 60 năm mới giải mật thì không cần thiết.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý hai trường hợp: một là, đừng có cái gì cũng đem vào khu lưu trữ, không có kho nào lưu hết; hai là, có những chuyện sống để dạ chết mang đi thì cân nhắc xem quy định vào luật này thế nào.

Đối với dự án Luật khiếu nại, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH khóa XII, Ủy ban Pháp luật kiến nghị bổ sung khái niệm “khiếu nại đông người”. Theo đó, khái niệm này được viết: “Khiếu nại đông người là việc nhiều người cùng khiếu nại về một hoặc một số nội dung trong quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó”. Khác với quy định hiện hành, dự luật cho phép công dân có quyền nhờ luật sư giúp đỡ và quyền khởi kiện ra tòa hành chính trong bất cứ giai đoạn nào quá trình giải quyết của cơ quan hành chính.

Làm rõ dư luận liên quan đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cùng kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH làm rõ dư luận, báo chí đề cập tư cách của một đại biểu QH.

“Mặc dù tại kỳ họp thứ nhất chúng ta đã thẩm tra tư cách đại biểu QH, nhưng dư luận vẫn xôn xao về trường hợp này. Tôi nghĩ Ủy ban Thường vụ QH cần làm rõ, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin để cung cấp cho cử tri” - ông Giàu nói. Còn theo ông Phước: “Trước kỳ họp chúng tôi có nghe chuyện này, sau đó được đưa lên báo. Thường vụ nên thống nhất chung là giao cho Ban công tác đại biểu thẩm tra lại. Đây là vấn đề quan trọng, chúng ta không nên đứng ngoài, không nên vô cảm với đại biểu đó, cũng không nên vô cảm với dư luận. Phải làm rõ đúng sai, công bố cho nhân dân biết. Tôi vừa rồi đi tiếp xúc cử tri người ta hỏi, không biết trả lời thế nào”. Trước các đề nghị trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ.

Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về việc “báo chí và dư luận đặt nghi vấn về trường hợp đại biểu QH tỉnh Long An, bà Đặng Thị Hoàng Yến, có biểu hiện khai không chính xác lý lịch và vi phạm pháp luật, Ban công tác đại biểu đã xem xét, xử lý thế nào?”, trưởng Ban công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ QH) Nguyễn Thị Nương trả lời: “Về trường hợp bà Yến, chúng tôi đã biết có báo chí nêu, chúng tôi cũng nhận được một số đơn thư tố cáo, trong đó có những đơn thư nặc danh và có một đơn có tên người tố cáo. Chúng tôi đang trong giai đoạn tiếp nhận, thẩm tra và xử lý thông tin. Công việc này tôi giao cho Vụ Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan hữu quan làm rõ. Khi nào xác minh xong chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ QH. Khi vụ việc đã được làm rõ và kết quả thế nào chúng tôi sẽ công bố trước dư luận”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên