TTO - Hôm nay ngày 7-4 được chọn là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện. "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", những giọt máu tình nguyện đã cung cấp kịp thời, cứu sống cho hàng ngàn bệnh nhân đang cần máu.

Anh Nguyễn Văn Minh (36 tuổi, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) luôn nhớ về lần đầu tiên mình đủ điều kiện hiến máu tình nguyện. Anh kể, năm 2008, lần đầu tiên huyện Ba Vì tổ chức hiến máu nhân đạo với chỉ tiêu mỗi xã có 10 người ở xã xuống huyện hiến máu. Lần đó chỉ có 5 người trong xã đáp ứng đủ điều kiện, và anh là một trong 5 người đó khiến anh mừng lắm.

 - Ảnh 1.

Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại - Ảnh 1.

Để cứu người, không chỉ tình nguyện hiến máu khi đủ điều kiện, anh Minh còn cho đi một quả thận.

"Tháng 10-2014, tôi quyết định hiến thận cho cháu tôi. Trước khi hiến thận, tôi nặng đến 60kg, nhưng chỉ trong vòng nửa tháng, tôi xuống 59kg, chia xong đất ruộng cho người dân thì chỉ còn 58kg. Hiến thận xong, tôi quyết định đi hiến máu, nhưng các anh chị ở Hội chữ thập đỏ huyện 'sợ' không dám lấy", anh Minh cười nói.

Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại - Ảnh 2.

Để có thể đáp ứng điều kiện, anh Minh quyết tâm ăn uống điều độ, và kết quả là anh tăng cân rõ rệt. Đến năm 2016, anh đủ điều kiện hiến máu. Từ đó đến nay, anh Minh đã có 9 lần hiến máu nhân đạo và còn vận động cả gia đình cùng làm theo.

Hiến máu, hiến thận xong, anh Minh khoe sức khỏe đảm bảo, tăng đến 65kg. Giữa năm 2017, gia đình anh vui mừng đón một cô công chúa xinh xắn.

"Tôi và vợ còn có hai thẻ đăng ký hiến mô tạng nếu không may bị chết não. Tôi nghĩ không riêng gì việc hiến máu, tất cả những việc gì có thể cứu người và giúp ích cho cuộc đời mà ở phạm vi của mình thì cố gắng làm được khi còn có thể", anh Minh tâm niệm.

10 năm trước, chồng chị Nguyễn Thị Hải (48 tuổi, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Khương Đình, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) bị viêm tụy cấm và sỏi ống mật, phải tiến hành mổ tại Bệnh viện 108. Thời điểm đó, việc mua máu trong bệnh viện thực sự rất khó khăn vì hoạt động hiến máu tình nguyện chưa phổ biến.

Một lần, trường ĐH Lao động và xã hội - nơi con của chị đang theo học - có tổ chức hiến máu tình nguyện. Chị bảo với con cho đi cùng.

Lúc đó chị Hải chỉ có một ý nghĩ: "Chồng tôi được nhận máu của người khác, chắc chắn máu của tôi cũng sẽ giúp được người khác". Cơ duyên đó đã đưa chị đến với công tác vận động hiến máu nhân đạo.

Kể từ thời điểm đó, chị Nguyễn Thị Hải đã có 20 lần hiến máu tình nguyện. Chị được tôn vinh là một trong những gương mặt hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2017.

Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại - Ảnh 3.

"Với tôi, hiến máu là việc làm nhân văn và ý nghĩa, bởi 'một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại'. Ở ngoài kia còn có bao nhiêu bệnh nhân đang trong tình trạng nguy cấp và rất cần máu. Nghĩ đến việc họ sẽ được nhận giọt máu của mình, tôi thấy hạnh phúc lắm", chị Hải tâm sự.

Mỗi năm hai lần, chị Hải lựa chọn đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương hiến máu, và lần nào cũng vẹn nguyên sự xúc động.

Chị còn tham gia vào Hội Chữ thập đỏ tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ban đầu chị gặp khó khăn trong việc vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện, do người dân không hiểu biết hết về công việc này.

Chị cười nhớ đến câu chuyện "dở khóc dở cười". Người dân đến hiến máu tại phường, khu dân cư sẽ được hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng, nhưng ở những nơi khác thì chỉ được hỗ trợ xăng xe 50.000 đồng. Có một số người không hiểu rõ thì nghĩ hiến máu tình nguyện là đi bán máu, làm chị phải "khổ sở" giải thích rất lâu.

"Nhưng đến bây giờ, tôi rất vui khi toàn dân đã ý thức về việc hiến máu. Trong mỗi đợt hiến máu tổ chức tại phường, mỗi hộ gia đình đều có người tham gia hiến máu, có hộ tham gia cả nhà", chị Hải bày tỏ.

 - Ảnh 1.

Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại - Ảnh 4.

Cụ ông Lê Đình Duật (75 tuổi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng là một người lính trong thời chiến. Ông kể từng chứng kiến nhiều đồng chí, đồng đội của mình bị thương do không có máu truyền kịp thời nên đã hy sinh. Đến thời bình, ông lại thấy nhiều người bệnh rất cần đến máu để điều trị, nhưng ngân hàng máu của nước ta đang thiếu nhiều.

"Tôi quyết định phải đóng góp một phần nhỏ sức của mình cho xã hội", ông Duật quả quyết. Từ năm 2000 đến nay, ông Duật vận động cả nhà và vận động 487 lượt người cùng tham gia hiến máu tình nguyện.   

Ông Duật chia sẻ, khó khăn nhất với một tình nguyện viên là làm thế nào để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hiến máu vừa có lợi cho người bệnh, lại có lợi cho sức khỏe của mình.

"Nói thì ít người tin, tôi quyết định hành động. Trước hết tôi vận động trong gia đình mình, cả nhà từ vợ, con trai, con dâu đều tham gia hiến máu. Đến nay tôi vẫn khỏe, vợ tôi vẫn khỏe, con trai con gái tôi đều xinh", ông Duật cho hay.

Vợ chồng ông Lê Đình Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của Việt Nam, được tặng bằng khen của Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cúp của Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

Ngày 14-2-2009, vợ chồng ông được Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tổ chức "Đám cưới hồng" cho cặp vợ chồng có kỷ lục hiến máu nhiều nhất Việt Nam. 

Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại - Ảnh 6.

Với cô gái Dương Thu (21 tuổi, CLB Thanh niên vận động hiến máu Học viện Báo chí - Tuyên truyền), "máu" đã giúp các thành viên gắn kết với nhau như người nhà. Những người bạn trong đội vận động hiến máu có nhiều kỷ niệm gắn bó. 

"Có những ngày cả nhóm phải đội mưa, đội nắng để quay cho kịp tiến độ truyền thông. Quay xong đứa nào cũng lăn ra ốm, nhưng ai cũng vui. Trong 2 năm qua, chính hoàn cảnh, câu chuyện của các bệnh nhân, bệnh nhi là động lực để chúng tôi tạo lòng tin cho người dân hiến máu nhân đạo", Dương Thu tâm sự.

Quy trình hiến máu - Nguồn: Viện Huyết học - Truyền máu trung ương - Video: SONG MY




HÀ THANH - NGUYỄN HIỀN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
07/04/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên