"Mấy tháng nay do chuyển qua chỗ làm mới, chỗ trọ thì xa nên tôi thường ăn sáng trễ. Nhiều khi khỏi ăn luôn. Vừa rồi tôi bị đau dạ dày, trào ngược, dễ nôn ói, phải uống thuốc mấy tuần", cô than thở.
Ăn sáng trễ, tốn tiền chữa bệnh rồi đâu lại vào đó
Cùng với nhịp sống hiện đại, sợ trễ giờ làm hoặc do dậy trễ, lười…, nhiều bạn trẻ hay có thói quen ăn sáng trễ, ăn sơ sài hoặc bỏ bữa sáng.
Thời gian trị bệnh, Hương chịu khó ăn sáng lúc 8h, sau khi đến công ty. Bệnh giảm, cô lại ăn sáng lúc gần 10h, hoặc nhập bữa sáng với bữa trưa thành một.
Cô nói: "Ăn sáng trễ nên tôi lười ăn trưa. Đến xế chiều bụng đói, đặt gì ăn thì buổi tối lại ăn trễ. Biết là không tốt cho sức khỏe nhưng tôi quen rồi". Đồng nghiệp Hương cũng hay có thói quen như vậy.
Còn Bích Ngọc (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) có công việc thoải mái giờ giấc nên thời gian ăn sáng của cô cũng vô chừng.
Cô hay dậy sớm làm việc trên máy tính, chat với bạn bè, đối tác. Đến khi bụng đói cồn cào và cảm giác không còn năng lượng làm gì nữa, chừng 9h cô mới đặt đồ ăn sáng trên ứng dụng giao thức ăn. Hoặc cô ăn qua loa bánh ngọt, vài hạt mắc ca.
Thời gian chọn món ăn sáng trên ứng dụng, chờ đợi giao tổng cộng khoảng nửa tiếng. Cô lại càng đói thêm.
"Có khi tôi mua bột gạo lứt, ngũ cốc năm thứ đậu về uống thay cho đồ ăn sáng. Chỉ uống một ly nhỏ nên chừng hai tiếng sau là thấy đói rồi", cô cho biết.
Vì ăn sáng trễ và thất thường, cô nói mình thường xuyên rơi vào trạng thái hết sạch năng lượng. Làm việc sáng đến trưa xong là cô chỉ muốn nằm xải lai, buổi chiều uể oải.
Một người bạn của cô còn gợi ý nên bỏ luôn bữa sáng để giảm cân. Nhưng vì không thể ngồi làm việc suốt buổi mà không ăn gì nên cô chưa thử.
Sức khỏe dần sa sút, dễ mắc bệnh hơn nếu ăn sáng trễ
Theo BS Huỳnh Tấn Vũ - trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, việc ăn sáng trễ có thể khiến cơ thể không phục hồi dự trữ glycogen (vai trò chất dự trữ năng lượng cho cơ thể) sau một đêm, hạ đường huyết.
Cùng với đó là tình trạng lo lắng, bồn chồn, nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn... Riêng việc bỏ ăn sáng sẽ khiến sức khỏe giảm sút, dễ mắc bệnh hơn.
"Bữa sáng giúp tái cung cấp năng lượng cho cơ thể sau một khoảng thời gian dài qua đêm, giúp não và cơ thể được cung cấp nguồn năng lượng cho một ngày mới", BS Vũ cho biết.
BS Vũ cho biết không nên ăn sáng trễ, nên có thói quen ăn sáng giờ cố định, tạo phản xạ có điều kiện cho cơ thể. Chúng ta nên dùng bữa sáng trước 8h, hoặc sau khi thức dậy 30 phút đến 1 tiếng.
Có những bạn chỉ uống ly cà phê hoặc ăn qua loa miếng bánh ngọt, vài miếng trái cây cho bữa sáng. Theo BS Vũ, uống cà phê buổi sáng là thói quen của không ít người. Uống cà phê mỗi ngày, cơ thể kích hoạt tính chất chống oxy hóa mạnh.
Nhưng chỉ uống cà phê sáng mà không ăn điểm tâm cũng gây hại sức khỏe. Ta cần tránh uống cà phê lúc bụng đói, do có hại cho niêm mạc dạ dày.
Ăn sáng bằng bánh ngọt không có lợi cho sức khỏe. Thành phần bánh ngọt là bột mì, trứng, sữa, bơ, trong đó bột mì là dạng hydratcarbon đơn giản.
Còn trái cây ít protein và calo, không thể cung cấp dinh dưỡng cần thiết tạo năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường. Do thiếu chất, bạn sẽ làm việc, học tập kém hiệu quả. Nồng độ enzyme cao trong trái cây có thể gây rối loạn dịch vị, dẫn đến đau dạ dày.
Bữa sáng món gì, bao nhiêu là hợp lý?
Bữa ăn sáng cần đầy đủ, cân đối chất béo, chất xơ, chất khoáng và vitamin. Ngoài chiếm 1/4 - 1/3 lượng protein trong ngày, bữa sáng còn cần thêm một trong những thành phần: tinh bột, chất đạm, chất béo, trái cây và rau củ.
Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần trung bình 2.000 - 2.500 calo. Bữa sáng chiếm 400 - 500 calo. Lượng calo bữa sáng phải cân bằng, không nên nạp quá nhiều dễ gây cảm giác no, mất sự tập trung...
Trứng, sữa, đậu nành, cá, thịt, ngũ cốc… là thực phẩm lý tưởng cho bữa sáng người trưởng thành. Ở Việt Nam, rất nhiều món ăn sáng đủ chất như bánh mì, xôi, bún, phở, hủ tiếu…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận