Họ không chỉ tuyển lao động làm bốc xếp mà cả tuyển người làm tiếp viên bán bia, matxa...
Giới thiệu việc làm... kiểu giang hồ Tiếp sức các lao động bị lừa giới thiệu việc làm
Phóng to |
Hằng ngày rất đông thanh niên nghèo đến Công ty TNHH TMDV bốc xếp Sài Gòn tìm việc làm, mỗi người đóng cho công ty 300.000 đồng/lần giới thiệu - Ảnh: Q.Phương |
Các dịch vụ đó hệt như một đường dây buôn người, buôn lao động.
Tuyển người bán cà phê chòi
Công ty TNHH xếp dỡ Triệu Quân (gọi tắt là Công ty Triệu Quân - QL1, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM), tiếng là làm dịch vụ xếp dỡ nhưng lại rao tuyển “nữ phục vụ cà phê, karaoke, quán bar, matxa”.
Văn phòng của Công ty Triệu Quân là phòng khách của một căn nhà cấp 4 gần chợ Tam Bình. Không có bảng hiệu. Bên trong chỉ có một chiếc bàn tuềnh toàng đón khách.
Thấy khách vào, một thanh niên xưng tên Hải hỏi ngay: “Tìm việc hả?”. Tôi bảo đi xin việc cho đứa em gái dưới quê mới lên, Hải tư vấn: nữ thì làm matxa mức lương khởi điểm 2,5-3 triệu đồng/tháng. “Công ty bao ăn ở, matxa cho tiệm của gia đình nên làm đàng hoàng, tiền “bo” mỗi ngày đảm bảo 500.000-700.000 đồng” - Hải nói.
Ngoài ra, Hải nói muốn kiếm nhiều tiền thì bán cà phê chòi, cà phê võng. “Bán quán cà phê chòi, cà phê võng ngồi với khách rồi... đi khách”. Mỗi lần “đi khách”, theo Hải, nhân viên phải được sự đồng ý của công ty (Công ty Triệu Quân) và phải chi lại cho Hải một nửa số tiền nhận được. Rồi Hải hối thúc: “Giờ phải đưa nó qua văn phòng đi. Phải phỏng vấn trực tiếp, được thì bên tôi có người đưa vào chỗ làm. Anh chở qua, chúng tôi gửi tiền xe cho anh hai “xị” (200.000 đồng - pv) uống cà phê”.
Tương tự, Công ty TNHH Tân Cảng vận tải Sài Gòn cũng thông báo tuyển nữ phục vụ quán karaoke, cà phê, matxa với mức lương đến... 30 triệu đồng/tháng. Chúng tôi liên hệ, người đàn ông tên Minh của công ty này tư vấn: “Làm phục vụ karaoke lương một tháng 3 triệu đồng, khách “bo” bao nhiêu em hưởng. Một ngày tiền “bo” của em không dưới 1 triệu đồng. Làm phục vụ cà phê, matxa thì tiền “bo” chia 50-50. Em làm thì mang theo chứng minh nhân dân, quần áo rồi đến Khu công nghiệp Sóng Thần, gọi điện anh ra đón. Em tới liền đi!”.
Phóng to |
Văn phòng Công ty TNHH xếp dỡ Triệu Quân, nơi tuyển nữ nhân viên phục vụ quán cà phê... kiêm đi khách - Ảnh: Q.P. |
Hàng loạt công ty “chui”
Ngày 10-3, anh Ngô Văn Vũ (22 tuổi, quê Long An) đến Công ty TNHH TMDV bốc xếp Sài Gòn (đường Lê Thị Riêng, P.Thới An, Q.12) để tìm việc. Một nhân viên tên Hoàng đề nghị Vũ đóng 300.000 đồng để mua đồng phục và công ty đóng bảo hiểm. Sau đó Vũ được công ty cấp cho tờ giấy “Cam kết nhận việc” và bảo Vũ về đến Bến Lức (Long An) gọi điện sẽ có người ra đón. Chiều cùng ngày, Vũ về tới nơi gọi điện vào số điện thoại công ty cho, chỉ nghe tiếng... tò tí te.
Võ Thanh Nhàn, quê Tây Ninh, cũng là nạn nhân như Vũ. Nhàn cho biết lúc tư vấn họ nói đóng 300.000 đồng mua đồng phục, đóng bảo hiểm xã hội. Thế nhưng trong giấy “Cam kết nhận việc” lại ghi là “tự nguyện nộp trước cho công ty 300.000 đồng để chi trả tiền chi đưa đón, điện thoại. “Họ bảo đóng chi phí đưa đón nhưng từ công ty ra bến xe đều phải trả tiền xe ôm. Tính tổng cộng tôi đã mất hơn 500.000 đồng mà chả được việc gì. Gọi điện phản ảnh thì họ nói vòng vo, lý giải đủ điều rồi hăm dọa” - Nhàn nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt công ty khác: Công ty TNHH bốc xếp Thanh Thanh Tâm, Công ty TNHH Tân Cảng vận tải Sài Gòn, Công ty cổ phần bốc xếp miền Nam... cũng tuyển lao động với hình thức tương tự. Không chỉ thế, để lừa người lao động, nhiều công ty còn liên tục thay đổi tên tuổi. Theo xác minh của phòng lao động - tiền lương tiền công Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, các công ty trên đều chưa được cấp phép trong hoạt động giới thiệu việc làm.
Có phải một đường dây? Hầu hết công ty giới thiệu việc làm kiểu treo đầu dê bán thịt chó đều đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bốc xếp. Lý giải điều này, anh H. (đề nghị giấu tên) cho biết vì công việc đó chỉ thu hút người lao động không có nghề nghiệp và ít hiểu biết, thấp cổ bé họng. Và khả năng loại công ty lừa đảo này là một nhóm có dây mơ rễ má với một vòng lừa khép kín, từ giới thiệu việc, nhận việc. Để thu hút người xin việc, họ rao mức tiền công rất cao, 350.000-500.000 đồng/ngày. “Tuy nhiên, thực tế nơi nhận chỉ trả vài chục ngàn hoặc 100.000 đồng là cùng, bốc 1 tấn hàng hóa được trả 20.000 đồng là mức cao nhất. Tiền công ít, nhiều người chán nản bỏ việc, các công ty bốc xếp viện vào lý do người lao động tự ý bỏ việc nên không trả lại tiền cọc đã đóng”, H. phân tích thủ thuật lừa đảo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận