15/05/2021 08:46 GMT+7

'Giờ có thương vợ, thương cháu cũng đâu dám thơm'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Phát hiện nhiều ca bệnh COVID-19 trong không gian hẹp, Đà Nẵng kêu gọi các gia đình hạn chế tổ chức sinh hoạt tập trung giữa các thành viên và hạn chế tụ tập quá 5 người.

Giờ có thương vợ, thương cháu cũng đâu dám thơm - Ảnh 1.

Dù ở nhà, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Loan vẫn thường xuyên đeo khẩu trang phòng bệnh - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Qua 3 đợt chống dịch, người dân dường như đã bật tất cả chế độ phòng bị để cùng vượt qua đại dịch.

Hơn 10 ngày nay, bữa cơm trong gia đình ba thế hệ của ông Hồ Bình (đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) thường xuyên vắng một người. Đó là chị Quý, con dâu ông, đang làm tại một bệnh viện tư nhân trong thành phố. 

Khi có thông tin dịch bùng phát, bệnh viện đẩy cấp độ phòng dịch lên mức cao nhất. Những nhân viên y tế đang mang bầu được cho nghỉ hẳn ở nhà nên chị thường xuyên phải bù ca giúp đồng nghiệp.

Thương cháu cũng "đâu dám thơm"

Có kinh nghiệm từ những đợt giãn cách xã hội trước nên đợt dịch này cả nhà ông Bình không ai bị động. 

Nếp sinh hoạt có chút thay đổi khi đôi vợ chồng về hưu trở nên bận rộn với hai đứa cháu đang độ tuổi tiểu học. Giã từ hội cờ tướng vì chính quyền khuyến cáo hạn chế tụ tập, ông Bình thay con hướng dẫn các cháu tự học và quây quần quanh nhà, chăm sóc vườn cây, chim, cá.

Vợ ông Bình đang có bệnh nền nên cả nhà thống nhất đề phòng bằng cách để chị Quý tự ở riêng một phòng. Cả gia đình hạn chế tối đa tiếp xúc, chỉ trừ các bữa ăn, còn lại ai cũng mang khẩu trang để "giữ cho nhau". 

"Giờ có thương vợ, thương cháu cũng đâu dám thơm. Giữ cho nhau được bao nhiêu thì giữ chứ không may dính COVID-19 là khổ cái thân" - ông Hồ Bình hướng mắt về phía vợ mình, nói.

Còn với gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Loan (đường Nhất Chi Mai, quận Cẩm Lệ), mùa dịch này trừ người con phải thường trực trong đơn vị thì cả nhà cũng co cụm quanh xóm. 

Là thành viên tổ bầu cử, được tập huấn tình huống bầu cử trong điều kiện có người cách ly nên bà Loan cũng có thêm ít kinh nghiệm phòng dịch. 

Mấy hôm trước khi nghe trong khu vực có trường hợp F1, cả nhà chuyển sang đi chợ qua mạng cho an tâm. Đến khi ca F1 kia có kết quả âm tính, bà mới mang phiếu ra chợ như bình thường.

Đợt dịch lần trước cả nhà hạn chế ra đường khi không cần thiết theo lệnh cấm. Mặc dù lần này chỉ khuyến cáo chứ không cấm nhưng cả nhà bà Loan cũng chấp hành triệt để vì "ngó qua Ấn Độ ớn quá". 

"Nhìn cái ca có 9 F1 đều mắc thì biết, lần này virus biến chủng nên nguy cơ lây kinh quá. Phòng dịch hơn tất cả" - bà nói.

Giờ có thương vợ, thương cháu cũng đâu dám thơm - Ảnh 2.

Cư dân nhắc nhau sát khuẩn, ngăn nguy cơ dịch xâm nhập ở chung cư - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Lá chắn" trước nhà tập thể

Nhóm bạn "cuarơ" của ông Ngô Phi Hóa (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) có thói quen mỗi ngày đạp xe vài vòng quanh tuyến đường ven sông. 

Từ khi có dịch, cả nhóm không còn cảnh hàng hai hàng ba thong dong nói chuyện như trước mà mỗi người một hướng. "Cứ chỗ mô vắng người mà có đường thì đạp" - ông Hóa nói.

Để chống dịch, khu chung cư của ông Hóa ở khu vực Phong Bắc đã lập ra một nhóm trên Facebook, cập nhật thường xuyên các địa điểm có nguy cơ. 

Chung cư có tới hơn trăm hộ dân, mọi người đều đồng ý không tiếp khách, hạn chế tụ tập đông người để đảm bảo an toàn, nhất là đề phòng tình huống có thể bị phong tỏa như một trường hợp ở quận Sơn Trà. 

Trước cửa thang máy, nước sát khuẩn được trang bị để mọi người cùng rửa tay trước khi vào trong. Các văn bản phòng chống dịch của TP đều được cư dân trong chung cư cập nhật qua bảng dán thông báo trước tiền sảnh...

"Bà con giờ nhanh lắm, có ca mắc ở Đà Nẵng là trên nhóm Facebook cập nhật ngay để rà soát ai có liên quan hoặc tới lui đó hay không. Ai không chấp hành các quy định phòng chống dịch là bị phê bình ngay" - ông Hóa chia sẻ.

Tại khu vực Phong Bắc có hơn 10 tòa chung cư nên mật độ người khá đông. Để phòng dịch, nhiều tòa nhà còn phát động chiến dịch "mỗi cư dân là một barie" ngăn các nguy cơ từ bên ngoài vào. 

Một số thành viên có bệnh nền nên tự cách ly cũng được ban quản trị cắt cử thành viên giúp mua rau quả để nấu ăn hằng ngày. Đặc biệt vừa qua khi lịch sử dịch tễ liên quan đến các nhân viên giao hàng, mọi người cũng thống nhất riêng địa điểm nhận hàng bên ngoài chung cư.

"Nhiều bất tiện vì tự "phong thành" nhưng chưa thấy ai phàn nàn. Mình chịu khó chút mà bớt được quá trời nguy cơ" - anh Minh, nhà CT03 Phong Bắc, nói.

Tăng cường phạt người vi phạm

UBND TP đã chỉ đạo các địa phương yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, cấm tập trung quá 5 người tại nơi công cộng.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá việc đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu đã giúp Đà Nẵng sớm nhận định được mức độ, nguy cơ của dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Quảng cũng yêu cầu tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm an toàn phòng chống dịch, song song với các giải pháp về y tế.

Việt Nam không thay đổi chiến lược chống dịch COVID-19 Việt Nam không thay đổi chiến lược chống dịch COVID-19

TTO - Đã xác định rõ 4 nguồn dịch trong đợt lây nhiễm dịch đang diễn ra hiện nay. Các chuyên gia nhận định về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên