Miền Trung lại căng mình chống cơn bão dữChưa vào, bão số 11 đã đánh sập cây cối, nhà cửaBão số 11 rất mạnh, diễn biến phức tạp
Phóng to |
Nhân viên một Resort tại Hội An căng thẳng gia cố bờ kè chống bão - Ảnh: Thanh Ba |
Phóng to |
Hối hả chằng bờ kè tại Hội An - Ảnh: Thanh Ba |
Trong khi đó, một đoàn khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cũng đã có mặt tại Thừa Thiên Huế để thị sát tình hình. Trước tình hình nguy cấp, Ban phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở UBND TP Đà Nẵng để kịp thời chỉ đạo ứng phó với những tình huống khẩn cấp.
Tại TP Đà Nẵng, địa phương này vừa phát thông báo cho phép học sinh được nghỉ học từ chiều hôm nay (14-10) và cả ngày mai (15-10). UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản yêu cầu tất cả các sở, cơ quan ban ngành, đoàn thể tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo đối phó, khắc phục hậu quả bão số 11.
Các đơn vị chức năng chỉ đạo đưa tàu về neo đậu đúng quy định của thành phố, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế, chuẩn bị phương tiện để thực hiện công tác di dân, thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp. Khi bão “đổ bộ” vào thành phố từ cấp 12 trở lên, Công an thành phố sẽ tạm dừng phương tiện giao thông trên các tuyến đường.
Tại Quảng Nam: đến thời điểm này hầu hết các hồ thủy điện đã tích đầy nước. Sáng nay 14-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp trực tuyến với 18 huyện, thành phố triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 11 có khả năng đổ bộ vào địa bàn tỉnh.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến 10 giờ sáng ngày 14-10, Quảng Nam còn 88 tàu với 2.605 lao động đang hoạt động trên biển. Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương liên tục thông tin cho ngư dân biết để vào bờ và di chuyển phòng tránh bão số 11. Hiện trên địa bàn tỉnh có 32/73 hồ chứa thủy lợi và 3 hồ thủy điện là A Vương, ĐăkMi 4 và Sông Bung 5 đã tích đầy nước. Các địa phương như Núi Thành, Hội An, Thăng Bình… đã triển khai phương án di dời dân và cho học sinh ở các vùng xung yếu nghỉ học.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo bằng mọi biện pháp, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão, tuyệt đối không cho người ở lại trên thuyền. Công tác này phải thực hiện xong trước 19 giờ ngày hôm nay. Các huyện, thành phố phải tổ chức thông báo tình hình mưa lũ, bão cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh, tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở, công trình công cộng, sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, ven sông, ven biển trước 19g.
Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi phải trực 24/24, kiểm tra đề phòng xảy ra sự cố. Các hồ Thủy điện như A Vương, ĐăkMi 4, Sông Bung 5 … phải xả nước xuống dưới cao trình xả lũ.
Sáng cùng ngày, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Duy Xuyên cũng đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão 14 xã, thị trấn sơ tán khẩn cấp 1.692 hộ nhân dân có nhà cửa ở vùng thấp trũng, vùng ven sông, suối có nguy cơ bị sạt lở, những hộ có nhà ở tạm bợ với trên 5.800 nhân khẩu đến nơi an toàn. Việc di dời sẽ hoàn tất lúc 20 giờ tối nay.
Hiện hồ chứa Vĩnh Trinh chỉ còn 0,5 mét nước nữa là qua tràn xả lũ tự do. Các hồ Thạch Bàn và Phú Lộc nước cũng đã qua tràn. Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên đã thường trực 24/24h, chuẩn bị đủ vật tư dự phòng cùng các xã khu Tây, mỗi địa phương bố trí từ 30-50 người để ứng cứu khi có tình huống. Đến nay Huyện Duy Xuyên đã tập kết trên 400 tàu thuyền vào âu thuyền Hồng Triều để tránh trú cơn bão số 11. Chiều nay, tất cả các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học.
Trong khi đó để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 11 có thể đổ bộ vào đất liền, ngay trong buổi sáng ngày 14-10, tại xã biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), các đội xung kích trên địa bàn phối hợp với lực lượng biên phòng đã triển khai phương án giúp dân đưa tàu thuyền tập kết đến nơi an toàn. Dùng đá hộc, lưới sắt gia cố những đoạn đường xung yếu tuyến đường ven biển.
Rút kinh nghiệm từ các trận bão lụt trước, người dân nơi đây đã khẩn trương, tích cực giúp nhau đưa toàn bộ hơn 250 tàu thuyền kéo vượt qua tuyến kè biển, thùng dây thừng cột giằng lại với nhau. Đến 10g sáng cùng ngày số tàu thuyền của xã biển này đã cơ bản tập kết đến nơi an toàn.
Tại Hội An, từ sáng 14-10, hàng trăm người dân và lực lượng dân quân các xã, phường trên địa bàn TP Hội An đã tổ chức ra quân chằng bờ kè dọc đường biển Cửa Đại nhằm phòng tránh gió bão giật mạnh đánh sập bờ kè. Đại tá Lê Ngọc Lưu - Trưởng Công an TP Hội An, cho biết Công an thành phố đã đưa lực lượng xuống hỗ trợ bà con các phường ven biển.
Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Ban Phòng chống lụt bão thành phố cho hay toàn bộ 650 tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào bến neo đậu khu vực rừng dừa Bảy Mẫu an toàn. Ngoài ra, các tàu đánh bắt của ngư dân xã đảo Tân Hiệp cũng đã tập trung về âu thuyền từ chiều tối qua.
Trong khi đó, các khu resort ven biển ở Hội An cũng đang gấp rút phòng chống bão. Hàng trăm nhân viên đã được huy động, tập trung tại khu vực resort của mình để tổ chức công tác phòng chống bão trước khi bão đổ bộ. Hàng nghìn bao tời đã được nhân viên các khu resort: Palm Garden, Cát Vàng, Victoria, Sunrise…dồn cát, chất thành đống sau đó vận chuyển đến khu vực có nguy cơ sạt lở. Dọc những hàng dừa giữ đất phía sau các khu du lịch trên, những bao cát đã được xếp thành hàng che chắn sóng nước.
Bộ trưởng Cao Đức Phát họp khẩn với Thừa Thiên-Huế Tại buổi làm việc khẩn với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế trưa 14-10, bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát đã yêu cầu địa phương này phải sớm di dời dân, tránh tâm lý chủ quan bởi bão số 11 rất mạnh, sẽ không thể ứng cứu trong bão. Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng hiện lực lượng tại chỗ không thể xử lý kịp thời khi bão đổ bộ, đề nghị lực lượng quân đội khẩn trương hỗ trợ cho tỉnh. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Quân khu 4 chi viện lực lượng, phương tiện cho Thừa Thiên-Huế và vùng phía nam Quảng Trị. Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết trong chiều 14-10 sẽ điều động 200 cán bộ chiến sĩ về chốt các điểm xung yếu, phối hợp với lực lượng của Tỉnh đội kịp thời hỗ trợ người dân đối phó với bão số 11. Tỉnh này đã lên phương án di dời gần 3500 hộ dân với hơn 11.000 khẩu, dự kiến hoàn thành trước 19g ngày 14-10. Sở Công thương đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 100.000 lít dầu diezel. Riêng hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới mỗi huyện dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số nhu yếu phẩm khác. Trưa 14-10, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới tiến hành xả nước để đón lũ mới bởi mực nước tại các hồ đã đầy. UBND tỉnh yêu cầu ngành du lịch bảo đảm an toàn cho 7.600 du khách tại Huế, trong đó có hơn 4.100 du khách quốc tế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận