30/06/2009 06:14 GMT+7

Gìn giữ sử thi Tây nguyên - Kỳ 4: Gia đình sử thi

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Những đêm canh rẫy ở chòi, lúc đi chăn trâu hay đi suối đâm cá, ba anh em nhà Điểu Klứt, Điểu Kâu và Điểu K’Lung lại được nghe ông già, bà lão trong buôn hát sử thi. Lúc về nhà thì dù ngủ hay thức cũng nghe cha hát kể, nghe miết tới mức hôm nào không nghe là thấy như nhà thiếu gạo, thiếu muối.

Lớn lên một chút, hai anh em Điểu K’Lung, Điểu Klứt không nhớ nổi cái chữ vì nhà nghèo, học ít, nhưng lại thuộc hàng trăm tác phẩm sử thi. Duy chỉ có Điểu Kâu là thông thạo tiếng phổ thông nên trở thành một dịch giả sử thi M’Nông và cũng là người đồng hành của K’Lung và Klứt trong quá trình sưu tầm và lưu truyền sử thi. Gia đình cha truyền con nối sử thi ấy hiện ở Bon Brăng, xã Quảng Trực, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắc Nông.

YjVWvYBm.jpgPhóng to
Điểu K’Lung trên rẫy
lsDcgaAx.jpgPhóng to

Điểu Klứt chuẩn bị đánh trống tan trường- Ảnh: Lê Vân

“Thuở Tiăng đi đậu thai”

“Tiăng không bố, không mẹ. Một bà đi xúc cá thấy cái trứng từ trên trời rớt xuống, bà lượm về ấp. Sáng thì trứng nở ra con trùng, trưa ra con phượng hoàng, sáng hôm sau nữa Tiăng mới chui ra từ cái trứng. Tiăng lớn lên không chịu ở nhà mà đi đậu thai trong bụng trâu, bò, heo… để sinh ra loài vật. Nhưng Tiăng vẫn thấy buồn vì thiếu vắng con người nên đi tìm người để đậu thai, từ đó mà có con người như bây giờ…”.

Câu chuyện về thần Tiăng vượt thử thách để đậu thai sinh ra con người khiến học trò Trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Quảng Trực, huyện Đăk R’Lấp, Đắc Nông) không chớp mắt khi nghe bác lao công già kể lại. Giữa trưa nắng hầm hập, giờ ra chơi, lũ trẻ không chịu chạy nhảy như ngày thường mà vây quanh bác lao công móm mém í ơi kể chuyện chàng Tiăng. Lũ trẻ không biết rằng bác lao công già hiền hậu thường vui đùa với chúng là một nghệ nhân hát kể sử thi hiếm hoi của người M’Nông. Lũ trẻ cũng không biết rằng câu chuyện mà chúng được nghe chính là tác phẩm sử thi cổ xưa nhất của người M’Nông. Chúng chỉ biết trong khoảnh sân trường nhỏ, thi thoảng chúng vẫn được nghe ông lao công kể một vài chiến công của thần Tiăng. Người lao công già đó là Điểu Klứt.

Để thực hiện mong muốn lưu giữ sử thi cho người M’Nông, ba anh em Điểu Klứt, Điểu Kâu và Điểu K’Lung đều đã đứng lớp dạy cho các học viên trẻ trong buôn. Riêng Điểu Thị Mai cũng từng dạy ca dao, truyện cổ cho các bạn trẻ trong bon Brăng. Đó là cách mà Mai thực hiện tâm nguyện cuối cùng của người cha quá cố.

Không biết chữ nhưng Điểu Klứt có thể thuộc hơn 20 bài sử thi M’Nông, người em út là Điểu K’Lung thuộc hơn 100 bài sử thi và là người thuộc nhiều bài sử thi nhất trong gia đình. Riêng Điểu Kâu tuy chỉ thuộc dưới 10 bài sử thi nhưng bù lại ông thông thạo tiếng phổ thông, nên là người phiên dịch những bài sử thi của mấy anh em thành tiếng Việt cho Viện Văn hóa dân gian.

Gia đình ông Điểu Kâu hiện lưu giữ bộ sử thi Ot N’rông lớn nhất của người M’Nông, với số lượng câu văn vần dài nhất trong các tác phẩm sử thi trên thế giới mà chính ông là người phiên dịch. Tháng 8-2008, nghệ nhân Điểu Kâu mất vì tuổi già. Đây là một mất mát lớn đối với đồng bào M’Nông vì họ xem Điểu Kâu là người gìn giữ bản sắc văn hóa cho đồng bào.

Điểu Thị Mai, con gái đầu của cố nghệ nhân Điểu Kâu, dẫn chúng tôi tới căn phòng nhỏ của ông trước kia. Đó là căn phòng nhìn ra những nương rẫy xanh mướt, nơi Điểu Kâu chính thức “bén duyên” với công việc phiên dịch sử thi từ những năm 1993. Rộng khoảng 10m2, phòng của nghệ nhân chỉ kê đủ một chiếc giường ngủ và bàn làm việc. Chúng tôi khá ngạc nhiên vì những vật dụng hỗ trợ Điểu Kâu dịch sử thi lúc sinh thời, đó là chiếc máy tính bàn và máy tính xách tay, một chiếc máy in được che bụi bằng tấm vải trắng muốt. Lạ, vì người dịch sử thi của đồng bào M’Nông bắt đầu sử dụng những thiết bị khá hiện đại so với cuộc sống hằng ngày của bà con trong bon lúc ông đã gần 70 tuổi.

Điểu Thị Mai kể: “Lúc đầu bố cũng ngại dùng mấy thứ này lắm. Sau mấy cô chú bên viện khuyến khích, nói nếu dùng chúng sẽ rất thuận tiện khi làm việc nên bố học sử dụng. Chỉ một thời gian ngắn bố đã rất rành gõ bàn phím, sử dụng máy in khi làm việc”. Ông Trương Bi, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đắc Lắc, kể: “Điểu Kâu rất chỉn chu, kỹ tính khi phiên dịch sử thi. Chỗ nào không biết là ông chạy đi hỏi, tra từ điển để dịch cho thật sát cả bối cảnh lẫn ngữ nghĩa của mỗi tác phẩm. Chính vì tính cách này mà sở đã giới thiệu Điểu Kâu với Viện Văn hóa dân gian trong dự án sưu tầm, biên dịch sử thi”.

1P5bqJyG.jpgPhóng to
Điểu Thị Mai và tác phẩm sử thi do bố dịch -Ảnh: Lê Vân

Để lưu dấu muôn đời

Điểu Klứt, Điểu Kâu và Điểu K’Lung đã được công nhận là nghệ nhân dân gian. Riêng Điểu Kâu còn được xem là “nhà M’Nông học”, ông đã góp phần sưu tầm và biên dịch 75 bộ sử thi M’Nông, 15 truyện cổ, ba tập lời nói vần và rất nhiều đầu sách có giá trị khác. Hiện nay chỉ có Điểu K’Lung là đã chuyển về ở với vợ ở buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) theo tục mẫu hệ của người M’Nông. Trong thời gian Viện Văn hóa dân gian sưu tầm sử thi Tây nguyên, ba anh em nhà Điểu K’Lứt đã đóng góp gần 20 tác phẩm sử thi trong 75 tác phẩm sử thi đã xuất bản.

Cách nhà Điểu Kâu hơn trăm mét là nhà người anh trai Điểu Klứt. Đã bước sang tuổi 80 nên ông chậm chạp và chỉ có thể hát kể sử thi được một chặp rồi phải nghỉ lấy hơi. Ngôi nhà tranh chênh vênh trên đường vào bon nhìn xác xơ vì chẳng có gì đáng giá ngoài những bằng khen treo trên tường. Bà Bùi Thị Nguyệt, hiệu trưởng Trường Lê Văn Tám, chia sẻ: “Ông đã đến tuổi hưu nhưng gia đình nghèo quá nên trường vẫn để ông làm tiếp. Lý do khác là tụi nhỏ trong trường rất quý ông, chúng đã quá quen với người đánh trống trường mỗi ngày!”.

Điểu Thị Mai tự hào kể: “Từ nhiều đời trước rồi, con cháu nhà này được nghe và ai cũng say mê khan, thuộc sử thi làu làu như ca dao, truyện cổ tích của đồng bào mình”. Điểu Thị Mai đã khóc khi tâm sự với chúng tôi về ước nguyện của bố. Căn phòng nhỏ nơi ông làm việc khi còn sống vẫn bài trí nguyên xi như trước kia. Mỗi ngày, dù bận rộn con nhỏ, dù phải lên nương rẫy để kiếm lúa đầy bồ nuôi con, Mai vẫn dành thời gian làm nốt những việc mà Điểu Kâu còn dang dở. Từ bé Mai đã thích cùng bố ngồi trong phòng cả ngày xem ông gỡ băng, dịch sử thi. Năm nay Mai 35 tuổi, có thể hát kể được vài bài sử thi M’Nông nhưng “lúc nhớ lúc quên” như Mai bộc bạch. Mai nhớ nằm lòng những trăn trở của ông Điểu Kâu: “Số người hát kể sử thi được ngày càng rơi rụng vì tuổi già. Nếu không nhanh chân thì chúng ta sẽ mất hết của để dành quý báu của cha ông!”.

Chính vì vậy mà dù cuộc sống còn khó khăn, Mai vẫn tham gia lớp dạy hát kể sử thi của người Ê đê, tranh thủ học thêm ở bố lúc ông còn sống. Mai cũng đã cùng bố dịch được 40 bài sử thi, riêng Mai dịch được trọn vẹn ba bài sử thi dài 30 băng là Chim két ăn lúa, Đi lấy Chóe, Tiăng đi đậu thai (sử thi M’Nông in thành bảy cuốn sách dung lượng 200 trang mỗi cuốn). Lúc còn sống, Điểu Kâu còn là người biên tập tin, phiên dịch, kiểm thính các bản tin của chương trình tiếng M’Nông trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tâm nguyện suốt đời của ông là ngày nào đó sử thi M’Nông sẽ được đưa vào chương trình học của các trường trung học, đại học, sẽ lên sân khấu, điện ảnh như những tác phẩm thần thoại kinh điển của Hi Lạp. Mai chia sẻ: “Mong ngày đó sớm đến, có lẽ bố ở nơi các yàng trên kia cũng rất vui”.

_________________________

Y Nuih Niê được xem là “báu vật sống” của người Ê đê. Đã 88 tuổi, hằng ngày “báu vật sống” vẫn chật vật với cái ăn, cái mặc.

Kỳ cuối: Ước nguyện cuối cùng

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên