27/07/2016 06:00 GMT+7

Giết chóc trong chiến tranh có nên cho trẻ coi?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Nhiều luồng ý kiến bàn luận về vấn đề này, người cho rằng nên hạn chế vì trẻ em dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi xem những hình ảnh máu me, người lại nói không nên hạn chế quyền được biết của trẻ em…

Một góc trưng bày của Bảo tàng chứng tích chiến tranh - Ảnh: Bảo tàng chứng tích chiến tranh.

Một góc trưng bày của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Ảnh: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Phụ huynh Nguyễn Ngọc Sang (TP.HCM) góp ý nên có sự hạn chế đối với trẻ em hoặc có cảnh báo đối với các phụ huynh hoặc giáo viên trong những khu vực trưng bày hình  ảnh, hiện vật máu me, chết chóc, quái thai kinh dị… của các bảo tàng, như ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chẳng hạn.

“Tôi giật mình nghe một cháu bé kêu lớn: “Mẹ ơi, em bé này chết rồi”. Câu nói của cháu làm tôi băn khoăn là nhiều hình ảnh chết chóc trưng bày ở phòng nói về tội ác chiến tranh liệu có phù hợp với trẻ em?

Tôi nhớ lúc còn là học sinh, lần đầu tiên đi tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) và nhìn thấy những hình ảnh máu me, chết chóc, tôi đã bị ám ảnh mấy ngày liền” - phụ huynh này chia sẻ.

Đáp lại yêu cầu của vị phụ huynh trên, bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - cho rằng trẻ em cũng có quyền được biết sự thật về chiến tranh. Nếu hạn chế khu vực cho trẻ em là xem nhẹ các em, hạn chế quyền được biết của các em.

“Nếu phụ huynh còn bối rối khi cho con xem các hình ảnh, hiện vật trưng bày tại bảo tàng thì đã có đội ngũ hướng dẫn viên có mặt thường xuyên tại các phòng sẽ hướng dẫn và giải đáp ngay, khi cần sẽ chủ động hướng dẫn để phụ huynh đưa các em vào các không gian khác, chẳng hạn như phòng bồ câu trắng” - bà Huỳnh Ngọc Vân nói.

Nên có khuyến cáo dành cho các phụ huynh

Đồng tình với ý kiến cho rằng trẻ em cũng có quyền được biết, PGS.TS Vũ Quang Hiển (khoa lịch sử Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng cứ để các em tiếp cận với những hình ảnh chân thực từ cuộc chiến. 

Tuy nhiên vẫn nên có chú thích dành cho các bậc phụ huynh và giáo viên nếu hình ảnh quá máu me, chết chóc.  

Theo TS sử học Nguyễn Nhã, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh mang những đặc thù riêng và việc trưng bày những hình ảnh, hiện vật là cách trực quan, sinh động để mọi người, trong đó có trẻ em, tiếp cận với những sự thật lịch sử.

“Tôi nghĩ với học sinh cấp II, cấp III, việc đi theo nhóm để học lịch sử trong những bảo tàng là cách làm hay. Những hình ảnh, số liệu, sơ đồ, hiện vật… sẽ giúp các em biết nhiều, hiểu sâu và nhớ lâu những sự kiện lịch sử của dân tộc”, TS Nguyễn Nhã nói.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Nhã cũng lưu ý rằng đối với những trẻ quá nhỏ thì bố mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ xem những hình ảnh có tính máu me, chết chóc.

Giúp chuyến tham quan mang tính tích cực

Theo ông Hà Minh Hồng (khoa lịch sử ĐH KHXH&NV TP.HCM), những bảo tàng như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh dành cho người lớn là chủ yếu, có những phòng không nên để trẻ em vào xem, ví dụ như phòng về các nạn nhân chất độc da cam với nhiều hình ảnh quái thai, dị dạng…

“Nhiều hình ảnh gây cho các em những tác động tâm lý tiêu cực, đôi khi lại phản tác dụng giáo dục. Nhiều chứng tích chiến tranh chỉ sử dụng cho việc nghiên cứu chứ không có tác dụng tuyên truyền. Nên để cho việc tham quan có tác dụng tích cực đối với các em” - ông Hà Minh Hồng nói.

Vì thế, theo ông Hà Minh Hồng, phụ huynh và các giáo viên nên cân nhắc thật kỹ trước khi cho các em tham quan những bảo tàng có nội dung dễ ảnh hưởng đến tâm lý.

Đồng tình với ý kiến này, TS Đào Thị Minh Hương, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, cũng cho rằng những trẻ quá nhỏ có thể chưa hiểu được ý nghĩa của những hiện vật, hình ảnh trong bảo tàng.

Mặt khác, những hình ảnh, hiện vật thể hiện những tội ác trong chiến tranh có thể tác động trực tiếp về mặt tâm lý khi trẻ nhìn trực quan bằng mắt.

Đối với trẻ từ 10-15 tuổi, các em đã được biết đến những câu chuyện về chiến tranh thông qua nhiều nguồn như sách vở, truyền hình, cha mẹ kể… nên việc đến và xem những hình ảnh, hiện vật tại bảo tàng có thể sẽ phù hợp hơn.

TS Đào Thị Minh Hương dẫn lại câu chuyện nhiều bộ phim trên truyền hình, tuy không cấm trẻ em nhưng cũng đưa ra những khuyến cáo phim có những hình ảnh mà trẻ em hay người có vấn đề về tim mạch, thần kinh cần cẩn trọng.

Theo TS Đào Thị Minh Hương, việc đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo không phải là giới hạn quyền được xem hay không công bằng với trẻ em, chỉ khi nào cấm trẻ em vào xem thì mới là vi phạm quyền và không công bằng.

“Mục đích cuối cùng của việc để các em xem những hình ảnh về chiến tranh là nhằm giúp các em hiểu thêm về tội ác chiến tranh, về lịch sử. Nhưng nếu các em quá bé để hiểu thì có thể xảy ra những tác động ngược không mong muốn. Vì thế việc có những biển cảnh báo, khuyến cáo là cần thiết. Còn cha mẹ, thầy cô vẫn có quyền quyết định cho con em mình vào xem hay không”, bà Hương chia sẻ.

Nhiều chuyên gia và bạn đọc còn cho rằng bảo tàng nên thiết kế khu vực dành riêng cho trẻ em.

Phòng trưng bày dành riêng cho trẻ em ở Bảo tàng Thảm họa diệt chủng Do Thái

Phòng trưng bày mang tên Tưởng nhớ những đứa trẻ: Câu chuyện của Daniel (Remember the Children: Daniel’s Story) của Bảo tàng Thảm họa diệt chủng Do Thái (Holocaust Museum - Mỹ) được thiết kế dành riêng cho trẻ em từ 9 tuổi trở lên.

Nhằm mục đích giới thiệu cho các em về thảm họa diệt chủng đen tối này, phòng trưng bày khắc họa lại cuộc sống của những đứa trẻ Do Thái ở nước Đức thời Thế chiến thứ hai.

Các khu vực trưng bày được thiết kế cẩn thận để phù hợp với tâm lý của các em, thiên về việc giới thiệu nạn diệt chủng chứ không đi sâu vào các khía cạnh lịch sử mang tính học thuật.

Các khu vực còn lại của bảo tàng được khuyến cáo dành cho các học sinh từ 11 tuổi trở lên vì các em nhỏ tuổi hơn chưa biết cách nhìn nhận bức tranh tổng quát của lịch sử, do đó có thể dẫn đến những nhận thức sai lệch.

Tại hầu hết các bang của Mỹ, các vấn đề liên quan đến thảm họa diệt chủng Do Thái chỉ được giáo dục cho các em học sinh từ cấp II trở lên.

Ở cấp tiểu học, các em sẽ được thảo luận về sự đa dạng chủng tộc cũng như những mối nguy hại của thù ghét và định kiến.

Phòng ngủ của cậu bé Do Thái Daniel - Ảnh: US Holocaust Memorial Museum. 
Bức tâm thư của cậu bé Daniel
Bức tâm thư của cậu bé Daniel. Tạm dịch: "Chúng tớ phải làm việc cả ngày. Kể cả Erika. Chúng tớ không còn lựa chọn nào khác. Chúng tớ thậm chí còn không được đến trường. Chúng tớ làm việc nhưng không được nhận lại gì cả" - Ảnh: US Holocaust Memorial Museum. 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài: 

>> TS Đỗ Quang Hưng:

>> Ông Hà Minh Hồng: 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục