Khách tham quan triển lãm ảnh tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
Cuối tuần vừa rồi, tôi dẫn cháu học lớp 11 đi tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM. Hôm ấy có nhiều trẻ em đi cùng cha mẹ, chắc do đang nghỉ hè nên các cháu có thời gian.
Tôi giật mình nghe một cháu bé kêu lớn: “Mẹ ơi, em bé này chết rồi”. Câu nói của cháu làm tôi băn khoăn là nhiều hình ảnh chết chóc trưng bày ở phòng nói về tội ác chiến tranh liệu có phù hợp với trẻ em?
Tôi nhớ lúc còn là học sinh, lần đầu tiên đi tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) và nhìn thấy những hình ảnh máu me, chết chóc, tôi đã bị ám ảnh mấy ngày liền.
Thiết nghĩ ở những khu vực có trưng bày những hình ảnh loại này, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nên có sự giới hạn đối với trẻ em hoặc có cảnh báo để phụ huynh hoặc giáo viên cân nhắc trước khi dẫn con em vào tham quan.
* Bà HUỲNH NGỌC VÂN (giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) trả lời:
- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 41 năm, bảo tàng nhận được ý kiến đề nghị về việc hạn chế trẻ em. Tuy nhiên, không phải vì ý kiến là duy nhất mà chúng tôi không quan tâm.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là bảo tàng chuyên biệt, đặc thù. Phần lớn hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng là đau thương mất mát, nhưng thực tế nó chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc chiến tranh khốc liệt mà đất nước đã trải qua.
Những hình ảnh đó không phải mang tính hù dọa, mà là bài học để người ta thấy chiến tranh trong thực tế như thế nào để không bao giờ gây ra chiến tranh nữa.
Tôi không cho rằng những hình ảnh chết chóc, không lành lặn ở bảo tàng là không phù hợp với trẻ em. Theo tôi, trẻ em cũng có quyền được biết sự thật về chiến tranh. Nếu hạn chế khu vực cho trẻ em là xem nhẹ các em, hạn chế quyền được biết của các em.
Phụ huynh, nhà trường trước khi đưa con em mình tới tham quan cần có sự tìm hiểu trước và đưa ra quyết định. Nếu có điều gì còn lấn cấn, đội ngũ hướng dẫn viên có mặt thường xuyên tại các phòng sẽ hướng dẫn và giải đáp ngay.
Mỗi năm bảo tàng đón tiếp 800.000 - 900.000 lượt khách tham quan. Trong số đó, trẻ em là đối tượng đặc biệt được quan tâm.
Ngoài các hoạt động ngoại khóa cho các em, bảo tàng cũng có phòng bồ câu trắng để nếu bố mẹ thấy con mình không phù hợp tham quan có thể gửi con ở đó.
Sắp tới, bảo tàng cũng sẽ không dán cảnh báo như ý kiến của bạn đọc nêu, vì như vậy là không công bằng với trẻ em.
Tuy nhiên tiếp thu ý kiến của bạn đọc, chúng tôi sẽ lưu ý các hướng dẫn viên, khi thấy phụ huynh bối rối khi cho con xem các hình ảnh, hiện vật trưng bày thì sẽ chủ động hướng dẫn để phụ huynh đưa các em vào các không gian khác, chẳng hạn như phòng bồ câu trắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận