24/06/2011 08:29 GMT+7

Giàu lên từ biển - Kỳ 5: Xây cảng, đóng tàu lớn

TUẤN PHÙNG - BẠCH HOÀN (còn tiếp)
TUẤN PHÙNG - BẠCH HOÀN (còn tiếp)

TT - Theo các chuyên gia, để hàng hải vươn lên vị trí số 1 trong số các ngành kinh tế biển, VN cần có những thay đổi về mặt chính sách và chủ động nguồn tài chính.

WJe3Z4Ej.jpgPhóng to

Quy hoạch phát triển vận tải biển VN trong thời gian tới - Nguồn: Cục Hàng hải VN - Đồ họa: Như Khanh - Ảnh: N.C.T.

Đặc biệt, phải chú trọng phát triển tàu chuyên dùng như container, hàng rời, dầu... có tải trọng lớn để cạnh tranh trên tuyến vận tải quốc tế.

Khả năng “mở cửa” tiến ra biển không chỉ phụ thuộc riêng ngành hàng hải, mà cần sự đồng bộ trong các ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đầu tư tàu hiện đại

Là một chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, từng là lãnh đạo Cục Hàng hải VN, ông Chu Quang Thứ cho rằng sự lép vế của đội tàu trong nước trước đội tàu nước ngoài không phải chỉ do năng lực đội tàu quá yếu, mà còn do tập quán kinh doanh của các nhà xuất nhập khẩu. Tập quán kinh doanh mua CIF, bán FOB khiến các nhà xuất khẩu VN không được quyền lựa chọn hãng vận chuyển. Thêm vào đó, năng lực đội tàu chưa mạnh, tải trọng tàu còn rất nhỏ khiến ngành vận tải biển bị thua trên sân nhà.

"Phát triển ngành đánh bắt cần nhiều thời gian, ngành vận tải có thể làm được ngay nếu có cảng, có đội tàu. Tại sao không đầu tư ngay vào những tàu 12.000-15.000 TEU để chạy thẳng, cạnh tranh ở những tuyến tiềm năng?"

Ông Chu Quang Thứ (nguyên quyền cục trưởng Cục Hàng hải VN)

Với tải trọng trung bình 8.600 tấn/chiếc của tàu container, đội tàu trong nước hầu như phải trung chuyển qua các cảng ở Singapore, Cao Hùng (Đài Loan)..., khiến chi phí vận tải container từ cảng VN đi châu Âu cao hơn tới 400-500 USD so với cảng ở Singapore, Thái Lan. Sự thiếu đồng bộ trong hệ thống cảng biển và đội tàu kìm hãm sự phát triển của ngành hàng hải.

Theo quy hoạch phát triển vận tải biển VN đến năm 2020, riêng vận tải biển phải đáp ứng nhu cầu nội địa, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 27-30%. Chiến lược phát triển trong thời gian tới là tập trung vào đội tàu biển hiện đại, chú trọng phát triển tàu chuyên dùng gồm tàu container, tàu dầu... với tổng tải trọng 8,5-9,5 triệu tấn vào năm 2015.

Ông Chu Quang Thứ cho rằng quy hoạch đội tàu hiện nay còn có hạn chế về tầm nhìn. Cần tận dụng tài nguyên bờ biển 3.260km và vùng đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km2. Theo ông, để tăng cường sức mạnh cho đội tàu, cần làm song song với hệ thống cảng biển. Cảng Vân Phong ở Khánh Hòa có đầy đủ tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế, đón được tàu lên tới 18.000 TEU lại chưa làm quyết liệt. Chỉ riêng cảng Vân Phong, nếu hoàn thiện tất cả các giai đoạn đã có tới 32.000m cầu tàu. Trong khi cả nước hiện có 29.000m cầu tàu. Do đó nếu tập trung nguồn lực xây dựng ngay cảng này, mua hoặc đóng các tàu lớn thì không khó để ngành hàng hải đạt được vai trò đi đầu của kinh tế biển trong tương lai.

Gỡ khó nguồn vốn

Đại đa số doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hiện đang kêu khó khăn về nguồn vốn. Tình trạng chủ tàu nợ quá hạn, không có khả năng trả nợ, bị ngân hàng xiết nợ đang xuất hiện khá nhiều ở ngành này. Ông Đỗ Xuân Quỳnh, tổng thư ký Hiệp hội Tàu biển VN, cho biết không những khó khăn trong việc vay vốn mà các chủ tàu có vay được cũng không chịu đựng nổi mức lãi suất hiện nay.

Ông Chu Quang Thứ cho rằng đa số nguồn lực để phát triển đội tàu hiện nay vẫn dồn vào “anh cả” trong ngành - tức doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, xu thế phát triển trong tương lai không chỉ nằm ở đó mà còn ở đội tàu của các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần. Theo ông Thứ, hỗ trợ về vốn có tính chất quyết định đến sự phát triển của đội tàu trong bối cảnh hiện nay. Ngay cả vốn kích cầu mà các đơn vị vận tải này cũng chưa được hưởng thì quả là còn quá thiệt thòi.

Theo các doanh nghiệp, các công cụ hỗ trợ về tài chính, bảo hiểm, thuế giá trị gia tăng (đề xuất giảm từ 10% còn 5%) có thể giúp tăng nguồn lực đầu tư thêm đội tàu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường vận tải xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận VN, cho rằng trước sự tấn công ồ ạt của các hãng tàu nước ngoài, chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và giành giật thị phần vận tải nội địa (hiện các hãng tàu nước ngoài chiếm tới 50% thị phần), cần phải xem lại chính sách cấp phép hoạt động vận tải ở VN. Trước mắt có thể dựng một số hàng rào trong cam kết thương mại cho phép để bảo vệ ngành hàng hải trong nước như quy định về cấp phép kinh doanh, bảo lưu quyền vào cảng...

Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải về phát triển đội tàu trong nước được thể hiện rõ trong một báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ giữa tháng 5. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đội tàu container, tàu có tải trọng lớn để chạy tuyến quốc tế, tuyến đường dài, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trên thị trường vận tải. Trong chiến lược phát triển vận tải biển cũng nêu quan điểm khuyến khích mọi thành phần kinh tế, kể cả nước ngoài, đầu tư phát triển đội tàu biển VN.

Để thực hiện thành công chiến lược biển VN năm 2020 với các mục tiêu đề ra, ngành hàng hải cần phải tập trung phát triển đội tàu vận tải biển, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển cũng như một số định hướng lớn cho chiến lược phát triển cảng biển, công nghiệp tàu thủy... một cách đồng bộ.

Trước hết, cần đầu tư phát triển đội tàu hiện đại, chú trọng tàu chuyên dùng để thay đổi đội tàu đang mất cân đối về tải trọng hiện nay khi tàu bách hóa chiếm tỉ trọng cao (42%) trong tổng trọng tải đội tàu quốc gia còn các loại tàu chuyên dụng, đặc biệt tàu container, còn ít về số lượng và tải trọng nhỏ, chỉ đạt 5% trong đội tàu quốc gia, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đặt ra trước đó.

Theo tính toán của các công ty tư vấn quốc tế cũng như xu thế phát triển, chúng ta cần chú trọng phát triển tàu chuyên dùng như container, hàng rời, dầu... có tải trọng lớn để cạnh tranh trên tuyến vận tải quốc tế. Khi đó tàu chở hàng rời phải từ 30.000-200.000 DWT để nhập than cho nhà máy nhiệt điện, xuất khẩu bôxit, xuất lương thực, nhập phân bón... Với tàu chở hàng lỏng tùy thuộc từng mặt hàng để sử dụng tàu đa dạng từ 1.000-300.000 DWT.

Trong đó, nếu tàu mẹ nhập xăng dầu trung chuyển đến cảng Vân Phong phải cần cỡ tàu 150.000 - 300.000 DWT... Riêng tàu container phải sử dụng tàu 500-2.000 TEU chạy tuyến châu Á và 2.000-6.000 TEU để chạy tuyến Âu - Mỹ. Ngoài ra, phải đầu tư đội tàu có tải trọng nhỏ hơn để hoạt động tuyến nội địa.

Bên cạnh đó cũng phải đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cảng biển nhỏ bé, thiếu cảng nước sâu cho tàu lớn ra vào làm hàng, đặc biệt cho tàu container, cũng như cải tạo luồng lạch để đảm bảo tàu lớn ra vào thuận lợi và an toàn.

Đồng thời phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển một cách đồng bộ, đặc biệt là dịch vụ logistic chất lượng cao, hướng đến dịch vụ trọn gói và mở rộng ra nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như hình thành một số trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hàng hải tiên tiến ở các đầu mối vận tải...

Kỳ 1: Vị đắng... “thuyền thúng” Kỳ 2: Thay đổi cách làm Kỳ 3: Đột phá từ chính sách Kỳ 4: Lép vế trước tàu ngoại

TUẤN PHÙNG - BẠCH HOÀN (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên