20/06/2011 07:25 GMT+7

Giàu lên từ biển

H.ĐĂNG - TR.MẠNH - L.SƠN
H.ĐĂNG - TR.MẠNH - L.SƠN

TT - Trong bốn lĩnh vực chính của kinh tế biển là dầu khí, hàng hải, thủy sản và du lịch thì thủy sản là ngành có bề dày lịch sử khai thác. Thế nhưng đây cũng là một trong những lĩnh vực còn yếu kém nhất.

Read this on Tuoitrenews.vn

Nhiều ngư dân bám biển bao đời nay song vẫn quanh quẩn với chiếc thuyền thúng vì thiếu vốn, công nghệ và cách làm giàu.

HqSzvT5P.jpgPhóng to
Vận tải cá tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang - Ảnh: Lê Sơn

Hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển, ông Hồ Bền (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) ngao ngán thừa nhận “chưa bao giờ ngư dân gặp khó khăn như hiện nay”, phần lớn các tàu cá mỗi khi ra khơi đều cầm chắc lỗ. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn phải bám biển kiếm sống...

Phập phồng... thua lỗ

Không chỉ là một ngư dân, lão ngư Hồ Bền còn là ông chủ của ụ tàu Tân Bền - nơi sửa chữa tàu thuyền - tại xã Phước Tỉnh. Theo ông Bền, cứ nhìn vào lượng tàu nằm ụ nhiều hay ít là biết nghề biển được hay mất. Vào thời điểm này mọi năm, ụ tàu này chỉ còn một vài chiếc hư hỏng nặng, không thể ra khơi được. Nhưng năm nay, ụ tàu Tân Bền đã không còn một chỗ trống, chưa kể hàng chục tàu cá khác đang xếp hàng dưới bến chờ được kéo lên bờ.

Không riêng gì Phước Tỉnh, các cảng cá chạy dọc bãi biển từ TP Vũng Tàu đến Bình Thuận, các tàu cá nằm xếp lớp, thỉnh thoảng mới thấy một vài tàu đang được “bạn” - ngư phủ tất bật chuẩn bị cho chuyến đi biển mới.

“Cứ ra biển là lại phập phồng lo bị thua lỗ...” - ông Đỗ Ngọc Đức, chủ một đội tàu 20 chiếc (10 cặp) có công suất từ 370-650 CV/chiếc tại Phước Tỉnh, nói. Ông Đức cho biết trong ba chuyến biển ra khơi từ đầu năm đến nay, đội tàu của gia đình ông bị lỗ đến hai chuyến, một chuyến có lợi nhuận nhưng cũng không bù đắp được khoản thua lỗ của hai chuyến còn lại. Theo ông Đức, mỗi cặp tàu đi đánh bắt trong khoảng thời gian một tháng phải tiêu tốn 25.000-30.000 lít dầu. Với giá dầu hiện đã tăng thêm 6.350 đồng/lít so với đầu năm, tính ra chỉ riêng chi phí dầu thì mỗi cặp tàu cá bị đội thêm 160-190 triệu đồng.

Tuy nhiên, không riêng gì dầu, hàng loạt nguyên liệu khác cho chuyến biển như đá cây (ướp cá), nhớt, lưới, dây thừng và cả tiền công của “bạn” cũng tăng chóng mặt. Trong khi đó, theo các ngư dân, giá sản phẩm đánh bắt lại không tăng trong nhiều tháng qua, thậm chí còn sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Văn Vinh, thị xã La Gi, Bình Thuận, cho biết chuyến biển vừa rồi giá cá tạp làm thức ăn cho heo chỉ bán được 3.500 đồng/kg, giảm 1.000-1.500 đồng/kg so với mức giá đầu năm. Một loạt sản phẩm khác như mực, các loại cá dành cho xuất khẩu cũng rớt giá mạnh.

Tỉ phú trắng tay

Ông Trà Văn Bé, một ngư dân tại Phước Tỉnh, cho biết khoảng mười năm về trước, thời điểm đánh bắt xa bờ bắt đầu được đầu tư rầm rộ, Phước Tỉnh được mệnh danh là “xã giàu nhất VN” với nhiều ngư dân liệt vào hạng tỉ phú khi có trong tay đội tàu trị giá từ vài tỉ lên tới hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều “tỉ phú” của ngày xưa hiện đã trắng tay do liên tục thua lỗ. “Càng đầu tư lớn, số lượng tàu càng nhiều thì thua lỗ càng nặng” - ông Bé nói.

Theo ông Bé, chi phí cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng, hiện nay dao động từ 800 triệu - 1 tỉ đồng/cặp tàu, nhưng ra khơi thì ngư dân đối diện với rủi ro về thiên tai và ngư trường, còn vào bờ lại gặp khó về đầu ra của sản phẩm. Chỉ cần một vài chuyến thua lỗ, sản lượng đánh bắt ít và giá cả bất lợi, vốn ban đầu sẽ bị hao hụt dần.

Thậm chí nhiều ngư dân đưa tàu ra đánh bắt tại khu vực chồng lấn, bị lực lượng kiểm soát nước ngoài bắt giữ, không chỉ mất cả tàu mà còn phải kiếm tiền chuộc ngư phủ về. Thế nhưng, ngư dân không thể để tàu nằm bờ, trừ trường hợp không đủ khả năng lo tổn phí đi biển, vì càng nằm bờ càng thua lỗ nặng hơn do chi phí trả lãi ngân hàng và tàu ngày càng xuống cấp.

Cũng khá tâm tư về nghề biển, ông C. - một ngư dân tại Phước Tỉnh - cho biết mặc dù nghề biển của ngư dân trải qua nhiều thay đổi nhưng hàng chục năm nay, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của ngư dân vẫn phụ thuộc vào đầu nậu, theo kiểu may nhờ rủi chịu. “Tôm cá đánh bắt và đưa vào bờ rồi, đầu nậu kêu giá nào cũng phải chấp nhận, cao giá thì được nhờ mà giá thấp cũng phải cắn răng chịu lỗ. Nếu không bán sản phẩm cho đầu nậu, chẳng lẽ ngư dân đem sản phẩm đi đổ sông đổ biển...” - ông C. nói.

Vẫn bám biển!

Ông Ngô Văn Mỹ (thị xã La Gi, Bình Thuận), người vừa đầu tư cặp tàu công suất hơn 1.000 CV/chiếc với tổng trị giá hơn 6 tỉ đồng, cho hay đang rất lo lắng chẳng biết có thu lại được vốn đầu tư hay không trong tình hình chi phí đầu vào, đặc biệt là giá dầu tăng quá cao thời gian qua. Dù vẫn băn khoăn về quyết định đóng tàu của mình nhưng ông Mỹ cho biết là một ngư dân, việc bám biển kiếm sống đã “ăn vào máu”. Một số ngư dân tại Phước Tỉnh cho biết sau khi trắng tay với nghề cá, họ vẫn quay lại làm thuê tại một số tàu cá khác, một cách vừa để kiếm sống vừa đỡ nhớ biển.

Ông Huỳnh Văn Cáo, chủ một tàu cá 600 CV vừa được nâng cấp mới tại cơ sở đóng tàu Hải Nam (TP Rạch Giá, Kiên Giang), cho biết mặc dù hoạt động đánh bắt xa bờ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng các cơ sở đóng tàu trên địa bàn vẫn luôn nhộn nhịp. Chẳng hạn, hiệu quả đánh bắt của ba cặp tàu của gia đình ông Cáo trong những chuyến biển đầu năm không thật sự lạc quan, nhưng gia đình ông vẫn quyết định đầu tư một số tiền khá lớn để mở rộng thêm đội tàu.

“Nghề biển bạc lắm, nhưng ngư dân vùng biển tụi tui phải bám biển kiếm sống. Mà nếu không bám biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì!” - ông Cáo nói.

Ông Cao Xuân Tiều, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết mặc dù số lượng tàu cá đóng mới tại địa phương này có xu hướng giảm dần trong hai năm gần đây, nhưng số lượng bình quân cũng dao động 70-80 chiếc mỗi năm. Theo số liệu thống kê của Phòng đăng kiểm và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Rạch Giá, bình quân mỗi năm địa bàn này có ít nhất 10 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất lớn được đóng mới. Đặc biệt, tổng giá trị đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá để đánh bắt xa bờ trên địa bàn TP Rạch Giá mỗi năm lên tới hơn 500 tỉ đồng.

Thiếu tiền, ngư dân khó bám biển

Huyện Núi Thành (Quảng Nam) có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu bậc nhất miền Trung, thế nhưng một loạt con tàu chỉ mới đóng vỏ rồi để đó vì thiếu tiền mua máy móc. Nhiều con tàu chất đầy mực khô bị các đầu nậu chèn ép giá.

Cảng Tam Giang (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) những ngày này nhộn nhịp với hàng chục chiếc tàu câu mực khơi cập cảng. Sau hơn một tháng ra khơi, mỗi con tàu mang về không dưới 30 tấn mực khô. Tuy nhiên, chủ tàu vẫn chưa thể thoát được nỗi lo bởi mực nhiều thì giá rẻ, rồi bán nhưng chẳng thu được tiền vì các đầu nậu không đủ tiền để trả cho ngư dân.

Anh Dương Văn Hải, chủ tàu QNa-90154, cho biết tàu của anh đã cập cảng được gần 10 ngày, mang về 31 tấn mực khô. Trước đây giá mỗi ký mực ít nhất 150.000 đồng, nay chỉ còn 100.000 đồng. Anh vừa bán toàn bộ số mực trên tàu nhưng chỉ thu về hơn 1 tỉ đồng, gần 2 tỉ đồng còn lại chủ đầu nậu chưa thể chi trả bởi không phải đầu nậu nào cũng có hàng chục tỉ đồng trong tay để thanh toán một lần cho ngư dân.

Ông Nguyễn Đình Sơn, phó Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Núi Thành, cho biết chính quyền huyện, xã vẫn loay hoay tìm mô hình một hợp tác xã cho các ngư dân để sản phẩm cũng như công sức lao động của họ được trả xứng đáng.

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Núi Thành, toàn huyện có hơn 17.500 phương tiện đánh bắt, trong đó có hơn 170 tàu có công suất 90CV trở lên. Ngành nghề chủ yếu là câu mực tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, nếu Nhà nước có chính sách vay vốn thông thoáng hơn thì đội tàu công suất lớn của huyện không dừng lại ở đó. Hiện tại hơn 10 chiếc tàu trên 400CV đang được đóng mới và hơn 20 hồ sơ xin vay vốn đóng tàu đang chờ ngân hàng quyết định.

Tương tự, Đà Nẵng có đội tàu khai thác hải sản hùng hậu, có cảng cá, chợ đầu mối buôn bán thủy sản, trên 20 nhà máy chế biến thủy sản, thế nhưng đời sống những người đi biển vẫn phập phù và vây bủa những âu lo. Lão ngư Cao Văn Minh - tổ trưởng khai thác số 4 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà - tính toán mỗi chuyến đi biển 15 ngày của nghề lưới vây, lưới chuồn, tàu 90CV tốn hơn 1.500 lít dầu cộng tiền nước đá, lương thực... mất khoảng 60 triệu đồng. Bình quân tàu đánh được 2,5 tấn cá nội địa và 500kg cá xuất khẩu thì thu nhập cũng tròm trèm 65-70 triệu đồng. Ông Minh nói nghề cá bây giờ chỉ giúp giải quyết việc làm lao động bám biển chứ chưa thể giàu lên được, đó là chưa kể những sự cố thiên tai, ngư trường hạn chế, giá cá tăng, bị ép giá...

Tất cả những hạn chế kìm hãm tàu vươn bờ của ngư dân Đà Nẵng đều do thiếu kinh phí đầu tư.

Tấn Vũ - Việt Hùng

Kỳ tới: Thay đổi từ cách làm

H.ĐĂNG - TR.MẠNH - L.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên