22/06/2011 03:07 GMT+7

Giàu lên từ biển (Kỳ 3): Đột phá từ chính sách

H.ĐĂNG - TR.MẠNH - L.SƠN - T.GIANG
H.ĐĂNG - TR.MẠNH - L.SƠN - T.GIANG

TT - Đến 2015, hàng loạt chính sách sẽ được tập trung cho việc hỗ trợ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sẽ hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn để đánh bắt xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương trong khu vực.

prwlsysY.jpgPhóng to
Tàu đánh cá trọng tải 140 tấn, công suất 600CV của ông Huỳnh Văn Cáo. Số tiền sửa chữa, nâng cấp và trang bị ngư cụ khoảng 4 tỉ đồng - Ảnh: Lê Sơn

Kỳ 1: Vị đắng... “thuyền thúng”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Trác - phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá VN - cho rằng hoạt động đánh bắt xa bờ rất cần được hỗ trợ, bởi đó không chỉ là hướng phát triển kinh tế đơn thuần mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển VN.

Chưa tiếp cận được vốn hỗ trợ lãi suất

Ông Trần Hon - phó chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, Kiên Giang - bày tỏ bức xúc khi cho biết hầu hết thành viên trong hội đều chưa thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất này. “Sau khi tìm đến ngân hàng phụ trách chương trình cung cấp tín dụng hỗ trợ này, nhiều ngư dân đã ra về trong thất vọng vì phía ngân hàng yêu cầu ngư dân phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn, trong khi tài sản của ngư dân đều đã đem thế chấp tại các ngân hàng để đầu tư vào tàu cá rồi” - ông Hon nói. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Phượng - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết sở đã từng kiến nghị với ngân hàng có cơ chế cho ngư dân vay tín chấp nhưng không được phía ngân hàng chấp nhận. Do đó, theo bà Phượng, đến thời điểm này hầu như chưa có ngư dân nào tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.

Sẽ có những “ông lớn”

Từ cuối năm 2010, Chính phủ đã có quyết định (63/2010/QĐ-TTg) hỗ trợ vốn vay và lãi suất đối với ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Cụ thể, ngư dân sẽ được vay 100% vốn (hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% lãi suất từ năm thứ ba trở đi) khi có nhu cầu đầu tư các loại thiết bị như làm lạnh, cấp đông, sản xuất nước đá trên tàu cá, hầm bảo quản phục vụ khai thác dài ngày trên biển...

Ngoài ra, các dự án đầu tư kho lạnh bảo quản hàng thủy sản cũng sẽ nhận được hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu và giảm 50% trong hai năm tiếp theo.

Ông Chu Tiến Vĩnh, cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cho biết hàng loạt chính sách hỗ trợ hoạt động đánh bắt xa bờ đã và đang được triển khai, đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản vùng nước sâu. Chẳng hạn, ngư dân sẽ được hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu và thuyền viên...

Tuy nhiên, ông Vĩnh thừa nhận dù được ban hành từ giữa năm 2010, nhưng đến nay các chính sách này vẫn chưa đến với ngư dân do quá trình triển khai đến các địa phương mất nhiều thời gian. “Chúng tôi đang đẩy nhanh việc triển khai xuống các địa phương, hi vọng các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân sẽ đi vào thực tiễn trong thời gian sớm nhất” - ông Vĩnh nói.

Trong kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2011-2015 vừa được công bố vào tháng 4-2011, thời gian tới Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ngành khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như tập trung nghiên cứu điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản...

Đặc biệt, sẽ hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ mạnh để đánh bắt hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương với các nước trong khu vực. “Đội tàu khai thác hải sản xa bờ cũng sẽ được tổ chức lại, chỉ duy trì ổn định 16.000-18.000 tàu, trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp các thiết bị bảo quản để nâng cao chất lượng hải sản” - ông Vĩnh nói.

Tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn

Theo ông Võ Văn Trác, trong định hướng phát triển kinh tế biển, các chính sách nhà nước nên tập trung nhiều hơn vào một số lĩnh vực mũi nhọn thay vì dàn trải mà hiệu quả không cao. Chẳng hạn trong khai thác thủy sản, các chính sách nên tập trung hỗ trợ và đầu tư cho nghề đánh bắt xa bờ, đặc biệt là vùng nước sâu, hạn chế dần những nghề làm cạn kiệt ngư trường và hiệu quả không cao.

Hiện nay Hiệp hội Nghề cá đang triển khai thành lập một quỹ bảo hiểm chuyên hỗ trợ ngành nghề đánh bắt xa bờ, với mục tiêu chính là hỗ trợ, bảo hiểm thiệt hại, rủi ro cho ngư dân đánh bắt trên những vùng biển xa. Ông Trác cho biết quỹ sẽ được xây dựng theo mô hình xã hội hóa với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước. “Nếu quỹ này được hình thành và hoạt động hiệu quả, chắc chắn nhiều ngư dân sẽ yên tâm đầu tư tàu thuyền và bám biển” - ông Trác nói.

Một chuyên gia thủy sản cũng cho rằng Nhà nước nên sớm có chính sách khuyến khích ngư dân chuyển đổi mạnh sang nghề đánh bắt nước sâu như vây lưới rút, câu... Đây là những nghề chuyên khai thác sản phẩm hải sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao, chi phí thấp. “Các cơ quan chức năng cần có những động thái cụ thể hơn trong việc giảm dần hoặc ổn định đội tàu hoạt động trong những ngành nghề có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, tàu to nhưng đi nước cạn” - chuyên gia này nói.

Cùng với các chính sách khuyến khích chuyển đổi lĩnh vực đánh bắt, theo vị chuyên gia này, ngành thủy sản sẽ xây dựng đội tàu cá công ích, khoảng 5-6 chiếc cho mỗi vùng biển, chuyên làm dịch vụ hậu cần, thu gom sản phẩm hoạt động khai thác xa bờ...

Lập quỹ hỗ trợ ngư dân

Cũng nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển, giữa tháng 6 tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất việc vận động, tổ chức thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân. Theo ông Trương Ngọc Nhi - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trước mắt tỉnh xúc tiến xây dựng Quỹ hỗ trợ ngư dân, xem xét cơ chế bảo hiểm cho các tàu cá trong tỉnh nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất cho ngư dân mỗi khi gặp rủi ro do thiên tai hay gặp nạn bất ngờ trong lúc hành nghề trên biển Đông. “Tỉnh sẽ kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhằm chia sẻ khó khăn cho ngư dân bị rủi ro” - ông Nhi nhấn mạnh.

Việc hỗ trợ cho ngư dân từ nguồn quỹ này sẽ có nhiều điểm khác, mới hơn. Chẳng hạn, ngoài hỗ trợ cho những trường hợp bị phía nước ngoài bắt, tịch thu phương tiện, tùy theo nguồn vốn vận động, đóng góp được, để khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường xa sẽ hỗ trợ nguyên liệu, cho vay mua sắm trang thiết bị hoặc nâng mức hỗ trợ nhiều hơn...

Theo ông Nhi, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo từ nguồn kinh phí vận động đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... Những ngư dân thuộc đối tượng hỗ trợ có thể sẽ được hỗ trợ không hoàn lại hoặc được vay vốn với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kinh phí chưa có. Sắp tới, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ngãi sẽ vào cuộc, hướng ban đầu đưa ra là huy động cán bộ, chuyên viên, nhân viên... hỗ trợ một ngày lương để có số vốn 500 triệu đồng khi thành lập quỹ. “Tỉnh sẽ quyết tâm thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân trước mùa mưa bão năm nay (khoảng tháng 9-2011)” - ông Nhi cho biết.

Phát triển theo hướng bền vững

Theo Tổng cục Thủy sản, dự kiến nhu cầu vốn cho kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2011-2015 là 29.235 tỉ đồng nhằm phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc trong nền kinh tế thế giới.

Kế hoạch hướng tới năm mục tiêu cụ thể:

1- Phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao sản lượng thông qua tăng năng suất. Ổn định diện tích nuôi nội địa, phát triển nuôi trên biển và hải đảo. Phát triển nuôi đối tượng chủ lực theo hướng công nghiệp tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

2- Nâng cao hiệu quả khai thác hải sản gắn với việc bảo vệ môi trường, nguồn lợi và quốc phòng an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc.

3- Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành thủy sản.

4- Phát triển hệ thống cơ khí và cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ sản xuất thủy sản.

5- Nâng cao năng lực quản lý ngành có hiệu lực và hiệu quả.

Ông Nguyễn Việt Thắng (chủ tịch Hội Nghề cá VN, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản):

Cần có đội tàu sắt công suất đến 10.000CV

Chương trình đánh bắt xa bờ được Chính phủ triển khai từ năm 1997 đã khởi động cho hoạt động vươn ra biển lớn của đội tàu đánh bắt VN. Từ số vốn đầu tư của Nhà nước chỉ hơn 1.300 tỉ đồng, đóng hơn 1.000 tàu cá xa bờ, đến nay đội tàu cá VN đã có hơn 16.000 chiếc. Nếu nhìn vào sự phát triển của đội tàu cá VN, có thể nói chương trình này đã rất thành công, trong đó thu hút được nhiều người dân tự bỏ vốn đầu tư vào tàu cá.

Tuy nhiên, chương trình này đã không được sự ủng hộ của nhiều nhà kinh tế nên sau đó bị tạm dừng, thậm chí nhiều ngư dân phải bán cả tàu cá để trả nợ. Trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến hoạt động đánh bắt xa bờ, trong đó vấn đề hiệu quả kinh tế chỉ là một trong hai mục tiêu quan trọng của chương trình, mục tiêu quan trọng không kém khác là tăng cường sự hiện diện và khẳng định chủ quyền vùng biển VN.

Do đó, tôi cho rằng VN rất cần có một đề án đầu tư phát triển ngành công nghiệp khai thác thủy sản thật hoàn chỉnh, thay vì các chính sách hỗ trợ lẻ mẻ hiện nay, chưa kể khả năng chính sách đến ngư dân còn là một vấn đề.

Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp khai thác như đề cập, theo tôi, chúng ta phải chú trọng đầu tư những đội tàu sắt có công suất lớn, thậm chí lên đến 10.000CV. Theo tôi, đội tàu cá xa bờ hiện nay dù vẫn đang hoạt động được nhưng tất cả là tàu gỗ, tốc độ chậm, khả năng chống chọi với bão kém. Trên thực tế, nhiều quốc gia trong khu vực đã phát triển những đội tàu đánh bắt xa bờ rất hùng mạnh, trong đó hầu hết là tàu sắt.

Cùng với việc đầu tư cho đội tàu, trong đề án này cũng phải có một chiến lược bài bản về đầu tư công nghệ, dịch vụ hậu cần, đặc biệt là cảng cá... Ngoài ra, theo tôi, chúng ta cũng nhanh chóng có đề án hợp tác với các quốc gia có nghề đánh bắt phát triển để khai thác nguồn lợi thủy sản VN, đặc biệt là vùng nước sâu với những nghề như câu, vây bủa...

H.ĐĂNG - TR.MẠNH - L.SƠN - T.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên