Trong số các "quái xế" bị tạm giữ, có 2 trường hợp 19 tuổi, còn lại cùng trong độ tuổi 16 - 17. Các xe máy liên quan vụ việc cùng có dung tích trên 50cm3 - tức là phần lớn các em này chưa đủ điều kiện cầm lái.
Lời khai của 2 'quái xế' tông tử vong cô gái chờ đèn đỏ ở Hà Nội - Video: HỒNG QUANG - CAO NGUYÊN
Bị mời lên làm việc vì giao xe cho người không đủ điều kiện, dẫn đến tai nạn
Gia đình không mấy khá giả, bà Thúy (Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đầu tháng 11-2023 vẫn quyết định chạy vạy mua chiếc xe 110cm3 cho con trai vì tin tưởng "con chỉ lái xe đi học và chạy quanh làng".
Bà khó có thể tưởng tượng vào một sáng tháng 6-2024, bà phải gặp con trong phòng cấp cứu bệnh viện và sau đó là trụ sở công an.
M. (17 tuổi, con trai bà Thúy) tụ tập cùng nhóm bạn, lái xe lạng lách rồi tông trúng N.V.K. (27 tuổi) trên đường trục phía Nam Hà Nội. Cú tông khiến K. chấn thương sọ não. Cơ quan điều tra sau đó ra quyết định khởi tố nam thiếu niên.
"Tôi bất lực, cảm giác như mất con. Cứ nghĩ nó chỉ lái xe đi học nên mình cũng cố chiều", bà Thúy nói.
Thời gian qua không ít vụ việc giao xe cho người không đủ điều kiện cầm lái, gây tai nạn bị xử lý hình sự. Khi xảy ra chuyện thì mọi việc đã lỡ làng, hối hận không kịp.
"Phụ huynh còn phó mặc con cho xã hội"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) - đánh giá hiện trạng còn rất nhiều phụ huynh giao xe cho con, em khi đủ độ tuổi, chưa có bằng lái, trong đó chủ yếu là xe máy.
Hơn 300 phụ huynh bị xử phạt do giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi lái
Ở khía cạnh xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý nghiêm cả ở mức hành chính. Đồng thời cơ quan điều tra cũng kiên quyết xử lý hình sự khi việc giao xe này gây tai nạn, để lại hậu quả.
"Tuy nhiên một bộ phận cha mẹ, người giám hộ còn chưa quan tâm đến việc con em tham gia giao thông như thế nào, phó mặc cho xã hội, lực lượng chức năng quản lý. Thậm chí nhiều trường hợp mua xe cho con, hoặc buông lỏng quản lý để con cái tự ý mua rồi gửi ở ngoài", đại tá Nhật nhận định.
Ông Nhật cũng nêu tình trạng nhiều cha mẹ không quản lý giờ giấc con cái, cứ đến tối là các thanh thiếu niên lại bỏ ra ngoài. Từ đó hình thành nên các hội nhóm tụ tập đi chơi, lấy xe chạy lòng vòng, phóng nhanh, lạng lách, thậm chí đua xe, gây rối trật tự công cộng.
Về giải pháp, đại tá Nhật cho biết hiện tại lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đang thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Trong tháng cao điểm này, cảnh sát áp dụng nhiều biện pháp xử lý triệt để vi phạm như phối hợp với nhà trường, công an cơ sở để kiểm tra tại các bãi giữ xe, phát hiện các trường hợp học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi; kiên quyết xử lý hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện...
Cùng với đó, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT cũng có sự phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm và hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn.
Khó có đứa trẻ tốt nếu cha mẹ chưa làm gương
PGS.TS Trần Thành Nam (phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; chuyên gia với nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý, hành vi của lứa tuổi thanh thiếu niên) cho rằng nền tảng giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc hình thành thói quen của người trẻ.
Ông cho rằng môi trường gia đình tích cực thì rất khó để một bạn trẻ trở nên thiếu định hướng, không tôn trọng các nguyên tắc và giới hạn, không biết phân biệt đúng sai và hành động bất chấp.
Tuy nhiên ở thời điểm con bước vào tuổi vị thành niên cũng là giai đoạn cha mẹ đang bận rộn kiếm tiền nhất. Cha mẹ không có thời gian dành cho con cái, không thể giao tiếp và kết nối cảm xúc với con thì không thể áp đặt các quy định.
Ông Nam cũng nêu hiện trạng nhiều cha mẹ không phải là tấm gương tốt. Yêu cầu con phải thực hiện nguyên tắc nhưng chính họ cũng vi phạm nguyên tắc, bất chấp các quy tắc pháp luật về giao thông.
Điều này không khó để bắt gặp trên đường như: phụ huynh không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, giao xe cho con khi chưa đủ tuổi... Chính điều này càng làm cho người trẻ trở nên thiếu kỷ luật.
"Khó có đứa trẻ tốt nếu cha mẹ chưa làm gương bằng những thói quen tốt", theo ông Nam.
Nêu ý kiến về giải pháp, ông Nam cho rằng bên cạnh những chế tài pháp luật mang tính răn đe, mỗi gia đình cần xây dựng lại mối quan hệ cha mẹ - con cái tích cực. Điều này được thực hiện qua việc nâng cao nhận thức về kỷ luật, kỹ năng làm cha mẹ hiệu quả, tạo mối quan hệ thân thiết và tin tưởng. Từ đó giáo dục nhận thức cho con, em.
Song song đó nhà trường và xã hội cần định hướng giá trị cho thế hệ trẻ, tạo ra nhiều diễn đàn thú vị để các em có không gian thể hiện cá tính và những tài năng rất cá nhân hóa, tăng cường tạo ra các "trend" tích cực.
Đồng thời cần kiểm duyệt, loại trừ những hành vi nguy hại đang được đưa lên không gian mạng.
Đề xuất tăng nặng mức xử phạt hành chính
Đối với chủ mô tô, xe gắn máy: cơ quan soạn thảo đề xuất phạt tiền 8-10 triệu đồng với cá nhân, 16-20 triệu đồng với tổ chức giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện cầm lái.
Mức phạt hiện nay là 800.000 đồng đến 2 triệu đồng với cá nhân và 1,6 - 4 triệu đồng với tổ chức
Đối với chủ ô tô và xe tương tự: đề xuất phạt tiền 28-30 triệu đồng với cá nhân, 56-60 triệu với tổ chức giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện cầm lái. Mức phạt hiện nay là 4-6 triệu đồng với cá nhân, 8-12 triệu đồng với tổ chức.
*Hôm 12-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải An (Hải Phòng) ra quyết định bổ sung khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với Hoàng Văn Trí (sinh năm 1979, người địa phương) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Ngày 7-2, H.V.D. (sinh 2006, con trai anh Trí) lái xe máy rồi xảy ra va chạm với ô tô do anh Hoàng Đức Tài (sinh năm 1990) lái trên đường Phú Lương (quận Hải An). Vụ tai nạn làm cháu D. bị thương với tỉ lệ 98%.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố tài xế Tài. Đồng thời xác định anh Trí biết con trai chưa đủ 18 tuổi, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn giao xe máy cho con điều khiển. Việc này để xảy ra vụ tai nạn giao thông, dẫn đến cháu D. bị tổn thương cơ thể 98%.
* Đầu tháng 3-2024, Tòa án nhân dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Yến 12 tháng cải tạo không giam giữ và hình phạt bổ sung 10 triệu đồng, về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Ngày 20-8-2023, chị Yến đã giao chiếc xe máy cho con là N.M.T. (15 tuổi) chạy trên tuyến đường ĐH.76. Xe của T. đã gây tai nạn với bà Lê Thị Tính (79 tuổi, trú thôn Hương Thọ, xã Đức Hương), khiến bà Tính bị tổn thương cơ thể 74%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận