
3 trong số 6 giáo viên thắng kiện trước cổng TAND huyện Krông Pắk vào năm 2022 đến nay vẫn chưa được bồi thường - Ảnh: TÂM AN
Ngày 2-5, ông Trần Quốc Vĩnh - chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - xác nhận UBND huyện đã thành lập tổ giúp việc để tham mưu xử lý việc thi hành án cho 6 giáo viên thắng kiện trong vụ kiện liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Bản án giáo viên thắng kiện rõ ràng, nhưng thi hành… mịt mù
Tuy nhiên ông Vĩnh cho biết do vụ việc kéo dài, liên quan nhiều cơ quan nên "rất khó" xử lý, và đến nay vẫn chưa có lộ trình bồi thường cụ thể.
Theo hồ sơ, năm 2018 UBND huyện Krông Pắk ra quyết định chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên do tuyển vượt chỉ tiêu.
6 giáo viên khởi kiện, gồm 5 người từ Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (ủy quyền cho ông Nguyễn Ánh Dương làm đại diện) và cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên Trường THCS Ea Kly.
Tháng 4 và 6-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên UBND huyện Krông Pắk và 2 trường liên đới bồi thường hơn 2,1 tỉ đồng cho 6 giáo viên. Trong đó ông Dương được bồi thường gần 318 triệu đồng, cô Bình hơn 175 triệu đồng.

Bị mất việc, giáo viên làm đủ nghề để mưu sinh. Trong ảnh: Anh Nguyễn Tuấn Anh, nguyên giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, phải đi làm thuê mưu sinh - Ảnh: TÂM AN
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk đã ra quyết định thi hành án từ tháng 8-2022, nhưng đến nay các bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện.
Chi cục đã có ít nhất 7 văn bản yêu cầu UBND huyện và 2 trường phối hợp thi hành án, đồng thời tham mưu Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện nhiều lần họp để chỉ đạo xử lý.
Gần đây nhất, ngày 20-3, tổ giúp việc đã họp và tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên vụ việc vẫn "giậm chân tại chỗ".
Cùng ngày, Chi cục Thi hành án dân sự tiếp tục có văn bản trả lời đơn kiến nghị lần thứ ba của ông Dương và cô Bình, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở nội dung "tiếp tục tham mưu".
Mong nhận tiền bồi thường sớm
3 năm qua, anh Nguyễn Ánh Dương, nguyên giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (đại diện cho 4 giáo viên thắng kiện khác - PV), chật vật mưu sinh. Sau khi bị mất việc, anh làm đủ nghề, từ phụ hồ đến chạy xe chở hàng.
"Chúng tôi không xin gì ngoài việc yêu cầu thực thi một bản án đã có hiệu lực pháp luật", anh nói.
Cô Nguyễn Thị Bình cũng không giấu được bức xúc: "Bao nhiêu năm gắn bó với nghề, giờ tay trắng, đi xin việc nơi nào cũng khó. Nếu cơ quan nhà nước không thực hiện bản án, thử hỏi còn ai tin vào pháp luật?".
Anh Dương cho biết các giáo viên đã nhiều lần đề nghị cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên cơ quan thi hành án trả lời không thể kê biên, cưỡng chế tài sản vì liên quan đến ngân sách nhà nước.

Anh Nguyễn Ánh Dương, nguyên giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (đại diện cho 4 giáo viên thắng kiện khác - PV), chật vật mưu sinh - Ảnh: TÂM AN
Một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk cho biết Huyện ủy đã yêu cầu UBND huyện khẩn trương xử lý. Trường hợp đến khi nhiệm kỳ chính quyền cấp huyện kết thúc mà chưa xong, hồ sơ sẽ được bàn giao cho UBND xã nơi các giáo viên cư trú để tiếp tục thực hiện.
Trước đó bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (nay là chủ tịch HĐND huyện) - cho biết huyện đã xin tỉnh hỗ trợ kinh phí nhưng bị từ chối vì "đây là hậu quả từ sai phạm của cá nhân, tổ chức tại địa phương".
Theo kết luận thanh tra, từ năm 2011-2015, 2 đời chủ tịch huyện Krông Pắk là ông Nguyễn Sỹ Kỷ và ông Y Suôn Byă đã ký tuyển vượt hơn 600 giáo viên, nhân viên. Cả hai cùng nhiều cán bộ liên quan sau đó bị kỷ luật.
Hiện nay huyện đang xây dựng phương án xác định trách nhiệm cá nhân để yêu cầu hoàn trả kinh phí bồi thường. Tuy nhiên việc quy trách nhiệm cụ thể vẫn chưa có thời hạn hoàn tất.
7 năm mất việc, 500 giáo viên vẫn trắng tay
Ngày 9-3-2018: Huyện Krông Pắk ra thông báo chấm dứt hợp đồng hơn 500 giáo viên do tuyển vượt chỉ tiêu, gây chấn động dư luận.
Năm 2018 - 2019: Nhiều giáo viên khiếu nại, một số khởi kiện UBND huyện.
Năm 2020 - 2021: Tòa án thụ lý, xét xử. Giáo viên chờ đợi, mưu sinh bằng đủ nghề.
Tháng 4 và 6-2022: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên 6 giáo viên thắng kiện, buộc huyện và hai trường bồi thường hơn 2,1 tỉ đồng.
Tháng 8-2022: Thi hành án có hiệu lực, nhưng các bên không thực hiện.
Năm 2023 - 2024: Huyện và các trường không phối hợp, thi hành án bế tắc, giáo viên tiếp tục cầu cứu.
Tháng 3-2025: Tổ giúp việc huyện họp bàn hướng xử lý, nhưng vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Tháng 5-2025: Bản án thắng kiện gần 3 năm vẫn chưa được thi hành. Giáo viên trắng tay sau 7 năm mất việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận