Giáo viên sốt vó lo... luyện thi tiếng Anh

NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN
NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN

TT - Ngày 14-7, hàng trăm giáo viên đội mưa đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Bến Tre luyện thi tiếng Anh cấp tốc.

Sau giờ học, một số lại tất tả đến các trung tâm khác để tiếp tục luyện hoặc thuê “thầy” về dạy với hi vọng vượt qua kỳ thi “sinh tử” sắp tới.

Trình độ giáo viên tiếng Anh còn thấpTP.HCM: ưu tiên tuyển giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn

RFePl1ne.jpgPhóng to
Một lớp luyện thi tiếng Anh của giáo viên tỉnh Bến Tre - Ảnh: Ngọc Tài

Theo một quy định mới đây của Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, rất có thể hơn 200 giáo viên tiếng Anh của tỉnh sẽ bị cắt hết thi đua, bồi thường kinh phí bồi dưỡng, thậm chí bị xử lý kỷ luật nếu họ thi rớt trong đợt kiểm tra chuẩn tiếng Anh sắp tới.

900 người thi, 1 người đạt chuẩn

"Giáo viên đã là người thầy, người cô đứng lớp dạy tiếng Anh thì phải có phương pháp học, không thể cho rằng do chuẩn quá khó, học không hiệu quả để đùn đẩy không hoàn thành nhiệm vụ được. Giáo viên phải coi lại mình xem đã học nghiêm túc chưa, nếu cứ buông lỏng để giáo viên muốn học, muốn thi sao cũng được thì kinh phí nào chịu nổi!"

Ông LÊ NGỌC BỮU(giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre)

Theo yêu cầu của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020), giáo viên tiểu học, THCS phải đạt chuẩn trình độ trung cấp (B2) tiếng Anh, còn giáo viên THPT, giáo dục thường xuyên phải đạt chuẩn C1. Trước đó, từ kết quả khảo sát trình độ tiếng Anh của 900 giáo viên tỉnh Bến Tre, chỉ có một giáo viên đạt chuẩn nên phải tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn. Hiện tại, những giáo viên này đang ôn luyện và thi lấy chứng chỉ FCE (First Certificate in English, do Đại học Cambridge cấp).

Một giáo viên ở huyện Mỏ Cày Bắc cho biết đã thi tổng cộng năm lần nhưng vẫn chưa lấy được chứng chỉ FCE. Do đó cô phải gồng mình vừa ôn luyện trên lớp do sở tổ chức, vừa phải học thêm ở trung tâm và thuê giáo viên dạy tại nhà. Tổng chi phí cô đã bỏ ra cho mục đích “nâng chuẩn” là hơn chục triệu đồng nhưng chưa biết khi nào mới thi đỗ. “Năm trước tôi được chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và năm nay đề xuất chiến sĩ thi đua cấp tỉnh nhưng kiểu này bị cắt luôn rồi. Nếu bị cắt thi đua thì không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà còn ảnh hưởng đến thành tích thi đua của cả trường. Giờ nhiều đồng nghiệp đã nhìn tôi như tội đồ” - giáo viên này phân trần.

Nhiều giáo viên cho rằng việc tổ chức nâng chuẩn quá gấp rút nên họ học không hiệu quả. Theo một giáo viên ở huyện Mỏ Cày Nam, khóa bồi dưỡng đầu tiên tổ chức vào năm 2013, giáo viên vừa đi dạy, vừa đi học lại vừa phải hoàn thành tất cả nhiệm vụ nhà trường giao. Giáo viên này tâm sự: “Đi học bồi dưỡng vài ngày về nhà lại lao vào dạy, ôn luyện học sinh giỏi, bao nhiêu kiến thức đã học bị bốc hơi hết. Lần thi trước lớp tôi rớt hết trơn. Nay luyện thi cấp tốc có một tuần chắc tôi lại rớt nữa”.

Giáo trình, giáo viên đứng lớp nâng chuẩn tiếng Anh tại Bến Tre đều do Công ty CP Học liệu (EMCO) có trụ sở tại TP.HCM cung cấp. Trước đó, Sở GD-ĐT Bến Tre đã cho “đấu thầu” chương trình ôn luyện tiếng Anh cho giáo viên trong tỉnh và EMCO đã “trúng thầu”. Thế nhưng nhiều giáo viên tham gia khóa học đều cho rằng chương trình dạy không bám sát với đề thi của Cambridge ra.

Bị xử lý vì “không hoàn thành nhiệm vụ”

Liên quan đến chất lượng bồi dưỡng của EMCO, ông Lê Ngọc Bữu, giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, cho biết sở có cử chuyên viên theo dõi thường xuyên để có những phản hồi với EMCO. Cụ thể vào thời gian đầu triển khai lớp bồi dưỡng, giáo viên phản ứng chất lượng dạy không cao nên sở có cử chuyên viên đến dự lớp và có trao đổi lại với EMCO để khắc phục một số chỗ, EMCO cũng đã thay đổi một số giảng viên.

Ông Lê Ngọc Bữu cho biết thêm đầu tháng 7-2014 sở đã ban hành văn bản sẽ xử lý giáo viên nếu không vượt qua kỳ thi đạt chuẩn theo quy định. Cụ thể, kết quả thi cuối khóa lần đầu có 243 giáo viên không đạt, trong đó có sáu giáo viên học không đầy đủ, bỏ thi hoặc bị hủy kết quả thi. Số giáo viên này đang được bồi dưỡng lớp thi cấp tốc để thi lại. Sau khi tổ chức kỳ thi mà 243 giáo viên này vẫn không đạt chuẩn sẽ bị xử lý cắt thi đua, xếp loại không đạt, bồi hoàn kinh phí bồi dưỡng. Riêng giáo viên học không đầy đủ, bỏ thi, bị hủy kết quả thi còn bị xử lý kỷ luật.

Trả lời câu hỏi tại sao không thông báo sớm từ đầu năm học mà nay vừa ban hành văn bản đã xử lý ngay, ông Bữu cho rằng việc giáo viên được cử đi học, sử dụng kinh phí của Nhà nước thì nhiệm vụ của giáo viên phải học cho hiệu quả và thi đậu. Còn nếu giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định phải bị xử lý.

Thầy N., hiệu trưởng của một trường THPT trên địa bàn tỉnh Bến Tre, cho biết việc sở xử lý giáo viên như vậy là khá căng trong khi rõ ràng họ đã được đào tạo tại các cơ sở giáo dục chính quy và được cấp bằng cử nhân hẳn hoi. Ngoài ra việc nâng chuẩn cho giáo viên là cần thiết, tạo động lực để giáo viên nâng cao chuyên môn nhưng phải có thời gian chứ không thể làm gấp rút như hiện nay. Thầy N. còn nhận định thi lấy chuẩn FCE đối với giáo viên tiếng Anh hiện tại khá cao. “Nếu giáo viên bị cắt thi đua sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của trường cả năm. Đây cũng là vấn đề cần xem xét lại” - thầy N. nói.

Tiền Giang: thi FCE không phải để đào thải giáo viên

Theo Sở GD-ĐT Tiền Giang, để tham gia đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, mới đây sở đã tổ chức cho giáo viên THCS tham gia khóa học và thi lấy chứng chỉ FCE. Kỳ thi FCE vừa qua thuộc trình độ B2 theo khung đánh giá của ĐH Cambridge. Sau khóa học sở đã tổ chức cho 150 giáo viên dự thi. Những giáo viên vượt qua kỳ thi sẽ tham gia giảng dạy Chương trình thí điểm tiếng Anh lớp 6 theo đề án ngoại ngữ 2020.

Ông Võ Ngọc Ánh (chuyên viên môn tiếng Anh - Sở GD-ĐT Tiền Giang) cho biết năm học 2013-2014 Sở GD-ĐT Tiền Giang đã thí điểm dạy chương trình tiếng Anh lớp 6 mới tại một số trường. Tuy nhiên kinh phí để đào tạo giáo viên do Bộ GD-ĐT hỗ trợ. Năm nay, sở tự túc nên khi bồi dưỡng thì tổ chức cho tất cả giáo viên, nhưng khi thi chỉ chọn 150 người ưu tú dự thi để tránh lãng phí. Những người còn lại sẽ tiếp tục bồi dưỡng và tự rèn luyện rồi tiếp tục thi.

Giải thích thắc mắc của một số giáo viên về việc nếu không đạt chuẩn tiếng Anh sẽ bị chuyển sang bộ phận khác, không được đứng lớp, ông Ánh khẳng định Sở GD-ĐT Tiền Giang chưa có công văn nào đề cập vấn đề này. “Hiện nay cả ngành giáo dục đang tập trung thực hiện đề án đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Mục tiêu của đề án này rất hay dù rất khó thực hiện. Vì thế nhiệm vụ của sở và giáo viên lúc này là tập trung bồi dưỡng những kiến thức còn khiếm khuyết so với yêu cầu Bộ GD-ĐT đưa ra, để đến năm 2020 hầu hết giáo viên trong tỉnh sẽ đạt chuẩn theo yêu cầu chung của ngành giáo dục. Việc thi FCE không phải là để tìm cách đào thải những giáo viên không đạt chuẩn như một số giáo viên lầm tưởng” - ông Anh nói.

THÚY HẰNG

NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên