Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) hướng dẫn học sinh trong giờ tiếng Việt - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Bà Loan nói: Trường tôi có nhiều lợi thế là sĩ số học sinh thấp, điều kiện dạy học tốt hơn trường công lập. Trường cũng chủ động nghiên cứu sách giáo khoa lớp 1 từ trước khi chọn sách nhưng giáo viên vẫn rất mệt.
Để đạt yêu cầu chương trình rất khó khăn, đặc biệt là môn tiếng Việt. Trong khi tiếng Việt lại là môn công cụ. Học sinh có đọc thông viết thạo mới có thể học tốt các môn học khác.
* Vậy có nghĩa là so với khả năng tiếp thu của học sinh lớp 1, nội dung dạy học đang bị nặng? Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn khó khăn nằm ở đâu?
- Trường tôi chọn một bộ sách giáo khoa có nhiều ưu điểm. Nhưng khi vào dạy học mới thấy có nhiều vấn đề.
Cụ thể là mật độ kiến thức dày quá. Có những bài học ba vần. Trẻ chưa nhớ được âm, vần đã phải ghép để tạo thành tiếng.
Việc tạo tiếng khó cho cả cô lẫn trò khi học sinh còn chưa nhớ được âm, vần. Trong khi không có thời gian để luyện đọc, luyện viết. Thế nên việc học sinh ghép vần sai, như "thờ ơ thơ hỏi... hổ" cũng xảy ra.
* Một số phụ huynh phản ảnh chuyện trẻ chưa đọc thông viết thạo đã phải trả lời câu hỏi đọc hiểu. Về điều này, Bộ GD-ĐT đã cho rằng không thể có việc như thế. Thực tế thế nào?
- Tôi không biết quan điểm về "đọc hiểu" có được hiểu khác nhau không, nhưng trong các bài tiếng Việt đều có các ngữ liệu dài, yêu cầu học sinh đọc trơn và trả lời ý nghĩa.
Trong đó có cả những đoạn ngữ liệu chứa hình ảnh ẩn dụ, trìu tượng. Trẻ đọc trơn thôi đã chật vật, đọc câu sau quên câu trước nên việc phải trả lời câu hỏi về ý nghĩa của đoạn văn, thơ đó là khó.
* Bộ GD-ĐT quy định số tiết/môn theo năm học chứ không quy định cứng từng tuần, từng tiết phải dạy đủ bài như sách giáo khoa. Liệu có phải giáo viên chưa được tập huấn và thấm nhuần điểm mới này không?
- Giáo viên được dự tập huấn trực tuyến ba ngày môn tiếng Việt. Tuy nhiên, do tập huấn trực tuyến nên việc đặt ra những vướng mắc để được giải đáp là hạn chế.
Có những nội dung giáo viên hỏi, tác giả biên soạn sách giáo khoa cũng chỉ đưa ra hướng giải quyết như chúng tôi đã tự xoay xở thôi.
Đúng là Bộ GD-ĐT không quy định cứng phải dạy đủ bao nhiêu bài trong tuần, trong tháng nhưng ở sách giáo khoa, tác giả đã sắp xếp nội dung bài học theo tuần, dựa theo chương trình.
Với khối lượng nội dung đó cũng khó khi muốn dạy chậm lại để luyện tập cho học sinh. Ngay trong khi tập huấn, đã có giáo viên hỏi về bài "đọc hiểu" khi học sinh không đạt yêu cầu phải làm thế nào.
Câu trả lời là "để lại dạy sau" nhưng dạy vào thời gian nào? Vì nếu giáo viên không giải quyết hết nội dung của tiết này sẽ dồn lại ở các tiết sau. Và trẻ đã không tiếp thu được càng khó khăn hơn khi nội dung bị dồn lại.
* Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, mỗi giáo viên cũng chủ động kế hoạch dạy học của mình tùy theo điều kiện, đối tượng học sinh. Theo bà, yêu cầu này có thể thực hiện để khắc phục tình trạng "chương trình nặng" không?
- Năm học này, chúng tôi xác định vừa dạy học vừa khám phá, rất khó để xây dựng một kế hoạch dạy học có thể khắc phục được những bất cập, nhất là ở môn tiếng Việt.
Vì thời gian chuẩn bị, tập huấn ít, nội dung chương trình quá dày. Nếu có xây dựng kế hoạch dạy học nhằm giải quyết các bất cập cũng chỉ mang tính hình thức. Vì học sinh lớp 1 phải dạy mới biết em nào tiếp thu được, em nào gặp khó khăn và khó khăn ở bài nào.
Hơn nữa không giống các môn học khác, bậc học khác có thể tích hợp, sắp xếp, điều chỉnh linh hoạt nội dung dạy học, môn tiếng Việt ở lớp 1 là phải theo niêm luật, tầng bậc, thứ tự trẻ mới đọc, viết được. Không thể đảo lộn bài này dạy trước, bài kia dạy sau, thêm, bớt được đâu.
* Áp lực hiện nay có thể dẫn tới hệ lụy thế nào?
- Với lớp 1, giáo viên có rất nhiều việc phải làm như chỉnh cách ngồi, chỉnh cách cầm bút và giải quyết nhiều vấn đề phát sinh khác chứ không chỉ vào lớp để dạy.
Chương trình này đã dành thời lượng cho môn tiếng Việt nhiều hơn so với chương trình cũ nhưng để tải được nội dung như yêu cầu vẫn thiếu thời gian. Khi cô và trò không thể giải quyết hết việc trên lớp sẽ phải đẩy về cho phụ huynh kèm cặp thêm ở nhà.
Nhiều phụ huynh phải dành thời gian dạy con, trong đó có người cũng không biết cách kèm cặp khiến cha mẹ và con đều căng thẳng, mệt mỏi. Và theo cá nhân tôi, tình trạng này có thể phát sinh việc phụ huynh có con học lớp 1 các năm sau vì lo lắng mà phải cho con đi học trước.
Trên thực tế cũng cho thấy những trẻ được học trước năm nay tiếp thu nhanh hơn trẻ "như tờ giấy trắng". Ngay trong năm học này, cũng có thể phát sinh việc trẻ lớp 1 phải học thêm ngoài giờ để "luyện chữ".
Tập huấn mỗi nơi mỗi khác
Việc tập huấn sách giáo khoa lớp 1 theo phản ảnh của giáo viên thì mỗi nơi mỗi khác. Có giáo viên cho biết được tiếp cận cả 5 bộ sách giáo khoa.
Sau đó được dự tập huấn kỹ do tác giả sách giáo khoa trực tiếp giải đáp, hướng dẫn, thậm chí được dạy thử có tác giả dự giờ. Nhưng có những giáo viên cho biết tập huấn trực tiếp 1 buổi tại hội trường khá đông.
Tác giả trao đổi rất dài về những ưu điểm của sách. Trước đó, giáo viên được xem qua sách trên mạng. Khi đó cũng có những băn khoăn, thắc mắc nhưng vì tập huấn đông người khó có điều kiện để hỏi.
Phân loại học sinh để dạy
* Ở trường bà, giải pháp khắc phục khó khăn như thế nào?
- Phòng giáo dục quận có tổ chức các chuyên đề, dạy một số bài để giáo viên đặt câu hỏi và giải đáp. Tuy nhiên, chủ yếu là trong trường, giáo viên phải ngồi với nhau để thảo luận, hướng dẫn lẫn nhau cách xử lý.
Cụ thể, giáo viên phải phân loại học sinh để có cách dạy, kèm khác nhau. Những phần "đọc hiểu" học sinh khá hơn có thể tự tập đọc trơn. Trong khi đó, giáo viên kèm những học sinh yếu hơn ghép vần, đọc trơn.
Một số giáo viên trẻ cũng ứng dụng CNTT vào việc dạy học để trẻ bớt mệt mỏi. Ví dụ cho học sinh xem clip, tranh ảnh có liên quan tới ngữ liệu trong bài học.
Trường cũng yêu cầu giáo viên lớp 1 phải ở lại sau buổi dạy khoảng 30 phút để kèm thêm cho những học sinh còn yếu. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng này chỉ giảm bớt phần nào căng thẳng thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận