Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An trong giờ học - Ảnh: DOÃN HÒA
Tuổi Trẻ xin trích đăng một số ý kiến giáo viên, phụ huynh xung quanh vấn đề này.
Cô M.Hoài (giáo viên lớp 1 một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM):
Nửa lớp nắm được chương trình
Tôi đang dạy lớp 1 có 33 học sinh. Những buổi đầu, khoảng nửa lớp nắm được chương trình lớp 1 mới. Trong khi đây là lớp tiếng Anh tích hợp, nhiều phụ huynh đã cho con học chữ trước.
Ở môn tiếng Việt, đầu tiên vỡ lòng các em phải được viết các nét móc trên, móc dưới, nét thẳng. Đằng này nhập môn là các em viết luôn chữ "a", "b". Thời gian chỉ có 35 phút không đủ để tiếp thu, chưa kể những hôm học 3-4 vần trong một tiết.
Ở chương trình cũ, sáng học nội dung chính, chiều học hai tiết toán, hai tiết tiếng Việt bổ sung. Nghĩa là khoảng thời gian này giáo viên dạy thêm, kèm thêm cho các em buổi sáng chưa nắm kịp bài.
Còn với chương trình sáng tạo mới, buổi chiều là tiết hoạt động trải nghiệm. Nhiều kiến thức nhưng thời gian ít, chương trình nặng thì giáo viên có giỏi mức nào cũng rất khó xoay xở để các em theo kịp một cách tương đối.
Ngoài ra, môn tiếng Việt những tuần đầu đã có tiết đọc. Học trò viết không xong, đọc chưa rành nhưng tiếp đến là phần chính tả vừa có chữ vừa có số. Hơn 20 em khi viết số 1 tôi phải dùng bút đỏ chấm nét mô phỏng trước sau đó các em viết đậm ở hàng bên.
Còn bộ thực hành tiếng Việt, tôi nhận thấy thiết kế chưa ổn. Chẳng hạn ghép chữ "bà", học sinh lấy chữ "b" ghép với chữ "a". Thao tác này các em làm được, nhưng khi ghép thanh huyền vào các em... ú ớ vì thanh điệu bị rời rạc.
Các môn tự nhiên xã hội, đạo đức thì giáo viên thấy ổn, vừa phải. Môn toán cũng khá vừa sức, nhẹ nhàng, giảm tải, bỏ luôn phần nội dung giải toán bằng lời văn với học sinh lớp 1.
Cô Trần Thị Xuân (giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An):
Giáo viên phải đổi mới phương pháp
Tôi cho rằng lo lắng của phụ huynh về chương trình học của khối lớp 1 tăng nặng là có thật, bởi chương trình cũ đã tồn tại 20 năm, phụ huynh cảm thấy quen thuộc.
So với những năm học trước, tôi thấy nội dung chương trình lớp 1 mới không quá khó, mà có tính toàn diện và theo đúng định hướng phát triển năng lực học sinh.
Chương trình học năm nay yêu cầu giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy, hướng học sinh việc nhận biết và tăng tính tương tác với nhau thông qua các hoạt động tập thể, trải nghiệm.
Phần luyện chữ của học sinh do luyện các nét ít hơn nên một vài tuần đầu gặp khó khăn khi học sinh phải viết đúng ô li, đúng cỡ chữ. Lúc dạy học, chúng tôi nhắc thêm, điều chỉnh để các em đọc được, hiểu được nghĩa của từ mới đó.
Ở môn toán, năm trước kiểm tra có bốn mức độ, năm nay có ba mức độ đỡ áp lực cho học sinh hơn. Ở bộ sách mới, kênh hình quá nổi bật, kênh chữ hơi nhỏ khiến học sinh nhiều lúc chỉ chú ý đến kênh hình mà "quên mất" kênh chữ.
Hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục hoàn toàn mới, hấp dẫn học sinh nhất. Với thiết kế 3 tiết/tuần, ở môn hoạt động trải nghiệm học sinh có dịp được tham quan để hiểu về trường, xem video giới thiệu và hoạt động theo chủ đề từng tuần. Tôi nhận thấy đây là môn học mới mẻ và khiến các em hào hứng, thích thú nhất.
Cô Nguyễn Thị Lương (Trường tiểu học Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa):
Chưa quen đổi mới sẽ áp lực
Chương trình mới nặng hơn chương trình cũ nếu đề cập đến đầu ra sau khi học lớp 1. Cụ thể, xong lớp 1 thì học sinh phải đọc thông thạo và với tốc độ 80-120 tiếng/phút. Viết thì chính tả nghe - viết, không nhìn chép nữa. Các văn bản đọc cũng rất dài. Đó là cái nặng.
Nhưng cũng chừng đó âm chữ tiếng Việt, các em nhớ tốt thì đọc tốt. Vấn đề ở đây là phương pháp giáo viên dạy phải thay đổi sao cho rèn kỹ năng rất nhiều. Học âm từ ghép tiếng, biết tiếng này sẽ liên hệ đến tiếng kia. Mục đích rèn các em tự phán đoán, tự phát huy năng lực tích cực.
Tinh thần hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho hướng mở. Tùy theo tình hình thực tế, giáo viên có thể giảm số tiếng từ trong bài và dạy vào các tiết ôn luyện buổi chiều nếu bài khó học sinh tải không hết.
Chương trình đổi mới mà giáo viên, phụ huynh chưa đổi mới cách nghĩ sẽ tạo nên áp lực, và từ áp lực đó dẫn đến làn sóng than thở, chứ chưa thực sự tìm giải pháp.
Học sinh lớp 1 mới vào học thì sao biết đọc tốt, viết đẹp được. Cô giáo nhận xét viết yếu, viết chưa đúng ô li thì đúng là vậy, nhưng cô quên mất giờ con mới bắt đầu học.
Cô Hoàng Thị Liễu (Trường tiểu học Bế Văn Đàn, xã Quảng Hòa, Đắk Glong, Đắk Nông):
Cố gắng để học sinh quen mặt chữ
Trường tôi phần lớn học sinh là người Mông vừa vào lớp 1 nên chưa nghe sõi tiếng Việt, chưa thuộc bảng chữ cái. Cả cô giáo và học sinh, vì vậy mà giao tiếp rất khó khăn. Thời gian qua cũng may mắn được học cả ngày, nên các cô thường xuyên ôn cho các em.
Các em mới vào lớp 1 thường chỉ hay thuộc một mạch theo kiểu nhớ, nhưng khi hỏi riêng từng chữ thì các em nhớ chậm hoặc không nhớ ra. Đầu năm học, các cô phải dạy các chữ cái không theo thứ tự, làm sao để các em quen mặt chữ cái.
Với bộ sách mới học theo từng âm ban đầu như vậy, theo tôi thấy cũng phù hợp, nhẹ nhàng. Tuy nhiên sau này qua học vần thì chưa biết được.
Phụ huynh: "Quả thật rất vất vả"
Bài viết về chương trình lớp 1 mới trên Tuổi Trẻ Online ngày 1-10 thu hút nhiều bình luận của bạn đọc là phụ huynh. "Con mình cũng đang học lớp 1. Quả thật rất vất vả. Tối về phải viết thêm bài tới khuya, không dám cho bé đăng ký học các môn năng khiếu khác, vì chỉ viết chữ không thôi đã hết cả các buổi tối trong tuần" - bạn đọc tên Xuân bình luận.
"Đúng là chương trình lớp 1 quá nặng. Các em phải tập viết chữ, phải ghép vần và đọc luôn. Vì thế, việc dạy con học như là một cuộc chiến. Tối nào con cũng phải viết một trang giấy, không còn thời gian để chơi nữa" - một bạn đọc ý kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận