13/10/2021 11:08 GMT+7

Giáo viên giúp nhau dạy học trực tuyến

HÀ THANH thực hiện
HÀ THANH thực hiện

TTO - Quen thuộc trên các trang mạng và kênh YouTube với tên gọi "Hà Bio", mới đây cô giáo Dương Thị Thu Hà, phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), đã phát triển mạng lưới hỗ trợ, đồng hành cùng các thầy cô trong giảng dạy trực tuyến.

Giáo viên giúp nhau dạy học trực tuyến - Ảnh 1.

Cô giáo Dương Thị Thu Hà, phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) - Ảnh: HÀ THANH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Dương Thị Thu Hà nói: "Dạy trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi gây áp lực với chính thầy cô và các em học sinh. Tôi mong muốn được đồng hành cùng các thầy cô bằng việc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân, nhờ đó rút ngắn thời gian học tập của thầy cô".

* Trong bối cảnh dịch COVID-19, mạng lưới hỗ trợ, đồng hành cùng giáo viên được triển khai như thế nào, thưa cô?

- Trải qua chặng đường dài làm việc với học sinh và cha mẹ học sinh, tôi nhận thấy giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Khi giáo viên hạnh phúc sẽ lan tỏa niềm hạnh phúc tới học sinh. Nhưng làm sao để giáo viên có được hạnh phúc? 

Từ trăn trở đó, nhóm "Giáo viên sinh học sáng tạo" ra đời, cùng nhau chia sẻ về cách thức tổ chức các hoạt động dạy học, tạo môi trường hỗ trợ thầy cô học tập, chia sẻ kinh nghiệm dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Hằng tuần chúng tôi lên lịch chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến, dạy học theo chủ đề, dạy học STEM cũng như chia sẻ cách thức tổ chức dạy học. 

Trong thời đại 4.0, thầy cô có thể học mọi lúc, mọi nơi, học những gì mình mong muốn, nhưng điều quan trọng nhất là giáo viên phải chủ động tự học những phần mình còn yếu, còn thiếu, phù hợp với bản thân mình trước khi chờ đợi sự tập huấn đồng bộ từ các đơn vị, tổ chức.

* Hiện nay với việc giảng dạy trực tuyến, thầy cô đang vấp phải rất nhiều khó khăn. Làm sao để nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến, thưa cô?

- Việc dạy trực tuyến của các thầy cô đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: nền tảng đa phần miễn phí và phụ thuộc vào nhà cung cấp, sự cố đường truyền mạng, khó khăn trong việc tương tác, giám sát học sinh hay chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trước ống kính camera...

Để nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, tôi cho rằng có 5 việc cần phải làm.

Một là, cần làm chủ kiến thức. Việc dạy học trực tuyến diễn ra rất nhanh, cho nên với lượng kiến thức nhất định, thầy cô có thể co kéo cho phù hợp với trình độ nhận thức của mỗi học sinh. Với đối tượng học sinh tiếp thu nhanh, cần cung cấp kiến thức sâu và rộng. 

Nhưng với đối tượng học sinh tiếp thu kiến thức chậm hơn thì cung cấp kiến thức cơ bản, nền tảng kèm theo ví dụ minh họa sinh động, thực tế khiến học sinh không thấy nhàm chán hay quá tải với giờ học.

Hai là, cần làm chủ công nghệ. Thầy cô có thể khai thác công nghệ hỗ trợ giám sát, tương tác với học sinh trong tiết học như Liveworksheets giao bài tập tương tác cho từng học sinh, Padlet giao bài cho học sinh đưa sản phẩm của mình lên hay phần mềm kiểm tra dưới dạng các trò chơi như Blocket.

Ba là, làm chủ cách thức tổ chức các hoạt động trong giờ học. Dựa trên kiến thức, thầy cô lựa chọn cách thức tổ chức sao cho đơn giản, hấp dẫn và quan trọng nhất là huy động được nhiều học sinh tham gia trong giờ học.

Thứ tư là làm chủ thời gian trong tiết học. Mỗi giờ dạy thầy cô nên xây dựng chuyển giao những nhiệm vụ lớn, trọng tâm, có thời gian để học sinh suy nghĩ, thảo luận và hoàn thành nhiệm vụ. Việc lựa chọn đơn vị kiến thức cần bám sát hướng dẫn tinh giảm của bộ và dựa trên đặc điểm nhận thức của học sinh mà giáo viên lựa chọn nội dung cho phù hợp.

Thứ năm là làm chủ cảm xúc. Trong giờ học trực tuyến, tình trạng rất phổ biến là thầy cô gọi không thấy trò đâu, bài tập giao nhưng học sinh không làm, học sinh vừa ăn vừa học, vào học muộn, thậm chí vừa mở nhạc, chơi game trong giờ. 

Cần giữ được sự bình tĩnh, coi những lỗi trên của trò như "nguyên liệu" trong quá trình dạy học, thực hiện tôn chỉ "khen công khai, phê bình riêng tư".

* Không dừng lại ở giúp đỡ giáo viên, cô còn hướng dẫn, giúp học sinh học thông qua mạng xã hội, kênh YouTube?

- Trước đây, tôi thường xuyên tạo đề thi, cập nhật tài liệu mới hoặc livestream để hỗ trợ kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên do đặc thù công việc, tôi không thể nhận và trả lời tin nhắn của học sinh hằng ngày được. 

Do đó, tôi lập ra nhóm "Ôn thi học sinh giỏi, học sinh chuyên sinh" trên Facebook, mở kênh "YouTube tự học sinh học 9.0" miễn phí nhằm tạo không gian chia sẻ, giải đáp những thắc mắc, xây dựng cộng đồng học sinh tự học cùng nhau mỗi ngày.

Ông Nguyễn Minh Triết (trưởng Ban thanh niên trường học Trung ương Đoàn):

Truyền cảm hứng

Qua 5 năm triển khai chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục", rất nhiều tác giả trẻ đã có công trình, sáng kiến đóng góp vì sự nghiệp giáo dục nước nhà; nhiều công trình, sáng kiến có tính khả thi, áp dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy, học tập.

Mới đây, câu chuyện của cô giáo Dương Thị Thu Hà là khách mời trong talk 4 "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ gửi công trình, sáng kiến về dự thi năm nay.

Có thể nói, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã tạo bệ phóng cho các tác giả, nhóm tác giả có bước phát triển mới, đạt được thành công nhất định như được xuất bản sách, trao đến tận tay giáo viên, học sinh, có sản phẩm được phát triển ra quốc tế.

Còn 2 tuần nữa sẽ kết thúc vòng nhận hồ sơ chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2021, nhưng thống kê đến thời điểm này đã có 1.066 công trình, sáng kiến gửi về cho chương trình, đặc biệt là nhiều ý tưởng trong giải quyết vấn đề giáo dục trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19.

Phần mềm hỗ trợ trẻ tự kỷ, chậm nói

Năm 2020, cô giáo Dương Thị Thu Hà lên ý tưởng về phần mềm "Bé Bi Bô" nhằm hỗ trợ phát triển ngôn ngữ giao tiếp cho trẻ nhỏ từ 6 - 60 tháng, đặc biệt cho trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ với 3 cấp độ: giao tiếp sớm, giao tiếp ban đầu và giao tiếp tiến triển.

Trước đó, cô cũng ra mắt Cẩm nang dành cho cha mẹ nuôi con có hội chứng Down và tiến hành trao tặng miễn phí cho các bà mẹ có con mắc hội chứng này.

Năm 2017 và 2018, cô hai lần đạt giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo". Năm 2018, cô nhận huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo" và đoạt giải nhất chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục".

789.vn phát triển hệ sinh thái dạy học, kiểm tra trực tuyến 789.vn phát triển hệ sinh thái dạy học, kiểm tra trực tuyến

789.vn đã tích hợp thêm Google Meet vào nền tảng của mình. Cho phép giáo viên đặt lịch dạy online hàng tuần, hay tự động thông báo lịch học cho học sinh qua email/ SMS.

HÀ THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên