12/01/2015 11:05 GMT+7

Giáo viên còn nhiều thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Ông Dương Đình Đông - hiệu trưởng Trường THPT Ninh Hải (Ninh Thuận) - cho biết hiện hầu hết giáo viên rất mơ hồ về đề thi nên khó ôn tập tốt cho học sinh.

Thầy Phạm Văn Hồng (phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long) đặt câu hỏi cho ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 11-1 - Ảnh: Như Hùng

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 dành cho giáo viên hướng nghiệp là cơ hội để các thầy cô cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.

Chính các thầy cô là những cánh tay nối dài của Bộ GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ để chuyển tải những thông tin chính xác nhất, nhanh nhất tới học sinh

TS Hà Hữu Phúc (vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM)

500 thầy cô là lãnh đạo sở GD-ĐT, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên phụ trách hướng nghiệp có mặt tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 dành cho giáo viên hướng nghiệp. 

Chương trình do ĐH Quốc gia TP.HCM, Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 11-1.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho hay trong số thầy cô tham dự chương trình có nhiều thầy cô đến từ những địa phương vùng sâu vùng xa các tỉnh thành từ Quảng Nam đến Cà Mau.

Đáng chú ý hầu hết giáo viên đến với chương trình đều mang theo hàng loạt thắc mắc của học trò chủ yếu về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển ĐH, CĐ năm nay.

Nhiều cơ hội trúng tuyển hơn

Mở đầu buổi tập huấn, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, thông tin đến giáo viên về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015.

Mặc dù năm nay là năm đầu tiên học sinh phải thi “kỳ thi 2 trong 1” vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nhưng nhìn chung hai dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay về cơ bản kế thừa hoàn toàn quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh hệ chính quy năm 2014.

“Chỉ có điểm thay đổi quan trọng là năm nay, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, học sinh mới đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ" - ông Nghĩa nói.

Hiện nay hơn 400 trường ĐH, CĐ cả nước sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, kể cả các trường tuyển sinh riêng cũng sử dụng một phần kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và một phần xét tuyển theo học bạ.

Như vậy học sinh có nhiều cơ hội so với năm trước để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Mặc dù đến tháng 8-2015 thí sinh mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ nhưng ngay từ bây giờ học sinh cần định hướng học ngành nào, trường nào mới có thể đăng ký dự thi được. 

Theo ông Nghĩa, về chính sách ưu tiên, thí sinh phải khai ngay từ lúc đăng ký dự thi.

Thí sinh phải chịu trách nhiệm về những thông tin này, nếu khai sai các trường kiểm tra lại sẽ buộc thôi học.

Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả thông tin về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 vẫn chỉ là dự thảo.

“Dự kiến đầu tháng 2-2015 mới có quy chế chính thức” - ông Nghĩa lưu ý.

Với thắc mắc về cách thức xét tuyển ĐH, CĐ của cô Huỳnh Thị Hoàng Diệu - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận), PGS.TS Trần Văn Nghĩa tư vấn năm nay việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sẽ được thực hiện sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, vì vậy thông tin đầu tiên thí sinh cần dự đoán là điểm chuẩn vào từng ngành.

Thí sinh có thể xem lại điểm chuẩn của những năm trước để có thể quyết định chọn ngành phù hợp với số điểm của mình.

“Mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được đăng ký vào một trường với bốn nguyện vọng. Trong quá trình xét tuyển các trường phải công khai thông tin số lượng đăng ký, nếu thấy khả năng không trúng tuyển thí sinh cần rút lại hồ sơ để nộp sang trường khác" - ông Nghĩa hướng dẫn.

Ông Nghĩa cũng tư vấn thêm: "Thầy cô cần căn dặn học sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký xét tuyển, tính toán cẩn thận chọn ngành phù hợp với điểm của mình để cố gắng làm sao trúng tuyển ngay đợt đầu tiên”.

Đặc biệt quan tâm đề thi

Đến với buổi tập huấn, ThS Nguyễn Đình Phùng - hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (An Giang) - cho biết đề thi là vấn đề cả thầy trò của trường này đặc biệt quan tâm.

“Nếu chỉ nói đề thi nằm tại chương trình THPT và chủ yếu ở lớp 12 là chưa rõ" - ông Phùng nói.

Ông Phùng ví dụ đề thi toán THPT năm 2014 thì học sinh trung bình có thể làm được 6 điểm, nhưng với đề thi toán khối A ĐH, em này chỉ  có thể làm được 4 điểm.

"Những thông tin của các chuyên gia Bộ GD-ĐT đối với học sinh và giáo viên trực tiếp giảng dạy cần phải có giải thích rõ hơn” - ông Phùng đề nghị.

Tương tự, ông Dương Đình Đông - hiệu trưởng Trường THPT Ninh Hải (Ninh Thuận) - cho biết hiện hầu hết giáo viên rất mơ hồ về đề thi năm nay nên không thể tổ chức ôn tập tốt cho học sinh.

“Năm ngoái có hai kỳ thi khác nhau, năm nay chỉ còn một, Bộ GD-ĐT nói đề thi giống năm ngoái là giống thế nào? Đây là vấn đề giáo viên, học sinh và cả phụ huynh đều rất quan tâm” - ông Đông nói.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa chia sẻ đề thi sẽ có hai nhóm câu hỏi khác nhau, một nhóm giống như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 để học sinh có học lực trung bình có thể tốt nghiệp được, nhóm thứ hai các câu hỏi khó để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thời gian thi môn tự luận 180 phút và đề thi môn trắc nghiệm 90 phút.

Theo ông Nghĩa, với cấu trúc đề thi như thế học sinh có học lực trung bình khá hoàn toàn có thể trúng tuyển vào các trường ĐH tốp dưới. Hướng ra đề sẽ tiếp tục ra theo hướng mở như năm 2014, đối với các môn khoa học xã hội giảm yêu cầu thí sinh thuộc lòng mà cho sẵn dữ liệu.

Các môn khoa học tự nhiên, đề thi yêu cầu thí sinh xử lý những vấn đề thực tế và tăng cường đánh giá khả năng vận dụng của thí sinh.

Ông Phạm Văn Hồng - phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long - cho biết: đến nay giáo viên, phụ huynh và học sinh ở Vĩnh Long còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng.

Ông Hồng đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành những thông tin mang tính pháp lý để các sở GD-ĐT nắm bắt, tư vấn cho học sinh.

Ông Trần Đức Toàn - hiệu phó Trường THPT Long Thạnh (Kiên Giang) - thắc mắc năm học này sẽ kéo dài hơn mọi năm một tháng, khung chương trình năm học hết từ đầu tháng 6-2015. Bộ GD-ĐT có hướng chỉ đạo hoạt động dạy và học ra sao, học sinh tự ôn tập ở nhà hay đến trường và khi trường tổ chức ôn tập có thu phí học sinh?

Trả lời câu hỏi này, ông Nghĩa cho biết việc quyết định dời thi sau một tháng để thí sinh có thêm thời gian ôn thi, Bộ GD-ĐT đang bàn thảo để có hướng dẫn cụ thể cho các sở GD-ĐT.

Giáo viên hướng nghiệp chưa được đào tạo

Nhìn nhận về thực tế công tác hướng nghiệp, TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết giáo dục hướng nghiệp ở phổ thông hiện nay là giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm phụ trách hướng nghiệp và phần lớn giáo viên làm công tác hướng nghiệp chưa được đào tạo lĩnh vực này.

Trong khi đó, công cụ hỗ trợ trong hoạt động hướng nghiệp học sinh vẫn còn hạn chế.

Chính vì vậy nhiều giáo viên tỏ ra rất quan tâm và ghi chép khá cẩn thận những thông tin tại buổi tập huấn từ TS Lê Thị Thanh Mai.

Cầm trên tay cuốn sổ tay hướng nghiệp dày gần 80 trang nhiều giáo viên say sưa đọc.

“Nhờ những thông tin này tôi mới nhận ra được rằng việc định hướng cho học sinh tự hướng nghiệp là rất quan trọng. Với những thông tin từ sổ tay hướng nghiệp này, hi vọng chúng tôi sẽ có thể tư vấn cho học sinh hiệu quả hơn” - một giáo viên chia sẻ.

 

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên