
Đường Rừng Sác huyện Cần Giờ - Ảnh: PHƯƠNG NHI
TP.HCM đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi giao thông xanh, với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Vingroup và các sở ban ngành. Trong cuộc họp ngày 16-4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được nhấn mạnh việc triển khai giao thông xanh tại Cần Giờ và Côn Đảo nhằm phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Kế hoạch này bao gồm việc lắp đặt trạm sạc và chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, hướng tới một TP.HCM xanh hơn.
Côn Đảo, Cần Giờ sẽ phủ giao thông xanh
Theo Chủ tịch TP.HCM, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, đồng thời cũng là nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước giao cho các địa phương triển khai. Đây cũng là động lực mới để phát triển TP.HCM hiện tại và tương lai.
Đánh giá cao những hiến kế, đề xuất từ Vingroup nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, ông Được cho rằng khối lượng công việc sắp tới là rất lớn, trong khi thời gian không còn nhiều. Vì vậy, các sở ban ngành cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh chóng để đạt hiệu quả cao.
"Cái gì đã trúng, đã đúng, có lợi cho người dân thì phải làm ngay. Tinh thần là tối giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Ví dụ như việc lắp đặt trạm sạc, các vị trí như siêu thị, chung cư, cao ốc, khu vực công cộng... chỗ nào thuận tiện, đảm bảo quy định thì triển khai ngay để phục vụ người dân", ông Được nói.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Trường đại học VinUni hỗ trợ xây dựng đề án chuyển đổi xanh cho TP.
Đồng thời giao Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Các sở ngành liên quan rà soát, xác định các lĩnh vực cần ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động, với đầu mối là Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Về phạm vi đề án, ông Được đề nghị nghiên cứu theo quy mô thành phố mới, đô thị mới. Trên tinh thần TP.HCM là lõi trung tâm, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là các đô thị vệ tinh.
Gợi ý cụ thể về giao thông xanh ở một số khu vực, Chủ tịch TP cho rằng có thể triển khai mô hình giao thông xanh, phủ sóng 100% xe điện tại Cần Giờ và Côn Đảo. Cần Giờ là lá phổi xanh của TP, được định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái. Còn Côn Đảo cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng, có diện tích nhỏ, rất thuận lợi để triển khai giao thông xanh toàn diện, ông nói.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được đề nghị Vingroup nghiên cứu phương án tổng thể về giao thông xanh riêng cho hai khu vực này. Đối với lĩnh vực giao thông xanh, Sở Giao thông công chánh TP sẽ làm đầu mối phối hợp triển khai.
Bên cạnh đó, TP cũng đề nghị Vingroup hỗ trợ xây dựng hệ thống quan trắc không khí tự động, theo dõi và cảnh báo tình trạng ngập nước, nhiệt độ, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của TP.
"Dữ liệu này sẽ được tích hợp vào các bảng thông tin tại hệ thống giao thông công cộng, như xe buýt, để cung cấp cho người dân - tương tự như các bản tin thời tiết", ông Được gợi ý.
Bà Lê Thị Thu Thủy - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - cho biết với chủ trương vì tương lai xanh, phát triển xanh, thời gian qua tập đoàn đã và đang nỗ lực, đồng hành cùng chủ trương của Chính phủ về thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
"Chuyển đổi xanh là công cuộc chuyển từ cái cũ sang cái mới, rất vất vả và tốn kém. Trong phạm vi có thể làm được, Tập đoàn Vingroup luôn sẵn sàng để hỗ trợ TP, đồng thời cũng mong sở ban ngành TP hỗ trợ để quá trình chuyển đổi xanh được thực hiện nhanh và hiệu quả", bà Thủy nói và cho biết từ các đầu mối đã được Chủ tịch UBND TP giao, tập đoàn sẽ xây dựng kế hoạch và bắt tay triển khai nghiên cứu.
Sẽ thuận lợi triển khai giao thông xanh ở TP.HCM mở rộng
Theo đánh giá của các chuyên gia và các doanh nghiệp, hiện nay TP đã và đang có các cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai, phát triển giao thông xanh. Trong đó, nghị quyết 98 của Quốc hội cũng đã có cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân dùng xe sử dụng năng lượng sạch và phân vùng một số khu vực để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.
Khi TP.HCM mở rộng được hình thành, các cơ chế, chính sách này có thể áp dụng mở rộng cho các đô thị mới tại các khu vực Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về tiến trình triển khai, ở giai đoạn 1, Sở Giao thông công chánh TP.HCM hiện đã hoàn thiện đề án với các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện.
Điểm nổi bật của đề án là chính sách cho vay vốn 85%, đơn vị vận tải chỉ trả lãi suất theo mức cố định là 3%/năm trong vòng 7 năm. Đây được xem là hỗ trợ tốt nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xe buýt tại TP.HCM.
Để hạ tầng trạm sạc đi trước một bước, Sở Giao thông công chánh cũng đang hoàn thiện tiêu chí trạm sạc, rà soát các vị trí có thể lắp đặt.
Đồng thời, đề án cũng đã đề xuất bố trí vốn đầu tư công và có các chính sách hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phủ kín các bến bãi, depot xe buýt và các bến xe khách.
Ở giai đoạn 2, TP sẽ triển khai nghiên cứu chuyển đổi các loại phương tiện giao thông đường bộ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình thực hiện chuyển đổi, các giải pháp phân vùng khí thải, ví dụ như Cần Giờ và một số khu vực trung tâm.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đang triển khai đấu thầu tư vấn xây dựng đề án, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 3-2025.
"Như vậy trong năm nay, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển xe buýt điện, trạm sạc của TP.HCM sẽ được ban hành. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của TP, Sở Giao thông công chánh cũng đang nghiên cứu, đánh giá mở rộng phạm vi đề án trên cơ sở quy mô thành phố mới.
Việc nghiên cứu mở rộng phạm vi đề án sẽ giúp công tác triển khai giao thông xanh được thông suốt, thuận lợi sau khi hoàn thành sáp nhập các tỉnh thành", ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận