19/07/2024 23:07 GMT+7

Giáo sư Hà Minh Đức kể về cựu sinh viên Nguyễn Phú Trọng: 'Trước sau vẫn là học trò của các thầy'

Ở tuổi 90, giáo sư Hà Minh Đức vẫn rất minh mẫn, nhắc lại những ấn tượng về người học trò Nguyễn Phú Trọng, nam sinh viên khoa văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy...

Giáo sư Hà Minh Đức bồi hồi xem lại tấm ảnh chụp cùng học trò cũ Nguyễn Phú Trọng trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam - Ảnh: PHẠM TUẤN

Giáo sư Hà Minh Đức bồi hồi xem lại tấm ảnh chụp cùng học trò cũ Nguyễn Phú Trọng trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam - Ảnh: PHẠM TUẤN

Theo thông tin chiều 19-7 từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần vào 13h38 ngày 19-7-2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nghe tin Tổng bí thư, "học trò Nguyễn Phú Trọng" từ trần, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giáo sư Hà Minh Đức cho biết ông rất buồn, đau xót.

Giáo sư Đức nói: "Sự ra đi của ông Trọng là một tổn thất lớn cho đất nước, nhân dân Việt Nam".

Sau đây là những chia sẻ của giáo sư Hà Minh Đức về người học trò xuất sắc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Lớp K8 (khóa 1963 - 1967), khoa văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội là một lớp rất đặc biệt. Tôi là chủ nhiệm lớp 4 năm.

Lớp K8 có khoảng 100 sinh viên, là lớp học nổi tiếng nhất của khoa văn ngày ấy, bởi có nhiều cá tính đặc sắc, trong đó có nhiều sinh viên làm thơ, viết văn, có những sinh viên từ nước ngoài về học.

Sinh viên Nguyễn Phú Trọng ngày ấy, tôi quan sát rất ít nói, lặng lẽ, chăm chỉ học.

Ông Trọng luôn cố gắng làm sao để trong thời gian ấy tích lũy được nhiều kiến thức nhất. Khi tốt nghiệp, ông Trọng làm đề tài khóa luận ảnh hưởng của thơ dân gian đến thơ Tố Hữu, việc chọn lựa này có ý nghĩa vì thơ Tố Hữu nói nhiều về cách mạng, vấn đề dân tộc.

Lớp K8 khoa văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều giảng viên tham gia giảng dạy, trong đó các giảng viên dạy nhiều là thầy Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Kim Đính, Lê Hồng Sâm. Còn tôi chủ yếu dạy lý luận văn học và môn Mác, Ăngghen, Lênin và văn học nghệ thuật.

Tháng 7-2023, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, ông Trọng (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) có đến dự, tôi cũng đến sự kiện đó. Trên đường ông Trọng vào hội trường, mọi người đứng ra để đón thì ông Trọng thấy tôi, liền ôm vai tôi và nói: "Thầy trò ta lại gặp nhau".

Khi ra trường, năm 2022, lớp Văn K8 có tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày ra trường và mời ông Nguyễn Phú Trọng tham dự, ông ấy rất hoan nghênh.

Sự kiện hôm đó tổ chức tại báo Nhân Dân (phố Hàng Trống) và tôi cũng trực tiếp tham gia. Sinh viên tụ họp về rất đông, tôi nhớ ít nhất có tới 50 - 60 anh trở về, quy tụ dưới gốc đa trong khuôn viên của báo Nhân Dân, mọi người ngồi ở đó mát lắm.

Mọi người ngồi chờ thì một lúc ông Nguyễn Phú Trọng tới, lúc đó tôi ngồi ở ghế hàng đầu cạnh gốc đa. Tôi đứng lên thì Tổng bí thư đỡ tay tôi và mời tôi ngồi xuống: "Thầy vẫn thế".

Rồi sau đó, ông Trọng đi bắt tay, chào hỏi mọi người trong lớp. Khi Tổng bí thư đang đi chào hỏi thì tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa nói vọng lại: Có nhớ Trịnh Hồ Khoa nữa không?

Ngay lập tức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến lại và ôm lấy anh Hồ Khoa, lúc đấy anh Khoa phải chống gậy, già yếu lắm rồi.

Cô Hồ Hoa giơ tay lên chào ông Nguyễn Phú Trọng: Hồ Hoa đây. Cô Minh Mẫn, cô Hoàng nhà ở Hàng Đào, rồi mấy anh bạn nam cũng giơ tay lên chào bạn cũ…

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhớ hết từng người trong lớp, không quên một ai. Không những nhớ mà còn lại bắt tay, vỗ vai, rất chân tình…

Hôm đó là một ngày quá đẹp, sau này tôi viết một bài trong cuốn sách của tôi để tả lại cuộc gặp đấy. Dịp gặp gỡ, họp lớp cũng nhân sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng lần thứ 3 được bầu làm Tổng bí thư, đó là một vinh dự cho Trường đại học Tổng hợp, cho lớp Văn K8.

Hôm đó, phát biểu trước các học trò, tôi nói đồng chí Nguyễn Phú Trọng có được vị trí cao đẹp ấy là nhờ bốn yếu tố: một là trí tuệ, hai là tài năng, ba là bản lĩnh, bốn là đạo đức.

Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có phát biểu ngắn gọn mấy câu:

"Tôi cảm ơn giáo sư Hà Minh Đức đã phát biểu những ý kiến minh mẫn, chuẩn mực đến từng câu từng chữ. Trước sau tôi vẫn là học trò của các thầy, là bạn thân của các anh chị của lớp. Năm tháng trôi qua như lời tôi phát biểu ở buổi gặp mặt lần thứ nhất năm 2012 như một đám mây sẽ qua đi, cái còn lại là tình bạn bè, tình bằng hữu".

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà văn Hà Minh Đức thuộc thế hệ giảng viên đầu tiên của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng: chủ nhiệm khoa báo chí (nay là Viện Đào tạo báo chí và truyền thông), Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; viện trưởng Viện Văn học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; thành viên Ủy ban Giáo dục toàn quốc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mếnTổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến

Đảng, Nhà nước đã trang trọng tổ chức trao Huân chương Sao vàng tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, để ghi nhận những công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên