08/08/2018 11:49 GMT+7

Giáo sư Friedman và câu chuyện truyền 'lửa' đam mê khoa học

DUY THANH
DUY THANH

TTO - “Muốn nghiên cứu khoa học thành công cần tố chất gì ư? Rất đơn giản. Bạn hãy luôn tò mò và đam mê!” - GS Jerome Friedman (Mỹ, Nobel vật lý năm 1990) nói như vậy với các học sinh xuất sắc của Việt Nam.

Giáo sư Friedman và câu chuyện truyền lửa đam mê khoa học - Ảnh 1.

Giáo sư Jerome Friedman trò chuyện với các học sinh xuất sắc của Việt Nam - Ảnh: DUY THANH

Sáng 7-8, trong khuôn khổ của chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn, Bình Định), một cuộc giao lưu kéo dài hơn ba giờ được tổ chức giữa 28 học sinh Việt Nam đoạt huy chương Olympic châu Á và quốc tế với giáo sư (GS) J. Friedman và GS Đàm Thanh Sơn (gốc Việt, đang nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Chicago, Mỹ).

Bạn tin đi, cứ sống trọn với đam mê của mình, càng khó khăn thì bạn càng nhận được nhiều giúp đỡ

"Lửa" từ chuyện đời khoa học

Cuộc giao lưu bắt đầu từ câu chuyện kể về "đời nghiên cứu" của GS. Friedman.

Ông vốn là người mê hội họa, muốn trở thành họa sĩ, nên thời phổ thông không quan tâm nhiều đến toán hay vật lý. Nhưng hè năm lớp 11, Friedman đến thăm Bảo tàng khoa học Chicago và thấy cuốn sách Thuyết tương đối của Einstein.

"Tôi cố đọc nhưng không hiểu hết nội dung cuốn sách. Tôi dành cả mùa hè để đọc đi đọc lại và thấy quá tò mò với những vấn đề... không hiểu nổi trong ấy. Tôi nghĩ tại sao mình không tìm cách để hiểu nó? Tôi mê vật lý từ ấy.

Tôi từ chối một học bổng vào ĐH mỹ thuật để vào ĐH Chicago với mong muốn khám phá những điều khó hiểu về vật lý mà mình tò mò ấy" - vị GS 88 tuổi nhớ lại.

Friedman nói rằng càng học ông càng thấy vật lý quá khó, nhưng càng khó thì lại càng hứng thú. "Trong tôi không bao giờ có hai chữ "từ bỏ". Tôi "bí" tôi càng cố tìm cách để giải quyết" - GS đoạt giải Nobel vật lý năm 1990 thổ lộ.

Ông tìm đến GS Enrico Fermi, một tên tuổi rất lớn về lĩnh vực vật lý, và nói rằng: liệu ông không phải là học sinh giỏi nhất có thể làm học trò của người thầy giỏi nhất không. "GS Fermi đáp: "Đương nhiên, thứ hai tuần tới em lại gặp tôi". Đó là điều may mắn rất lớn" - Friedman nói.

GS Friedman học được ở người thầy lớn việc nghiên cứu từ cơ bản đến chuyên sâu. Nhưng không may, trong quá trình ông làm luận án tiến sĩ thì GS Fermi qua đời vì bệnh ung thư.

Friedman đã mang đề tài "Giả thuyết về sự phá vỡ đối xứng phải trái" mà ông nghiên cứu 2 năm nhờ nhiều GS khác trong trường giúp đỡ, hướng dẫn nhưng chỉ nhận được lời khuyên là không nên mất thời gian với đề tài "điên rồ" như vậy.

Không có thầy hướng dẫn, Friedman tự mày mò nghiên cứu và cuối cùng luận án của ông cũng được đăng báo, ông nhận được bằng tiến sĩ.

Về sau, khi cùng với hai đồng nghiệp Kendall và Taylor ở Trung tâm nghiên cứu Stanford thực hiện nghiên cứu "Tán xạ không đàn hồi trên hạt proton", GS Friedman cũng được nhiều nhà nghiên cứu lớn tuổi, đi trước khuyên là nên từ bỏ vì "ý tưởng điên rồ".

"Chúng tôi thậm chí không được người ta cho sử dụng máy móc để làm thí nghiệm" - ông kể.

Tuy nhiên, ông và hai đồng nghiệp quyết định không làm theo lời nhiều nhà khoa học đàn anh, mà vẫn tiếp tục nghiên cứu để cuối cùng khẳng định rằng các proton có một cấu trúc bên trong, sau này được biết là hạt qark.

Đây chính là công trình đã đem lại giải Nobel vật lý cho Friedman và hai đồng nghiệp vào năm 1990.

Tương tự, GS Đàm Thanh Sơn nói rằng ông đoạt huy chương vàng Olympic toán thế giới năm 1984 vì rất đam mê toán học, nhưng sau đó lại nhìn thấy có rất nhiều cảm hứng và bị hấp dẫn bởi vật lý nên đã chọn lĩnh vực này để nghiên cứu.

"Như GS Friedman, tôi cũng may mắn gặp được người thầy rất nổi tiếng là GS Valery Rubakov và được ông hướng dẫn tận tình. Sau thời gian nghiên cứu ở Nga, tôi qua Mỹ và cũng gặp được một thầy giỏi nữa để theo học.

Mình có đam mê, thích khám phá, gặp được thầy giỏi nữa thì nghiên cứu rất hứng thú" - GS Sơn chia sẻ.

Giáo sư Friedman và câu chuyện truyền lửa đam mê khoa học - Ảnh 3.

GS Friedman cùng GS Đàm Thanh Sơn và các học sinh xuất sắc Việt Nam bên cây lưu niệm mang tên GS Friedman trong vườn Nobel ở ICISE - Ảnh: DUY THANH

Phải luôn tò mò và đam mê

Bạn Nguyễn Ngọc Long (HCV Olympic vật lý châu Á 2018) đặt câu hỏi: "Phẩm chất mà nhà nghiên cứu khoa học cần có là gì?". GS Friedman trả lời ngay: "Rất đơn giản. Đó là phải luôn tò mò và đam mê".

Khi bạn Nguyễn Phương Thảo (HCV Olympic sinh học quốc tế 2017, 2018) hỏi: "Làm thế nào để nuôi đam mê nghiên cứu khoa học, nhất là khi có nhiều khó khăn trên quãng đường dài nghiên cứu có thể khiến mình chán nản?". GS Friedman nói rằng nghiên cứu khoa học là công việc tuyệt vời nhất của cuộc đời.

"Mình tò mò nên tìm cách hóa giải. Dù không tìm ra được lời giải thì vẫn phải cố tìm, nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy không biết là có tìm ra được kết quả không, nhưng hãy nỗ lực, đừng từ bỏ.

Hãy nghĩ mình là người đầu tiên của thế giới này tìm ra một câu trả lời mà trước đó chưa ai nghĩ ra được thì đó chính là động lực để bạn đam mê và dành hết đời để nghiên cứu khoa học" - GS Friedman nói.

Một số bạn đặt câu hỏi về kinh nghiệm giải quyết khó khăn trong nghiên cứu khoa học, có phải nhờ đến may mắn thì nghiên cứu mới thành công hay không... GS Friedman nói rằng nghiên cứu khoa học là luôn đối mặt với khó khăn, nhưng người làm nghiên cứu đừng chùn bước.

"Như tôi đã kể, tôi có hai nghiên cứu được biết đến thì cái nào cũng bị các GS, nhà nghiên cứu đi trước bảo là "phí thời gian", "điên rồ". Nhưng vì tôi muốn mình phải đi tìm lời giải cho bằng được và cuối cùng đã thành công.

Bạn tin đi, cứ sống trọn với đam mê của mình, càng khó khăn thì bạn càng nhận được nhiều giúp đỡ. Đương nhiên, bạn cũng cần phải có may mắn chứ" - ông nhắn nhủ.

Chia sẻ với các bạn trẻ, GS Đàm Thanh Sơn cũng nói rằng ông có chung suy nghĩ với GS Friedman là tố chất của người nghiên cứu khoa học là luôn tìm tòi và giữ được lửa đam mê.

Bạn Nguyễn Văn Thành Lợi (HCV Olympic vật lý châu Á 2018) đặt vấn đề trong vật lý nên chọn nghiên cứu đa ngành, đa mảng hay nghiên cứu chuyên sâu.

GS Sơn đáp: "Linh cảm về công trình nghiên cứu trong vật lý không đến từ những đề tài hẹp, mà đến từ các mảng khác. Với vật lý, để nghiên cứu sâu và hiệu quả thì phải biết kiến thức càng rộng càng tốt.

Không loại trừ ngay từ đầu bạn có hứng thú với một nghiên cứu hẹp, nhưng thường nhiều người ban đầu cứ học và không quan tâm đến lĩnh vực nào, đến khi họ tìm được một hứng thú đặc biệt đối với vấn đề gì đấy thì tự nhiên nghiên cứu chuyên sâu".

Giáo sư Friedman và câu chuyện truyền lửa đam mê khoa học - Ảnh 4.

Một học sinh trong đội tuyển toán quốc tế của Việt Nam đặt câu hỏi với GS J. Friedman - Ảnh: DUY THANH

Hãy thông thạo tiếng Anh

GS Friedman nói rằng ông ngạc nhiên khi thấy một số bạn tham dự cuộc giao lưu hỏi ông bằng tiếng Anh rất "sõi".

"Tiếng Anh bây giờ là ngôn ngữ quốc tế thông dụng. Người nghiên cứu khoa học muốn giao lưu với thế giới thì phải giỏi tiếng Anh, phải trò chuyện, trao đổi, thảo luận, tranh luận với các nhà khoa học quốc tế.

Do vậy, bên cạnh việc học tập giỏi về lĩnh vực mình đam mê, các bạn trẻ VN nên dành thời gian để học giỏi tiếng Anh" - ông khuyên nhủ.

TRẦN THỊ MINH ANH (HCV Olympic sinh học quốc tế 2018):

Câu chuyện của GS Friedman giúp tôi mạnh mẽ

Tôi háo hức chờ đợi được gặp gỡ những nhà khoa học hàng đầu như GS Friedman, GS Đàm Thanh Sơn. Họ là những tên tuổi lớn mà tôi đã biết nhiều qua sách báo, nhưng chưa bao giờ có cơ hội được gặp, được nói chuyện trực tiếp với các thầy.

Dù rằng lĩnh vực mà tôi đam mê là sinh học, không phải là môn vật lý như của hai nhà khoa học này, nhưng câu chuyện mà GS Friedman nói là "chuyện đời khoa học" và những lời khuyên của ông đã tạo cho tôi và nhiều bạn bè một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ để tiếp tục bước đi trên con đường nghiên cứu khoa học mênh mông của nhân loại.

Tôi ấn tượng nhất là việc GS Friedman nói rằng ông "được" nhiều GS, nhà khoa học đi trước khuyên can không nên nghiên cứu hai công trình khoa học mà họ cho là "điên rồ", "phí thời gian".

Khi đó ông là một nhà nghiên cứu trẻ, nhưng đã không nản chí khi đàn anh khuyên, thậm chí chế nhạo như vậy mà ông vẫn tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức bằng một niềm đam mê vô biên, bằng "một chút bướng bỉnh" trong nghiên cứu như ông nói, để rồi sau đó đã gặt được thành công rực rỡ, trở thành những công trình nghiên cứu của nhân loại.

Đó là kinh nghiệm, là bài học rất lớn mà tôi có được ngày hôm nay, bởi thường những người trẻ tuổi hay làm theo ý người lớn, người đi trước để rồi có tâm lý làm theo, bỏ luôn những ý tưởng nghiên cứu khoa học tốt đẹp mà mình vừa nghĩ đến.

Tôi đã được ông tiếp thêm sức mạnh để suy nghĩ độc lập, riêng mình, để mong trong tương lai có thể nghiên cứu một công trình khoa học "điên rồ" nào đó kiểu như ông vậy...

QUỐC KHƯƠNG ghi

Khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học

458578c8

TS Sái Công Hồng - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - đánh giá cao ý tưởng của GS Trần Thanh Vân và Hội Gặp gỡ VN để có được cuộc giao lưu giữa những học sinh xuất sắc VN với các nhà khoa học hàng đầu thế giới lần này.

"Cuộc giao lưu đã thực sự truyền "lửa", khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong giới trẻ VN. Ngoài ra cũng gửi một thông điệp là dù nghiên cứu trong hay ngoài nước thì các nhà khoa học VN luôn hướng về quê hương" - ông Hồng nói.

"Hãy luôn nghĩ phụng sự Tổ quốc"

Bạn Nguyễn Văn Chí Nguyên (đội tuyển Olympic hóa học quốc tế 2018) hỏi: "Nghiên cứu thì học ở nước ngoài hay trong nước tốt hơn?".

GS Đàm Thanh Sơn nói rằng hiện nay các trường ĐH ở VN đã có môi trường nghiên cứu khoa học tốt hơn trước nhiều, nhưng nếu có điều kiện thì nên ra nước ngoài nghiên cứu hoặc kết nối với các nhà khoa học lớn thế giới.

"Ở nước ngoài bạn có cách tiếp cận nghiên cứu khác hơn, phương tiện và điều kiện nghiên cứu cũng tốt hơn" - ông nói.

Là người đã ra nước ngoài nghiên cứu khoa học từ năm 16 tuổi và gần 10 năm nay đã về nước thành lập ICISE để "hút" các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến VN, GS Trần Thanh Vân đồng ý với suy nghĩ của GS Sơn là nghiên cứu khoa học ở nước ngoài sẽ giúp các tài năng trẻ của VN thành công nhanh hơn, tiếng vang lớn hơn.

"Nhưng tôi muốn nói rằng nghiên cứu khoa học - dù trong nước hay nước ngoài - thì các em phải luôn có một tư tưởng: vì khoa học và phụng sự Tổ quốc VN trong 10 hoặc 20 năm sau" - ông khuyên.

Sau buổi giao lưu, nhiều bạn trẻ còn vây quanh các GS để hỏi thêm, trò chuyện thêm những vấn đề mà các bạn còn thắc mắc.

Bạn Nguyễn Phương Thảo nói: "Cuộc giao lưu thật tuyệt vời. Mình đã chọn con đường nghiên cứu khoa học, hôm nay được các thầy tiếp thêm "lửa" tinh thần, ý chí, tư duy... nên càng quyết tâm".

Bạn Hoàng Xuân Nhật (HCB Olympic tin học châu Á 2018) thổ lộ: "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có cơ hội được gặp gỡ và được những GS nổi tiếng thế giới giải đáp các thắc mắc về nghiên cứu khoa học.

Trước đây tôi cũng lừng khừng giữa chọn việc học để đi làm hay nghiên cứu khoa học, nhưng cuộc gặp gỡ này đã tiếp cho tôi ý chí là phải chọn con đường nghiên cứu".

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên