12/10/2018 14:38 GMT+7

Giáo dục trải nghiệm: Các trường phải chủ động

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Nhiều băn khoăn đã được nêu ra tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 11-10.

Giáo dục trải nghiệm: Các trường phải chủ động - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Minh Đức (quận 1) tham gia tiết học trải nghiệm tại Thảo cầm viên - Ảnh: H.HG.

Có dư luận cho rằng sở độc quyền trong vấn đề này nhưng thực tế hoàn toàn không phải như thế. Sở mong muốn các trường sáng tạo và tự chủ trong hoạt động này.

Ông Nguyễn Văn Hiếu

Mới đây, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn về thực hiện chương trình "Tiết học ngoài nhà trường" năm học 2018-2019. 

Theo đó, sở sẽ triển khai ba chương trình học tập trải nghiệm trong năm học. Thứ nhất là tiết học ngoài nhà trường tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Thứ hai là chương trình trải nghiệm và ngoại khóa tại khu sinh thái Về quê - Củ Chi. 

Thứ ba là chương trình học tập trải nghiệm "Nông nghiệp 4.0", phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi.

Phụ thuộc vào công ty đối tác?

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hậu - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, quận 8 - nêu ý kiến: "Phía công ty đối tác (phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm - PV) vẫn còn một số nhược điểm, đề nghị Sở GD-ĐT khi thẩm định các đơn vị đối tác tổ chức hoạt động trải nghiệm thẩm định luôn nhân viên hướng dẫn - thuyết minh. Ngoài ba đơn vị mà sở đã giới thiệu, nên giới thiệu thêm nhiều đơn vị nữa để các trường lựa chọn".

Bà Đặng Thị Thúy Ái - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10 - cũng băn khoăn: "Nhà trường rất khó khăn trong việc chọn lựa đơn vị đối tác để thực hiện tiết dạy trải nghiệm vì lo lắng có thể họ dạy chưa đúng kiến thức, họ lồng quảng cáo vào chương trình". 

Ngay lập tức, cả hội trường xôn xao: "Nói như vậy thì hiệu quả của tiết dạy trải nghiệm phụ thuộc vào công ty đối tác hay sao?".

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn - cho rằng: "Khi thực hiện tiết dạy theo hướng trải nghiệm, nhiều học sinh cứ nghĩ là được đi chơi. Khi được biết đó là những tiết học ngoài nhà trường, các em tỏ ra thất vọng. 

Theo tôi, nếu để công ty đối tác tổ chức hoạt động trải nghiệm sẽ không đảm bảo được yêu cầu học tập của học sinh. Nếu giáo viên không giao việc cụ thể cho các em thì hoạt động trải nghiệm chỉ là đi dạo mà thôi. Chưa kể, việc tổ chức cho quá nhiều lớp đi trải nghiệm cùng lúc cũng sẽ khó đạt chất lượng".

Không thể khoán trắng cho công ty

Được Sở GD-ĐT giới thiệu là đơn vị có nhiều kinh nghiệm và đã tổ chức khá thành công các tiết dạy theo hướng trải nghiệm, cô Hoàng Thị Diễm Trang - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Thiện Lý, quận 7 - chia sẻ: 

"Không phải nội dung nào cũng có thể tổ chức cho học sinh trải nghiệm. Chỉ khi đã xác định với bài học đó, nếu cho học sinh trải nghiệm thì các em sẽ tiếp thu bài tốt hơn khi học trong lớp, chúng tôi mới thực hiện. 

Khi triển khai cũng cần phải cụ thể từng giai đoạn: trước khi đi thực địa, học sinh sẽ được cung cấp những kiến thức - kỹ năng gì, trong khi đi các em sẽ được cung cấp những gì, các em sẽ làm việc nhóm ra sao, nhiệm vụ của từng giáo viên như thế nào. 

Sau khi đi thì câu hỏi kiểm tra - đánh giá sẽ như thế nào, thang điểm dành cho bài thu hoạch của cá nhân học sinh là bao nhiêu, thang điểm của bài thu hoạch nhóm, thái độ học sinh khi tham gia".

Theo bà Trang: "Trong quá trình thực hiện, nhà trường phải là người "cầm trịch" tất cả nội dung cũng như phương pháp giảng dạy của hoạt động trải nghiệm. Công ty du lịch chỉ đóng vai trò bảo đảm sự an toàn cho học sinh, lo ăn uống, di chuyển... mà thôi. 

Sau các chuyến đi, chúng tôi sẽ lấy ý kiến phản hồi từ học sinh vì các em chính là đối tượng thụ hưởng, đôi khi người lớn cứ nghĩ như vậy là tốt rồi nhưng học sinh lại không hài lòng".

Ông Lê Duy Tân, trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng định hướng: "Tiết dạy trải nghiệm không thể giao phó cho công ty du lịch mà phải đi từ kiến thức trước, bước tiếp theo mới xem đội ngũ của trường đáp ứng được đến đâu, có cần phối hợp với đơn vị đối tác để hỗ trợ hay không, phối hợp thì họ làm những gì".

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh các trường không thể khoán trắng hoạt động trải nghiệm cho các đơn vị, công ty. Không thể chấp nhận một tiết học đưa ra ngoài nhà trường mà giáo viên - học sinh không biết mục tiêu của nó là gì. 

Sở cũng không thể chấp nhận tiết dạy trải nghiệm mà thất bại. Vì thế, các trường phải xây dựng kế hoạch tiết dạy trải nghiệm trình sở phê duyệt.

"Sở GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức tiết dạy trải nghiệm ở các công trình văn hóa, điểm sản xuất kinh doanh... ở gần trường để không phải tốn quá nhiều thời gian trong việc di chuyển, ảnh hưởng đến các môn học khác.

Thậm chí, tổ chức ở ngay sân trường cũng là một hoạt động trải nghiệm như Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp đã và đang làm rất tốt.

Khi thực hiện, các trường phải thỏa thuận với phụ huynh, vận động tất cả học sinh trong lớp cùng tham gia.

Đối với những học sinh khó khăn cần có phương án hỗ trợ từ mạnh thường quân, từ quỹ khuyến học. Hoặc các trường có thể có phương án khác cho học sinh không thể tham gia để bảo đảm tất cả các em đều được tiếp cận với bài học".

Ông LÊ DUY TÂN

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên