16/05/2017 11:22 GMT+7

Trải nghiệm sáng tạo thế nào cho hiệu quả?

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” là môn học bắt buộc, “được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12” trong nhà trường.

*** Error ***
Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trải nghiệm làm nhân viên tại một siêu thị sau khi đã học các kỹ năng làm việc tại siêu thị - Ảnh do nhà trường cung cấp

Làm thế nào để hoạt động trải nghiệm sáng tạo có hiệu quả? Cô Lê Thu - giáo viên Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội - đã cùng phóng viên Tuổi Trẻ phân tích hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh từ thực tiễn nhà trường.

Dựa trên thực tiễn dạy học

Cô Lê Thu - Ảnh: Vĩnh Hà

 

* Có ý kiến cho rằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo không nên là môn học độc lập, bởi lẽ trải nghiệm cần gắn với môn học. Nhưng cô lại cho rằng đó là ưu điểm...

- Theo quan điểm của tôi, có thể chia “trải nghiệm sáng tạo” ở hai dạng.

Thứ nhất, trải nghiệm trong môn học (thực chất là một hình thức tổ chức dạy học, giúp học sinh biết liên hệ, vận dụng kiến thức môn học vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống).

Thứ hai là dạng các nhà biên soạn chương trình đặt độc lập như tổ chức hoạt động giáo dục. Khi phân chia các loại “trải nghiệm”, người biên soạn chương trình cần làm rõ dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn dạy học.

Nếu cho rằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo chỉ giống như hoạt động ngoài giờ lên lớp trong chương trình hiện hành thì không đúng.

Chính xác là nó có điểm giao thoa. Nhưng cái khác về bản chất là hoạt động ngoài giờ lên lớp đưa ra những nội dung “cứng”, thực hiện theo cách áp đặt từ trên xuống học sinh.

Còn hoạt động trải nghiệm có những “hướng mở”, để phù hợp hơn với điều kiện giáo dục ở nhà trường phổ thông khác nhau.

* Nhiều người cho rằng trải nghiệm sáng tạo là đưa học sinh ra ngoài phạm vi trường như đi tham quan, du lịch...?

- Đó là suy nghĩ chưa đúng. Trên thực tế, nhiều trường không chỉ cho học sinh đi tham quan, du lịch mà còn đưa học sinh đến các di tích văn hóa để “học cùng di sản”.

Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc tham quan, du lịch mà chưa phải “trải nghiệm sáng tạo” - phải có chương trình riêng, đặt ra mục tiêu, các nhiệm vụ mà học sinh cần đạt, có đánh giá theo thang điểm được giáo viên xây dựng...

Để học sinh tham gia xây dựng chương trình

* Nhưng không phải nhà trường nào cũng có điều kiện tổ chức các chuyến đi?

- Trải nghiệm sáng tạo không nhất thiết phải đưa học sinh ra ngoài trường học. Đây là điều mà các nhà soạn thảo chương trình cũng cần làm rõ. Có vô vàn hình thức phong phú có thể cho phép học sinh trải nghiệm ở nhiều cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất chính là sáng tạo.

Như cuối năm trước, các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm đã chọn cách thiết kế phong bao mừng tuổi bán lấy tiền giúp đỡ bệnh nhân ung thư. Các em tự tìm hiểu, thiết kế mẫu, tính toán để giá thành thấp nhất có thể, và có nhiều cách để bán được 1.000 chiếc bao lì xì. Sau khi trừ chi phí còn được một số tiền không nhỏ, để thực hiện mục đích đề ra.

Đó là một cách trải nghiệm không chỉ giúp học sinh có được một số kỹ năng, mà còn giúp các em biết ý nghĩa của sự lao động, sáng tạo khi làm ra sản phẩm...

* Vậy theo cô, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường nên làm thế nào để đạt hiệu quả cao?

- Trước hết, cần phải đánh giá nhu cầu của học sinh để thiết kế hoạt động (khác với chương trình có sẵn, giáo viên và học sinh cứ thế thực hiện). Ở đây, nhà sư phạm phải tìm cách dung hòa được giữa nhu cầu người học và sự định hướng của giáo viên.

Thứ hai là việc học sinh tham gia như thế nào trong tất cả các khâu.

Thứ ba là đánh giá, trong đó phải ưu tiên việc tự đánh giá: học sinh tự đánh giá việc làm của mình, bảo vệ thành quả mình làm được, và học sinh đánh giá chéo đối với học sinh.

Cuối cùng là trong chương trình chỉ nên đề cập tới “chuẩn đầu ra” cho từng cấp học, gợi ý một số nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức, còn nên giao quyền chủ động cho các nhà trường, các giáo viên xây dựng những hoạt động cụ thể phù hợp...tức là tạo ra một làn sóng đổi mới “từ dưới lên”.

* Theo dự thảo, giáo viên phụ trách hoạt động ngoài giờ lên lớp hiện nay sẽ chuyển sang phụ trách hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cô thấy việc này có hợp lý?

- Hoạt động ngoài giờ lên lớp hiện nay đang giao cho giáo viên chủ nhiệm đảm trách. Nếu nói như các nhà soạn thảo chương trình, thì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cũng là những người sẽ phải lo tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo (trừ phần trải nghiệm nằm trong từng môn học).

Như vậy, nếu không được hiểu rõ, không được chuẩn bị, không có cơ chế hợp lý để đội ngũ này tiếp quản nhiệm vụ thì có thể nhìn thấy trước hoạt động trải nghiệm sáng tạo đề ra trong dự thảo cũng sẽ chỉ là phiên bản của hoạt động ngoài giờ lên lớp được thực hiện cầm chừng, hình thức. Nhất là khi khối lượng công việc hiện nay dồn lên giáo viên chủ nhiệm vốn đã quá nặng nề.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận